Wednesday, March 1, 2023

LẠI CHÉP MÀ KHÔNG SOI (Ngô Huy Cương)

 



LẠI CHÉP MÀ KHÔNG SOI   

Ngô Huy Cương  

28-1-2023  20:19    

https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=pfbid0TxzpPtesfoBYZJPEUTJzGdojhSUR5nWDtVNM9ftUP6TsiiCS4L8cokhtAbyeBr23l&id=100010780718014

 

Có một nhận xét rằng Bộ luật Dân sự 1999 và Bộ luật Dân sự 2005 của chúng ta, dù pháp điển hóa theo kiểu Đức, nhưng không có chương hay mục quy định về “vật” (hay khái quát nhất về tài sản) trong Phần chung của Bộ luật.

 

Lưu ý: “vật” là một phạm trù cốt lõi đặt tiêu chuẩn cho luật tài sản, mà tài sản luôn là một đối tượng quan trọng của các quyền dân sự.

 

Bộ luật Dân sự nào xây dựng theo mô hình Đức thì cũng quy định một chương về “vật” (hay khái nhất về tài sản) tại phần chung vì trong phần chung phải mô tả được khái quát nhất về quan hệ pháp luật dân sự. Tuy nhiên họ không bao giờ quy định về “tài sản” tại đó vì “tài sản” là tất cả phần còn lại của luật dân sự ngoài phần nói về nhân thân (Lưu ý: luật dân sự điều chỉnh quan hệ nhân thân và quan hệ tài sản).

 

Bộ luật Dân sự 2015 của ta sửa sai cho 02 Bộ luật Dân sự (1999 và 2005) nên trong Phần chung của nó có Chương VII mang tên “Tài sản”, trong khi đó Phần thứ hai, Phần thứ ba và Phần thứ tư của Bộ luật này đều quy định về tài sản.

 

Cái đáng phàn nàn nhất là Điều 105 (khoản 1) của Bộ luật Dân sự 2015 của ta chép tóm tắt lại Điều 128 của Bộ luật Dân sự của Cộng hòa Liên Bang Nga mà còn chưa xong.

 

Điều 105 (khoản 1) của ta viết như sau:

 

“Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản”.

 

Người ta đều nói, dựa vào đặc tính vật lý, tài sản được chia thành tài sản hữu hình và tài sản vô hình. Tài sản hữu hình chính là “vật”. Còn tài sản vô hình chính là “quyền tài sản” (không có đặc tính vật lý). Vậy “tiền” và “giấy tờ có giá” nói trong Điều 105 (khoản 1) nói trên là tài sản vô hình hay tài sản hữu hình bởi không thể có dạng thứ ba với căn cứ phân loại nói trên?

 

Trong khi người Nga phân biệt rành mạch rằng “tiền” và “giấy tờ có giá” là tài sản hữu hình (tức vật). Điều 128 của Bộ luật Dân sự Nga viết như sau:

 

“Điều 128. Các loại đối tượng của các quyền dân sự

 

Về đối tượng của các quyền dân sự phải kể đến vật, trong đó có tiền và chứng khoán, cũng như tài sản khác bao gồm các vật quyền; các công việc và các dịch vụ; các kết quả được bảo hộ của hoạt động trí tuệ và các phương thức cá biệt hóa mà được xem là tương đương (sở hữu trí tuệ); các lợi ích phi vật chất”.

 

Lưu ý rằng ta chép của Nga nhưng ta bất chấp mọi lý lẽ, nhất là không theo mô hình của ta.

 

Điều 128 này của Nga liệt kê các đối tượng nói chung của các quyền dân sự bao gồm cả các giá trị nhân thân và tài sản vì Bộ luật Dân sự Liên Bang Nga 1994 không theo mô hình pháp điển hóa của Đức hay của Pháp, mà nhiều người cho rằng nó ná ná giống mô hình của Hà Lan. Bộ luật này cho tới nay được chia thành 04 phần. Phần 1 nói tất cả các vấn đề về quy định chung, về chủ thể, về tài sản và về nghĩa vụ; Phần 2 nói về các nghĩa vụ cụ thể bao gồm cả các vấn đề thương mại, tài chính, ngân hàng; Phần 3 nói về thừa kế và tư pháp quốc tế; và Phần 4 (mới) nói về các quyền đối với các sản phẩm của sở hữu trí tuệ và các phương thức cá biệt hóa. Tóm lại: Có lẽ Phần 1 của nó nói toàn bộ về ngành luật dân sự (nền tảng); còn các Phần còn lại có thể dùng cho cả dân sự và thương mại, tư pháp quốc tế.

 

Tôi có một ý kiến thắc mắc mà chưa lý giải được là tại sao họ lại xếp thừa kế và tư pháp quốc tế vào một Phần với nhau.

 

Tuy nhiên đây là một Bộ luật tập hợp vội vã và từng bước?

 





No comments: