Bài bình luận của ông
Phạm Quý Thọ- PGS,TS nguyên Trưởng Khoa Chính sách Công, Học Viện Chính
sách & Phát triển, Bộ Kế hoạch- Đầu tư, Việt Nam
02-03-2023
Tổng bí thư đảng Nguyễn
Phú Trọng (đứng) và ông Võ Văn Thưởng (ngồi) tại cuộc họp báo kết
thúc Đại hội đảng 13. Nguyễn Nhạc/AFP
Việc ông Võ Văn Thưởng trở thành tân Chủ tịch Nước Việt Nam là điều
không nằm ngoài khả năng của giới “thạo tin” và giới phân tích chính trị. Ban
Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam họp bất thường Hội nghị 13 khoá 13
ngày 1/3/2023 đã đề cử ông Thưởng vào vị trí cao nhất về lễ nghi của đất nước để
Quốc hội Khoá 15 sau đó một ngay cũng họp bất thường để bỏ phiếu thông qua. Ai
cũng biết đó chỉ là thủ tục của chế độ Đảng CS lãnh đạo toàn diện, trong đó quyền
lực tập trung vào tập thể Bộ Chính trị và cá nhân ông Tổng bí thư. Những thay đổi
chính sách trong hai nhiệm kỳ Đại hội gần đây, Đại hội 12 (2012-2021) và 13
(2021-2026), để đối phó với quốc nạn tham nhũng của kiểu “nhà nước tư bản thân
hữu” đã khiến quyền lực tập trung cao độ vào nhóm lãnh đạo cao nhất và hội tụ
trong vai trò người đứng đầu Đảng để củng cố chế độ Đảng – Nhà nước chuyên chế
“toàn trị.” Thực tế cho thấy Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN
là “cơ quan quyền lực cao nhất” chỉ còn trên danh nghĩa.
Ông Võ Văn Thưởng, năm nay 53 tuổi, có lẽ cũng chỉ là một trong các
phương án trong tính toán người kế vị Tổng bí thư, nếu như ông Nguyễn Xuân Phúc
không bị “rớt đài.” Ông Thưởng đáp ứng được các tiêu chuẩn Chủ tịch nước theo
Quy định 214-QĐ/TW ngày 02/01/2020, sau khi nó đã được chỉnh sửa cho hợp với thực
tế đảm bảo duy trì chế độ. Ý định nhất thể hoá hai chức danh Tổng bí thư và Chủ
tịch nước cho đến nay vẫn không thể được thực hiện. Bởi vậy, việc đề xuất ai ở
vị trị này phải nằm trong sự tính toán của Đảng và cá nhân ông Tổng bí thư,
trong đó cân bằng cơ cấu vùng miền trong “tứ trụ” là ưu tiên, nhưng vẫn đảm bảo
quyền lực tối cao đồng thời nhận được sự ủng hộ của tập thể lãnh đạo. Ngoài những
tiêu chuẩn về tuổi, thâm niên ít nhất trong 1 khoá trong Bộ chính trị, từng là
Bí thư tỉnh Quảng Ngãi… đã được thoả mãn về mặt hình thức, ông Thưởng không có
“dấu ấn” thành tích trong quá trình đi lên, nhưng xuất phát điểm chính trị
chuyên nghiệp từ hoạt động Đoàn - Đảng cũng là “lợi thế” sàng lọc cán bộ lãnh đạo
của nhiệm kỳ này. Như vậy, ông ấy được cử giữ chức tân Chủ tịch nước là phương
án nhân sự “tối ưu” để đảm bảo các yếu tố đồng thuận trong tầm kiểm soát với sự
tính toán người kế vị Tổng bí thư Đảng cho nhiệm kỳ tới. Nói như các nhà bình
luận am hiểu, rằng còn hơn hai năm của nhiệm kỳ 13 ông Thưởng, cũng như những ứng
viên tiềm năng khác, còn có thời gian để thử thách!
Ông Võ Văn Thưởng nhậm chức Chủ tịch
nước vào ngày 2/3/2023. Ảnh Hoàng Thống Nhất/VNA/AFP
Ngoài ra, khả năng kế vị của ông Thưởng là không cao trước quyền lực
“vô đối” của ông Tổng bí thư đương nhiệm sau khi nguyên Chủ tịch Nguyễn Xuân
Phúc và hai phó Thủ tướng “kỹ trị” buộc phải từ nhiệm giữa kỳ. Mặc dù do điều
kiện tuổi tác và sức khoẻ, ông Nguyễn Phú Trọng sẽ khó tiếp tục kéo dài sang
nhiệm kỳ thứ 4, nhưng ai kế nhiệm ông Trọng cũng sẽ gặp nhiều thách thức. Trước
hết là vấn đề “minh vương”, ngoài về phẩm chất cá nhân thì việc kế thừa niềm
tin vào lý tưởng xã hội chủ nghĩa, và trải nghiệm chính trị để giữ quyền lực bền
bỉ và kiên định đường lối chính sách này cũng vô cùng khó khăn, trong đó mấu chốt
là duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế để đảm bảo tính chính danh của Đảng
CS và chế độ. Vấn đề kế vị luôn là thách đố lớn nhất cho chế độ tập quyền! “Chiếc
nhẫn” quyền lực Tổng bí thư Đảng sẽ được trao cho ai sẽ không đơn giản nhưng lại
là lô- gíc hợp lý cho các suy đoán, và điều đó có ý nghĩa quan trọng với chính
trường Việt Nam hiện nay.
Ông Võ Văn Thưởng (thứ hai từ
trái hàng đầu), một trong những ủy viên Bộ Chính trị mới hồi tháng 1/2016. Ảnh
Hoàng Đình Nam AFP
Thực tế cải cách thể chế đã chỉ ra nguy cơ lớn nhất là sự tha hoá quyền
lực. Khi sở hữu “chiếc nhẫn” quyền lực, trong trường hợp bất khả kháng, thì việc
trao lại cho “ai đó” là điều khó khăn sao cho vẫn giữ được “vương quốc” theo ý
của chủ nhân. “Chúa tể của chiếc nhẫn” (“The Lord of the Rings”) là một truyền
thuyết cách đây hơn 2000 năm, kể rằng có chàng chăn cừu Gyges sau một trận động
đất “tình cờ” có được chiếc nhẫn “tàng hình” với khả năng siêu nhiên cám dỗ người
sở hữu nó bằng sức mạnh. Anh ta đã trở nên xấu xa, đã sát hại nhà vua và thâu
tóm vương quốc. Nhưng lời nguyền tha hoá quyền lực khiến anh ta cuối cùng phải
nhận kết cục bi thảm. Câu chuyện này đến nay vẫn còn truyền cảm hứng cho các
triết gia khám phá xây dựng thể chế, mặc dù họ “lên tiếng” còn khác biệt về niềm
tin trong những bối cảnh lịch sử xã hội đặc thù nhưng đều nhấn mạnh sự cần thiết
phải kiểm soát quyền lực. Chẳng hạn, trong thiết kế “Khế ước xã hội” triết gia
Thomas Hobbes lập luận rằng trạng thái tự nhiên là bạo lực và ích kỷ. Công lý,
do đó, được áp đặt bởi thẩm quyền. Ngược lại, John Locke khẳng định rằng mọi
người đương nhiên có nghĩa vụ phải hành động chính đáng và họ đồng ý tham gia
vào xã hội dân sự để đảm bảo các quyền tự nhiên của họ trong khi Jean-Jacques
Rousseau cho rằng mục đích của Khế ước xã hội là tạo ra một Chính phủ đại diện
cho toàn dân và thực thi ý chí chung.
Trong lễ nhậm chức ông tân Chủ tịch đã nói lại quan điểm không mới là
“lấy dân làm gốc”, tuy nhiên, nếu thiếu cơ chế kiểm soát quyền lực hiệu quả và
thiếu cơ chế đảm bảo các quyền cơ bản của công dân được hiến định trong hành động,
thì những lời phát biểu này, suy cho cùng, cũng chỉ là thủ tục phải có. Ông Võ
Văn Thưởng là Chủ tịch nước là sự kiện không gây bất ngờ và việc kế vị Tổng bí
thư quyền lực “vô đối” vẫn bỏ ngỏ.
Phạm
Quý Thọ
---------------------------------------------------------------------
* Bài viết không phản
ánh quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
No comments:
Post a Comment