Việt Bình -
Saigon Nhỏ
15 tháng 3, 2023
https://saigonnhonews.com/thoi-su/the-gioi/paris-hoa-le-ngap-trong-rac/
Đến Paris thời điểm này, có thể du khách không thấy
Tháp Eiffel hoặc dòng sông Seine thơ mộng. Tất cả cảnh quan Paris đập vào mắt mọi
người là rác. Rác mọi nơi. Rác từ trong hẻm ra ngoài đại lộ. Hàng núi túi rác
chặn đường. Chuột và chim bồ câu thong thả gặm bánh mì và tự do bới rác trên vỉa
hè. Một mùi thối kinh hoàng dai dẳng tràn ngập không khí.
https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/03/GettyImages-1248347258.jpg
Paris đang ngập trong
hơn bảy tấn rác (ảnh: Ibrahim Ezzat/NurPhoto via Getty Images)
Đây là Paris năm 2023. Thành phố Ánh sáng và Tình yêu đã biến thành
Thành phố Rác sau khi những người thu gom rác đình công hơn một tuần trước để
phản đối kế hoạch tăng tuổi nghỉ hưu của chính phủ Pháp. Ngay thời điểm hiện tại,
ngày 15 Tháng Ba 2023, hơn 7,000 tấn rác đang chất đống trên khắp vỉa hè Paris.
Thủ đô của Pháp “đã trở thành một thùng rác khổng lồ, lộ thiên,” Bộ trưởng Giao
thông Clément Beaune ngửa mặt lên trời than.
Cuộc khủng hoảng có thể bùng phát trong tuần này, khi các nhà lập pháp
Pháp tranh luận và bỏ phiếu về đề xuất của chính phủ tăng tuổi nghỉ hưu từ 62
lên 64, một cải cách không được lòng dân mà Tổng thống Emmanuel Macron cho là cần
thiết để bảo vệ hệ thống an sinh xã hội quốc gia. Theo đề xuất, những người thu
gom rác, vốn được hưởng lợi từ chế độ đối xử đặc biệt vì công việc của họ, sẽ bị
tăng tuổi nghỉ hưu, từ 57 lên 59 tuổi. Các công đoàn nói rằng “chơi vậy” là
không thể chấp nhận được. Họ nói rằng công nhân vệ sinh phải đối mặt với nhiều
vấn đề về sức khỏe hơn những người lao động khác. Họ không chỉ mang vác nặng mà
còn tiếp xúc với chất độc hại và phải làm việc ngoài giờ, cho nên, việc cho họ
nghỉ hưu sớm là đúng đắn.
Nổi điên, công nhân vệ sinh Paris đình công vào tuần trước và thề một mất
một còn với chính phủ Emmanuel Macron khi thống nhất “chơi lỳ” cho đến ít nhất
thứ Hai 19 Tháng Ba. Cuộc khủng hoảng đã gây ra cuộc đấu đá chính trị giữa các
bộ trưởng chính phủ và chính quyền thành phố Paris về cách ứng phó.
Khoảng một nửa các khu dân cư Paris – trong đó có một số khu vực giàu
có nhất – được phục vụ bởi công nhân vệ sinh ăn lương nhà nước, trong khi dịch
vụ tư nhân chịu trách nhiệm nửa còn lại. Hiện thời, nhân viên của khu vực tư
nhân vẫn làm việc, nhưng những người đình công đang phong tỏa ba nhà máy đốt
rác bên ngoài Paris. Do đó, một số rác gom được giờ không biết đổ đi đâu. Rác
chất đống chất ụ khiến người dân khổ sở với mùi hôi thối điếc mũi trong khi chuột
bọ chạy tung tăng ngoài đường.
https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/03/GettyImages-1248344686.jpg
Cảnh biểu tình tại
Paris ngày 15 Tháng Ba 2023 (ảnh: Firas Abdullah/Anadolu Agency via Getty
Images)
Chuột vốn là vấn đề rất thời sự ở Paris, ngay cả khi rác được dọn sạch
thường xuyên. Tháng Bảy 2022, Học viện Y khoa Quốc gia Pháp cho biết trong một
cảnh báo về sức khỏe cộng đồng rằng Paris có tỷ lệ chuột từ 1.5 đến 1.75 trên mỗi
cư dân; đưa Paris lên bản đồ thế giới với danh hiệu một trong 10 “khu vực có
nhiều chuột nhất thế giới”.
Jean-François Rial, chủ tịch văn phòng du lịch Paris, nói với hãng tin
Agence France-Presse rằng tình hình nghiêm trọng này ảnh hưởng dữ dội đến ngành
du lịch quốc gia, đặc biệt khi Paris chuẩn bị đăng cai Thế vận hội Mùa hè 2024.
Trên mạng xã hội, người dân Paris bắt đầu chia sẻ những meme hài hước, gọi chuột
là “linh vật” chính thức của Thế vận hội Paris.
Dường như chưa muốn nhân nhượng, chính quyền Macron đã chỉ thị cảnh sát
trưởng Paris sử dụng quyền hạn theo luật để buộc công nhân vệ sinh ngừng đình
công. Tuy nhiên, Thị trưởng Paris Anne Hidalgo phản đối. Anne Hidalgo – một
thành viên Đảng Xã hội cánh tả, từng tranh cử tổng thống không thành vào năm
ngoái – đã nhân dịp này bày tỏ ủng hộ cuộc đình công để làm quê mặt Macron.
Về vụ tăng tuổi hưu, theo đề xuất hiện tại, tuổi nghỉ hưu tối thiểu sẽ
tăng dần từ 62 lên 64 cho gần như mọi ngành nghề, riêng với công nhân thu gom
rác thì thay vì 57 đã có thể phủi tay rảnh nợ đời để an hưởng như lúc trước thì
bây giờ phải làm thêm hai năm (59 tuổi). Cụ thể, mỗi thế hệ sinh sau ngày 1
Tháng Chín 1961 sẽ làm việc lâu hơn thế hệ trước ba tháng, trong khi hầu hết những
người sinh sau năm 1968 phải làm việc cho đến khi họ bước sang tuổi 64 mới có
thể nhận lương hưu đầy đủ. Một cách ngắn gọn, dân Pháp phải “đi cày” lâu hơn mới
được nghỉ và hưởng lương hưu. Ai muốn nghỉ sớm thì cứ việc, mất tiền hưu ráng
chịu. Nôm na là vậy.
Tổng thống Macron nói rằng việc cải cách là cần thiết, mới có thể có
ngân sách lương hưu, trước thực tế rằng tuổi thọ đang tăng; và bà con phải chịu
khó kéo dài thời gian đi cày thì nước Pháp mới có thể cạnh tranh về kinh tế,
trong bối cảnh nhiều quốc gia cũng tăng tuổi nghỉ hưu. Nếu còn sức lao động mà
nghỉ hưu “sớm” quá thì nhà nước có tiền đâu mà trả!
https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/03/GettyImages-1248344939.jpg
Paris ngày 15 Tháng Ba
2023 (ảnh: Firas Abdullah/Anadolu Agency via Getty Images)
Loạt cuộc đình công quanh vụ tăng tuổi hưu đã làm gián đoạn nhiều dịch
vụ, từ giao thông công cộng đến các nhà máy điện trong nhiều tuần. Đề xuất của
Macron đã được Thượng viện thông qua ngày 11 Tháng Ba, nhưng gặp bế tắc ở Quốc
hội. Bây giờ dự luật được xem xét bởi một ủy ban bao gồm các nhà lập pháp từ cả
hai viện, với mục tiêu giải quyết những bất đồng để trình bày trước Quốc hội một
văn bản có thể thu hút đủ sự ủng hộ để được bỏ phiếu thành luật.
Ủy ban bắt đầu làm việc vào thứ Tư 15 Tháng Ba và cuộc bỏ phiếu dự kiến
vào thứ Năm 16 Tháng Ba. Nếu cả hai viện không ăn rơ
với nhau, chính phủ Macron có thể dùng lá bùa Hiến pháp để biến thành luật mà
không cần bỏ phiếu. Dĩ nhiên, để tránh đổ thêm dầu vào lửa, chính phủ Macron sẽ
cố tránh chơi rắn. Mới hôm 14 Tháng Ba, François Ruffin, nhà lập pháp cực tả của
đảng La France Insoumise (Nước Pháp không cúi đầu), đã mắng xiên xỏ
trong một phiên chất vấn tại Quốc hội: “Mấy người đang nghiền nát một nền dân
chủ mà lẽ ra mấy người nên hàn gắn; mấy người đang phá tan một đất nước mà đáng
lý mấy người phải chung sức để sửa.”
No comments:
Post a Comment