NỘI DUNG :
Tập thăm Nga, triển
vọng nào cho hòa bình Ukraine?
Hiếu Chân/Người Việt
.
Chủ tịch
Trung Quốc thăm Moscow để bày tỏ sự ủng hộ với Putin
Cali Today
======================================================
.
.
Tập thăm Nga, triển vọng nào cho hòa bình Ukraine?
Hiếu Chân/Người Việt
March 17, 2023
https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/tap-tham-nga-trien-vong-nao-cho-hoa-binh-ukraine/
Chủ Tịch
Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ đến Moscow gặp Tổng Thống Nga Vladimir Putin vào tuần
tới để bàn về triển vọng phục hồi hòa bình cho cuộc chiến ở Ukraine. Ông Tập dự
kiến sau đó sẽ có cuộc điện đàm với Tổng Thống Ukraine Volodymyr Zelensky dù kế
hoạch điện đàm chưa được Kyiv và Bắc Kinh xác nhận.
https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2023/03/BL-Tap-Tham-Nga-1536x1074.jpg
Tổng Thống Vladimir Putin (trái) nói chuyện với Chủ
Tịch Tập Cận Bình tại thượng đình Shanghai Cooperation Organisation (SCO) tổ chức
ở Samarkand, Uzbekistan, hôm 16 Tháng Chín, 2022. (Hình minh họa: Sergei
Bobylyov/Sputnik/AFP via Getty Images)
Cuối tháng trước Bắc Kinh đưa ra kế hoạch hòa
bình Ukraine 12 điểm. Những động tác ngoại giao dồn dập như vậy cho thấy Trung
Quốc đang nỗ lực sắm vai nhà trung gian hòa giải cho cuộc xung đột Ukraine sau
khi đã môi giới để Arabia Saudi và Iran nối lại quan hệ ngoại giao sau nhiều
năm thù địch. Liệu Trung Quốc có thành công hay không hay đây chỉ là một chiến
dịch đánh bóng hình ảnh của Bắc Kinh?
Nhiều người thắc mắc, tại sao ông Tập phá bỏ
nguyên tắc đối ngoại xưa nay của Trung Quốc là không can thiệp vào xung đột của
các quốc gia khác, nhất là một nơi xa xôi như Ukraine? Có lẽ sau vụ dàn xếp
thành công ở Trung Đông, Bắc Kinh cho rằng đã đến lúc Trung Quốc thể hiện hình ảnh
một cường quốc có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, và ông Tập cũng muốn được
nhìn nhận như một chính khách toàn cầu, có tầm ảnh hưởng không thua kém các nhà
lãnh đạo Mỹ. Nỗ lực làm trung gian hòa giải Nga-Ukraine là một hành động ít tốn
kém mà nếu thành công sẽ mang lại lợi ích lớn cho Trung Quốc cho dù khó có thể
tạo được đột phá trong hoàn cảnh hiện nay.
Một yếu tố khác là Bắc Kinh đang rất muốn thể
hiện vai trò lãnh đạo một trật tự thế giới mới thay cho cái trật tự mà Hoa Kỳ
đang cầm chịch, nhằm chống lại cái mà ông Tập cho là chính sách của Washington
“bao vây, kiềm chế và đàn áp Trung Quốc.”
Như để dọn đường cho các cuộc hội đàm của ông
Tập, hôm Thứ Năm, Ngoại Trưởng Tần Cương của Trung Quốc đã có cuộc điện đàm hiếm
hoi với người đồng cấp Ukraine là Ngoại Trưởng Dmytro Kuleba, trong đó ông Tần
bày tỏ mối lo ngại của Bắc Kinh rằng cuộc kháng chiến chống Nga có thể vượt ra
ngoài tầm kiểm soát và kêu gọi Ukraine đàm phán một giải pháp chính trị với
Moscow.
Đáp lại lời kêu gọi của ông Tần, ông Kuleba nhấn
mạnh tầm quan trọng của “Công Thức Hòa Bình” (Peace Formula) của Tổng Thống
Zelensky nhằm chấm dứt cuộc xung đột. Công thức của ông Zelensky bao gồm việc
khôi phục toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, rút toàn bộ quân Nga, chấm dứt mọi
hành động thù địch và thành lập một tòa án đặc biệt để xét xử tội ác chiến
tranh của Nga. Công thức 10 điểm của ông Zelensky khác xa kế hoạch 12 điểm của
Trung Quốc, trong đó mặc dù Bắc Kinh đề cao nguyên tắc tôn trọng chủ quyền và
toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các nước nhưng lại không phản đối cuộc xâm lược của
Nga và không đòi hỏi Moscow phải rút quân khỏi các vùng đất chiếm đóng bất hợp
pháp.
Xem ra cho đến nay, Bắc Kinh vẫn chưa hóa giải
được những mâu thuẫn nhau trong chính sách của họ đối với cuộc xung đột
Nga-Ukraine. Ngoại Trưởng Tần nói với ông Kuleba rằng Bắc Kinh “luôn duy trì lập
trường khách quan và công bằng về vấn đề Ukraine” trong khi ai cũng biết Trung
Quốc luôn đứng về phía Moscow, có mối quan hệ hợp tác “không giới hạn” với Nga,
từ chối lên án cuộc xâm lược của Nga, phản đối các biện pháp của Phương Tây trừng
phạt Nga.
***
Dù có mâu thuẫn trong quan điểm và chính sách
ngoại giao, Trung Quốc vẫn là nước có ảnh hưởng lớn tới cả Nga và Ukraine.
Cho đến nay, Moscow ngày càng lún sâu vào gọng
kềm của Bắc Kinh và trở thành một “đàn em” trong quan hệ song phương. Trung Quốc
không chỉ mua nhiều dầu khí, giúp Nga có ngân sách để tài trợ cuộc chiến, không
chỉ cung cấp hàng hóa tiêu dùng và công nghệ giúp Nga ứng phó với các biện pháp
cấm vận của Phương Tây mà, theo nguồn tin tình báo Hoa Kỳ, Bắc Kinh đang cân nhắc
cung cấp đạn dược, vũ khí sát thương nhằm giúp quân đội Nga đảo ngược tình trạng
bế tắc hiện nay ở chiến trường Ukraine.
Chuyến viếng thăm “cấp nhà nước” của ông Tập đến
Moscow, dự trù từ 20 đến 22 Tháng Ba, chỉ vài ngày sau khi Tòa Án Hình Sự Quốc
Tế (ICC) phát lệnh bắt ông Putin vì cáo buộc tội ác chiến tranh ở Ukraine cũng
là cơ hội để Nga chứng tỏ với thế giới rằng nước Nga không hoàn toàn bị cô lập.
Hơn thế nữa nó còn cho thấy, tình đoàn kết Nga và Trung Quốc, càng bị thế giới
bên ngoài phản đối, thì càng bền chặt. Với một “đàn anh” vô cùng cần thiết như
vậy, có thể Nga sẽ nhân nhượng và nghe theo đề nghị của Trung Quốc ở một số điểm
nào đó.
Trung Quốc-Ukraine có quan hệ tốt trước chiến
tranh. Dù Bắc Kinh ủng hộ Nga trong cuộc xâm lược, Kyiv vẫn giữ một thái độ kiềm
chế, không công khai lên án Bắc Kinh. Tổng Thống Zelensky nhiều lần nói ông sẵn
sàng đối thoại trực tiếp với Chủ Tịch Tập Cận Bình để giúp ông Tập hiểu đúng vấn
đề Ukraine và có lựa chọn phù hợp. Trong khi Hoa Kỳ và Châu Âu hoài nghi thiện
chí của Bắc Kinh khi đưa ra kế hoạch hòa bình Ukraine 12 điểm cuối tháng trước
thì Kyiv phản ứng khá dè dặt, hứa sẽ xem xét cẩn thận. Ông Zelensky thậm chí
còn cử phu nhân của ông, bà Olena Zelenska, trao tận tay phái đoàn Trung Quốc tại
Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới Davos ở Thụy Sĩ hồi Tháng Giêng một lá thư của ông đề
nghị gặp gỡ nhà lãnh đạo Trung Quốc.
Ukraine biết Bắc Kinh có ảnh hưởng lớn với ông
Putin, và nếu không tận dụng được ảnh hưởng đó theo hướng có lợi cho sự nghiệp
kháng chiến thì cũng không nên gây sự đối đầu không cần thiết. Nếu Bắc Kinh
cung cấp vũ khí sát thương cho Nga như cảnh báo của Hoa Kỳ thì đó là điều vô
cùng tồi tệ cho Ukraine, thậm chí có thể làm đảo ngược tình thế chiến trường hiện
đang có lợi cho Kyiv. Hơn thế nữa, Trung Quốc chắc chắn sẽ cần thiết cho công
cuộc tái thiết đất nước Ukraine sau này.
Quan điểm của ông Zelensky muốn đối thoại với
Trung Quốc được các nhà lãnh đạo Mỹ tán thành. Washington nhiều lần thúc đẩy
Kyiv nên nói chuyện với các nhà lãnh đạo Bắc Kinh để tìm sự ủng hộ cho cuộc kháng
chiến. Nhưng từ đầu cuộc chiến tới nay ông Tập và ông Zelensky chưa nói với
nhau lời nào, dù ông Tập đã bốn lần trao đổi ý kiến với ông Putin trong năm
qua.
Nếu sắp tới ông Tập và ông Zelensky mở cuộc điện
đàm như thông tin của truyền thông Mỹ, nếu ông Tập thuyết phục được cả hai nhà
lãnh đạo Nga và Ukraine mỗi bên nhượng bộ vài điểm nào đó để có thể mở lại các
cuộc đàm phán song phương thì triển vọng chấm dứt cuộc chiến đẫm máu ở Ukraine
là có thể. Có điều, khó mà hy vọng Ukraine chấp nhận “đổi đất lấy hòa bình” sau
khi họ đã đổ nhiều xương máu để bảo vệ đất nước.
***
Mà Bắc Kinh có thật tâm
mong muốn hòa bình, muốn chấm dứt cuộc chiến Nga-Ukraine trong công bằng và hợp
lý hay không? Thật khó tin vào thiện chí của những người Cộng Sản Trung Quốc.
Cho tới nay, Bắc Kinh vẫn một mực đổ lỗi cho
Hoa Kỳ, NATO kích động và duy trì cuộc chiến, trái với đề nghị hòa bình của ông
Putin. Tại một cuộc họp báo ngày 7 Tháng Ba, Ngoại Trưởng Tần Cương nói bóng
gió rằng Hoa Kỳ đang phá hoại các nỗ lực vì hòa bình ở Ukraine để kéo dài cuộc
xung đột vì lợi ích của chính Washington.
“Dường như có một bàn tay vô hình đang thúc đẩy
kéo dài và leo thang xung đột và sử dụng cuộc khủng hoảng Ukraine để phục vụ một
chương trình nghị sự địa chính trị nhất định,” ông Tần nói.
Ngay sau đó, ông Dmitry Peskov, phát ngôn viên
của Điện Kremlin, bổ sung rằng không phải “bàn tay vô hình” mà là “bàn tay của
Washington” cung cấp vũ khí và viện trợ để kéo dài cuộc chiến Ukraine chống Nga
tới người cuối cùng.
Thực tế, cuộc chiến tranh mang lại vô số lợi
ích cho Trung Quốc. Bắc Kinh hưởng lợi từ nguồn dầu khí giá rẻ của Moscow, buộc
Nga phụ thuộc ngày càng sâu vào Trung Quốc và tạo điều kiện để Trung Quốc chia
rẽ Mỹ với các đồng minh Châu Âu. Quan trọng hơn, cuộc chiến Nga-Ukraine kéo dài
đã hút phần lớn nguồn lực của Mỹ, làm giảm sự tập trung của Washington vào khu
vực Châu Á-Thái Bình Dương, nơi Trung Quốc đang cố mở rộng ảnh hưởng và thách
thức cái trật tự thế giới do Hoa Kỳ lãnh đạo.
Trong thâm tâm có thể ông Tập muốn cuộc chiến
kéo dài để làm suy yếu cả Nga, Mỹ và NATO nhưng bề ngoài Trung Quốc lại thể hiện
vai trò nhà trung gian hòa giải, người kiến tạo hòa bình. Cần để ý tới tính chất
trái ngược giữa lời nói và việc làm của Bắc Kinh thì mới hiểu động cơ đằng sau
những lời đường mật của Trung Quốc. [đ.d.]
=================================================
Chủ tịch Trung Quốc thăm
Moscow để bày tỏ sự ủng hộ với Putin
Cali Today
March 17, 2023
Chủ tịch
Trung Quốc Tập Cận Bình có kế hoạch thăm Nga từ thứ Hai đến thứ Tư, trong một
hành động rõ ràng là ủng hộ Tổng thống Nga Vladimir Putin trong bối cảnh căng
thẳng Đông-Tây gia tăng về cuộc chiến ở Ukraine.
Cuộc xâm lược Ukraine đang diễn ra của Nga dự
kiến sẽ chi phối các cuộc thảo
luận của Putin và Xi. Trung Quốc đã từ chối lên án hành động gây hấn của Moscow
và tìm cách thể hiện mình là trung lập trong cuộc xung đột ngay cả khi Bắc Kinh
tuyên bố vào năm ngoái rằng họ có tình hữu nghị “không giới hạn” với
Nga.
Cuộc gặp giữa các nhà lãnh đạo đã được cả hai nước
công bố vào thứ Sáu.
Trung Quốc cho biết chủ quyền và toàn vẹn lãnh
thổ của tất cả các quốc gia cần được tôn trọng, đồng thời lên án các biện pháp
trừng phạt của phương Tây và cáo buộc NATO và Hoa Kỳ kích động Nga hành động
quân sự.
Hôm thứ Năm, Ngoại trưởng Trung Quốc Qin Gang
nói với người đồng cấp Ukraine Dmytro Kuleba rằng Bắc Kinh lo ngại về cuộc xung
đột kéo dài một năm vượt khỏi tầm kiểm soát và thúc giục đàm phán về một giải
pháp chính trị với Moscow.
Ông Qin cho biết Trung Quốc “luôn duy trì lập
trường khách quan và công bằng về vấn đề Ukraine, cam kết thúc đẩy hòa bình và
thúc đẩy đàm phán, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế tạo điều kiện cho các cuộc
đàm phán hòa bình”.
Kuleba sau đó đã tweet rằng ông và Qin “đã
thảo luận về tầm quan trọng của nguyên tắc toàn vẹn lãnh thổ.”
“Tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của công thức
hòa bình của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy nhằm chấm dứt hành vi xâm
lược và khôi phục hòa bình công bằng ở Ukraine,” Kuleba viết, người đã nói
chuyện cùng ngày với Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken.
Wang Wenbin, người phát ngôn của Bộ Ngoại
giao, cho biết trong một cuộc họp ngắn hàng ngày vào thứ Sáu rằng ông Tập “sẽ
có một cuộc trao đổi quan điểm sâu sắc với Tổng thống Putin về quan hệ song
phương và các vấn đề quốc tế và khu vực lớn cùng quan tâm, thúc đẩy hợp tác chiến
lược và hợp tác thiết thực giữa hai nước, tạo động lực mới cho sự phát triển của
quan hệ hai nước”.
“Hiện nay, thế giới đang bước vào một thời
kỳ biến động và đổi mới với diễn biến ngày càng nhanh của những thay đổi của thế
kỷ. Với tư cách là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và
là các nước lớn quan trọng, tầm quan trọng và tác động của quan hệ Trung Quốc-Nga
vượt xa phạm vi song phương,” ông nói thêm.
Chuyến đi diễn ra sau khi một máy bay không
người lái của Mỹ bị phá hủy trên Biển Đen sau cuộc chạm trán với các máy bay
chiến đấu của Nga, khiến hai nước tiến gần đến xung đột trực tiếp kể từ khi
Moscow xâm lược Ukraine một năm trước.
Điện Kremlin hôm thứ Sáu cũng thông báo về
chuyến thăm của ông Tập, nói rằng nó sẽ diễn ra “theo lời mời của Vladimir
Putin.”
Ông Tập và ông Putin sẽ thảo luận về “các vấn
đề phát triển hơn nữa quan hệ đối tác toàn diện và tương tác chiến lược giữa
Nga và Trung Quốc,” cũng như trao đổi quan điểm “trong bối cảnh hợp tác
Nga-Trung ngày càng sâu rộng trên trường quốc tế,” Điện Kremlin cho biết
trong một tuyên bố.
Hai nhà lãnh đạo cũng sẽ ký “các văn bản
song phương quan trọng”, tuyên bố viết.
Putin đã mời Tập cận Bình đến thăm Nga trong một
cuộc gọi hội nghị video mà cả hai tổ chức vào cuối tháng 12. Ông Putin cho rằng
chuyến thăm có thể “chứng minh cho toàn thế giới thấy sức mạnh của mối quan
hệ Nga-Trung” và “trở thành sự kiện chính trị chính trong năm trong quan
hệ song phương”.
Việt
Linh (Theo CNBC)
No comments:
Post a Comment