Wednesday, March 1, 2023

THẮNG BỚT ĐI! (Lê Huyền Ái Mỹ)

 



Thắng bớt đi!

Lê Huyền Ái Mỹ

01/03/2023

https://baotiengdan.com/2023/03/01/thang-bot-di/

 

Đặt hàng nghiên cứu ChatGPT làm trợ lý ảo cho lãnh đạo TP.HCM” là thông tin do giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP Lâm Đình Thắng công bố tại tọa đàm Ứng dụng ChatGPT trong quản lý nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp: Cơ hội và thách thức tổ chức vào sáng nay, 1.3.

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2023/03/1-7.png

Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành Hồ, tại buổi tọa đàm sáng 1-3-2023. Nguồn: Báo TN

 

Đại để là, Sở TT-TT TP.HCM đặt hàng nghiên cứu ứng dụng ChatGPT vào việc ứng dụng công cụ này trong dịch vụ công trực tuyến, trả lời tiến độ giải quyết thủ tục hành chính; và ứng dụng ChatGPT vào Tổng đài 1022 nhằm ghi nhận và trả lời kiến nghị của người dân, doanh nghiệp; ứng dụng ChatGPT trong việc hỗ trợ cho lãnh đạo thành phố, như xây dựng hệ thống trợ lý ảo, đăng ký và kiểm tra lịch làm việc, tóm tắt hồ sơ, tài liệu; ứng dụng ChatGPT làm trợ lý ảo học tập phục vụ cho giảng viên, thầy, cô giáo, học sinh trên địa bàn…

 

Nghe rất là “thông minh”, rất là “trí tuệ”, rất là bốn chấm không (nhưng) không biết kho dữ liệu thực phục vụ các “trợ lý ảo” này đến từ đâu, ở mức độ nào, tính từ kiến thức thực đến trách nhiệm thực, tức biết nghĩ, biết tham mưu trước khi dám nghĩ, dám tham mưu, đề xuất cho lãnh đạo thành phố…

 

Nếu được, tôi sẽ hỏi cho bằng được “con” AI Chat GPT kia, bao giờ thì các bệnh viện lớn, cụ thể là bệnh viện Chợ Rẫy có được hóa chất, thiết bị, thuốc men đủ để vận hành máy, chữa bệnh, điều trị cho nhân dân?

 

Nếu được, tôi sẽ hỏi ChatGPT, bao giờ thì các chỉ số cải cách hành chính, chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh của thành phố đầu tàu này thôi không dậm chân ở vị trí thứ 14 nữa?

 

Nếu được, tôi sẽ hỏi ChatGPT, bao giờ thì TP.HCM sẽ là điểm đến du lịch có môi trường công cộng, cụ thể là nhà vệ sinh văn minh, sạch sẽ, đường sá thông thoáng, không kẹt xe, rác thải…?

 

Nếu được, tôi sẽ nhờ ChatGPT chỉ cho nguồn huy động để bù đắp cho hàng trăm hàng ngàn công nhân đang bị khấu trừ thuế với khoản chi trả “ngoài quy định” của trợ cấp thôi việc?…

 

Mới tuần trước, khi gặp cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, ông bí thư thành ủy còn đề xuất ngược rằng, cá nhân, tổ chức nào gây khó dễ, hãy gọi trực tiếp cho tôi. Với một “dữ liệu” thực tế còn chồng chất và… sơ khai như vậy, đã chẳng ăn thua, ở đó mà “trợ lý ảo” với “trí tuệ nhân tạo”. Giỡn!

 

Trưa nay, tôi ghé nhà sách Fahasa Nguyễn Huệ, một nơi chốn quen thuộc, dễ chịu. Hôm Tết, xà quần ở đường sách Lê Lợi, người đông hơn sách, sách cũ nhiều hơn sách mới nhưng cũng rộn ràng không khí chữ nghĩa, thấy vui vui.

 

Vậy là đủ rồi, được rồi.

 

Đùng một cái, cũng ông giám đốc sở bốn tê nhanh nhảu tuyên bố “góp phần xây dựng một đô thị đọc sách”. “Đô thị” ở đâu ra mà lắm thế, đô thị sáng tạo, đô thị công nghệ, đô thị thông minh…, giờ lại đô thị đọc sách, chả nhẽ lại phải đi hỏi ChatGPT, “thế nào là đô thị đọc sách”?

 

Thắng bớt đi, “là phanh lại, hãm lại”, giùm, ChatGPT nó trả lời thế!

 

.

46 BÌNH LUẬN   

 

Hoang Hiep

Về "đô thị đọc sách", theo em, đó là hướng phấn đấu và chắc còn phải cố gắng rất rất nhiẻu từ phía người dân- một thói quen khó hình thành ngày 1 ngày 2. Theo Cục Xuất bản (Bộ Thông tin và Truyền thông), bình quân mỗi người Việt Nam đọc 2,8 cuốn sách và 7,07 tờ báo một năm, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Trong một báo cáo khác của Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), tỷ lệ người hoàn toàn không đọc sách chiếm tới 26%, tỷ lệ người thỉnh thoảng mới cầm sách để đọc 44%, đọc thường xuyên chiếm tỷ lệ 30%. Bạn đọc của thư viện chiếm khoảng 8% đến 10% dân số. Những số liệu thống kê trên cho thấy, thói quen đọc của người Việt Nam chưa được hình thành một cách vững chắc. Chúng ta vẫn chưa có thói quen và kỹ năng đọc sách phù hợp mà chủ yếu đọc theo ngẫu hứng. Cho nên đầu tiên cần phải xây dựng thói quen đọc, bắt đầu từ gia đình và nhà trường.





No comments: