Thursday, March 2, 2023

TÂN CHỦ TỊCH NƯỚC VÕ VĂN THƯỞNG : "NGUYÊN TẮC SỐNG CÒN LÀ KIÊN ĐỊNH CHỦ NGHĨA MARX-LENIN!" (RFA)

 


 

Tân Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng: "Nguyên tắc sống còn là kiên định chủ nghĩa Marx-Lenin!"

RFA
2023.03.02

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/the-new-president-vo-van-thuong-declared-that-steadfast-adherence-to-marxism-leninism-is-essential-for-survival-03022023031446.html

 

Trong khi bài phát biểu nhậm chức của hai người tiền nhiệm (Nguyễn Xuân Phúc và Nguyễn Phú Trọng) không có dòng nào đề cập đến "Mác-Lê" hay "tư tưởng Hồ Chí Minh", ông Võ Văn Thưởng lại nhấn mạnh điều này và cho đây là nguyên tắc sống còn.

 

 

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/the-new-president-vo-van-thuong-declared-that-steadfast-adherence-to-marxism-leninism-is-essential-for-survival-03022023031446.html/@@images/f71a4687-80df-40e5-b4f7-dec8903fca1f.jpeg

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng trong buổi lễ tuyên thệ sáng 2/3/2023.  AFP

 

Ông Võ Văn Thưởng sáng 2/3/2023 trở thành Chủ tịch nước Việt Nam với 487/488 phiếu bầu của các Đại biểu Quốc hội, ông là ứng viên duy nhất được trung ương đảng Cộng sản đề cử để bầu chức danh bị khuyết sau khi ông Phúc bị miễn nhiệm hơn một tháng trước đó. 

 

"Tôi nhận thức sâu sắc rằng vấn đề mang tính nguyên tắc, có ý nghĩa sống còn, nền tảng vững chắc đối đất nước ta, chế độ ta là phải kiên định vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

 

Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, kiên định đường lối đổi mới của Đảng, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế: Bình đẳng, hợp tác cùng có lợi," ông Thưởng nói trong buổi lễ được truyền hình trực tiếp sáng 2/3/2023.

 

Bài phát biểu của ông Thưởng chỉ có khoảng 1.200 chữ (so với 1.800 chữ của ông Nguyễn Xuân Phúc năm 2021), mở đầu bằng việc "Kính thưa đồng chí Nguyễn Phú Trọng", đồng thời lặp lại phát biểu quen thuộc của ông Trọng: "tự hào về cơ đồ tiềm lực vị thế uy tín của đất nước".

 

Ông Thưởng cho rằng "đã từng chứng kiến nhiều người dao động, rời hàng ngũ khi các nước XHCN ở Đông Âu và Liên Xô sụp đổ", đồng thời khẳng định đã "từng bước nhận thức được đầy đủ, sâu sắc hơn về tầm quan trọng của lòng trung thành, sự kiên định về mục tiêu lý tưởng và con đường đi tới của dân tộc mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn."

 

Một điểm khác biệt của ông Thưởng so với người tiền nhiệm, đó là ông cho rằng chức danh Chủ tịch nước là "phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân", cụm từ này được nhắc hai lần trong bài nói chuyện của mình.

 

===================================================

 

Liệu ông Võ Văn Thưởng sẽ trở thành tổng bí thư Đảng trong tương lai?

Đức Tâm  -  RFI

Đăng ngày: 02/03/2023 - 12:29

https://www.rfi.fr/vi/vi%E1%BB%87t-nam/20230302-li%E1%BB%87u-%C3%B4ng-v%C3%B5-v%C4%83n-th%C6%B0%E1%BB%9Fng-s%E1%BA%BD-tr%E1%BB%9F-th%C3%A0nh-t%E1%BB%95ng-b%C3%AD-th%C6%B0-%C4%91%E1%BA%A3ng-trong-t%C6%B0%C6%A1ng-lai

 

Ngày 02/03/2023, Quốc Hội Việt Nam đã chính thức bầu ông Võ Văn Thưởng là chủ tịch nước, trên cơ sở giới thiệu của Ban Chấp Hành TW đảng Cộng Sản Việt Nam, sau phiên họp bất thường ngày 01/03. Gần như toàn bộ sự nghiệp của ông Võ Văn Thưởng, cho đến nay, là làm công tác Đảng. Một khi trở thành chủ tịch nước, ông sẽ phải tập trung vào các vấn đề ở cấp độ Nhà nước và các vấn đề trong chính sách đối ngoại. 

 

Ngày 23/02/2023, giáo sư Carl Thayer, thuộc Học viện Quốc Phòng Úc, trả lời các câu hỏi của báo chí về chủ đề này. RFI xin giới thiệu.

 

                                                                *

 

1/Ông Võ Văn Thưởng đã có những đóng góp gì cho chính sách đối nội và đối ngoại của Việt Nam ?

 

Toàn bộ sự nghiệp của ông Võ Văn Thưởng là công tác trong tổ chức đảng Cộng Sản Việt Nam. Ông tập trung vào công tác tuyên huấn và đào tạo đảng viên về tư tưởng, văn hóa, đạo đức, giáo lý ở cấp độ địa phương và cao hơn. Cùng với sự thăng tiến trong Đảng, ông ngày càng gánh vác trọng trách trong lĩnh vực xây dựng Đảng và đặc biệt là về nhân sự.

 

Từ khi đảm nhiệm chức Thường trực Ban Bí Thư TW Đảng, ông Thưởng có vai trò quan trọng trong chiến dịch đấu tranh chống tham nhũng và các hiện tượng tiêu cực. Ông tập trung vào việc phòng ngừa cá nhân chủ nghĩa, chấm dứt vận động hành lang trong việc bổ nhiệm và khuyến khích các cán bộ đã phạm sai lầm thì nên tự nguyện từ chức. Ngoài ra, ông cũng kín đáo tham dự nhiều vào các quyết định hợp lý hóa bộ máy của Đảng, luân chuyển cán bộ và phát động các phong trào thi đua.

 

Ông Thưởng tương đối « non nớt » trong lĩnh vực đối ngoại. Kinh nghiệm của ông cho đến nay, đó là công du ngoại quốc với các lãnh đạo cao cấp trong Đảng và « giao lưu » với các quan chức của các đảng Cộng Sản anh em khác cũng như của các đảng nắm quyền lãnh đạo đất nước. Ví dụ, trong năm 2022, ông đã gặp gỡ lãnh đạo các chính đảng Cam Bốt, Trung Quốc, Cuba, Ấn Độ, Nhật Bản, Lào, Mêhicô, Mozambic, Singapore và Hàn Quốc. Một việc quan trọng là ông đã tháp tùng tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong chuyến công du Bắc Kinh để gặp tổng bí thư đảng Cộng Sản Trung Quốc Tập Cận Bình, hồi năm ngoái.  

 

.

2/ Liệu sẽ có những thay đổi chính trị đáng kể hay không khi ông Thưởng trở thành chủ tịch nước ?

 

Với tư cách là chủ tịch nước, ông Thưởng có lẽ sẽ không đề xướng các thay đổi trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Quả thực là có một sự đồng thuận rất cao trong số các lãnh đạo chủ chốt về phương hướng chính sách đối ngoại của Việt Nam. Hơn nữa, chính sách đối ngoại là kết quả của quyết định tập thể và đồng thuận trong Bộ Chính Trị. Vả lại, ông Thưởng cũng không thông thạo các vấn đề thế giới như người tiền nhiệm ; ông sẽ trải qua một giai đoạn « học nghề » nhanh chóng và sẽ là người tương đối không có kinh nghiệm khi gặp gỡ các đồng cấp nước ngoài.

 

.

3/ Việc ông Thưởng trở thành chủ tịch nước sẽ tác động ra sao đến khả năng ông sẽ trở thành lãnh đạo Đảng vào năm 2026 ?

 

Nếu thực hiện tốt chức vụ chủ tịch nước, ông Võ Văn Thưởng sẽ có nhiều lợi thế đảm nhiệm chức tổng bí thư Đảng thay ông Nguyễn Phú Trọng. Sự nghiệp chính trị không tỳ vết của ông trong Đảng cũng như ông còn tương đối trẻ, là những lợi thế. Hơn nữa, quá trình công tác của ông « có một không hai » với các kinh nghiệm ở cả ba miền của Việt Nam. Gia đình ông ở miền Nam tập kết ra Bắc sau Hội nghị Geneve năm 1954. Ông Thưởng sinh ra ở tỉnh Hải Dương, miền Bắc. Sau khi đất nước thống nhất, ông trở về miền Nam. Tiểu sử chính thức ghi quê ông ở Vĩnh Long. Ông học đại học tại thành phố Hồ Chí Minh và phần lớn quá trình công tác của ông là ở miền Nam. Trong thời gian từ 2011 đến 2014, ông là bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi, miền Trung Việt Nam.

 





No comments: