Tại sao Hắc Hải trở thành điểm nóng địa-chính trị?
Lê Tây Sơn
21 tháng 3, 2023
https://saigonnhonews.com/thoi-su/the-gioi/tai-sao-hac-hai-tro-thanh-diem-nong-dia-chinh-tri/
Trong nhiều năm, Hắc Hải (Black Sea) hầu như bị các
chiến lược gia địa chính trị phớt lờ. Nhưng với cuộc xâm lược Ukraine của Putin
và thái độ gây hấn của ông ta ở những nơi khác trong khu vực, các quốc gia nằm
dọc bờ biển bắt đầu nhận ra họ đang ở trên một đường đứt gãy nguy hiểm.
https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/03/GettyImages-489794217.jpg
Một cuộc tập trận của
Hải quân Mỹ tại Hắc Hải (ảnh: David Hancock/U.S. Navy via Getty Images)
Cảnh báo trên bầu trời Hắc Hải
Kể từ khi Nhóm hàng hải thường trực của NATO (Standing NATO Maritime
Group) rút khỏi khu vực khủng hoảng, Hải quân Romania là hạm đội hoạt động tích
cực nhất ở Hắc Hải. Hắc Hải không thực sự nằm trong tầm ngắm của các chiến lược
gia chính trị khi nói đến xung đột địa-chính trị. Có rất ít vấn đề xảy ra ở đây
trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, khi Hắc Hải nằm giữa một bên là các quốc gia
thuộc Hiệp ước Warsaw của Liên Xô trong đó có Romania, Bulgaria; và bên kia là
Thổ Nhĩ Kỳ, thành viên NATO.
Tuy nhiên, giờ đây, vùng biển nằm giữa châu Âu và châu Á này đang thu
hút sự chú ý toàn cầu. Khả năng Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể kích nổ vũ
khí hạt nhân chiến thuật trong khu vực (nơi sinh sống của 300 triệu người)
không thể xem nhẹ. Cách đây vài tuần, một máy bay do thám không người lái
Reaper của Mỹ đã bị chiến đấu cơ Nga chặn lại, cách Crimea do Nga chiếm đóng
khoảng 120 km về phía Tây. Hai máy bay ném bom chiến đấu Su-27 thời Liên Xô kèm
sát và doạ máy bay Mỹ trước khi nó bị rơi.
https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/03/GettyImages-455966906.jpg
Quân sự hóa khu vực Hắc
Hải là kế hoạch mà Putin thực hiện từ rất lâu trước cuộc chiến Ukraine (ảnh:
Sasha Mordovets/Getty Images)
Cuộc sống của những người sống trên bờ Hắc Hải đã thực sự thay đổi kể từ
khi chiến tranh Ukraine bùng nổ. Câu hỏi mới đặt ra là làm thế nào các cư dân ở
ven biển Hắc Hải có thể tiếp tục sống chung với một nước láng giềng hung bạo
như Nga?
Romania kiểm soát hơn 30,000 km2 Hắc Hải nhưng các tàu chiến
Nga liên tục xuất hiện trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này. Lãnh thổ
Romania nằm trong tầm bắn của tên lửa đạn đạo Nga và chỉ cách Bán đảo Crimea do
Nga chiếm đóng và Đồng bằng sông Danube (phần lớn thuộc Romania) có 225 km.
Chính phủ Bucharest đã công bố ý định tăng chi tiêu quân sự trong năm nay, lên
2.5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), một gánh nặng lớn đối với quốc gia lâu nay vẫn
chìm trong nghèo đói.
Romania đang lên kế hoạch mua hai tàu ngầm do Pháp chế tạo cùng với 32
máy bay chiến đấu F-16 đã qua sử dụng của Mỹ cũng như các trực thăng mới. Thủ
tướng Nicolae Ciuca, một cựu quân nhân từng phục vụ ở Afghanistan và Iraq, được
cả nước gọi kính trọng là “Vị tướng của sa mạc” và là người được Mỹ tin tưởng.
Ông vừa thể hiện cam kết của Romania trong việc nâng cấp quân đội, gồm cả hợp đồng
trị giá gần 4 tỷ euro để mua hệ thống hoả tiễn đất đối không Patriot từ Mỹ.
https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/03/GettyImages-1022374704.jpg
Tổng thống Nga
Vladimir Putin và Tổng thống Abkhazia, Raul Khadzhimba trong một cuộc hội đàm
vào Tháng Bảy 2018 (ảnh: Mikhail Svetlov/Getty Images)
.
Thùng thuốc súng Abkhazia
“Nihil obstat (Không có gì cản đường chúng ta)” là câu nói
mà người chỉ huy Căn cứ Không quân 57 của Romania khoe một cách tự hào. Nằm về
phía Tây Bắc thành phố cảng Constanța và thuộc đế chế cũ của bạo chúa cộng sản
Nicolae Ceausescu, đây là một trong sáu căn cứ mà NATO có quyền sử dụng.
10,000 binh sĩ Mỹ sẽ đóng quân tại Căn cứ Không quân 57 trong những năm
tới. Hàng ngàn lính Mỹ đã có mặt ở đó, cùng các binh sĩ từ Pháp, Hà Lan, Ý, Đức
và Bỉ. Với khoản đầu tư theo kế hoạch là 2.8 tỷ euro, Romania đang biến căn cứ
không quân này thành một trung tâm chiến lược của NATO trước mối đe dọa ngày
càng tăng của Nga. Đệ nhất phu nhân Mỹ Jill Biden, người đến thăm căn cứ ở
Romania vào Tháng Năm năm ngoái (và mang theo gần 20 lít sốt cà chua cho quân đội),
đã nhấn mạnh cam kết nghiêm túc của Mỹ với khu vực Hắc Hải.
Trước khi đổ vào Hắc Hải, sông Danube là biên giới giữa Romania với
Ukraine. Những chiếc xe buýt và xe tải chất đầy hàng hóa băng qua con sông, với
các quan chức hải quan phía Ukraine giám sát giao thông biên giới. Hiện tại
không thể biết chính xác tình hình ở phía Đông tỉnh Kherson trên Biển Azov và bờ
biển Hắc Hải của Nga. Trước khi chiến tranh bùng nổ, đi du lịch đến đó là chuyện
bình thường.
Dinh thự được bảo vệ kỹ lưỡng của Putin ở thị trấn nghỉ mát Sochi thể
hiện sự cô lập của nhà cai trị lâu năm của Nga và tham vọng quyền lực của ông
ta. Đằng sau những bức tường cao, Putin tiếp các vị khách cấp nhà nước và ký
các hiệp ước, ví dụ Hiệp ước tương trợ Abkhazia, nước “cộng hòa tự xưng” thân
Nga tách khỏi Georgia (“Gruziya”, viết theo ngôn ngữ Slavic) bất chấp luật quốc
tế.
Từ Sochi, chỉ mất một giờ lái xe đến cửa khẩu biên giới vào Abkhazia, một
vùng đất không người ở kỳ lạ trên bờ Hắc Hải. Hoà bình ở nước cộng hòa này được
bảo đảm bởi hàng ngàn binh sĩ Nga, khiến “cộng hoà tự xưng” này về cơ bản là một
lãnh thổ được Nga bảo hộ quân sự và kiểm soát hoàn toàn. Có nhiều bãi biển tuyệt
đẹp, Abkhazia là nơi diễn ra các cuộc giao tranh đẫm máu trong cuộc chiến tranh
“giành độc lập” từ năm 1992 đến 1993 với những người theo chủ nghĩa dân tộc
Abkhazia được Nga hậu thuẫn chiến đấu với quân đội Georgia thời hậu Xô Viết.
Mỗi bên được cho là có khoảng 4,000 người chết và khoảng 200,000 người
mất nơi cư trú. Kể từ đó, Abkhazia là một trong vô số thùng thuốc súng mà Putin
sẽ cho nổ khi cần thiết. Năm 2008, Nga đã công nhận nền độc lập của Abkhazia
sau cuộc chiến kéo dài năm ngày chống Chính phủ trung ương Georgia.
Hiện nay, không ai có thể làm gì ở Abkhazia nếu không có sự cho phép của
cơ quan mật vụ Nga, đặc biệt là khu vực giáp giới Georgia. Các phương tiện quân
sự Nga mang biển số màu đen tuần tra trên đại lộ rợp bóng bạch đàn dẫn xuống
sông Enguri. Số lượng lớn các doanh trại được bảo vệ nghiêm ngặt là dấu hiệu
cho thấy quân đội Nga không có kế hoạch rời đi sớm. Vậy người Georgia ở phía
bên kia biên giới sẽ ứng phó thế nào với quân Nga sát bên?
Ở phía Bắc thị trấn Anaklia trên bờ Hắc Hải, các binh sĩ Nga và lực lượng
đặc biệt Georgia (nay là đối tác NATO) nhìn qua hàng rào biên giới chỉ cách 500
mét. Với các cảng nằm trên bờ biển phía Đông của Hắc Hải, Georgia đóng một vai
trò quan trọng trong các kịch bản sau chiến tranh, vừa như một trạm trung chuyển
giữa châu Âu, Trung Á và Biển Caspian; vừa như trung tâm thương mại hàng hóa và
năng lượng cách xa các tuyến đường truyền thống của Nga.
Và quan trọng nhất, đây là khu vực triển khai tiền phương của NATO. Tuy
nhiên, điều kiện tiên quyết cho mỗi kịch bản này đều cần đến sự chọn lựa rõ
ràng hơn của Georgia trong việc thể hiện sự gắn bó và đáng tin với vị trí là đối
tác của phương Tây. Điều đó không xảy ra, ít nhất là vào thời điểm này.
Mới đây, hàng ngàn người dân Georgia đã biểu tình trước Quốc hội ở thủ
đô Tbilisi để phản đối một dự luật xem những người chỉ trích chính phủ là “đặc
vụ nước ngoài”. Tedo Japaridze, cựu Ngoại trưởng
Georgia, nói: “Chính phủ hiện nay đang nằm dưới sự điều hành của tỷ phú thân
Moscow Bidzina Ivanishvili và thiếu định hướng rõ ràng về chính sách đối ngoại”.
Georgia, nơi có ít hơn bốn triệu người, là một đất
nước mong manh với 1/5 lãnh thổ bị quân đội Nga chiếm đóng. Nam Ossetia cũng đã
tuyên bố độc lập khỏi Tbilisi và trung thành với Kremlin. Thêm vào đó là làn
sóng ồ ạt gần đây của người Nga trốn quân dịch, với ước tính hàng trăm ngàn người
Nga hiện sống ở Georgia. Nỗi sợ hãi trong nước Georgia về “Mô hình Donbas” đang
tăng, nếu Putin, với lý do bảo vệ công dân Nga ở nước ngoài, sẽ lại gửi quân
vào Georgia giống như ông ta từng làm vào năm 2008.
Trong một báo cáo tình hình vào Tháng Sáu 2022, NATO cho biết “Nga đang
tìm cách mở rộng phạm vi ảnh hưởng ở khu vực hậu Xô Viết thông qua cưỡng ép, lật
đổ, gây hấn và thôn tính”. Cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev thậm chí từng đề
cập khả năng sáp nhập Georgia.
Thổ Nhĩ Kỳ là yếu tố tăng và hạ nhiệt
Nếu băng qua biên giới vào Thổ Nhĩ Kỳ không xa ngôi làng Sarpi của
Georgia, bạn sẽ đến một thế giới hoàn toàn khác chỉ sau vài bước chân. Thổ Nhĩ
Kỳ được xem là một pháo đài của liên minh NATO. Kể từ khi bắt đầu chiến tranh,
Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đóng vai trò trung gian giữa Nga và Ukraine, đồng
thời ông cũng kiểm soát lối vào Hắc Hải. Nếu không có sự cho phép của Ankara,
không một tàu chiến nào có thể đi qua eo biển Bosporus và không một tàu nào chở
ngũ cốc Ukraine có thể đến châu Phi.
https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/03/GettyImages-1232644579.jpg
Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát gần
như hoàn toàn Bosphorus (ảnh: Chris McGrath/Getty Images)
Bosporus, chỉ rộng 700 mét tại điểm hẹp nhất, là “lỗ kim” mà hạm đội của
các quốc gia Hắc Hải phải đi qua. Quyết định nằm ở người Thổ Nhĩ Kỳ. “Tất
nhiên, chúng tôi muốn theo dõi mọi thứ đi vào và ra eo biển – Serkan Gercek người
đứng đầu thị trấn Rumelifeneri, nằm ở cửa phía Bắc của Bosporus nói.
Tổng thống Erdogan, người thống trị sân khấu chính trị Thổ Nhĩ Kỳ hai
thập niên qua, là một tay cáo già thành thục kỹ năng “đi dây” trong đối ngoại.
Một mặt, ông cho phép giao máy bay không người lái chiến đấu do chính con rể
mình chế tạo cho Ukraine và yêu cầu Nga trả lại cho Ukraine tất cả những lãnh
thổ chiếm đóng; mặt khác, ông vẫn liên lạc thường xuyên với Putin và bảo đảm việc
Nga có quyền tiếp cận các nguồn cung cấp cần thiết để đổi lấy việc giao khí đốt
tự nhiên giá rẻ cho Thổ Nhĩ Kỳ.
https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/03/GettyImages-1241980379.jpg
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ
Recep Tayyip Erdogan, một tay tổ trong chính sách đối ngoại đi dây giữa NATO và
Nga (ảnh: Bernd von Jutrczenka/picture alliance via Getty Images)
Erdogan không ủng hộ các biện pháp trừng phạt phương Tây áp dụng đối với
Nga. Dòng vốn “lánh nạn” của Nga được Thổ Nhĩ Kỳ hấp thụ một cách “hàm ơn”. Đổi
lại, Thổ Nhĩ Kỳ và một số công ty châu Âu tìm mọi cách chen vào lỗ hổng của lệnh
trừng phạt gây ra để tiếp tục làm ăn với Nga. Từ các cảng Anatolia, họ giao
hàng bằng phà qua Hắc Hải với 8,200 chuyến mỗi tháng vào mùa Xuân năm ngoái, cứ
5 phút lại có một chuyến. Số hàng này được đưa vào Nga bằng đường bộ qua
Kavkaz.
Tuy nhiên, áp lực địa-chính trị cũng đang gia tăng đối với chính phủ
Ankara. Giáo sư Mustafa Aydın thuộc Đại học Kadir Has ở Istanbul nhận định: “Việc
tái quân sự hóa khu vực Hắc Hải đi ngược lại lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ. Việc xây dựng
quy mô lớn, đặc biệt là ở sườn phía Tây các căn cứ của NATO từ Ba Lan đến
Romania và Hy Lạp, nhưng không phải ở Thổ Nhĩ Kỳ, đang tạo ra sự ngờ vực đáng kể
đối với người Thổ Nhĩ Kỳ”, dẫn lại từ Der Spiegel.
Ngày 24 Tháng Hai 2022 thật sự đã đánh dấu sự kết thúc của giấc mơ hợp
tác hòa bình trên Hắc Hải; và người ta đang chứng kiến sự trở lại của Chiến
tranh Lạnh. Địa chính trị khu vực đã hoàn toàn thay đổi kể từ ngày Putin mang
quân vào Ukraine.
No comments:
Post a Comment