Tính đa chiều của “giấc mơ Mỹ”
March 15, 2023 . 6:09 PM
https://www.luatkhoa.com/2023/03/tinh-da-chieu-cua-giac-mo-my/?ref=luat-khoa-newsletter
Sau khi Quan Kế Huy - nam diễn viên gốc Á, sinh ra ở
Việt Nam - nhận tượng vàng Oscar 2023, lời chia sẻ xúc động của ông về “giấc mơ
Mỹ” được hai nhóm khác nhau sử dụng cho các diễn ngôn chính trị riêng của họ.
https://www.luatkhoa.com/content/images/size/w1304/2023/03/i1-4.jpg
Quan Kế Huy chia sẻ cảm
nghĩ và nói về “giấc mơ Mỹ” khi nhận giải Oscar cho diễn viên phụ xuất sắc nhất.
Ảnh: Kevin Winter/ Getty Images.
Nhóm đầu tiên ủng hộ nhiệt thành lời phát biểu của Quan Kế Huy về một
giấc mơ Mỹ trọn vẹn, trong tầm tay của người nhập cư. Người viết tuy ủng hộ về
mặt quan điểm nhưng cũng có hơi ngờ vực khoa học về cách tiếp cận này.
Nhóm thứ hai tỏ ra ngạc nhiên, phản đối sự tồn tại của “giấc mơ Mỹ”.
Áp dụng các lý thuyết chống đế quốc/ xã hội chủ nghĩa
(anti-imperialist/ socialist theories), họ cho rằng “giấc mơ Mỹ” chỉ là một chức
năng trình diễn (performative function) của chủ nghĩa tư bản.
Nó không thực chất, không giải quyết tính hệ thống của vấn đề, với mục
tiêu tạo ra một ảo ảnh đại đồng xã hội kiểu Mỹ. Tác giả chia sẻ điều này, đồng
thời cũng ngờ vực cách tiếp cận nói trên.
“Giấc mơ Mỹ” như là một vấn đề kinh tế
Đối với các nhà kinh tế, “giấc mơ Mỹ” là giấc mơ đổi đời, là giấc mơ kiếm
được nhiều tiền hơn.
Vì lý do này, các tổ chức kinh tế như World Economic Forum (WEF) dùng
chỉ số gọi là Upward Social Mobility (tạm dịch là tính cơ động giai cấp/ khả
năng thăng tiến giai cấp). Hiểu đơn giản, chỉ số này xem xét khả năng dịch chuyển
giai tầng xã hội từ thấp lên cao của quốc dân. Cụ thể hơn nữa, họ sẽ đo thu nhập/ khả năng kiếm tiền của con cái so với chính cha mẹ của chúng. [1]
Nếu con cái (giả sử lúc 25 tuổi) kiếm được nhiều tiền hơn cha mẹ (lúc
25 tuổi), các nhà kinh tế học sẽ xác nhận tính “cơ động giai cấp” của xã hội đó
theo lẽ nơi mà các thế hệ sau luôn có thể tích lũy nhiều của cải hơn thế hệ trước.
Kết quả nghiên cứu của WEF cho Hoa Kỳ thứ hạng 27 trong gần 90 nước được
nghiên cứu (tức khá tốt). Họ cũng có những phân tích chi tiết hơn về Hoa Kỳ, từ
đó cho rằng “giấc mơ Mỹ” vẫn còn đó.
Tuy nhiên, họ cũng ghi nhận khả năng con cái vượt thu nhập của cha mẹ
đang dần bị giới hạn.
Ví dụ, có đến gần 95% người sinh ra vào những năm 1940 (the silent
generation) có thu nhập vượt 20% thu nhập của bố mẹ mình. Trong khi chỉ có hơn
50% người sinh ra vào những năm 1980 (Gen X) làm được điều này.
Người viết khó lòng có thể phân tích sâu hơn vấn đề này vì giới hạn
năng lực trong nghiên cứu kinh tế học.
Tuy vậy, cân nhắc tính sản xuất lành mạnh của nền kinh tế Hoa Kỳ (chứ
không dựa vào một nguồn tài nguyên cụ thể nào như Na Uy hay Canada), cơ hội việc
làm cao cho người nhập cư, cơ hội nhập cư đặc biệt cao (khi so với châu Âu) và
thu nhập trung bình của Hoa Kỳ hiện nay (cao hơn cả Đức), cho thấy giấc mơ Mỹ về
kinh tế vẫn là một thực tế mà nhiều người có lý khi họ ủng hộ.
“Giấc mơ Mỹ” như một niềm tin đa sắc tộc
Một nghiên cứu khác người viết nghĩ cũng thú vị không kém là việc chính
bản thân các nhóm sắc tộc ở Hoa Kỳ nghĩ gì về “giấc mơ Mỹ”. Và bất ngờ là một nghiên cứu của Collage Group thực hiện vào năm 2020 cho thấy
đại đa số người Mỹ vẫn tin vào điều này. [2]
Tươi vui và xán lạn nhất là nhóm người Hoa Kỳ gốc Á. Đến 25% khẳng định
mình đã đạt được “giấc mơ Mỹ”, trong khi 55% còn lại tin rằng mình sẽ đạt được
nó trong tương lai.
Ngược lại, nhóm bi quan nhất lại là người… da trắng, với 32% cho rằng
“giấc mơ Mỹ” đã không thể đạt được trong cuộc đời của họ hoặc bất khả thi ngay
từ đầu. Nối gót người da trắng là người Mỹ gốc Phi.
Mặc dù vậy, trên phương diện tổng thể, khảo sát vẫn cho thấy góc nhìn
tích cực của xã hội Mỹ nói chung (73% tràn đầy hy vọng) cũng như từng nhóm sắc tộc
nói riêng vào một tương lai tươi sáng của “giấc mơ Mỹ”.
“Giấc mơ Mỹ” như là một trải nghiệm cá nhân
Bỏ qua những nghiên cứu nói trên, người viết xin kể lại trải nghiệm của
cá nhân mình với cộng đồng người tị nạn tại Anh. Dù trải nghiệm này tất nhiên không
có tính khái quát cao nhưng nó cũng có thể là một góc nhìn đơn lẻ để tham khảo.
Người viết từng sống tại Anh được hai năm. Không gian sống và tầm với
xã hội của người tị nạn Việt Nam tại Anh là không thể so sánh với người Việt ở
Hoa Kỳ.
Về mặt lịch sử, số lượng người Hoa - Việt sang tị nạn ở Anh từ năm 1978
cũng tương đối đáng kể. Con số được công bố nằm ở khoảng từ 20.000 đến 30.000
người. [3] Cho đến nay, người Việt có quốc tịch Anh được ước tính xấp xỉ 60.000
người.
Tuy nhiên, thành tựu của cộng đồng này rất hạn chế.
Ngoại trừ một số nhóm đạt được vị trí quản lý kinh doanh, hoặc có thành
công lớn trong lĩnh vực phân phối, nhà hàng, khách sạn, v.v. người Việt tị nạn ở
Anh rất trắc trở khi tham gia vào hệ thống chính trị, các hoạt động văn hóa,
nghệ thuật, cũng như các không gian dân sự có “chiều sâu” khác ở vương quốc
này.
Đáng buồn hơn, người Việt ở Anh thường bị ghép vào định kiến về trồng cần
sa trái phép, trốn thuế, cho thuê lại nhà ở xã hội mà nhà nước cấp, v.v.
Dù luôn tự nhủ đây là những định kiến có tính phân biệt sắc tộc, chúng
ta khó mà không đồng ý nó đúng một phần. Cá nhân người viết đã trải nghiệm và
xác thực mặt đối mặt với tất cả các định kiến nói trên chỉ trong hai năm ngắn
ngủi sống ở đây.
Hoàn toàn ngược lại, người Việt ở Hoa Kỳ từ lâu có nhiều cơ hội kiếm tiền
hợp pháp và thoải mái. Thậm chí, người Việt ở Hoa Kỳ là nhóm có thu nhập trung vị rất tốt (dù thấp hơn Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản)
và có tỷ lệ sở hữu nhà đất vượt trội trong các nhóm sắc dân châu Á. [4]
Mặt khác, nhìn vào nền chính trị - văn hóa Hoa Kỳ, có thể khẳng định
người gốc Việt đã tham gia vào cấu trúc nội tại của quốc gia này một cách có
chiều rộng lẫn chiều sâu. Tiếng nói dân sự/ chính trị của người Việt tại Hoa Kỳ
rất đáng kể nếu so với bất kỳ cộng đồng người Việt hải ngoại nào.
Người viết ý thức được vấn đề về mẫu xem xét. Người Việt có quốc tịch
Anh chỉ tròm trèm 60.000 người, trong khi người Việt có quốc tịch Hoa Kỳ đã vượt
con số hai triệu.
Song cân nhắc diện tích và tổng dân số của hai nước, việc quan sát đời
sống và sự hiện diện của hai nhóm dân cư người Việt tại hai quốc gia, tạm thời
có thể đưa ra một vài bình luận, nhận xét sơ lược.
Hiển nhiên, cái nhìn chính xác hơn và sâu sắc hơn thì phải chờ các nhóm
nghiên cứu khoa học xã hội Việt Nam có hứng thú về đề tài này.
***
Đối với người viết, từ những con số cho đến trải nghiệm cá nhân, “giấc
mơ Mỹ” là thứ có tồn tại. Nó đã và đang tiếp tục thay đổi tích cực cuộc sống của
hàng trăm ngàn người Việt mỗi năm.
Nước Mỹ, xét riêng khía cạnh đời sống dân sự và cân nhắc tất cả những vấn
đề mà nó đang có, vẫn là một biểu tượng của niềm tin và khao khát tự do ý chí.
Tất nhiên, chúng ta không hề bỏ qua việc xem xét ngôn ngữ nghiên cứu hậu
thực dân và tư duy phản đế quốc, nhưng gán ghép “tính trình diễn” của sự hòa hợp
đại đồng sắc tộc ở Hoa Kỳ như là một sản phẩm đặc trưng của tư bản chủ nghĩa
thì có vẻ quên đi một thực tế: tính trình diễn này là một công cụ hiệu quả ở hầu
hết các quốc gia phản đế quốc, từ việc duy trì cơ cấu hình thức dành cho đại biểu
thuộc sắc dân thiểu số đến việc can thiệp bổ nhiệm chức sắc tôn giáo.
==================================
LIÊN QUAN
Mỹ – đất nước của người nhập cư
August 31, 2020 . 1:31 PM
https://www.luatkhoa.com/2020/08/my-dat-nuoc-cua-nguoi-nhap-cu/?ref=luat-khoa-newsletter
Nước Mỹ chào đón người nhập cư? Không hẳn.
October 19, 2020 . 2:03 PM
https://www.luatkhoa.com/2020/10/nuoc-my-chao-don-nguoi-nhap-cu-khong-han/?ref=luat-khoa-newsletter
----------------
Chú thích :
1. Is the American Dream over? Here’s what the data says.
(2022, May 20). World Economic Forum. https://www.weforum.org/agenda/2020/09/social-mobility-upwards-decline-usa-us-america-economics/
2. Evans, M. (2023, March 7). Multicultural Americans Say
the American Dream is Still in Reach. Collage Group. https://www.collagegroup.com/2022/11/10/multicultural-americans-say-the-american-dream-is-still-in-reach/
3. Taylor, B. (2021). ‘Our Most Foreign Refugees’: Refugees from
Vietnam in Britain. Springer EBooks, 109–143. https://doi.org/10.1007/978-3-030-64224-2_4
4. Võ Văn Quản. (2020, August 7). Người Mỹ gốc Việt bỏ phiếu
cho ai? Luật Khoa Tạp Chí. https://www.luatkhoa.com/2020/08/nguoi-my-goc-viet-bo-phieu-cho-ai/
No comments:
Post a Comment