Wednesday, March 22, 2023

ĐIỀU GÌ KHIẾN NGA MÊ HOẶC PHÁP? (The Economist)

 



Điều gì khiến Nga mê hoặc Pháp?

The Economist

Phạm Tuấn Đạt, biên dịch

22/03/2023

https://nghiencuuquocte.org/2023/03/22/dieu-gi-khien-nga-me-hoac-phap/

 

Lịch sử lâu dài giữa hai nước đã khiến Paris khó hoàn toàn tách khỏi Moscow

 

Nhà triết học người Pháp Voltaire bị quyến rũ bởi nước Nga đến mức ông viết những bức thư ca ngợi gửi cho nữ hoàng Ekaterina (Catherine) Đại đế. Trong những năm 60, 70 của thế kỉ 18, nhà tư tưởng thời Khai sáng và nữ hoàng Nga đã trao đổi 197 bức thư tay bằng tiếng Pháp, ngôn ngữ được ưa chuộng bởi tầng lớp quý tộc Nga lúc bấy giờ. Voltaire khen ngợi Ekaterina là “đức vương khai minh”, và nói rằng: “Nếu tôi trẻ hơn, tôi sẽ trở thành người Nga”. Vào năm 1773, nữ hoàng còn đón tiếp nhà bác học Denis Diderot tại cung điện St. Petersburg. Từ đó, trong trí tưởng tượng của người Pháp, Nga là điểm hẹn của nghệ thuật và văn chương, là nơi văn minh vượt lên trên hỗn mang.

 

Nếu như cuộc chiến của Nga ở Ukraine bộc lộ sự phụ thuộc vào Nga của nền công nghiệp Đức, thì nó còn bộc lộ một điểm yếu khác ở Pháp: sự yêu thích tai hại đối với Nga. Về phía cánh tả, Nga là quê hương của của cách mạng Bolshevik, tư tưởng chống Mỹ và chủ nghĩa cộng sản. Trong Chiến tranh Lạnh, đảng Cộng sản Pháp luôn trung thành với Moscow, thậm chí đảng này còn giữ biểu tượng búa liềm trên thẻ thành viên đến năm 2013. Ngược lại, phe cánh hữu lại ngưỡng mộ chủ nghĩa dân tộc yêu nước và truyền thống lãnh đạo chuyên chế của Nga; thậm chí chiến dịch tranh cử của Marine Le Pen còn được tài trợ một phần bởi một ngân hàng Nga.

 

Ảnh hưởng của Nga tới chính trường Pháp không chỉ dừng lại ở những người cực đoan; nó còn hiện diện trong chính giới truyền thống của Pháp. Khi còn trẻ, Jacques Chirac – cựu tổng thống theo chủ nghĩa De Gaulle và đề cao thế giới đa cực để chống lại bá quyền của Mỹ – từng dịch tác phẩm “Eugene Onegin” của Puskin ra tiếng Pháp. Ông Chirac còn được trao huân chương cao quý nhất của Nga, và ngược lại, trao cho Putin huân chương Bắc đẩu Bội tinh. Francois Fillon, thủ tướng trung hữu của Pháp, là khách quen của Putin. Một ngày sau khi xe tăng Nga xâm lược Ukraine, ông từ bỏ vị trí thành viên hội đồng quản trị tại hai công ty Nga. Dường như ông không coi sự kiện Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014 là rào cản đối với việc chấp nhận các vị trí trên.

 

Những người Pháp thân Nga đã tự nhủ rằng thiên hướng thân Nga không hề nguy hiểm hay xấu xí, mà là thành quả của nỗ lực thấu hiểu văn hóa đặc biệt. Gần một thập niên từ năm 2008, Alexandre Orlov, đại sứ Nga tại Paris lúc bấy giờ, thường xuyên tiếp đãi tầng lớp thượng lưu của Paris. Ông còn giám sát việc thi công một nhà thờ Chính thống giáo Nga với đỉnh vàng hết sức tráng lệ bên bờ trái sông Seine. Khi Orlov xuất bản hồi kí vào năm 2020, phần tựa đề được viết bởi Hélène Carrère d’Encausse, “thư kí trọn đời” của Viện hàn lâm Pháp. Bà cho rằng cuốn sách này sẽ giúp người đọc hiểu về những xáo trộn của người Nga Xô-viết khi Liên Xô sụp đổ.

 

Tất nhiên, trên võ đài chính trị hết sức huyên náo của Pháp, cũng như trong lĩnh vực ngoại giao hết sức kín tiếng, những quan điểm địa chính trị đối nghịch cạnh tranh nhau. Việc đồng cảm một cách vô thức với Nga không phải là phổ biến, cũng không phải là không cưỡng lại được. Francois Hollande, cựu tổng thống thuộc Đảng xã hội Pháp, hủy bỏ hợp đồng chuyển 2 tàu chiến lớp Mistral cho Nga sau khi Nga sáp nhập Crimea. Nhà triết học Pháp Bernard-Henri Levy, một người đã đi thăm hết mọi chiến trường với chiếc áo trắng phẳng phiu, đã nhiều năm thúc giục Pháp chống lại sự xâm lược của Nga tại Ukraine; bộ phim mới nhất của ông, “Vinh quang cho Ukraine”, được công chiếu vào ngày 22 tháng 2.

 

Ngay cả quan điểm thời hậu Thế chiến II của Pháp là giữ trung lập giữa Mỹ và Liên Xô cũng là điều gây tranh cãi. Benjamin Haddad, thành viên quốc hội dưới thời Macron, giải thích rằng “sự yêu mến mang tính chất địa chính trị dành cho Nga được nhìn nhận từ góc nhìn lịch sử về sau”: trong khủng hoảng, Charles de Gaulle luôn sát cánh với các đồng minh liên Đại Tây Dương. Đối với người dân Pháp, câu trả lời dường như chắc chắn; 60% người dân có quan điểm tích cực về tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, và chưa tới 10% người dân ủng hộ Putin.

 

Đây chính là bối cảnh làm nền cho những chính sách ngoại giao của Pháp dưới thời Macron. Chính tại Điện Versailles, nơi vua Peter Đại đế từng đến thăm, là nơi một tổng thống Macron mới đắc cử đón tiếp Putin, khen ngợi “một nước Nga mở cửa với châu Âu”. So với những nhà lãnh đạo châu Âu khác, vị tổng thống trung hữu Pháp tin nhiều hơn vào khả năng có thể thuyết phục Putin từ bỏ chiến tranh, mặc dù Putin lúc bấy giờ đang tập hợp lực lượng tại biên giới Ukraine và giới tình báo Mỹ đã lên tiếng cảnh báo về một cuộc xâm lược sắp xảy ra. Lúc này, dường như Macron là người duy nhất mang suy nghĩ rằng một ngày nào đó Nga sẽ được đưa vào “hệ thống an ninh chung châu Âu”, để đưa Nga khỏi rơi vào vòng tay Trung Quốc. Nhưng rồi cuộc xâm lược Ukraine, cùng những vụ thảm sát và ném bom vào dân thường, trẻ em, những tội ác của cuộc chiến do Putin khởi xướng, đã dần dần ảnh hưởng tới quan điểm của Macron. Những nỗ lực ngoại giao “tấn công quyến rũ” của Macron đã thất bại thảm hại.

 

Bóng ma của Versailles

 

Đây là thời điểm quan trọng đối với ông Macron. Ông phải chịu áp lực từ những luồng ý kiến trái chiều, một bên khuyên ông phải cẩn trọng và kiềm chế, một bên thúc giục ông phải có vai trò lãnh đạo lớn hơn trong vấn đề Ukraine và dẹp bỏ những ảo tưởng về tương lai của Nga. Trong lúc đó, quá trình chấp nhận sự phức tạp của chiến tranh và hòa bình lại càng tạo thêm nhiều sự mơ hồ. Vị tổng thống Pháp vẫn chưa nói chuyện với Putin từ tháng 9 năm 2022, nhưng nói rằng đường dây liên lạc vẫn mở. Chỉ hai tháng trước ông còn cân nhắc việc “bảo đảm an ninh” cho Nga sau chiến tranh. Ông Macron dường như vừa muốn ủng hộ Ukraine, vừa muốn làm trung gian khi đàm phán hòa bình.

 

Tuy nhiên, trong những tuần qua, ông Macron đã trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết, tuyên bố rằng Pháp sẽ đứng sau Ukraine “cho đến khi chiến thắng” và viện trợ nhiều vũ khí hạng nặng hơn – dù chưa hứa chuyển giao xe tăng, giống như các đồng minh khác. “Tôi nghĩ ông Macron đã thay đổi, và lần này là thật sự”, theo lời ông Zelensky trên tờ Le Figaro vào ngày 8 tháng 2, ngày ông bay từ London tới Paris để dùng bữa tối với ông Macron. Sáng hôm sau, khi hai nhà lãnh đạo ngồi trên chiếc chuyên cơ của tổng thống Pháp lên đường tới Brussel, không ai khác ngoài ông Levy trong chiếc sơ-mi trắng thường lệ đã có mặt tại sân bay để tiếp chuyện hai ông. Ông Macron tỏ vẻ lắng nghe. Tuy vậy, xét cho cùng, về vấn đề ngoại giao cũng như mọi khía cạnh khác, ông Macron chỉ lắng nghe chính bản thân mình. Có lẽ ngài tổng thống Pháp không thể gạt bỏ hoàn toàn sự mê hoặc của nước Pháp dành cho Nga, nhưng ít ra ông ấy đang đi đúng hướng.

 





No comments: