Sự
lựa chọn của Võ Văn Thưởng và của người dân Việt Nam có giống nhau?
Bình luận của Bích Nhung
Ông Thưởng là một điển hình của loại chính khách có
đường quan lộ hanh thông nhưng khá bí ẩn. Quê hương ông được cho là từ Vĩnh
Long (miền Nam), nhưng ông lại sinh ra tại Hải Dương (miền Bắc). Việc Võ Văn
Thưởng được bầu vào cương vị mới rất có thể sẽ mở đầu cho câu chuyện dài nhiều
tập về sự lựa chọn của tân Chủ tịch nước và của người dân Việt Nam. Hai sự lựa
chọn này liệu có giống nhau?
_____________
Dư luận trong nước cả tuần lễ nay và có thể
còn lâu nữa vẫn chưa hết ngỡ ngàng về lời tuyên thệ trong buổi lễ nhậm chức của
tân Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng. Trong khi người dân khắp cả nước đang
đối mặt với cuộc mưu sinh nhọc nhằn sau đại dịch Vũ Hán thì tuyên thệ nhậm chức
của Võ Văn Thưởng lại bắt đầu bằng hô khẩu hiệu “suông” là sẽ “kiên định vận dụng
và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Marx-Lenin…” Nhìn toàn cục, đất nước
thì đang thiếu hẳn những điều tử tế tối thiểu! Việt Nam hiện nay có nhiều thứ
ngược đời đến phi lý! Cà phê không được làm ra từ cà phê, nước mắm không được
chiết xuất từ cá biển, tiền lương không tích lũy do lao động, bằng cấp không được
trao trên cơ sở thực học, quan chức không được chọn bởi thực tài. Nghiêm trọng
nhất là Nhà nước, Quốc hội không được bầu ra từ nhân dân!(1) Vậy xin hỏi tân Chủ tịch nước, những lời thề
bồi của ông là nhằm làm “đẹp lòng” người lựa chọn ông, hay đưa ra để giải quyết
các nghịch lý nói trên?
Sinh Bắc, quê ở Nam có thể là ưu thế vượt trội
của ông Thưởng, vì cùng lúc, bảo đảm từ nay “Tứ trụ” đáp ứng được cơ cấu vùng
miền, đồng thời nếu Đại hội tới, Thưởng được xếp vào ghế Tổng bí thư, thì sẽ thỏa
mãn được yêu cầu trước đây, cũng được cho là của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Tổng
bí thư phải là người miền Bắc và là người có lý luận”. Ông Thưởng là Ủy
viên Bộ Chính trị trẻ nhất trong hàng ngũ chóp bu, lại có bằng Thạc sỹ về Triết
học Mác – Lê Nin. Điều này được coi là lựa chọn phù hợp đối với cả hai vị Đảng
trưởng: Nguyễn Phú Trọng và Tập Cận Bình. Cái lợi của sự lựa chọn này là ông Trọng
lẫn ông Thưởng có thể cùng nuôi dưỡng hy vọng thúc đẩy quan hệ Việt Nam – Trung
Quốc phát triển bền vững, lành mạnh và ổn định đúng như điện mừng của Chủ tịch
nước, Tổng bí thư Trung Quốc Tập Cận Bình gửi Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng.
Nói đến lập trường của Trung Quốc, cần nhắc lại,
ông Thưởng từng tháp tùng phái đoàn của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sang Bắc
kinh hồi cuối năm ngoái và gặp gỡ nhiều vị chức sắc trong Ban lãnh đạo Trung
Nam Hải. Có điều là ngoại trừ đối với Tập Chủ tịch, ông Trọng toàn hội kiến với
các thành viên Lãnh đạo sắp về hưu. Còn ông Thưởng, ngược lại, được gặp những
người đương chức hoặc sắp nhận những cương vị mới. Không thể không nhắc lại cuộc gặp giữa Thường
trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng với ông Thái Kỳ, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị,
Bí thư Ban Bí thư Trung ương ĐCSTQ, Bí thư Thành ủy Bắc Kinh (2). Trong khi đó, ông Trọng hội kiến với các ông: Lý Khắc
Cường, Lật Chiến Thư và Uông Dương, là những người đã bị loại khỏi Trung
ương. Cho đến chiều tối 6/3, ngoài điện mừng
của Tập Cận Bình, Putin, Chủ tịch Triều Tiên, Cuba, Tổng thống Ấn Độ… người ta
vẫn chưa thấy điện mừng của Hoa Kỳ và khối các nước dân chủ từ Châu Âu cùng các
vùng miền khác trên thế giới.
Điều nói trên không hẳn là một sự tình cờ nếu
chú ý, trong tuyên thệ của mình, ông Thưởng đã gián tiếp mạ lỵ sự sụp đổ của
các nước XHCN (cũ) ở Đông Âu. Trước đây, trên cương vị Thường trực Ban bí thư,
ông Thưởng cũng chưa có chuyến thăm hay cuộc hội kiến nào với lãnh đạo các nước
phương Tây. Lãnh đạo nước ngoài đầu tiên mà tân Chủ tịch tiếp là Phó Thủ tướng
Camphuchia và ông này đã cám ơn, vì mình là vị khách quốc tế đầu tiên được ông
Thưởng hội kiến tại Hà Nội (3). Khi “thương vay khóc mướn” vì “có nhiều người
dao động, rời hàng ngũ lúc các nước XHCN ở Đông Âu và Liên Xô sụp đổ”, không rõ
Võ Văn Thưởng có thấm nhuần nguyên lý “cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”,
vì người dân cả khối Đông Âu đã xuống đường hân hoan chào đón sự kiện đổi đời của
họ. Sau 30 năm “sụp đổ”, các nước này đều có sự thăng tiến, đặc biệt, GDP của
Ba Lan giờ đây đã tăng gấp 10 lần (chính xác là 1030% – từ 66 tỷ usd năm 1990
lên 680 tỷ usd năm 2020). Hầu hết các xã hội Đông Âu đều yên bình, tăng trưởng ổn
định, ít tội phạm, trong khi các điều kiện phúc lợi, miễn học phí, y tế, giáo dục
cho toàn dân ngày càng được cải thiện? Khi Ukraine bị Nga xâm lược, tất cả đều
đứng về phía Ukraine và dành sự giúp đỡ cực kỳ hiệu quả đối với Kiev. (4)
Rõ ràng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã bồi dưỡng
và chuẩn bị suốt cả một thời gian dài; người dân nói, ông Trọng đã “sắp cỗ” cho
ông Thưởng ngồi vào ghế Chủ tịch nước. Cái cách ông Trọng chọn ra ông Thưởng
khiến dư luận nhớ tới một câu chuyện lịch sử…. Nhận thấy Tô Hiến Thành là quan
đại thần phụ chính nhà Lý, do tuổi già sức yếu khó qua khỏi, Đỗ thái hậu (mẹ
vua Lý Cao Tông) tới thăm và hỏi rằng nếu ông có mệnh hệ gì thì lấy ai thay thế
ông được. Tô Hiến Thành đáp: “Người thay thế thần chỉ có thể là Trần Trung Tá!”
Thái hậu tỏ ngạc nhiên, hỏi: “Tán Đường ngày ngày hầu hạ, thuốc thang cho ông,
sao ông không tiến cử? Trần Trung Tá không mấy khi quan tâm đến ông, sao ông lại
ưa chuộng người ấy vậy?” Tô Hiến Thành đáp rành rẽ: “Nếu Thái hậu hỏi
người lo việc đại sự quốc gia, thần cử Trần Trung Tá. Nếu cần người phục dịch
cơm nước, thuốc thang, thì ngoài Võ Tán Đường, chẳng còn ai hơn được!” (5) Tiếc rằng, triều đình sau đó đã không nghe theo
lời ông, dẫn đến sau này vua Lý Cao Tông không được dạy bảo điều hành chính sự
mà chỉ lo ăn chơi, nhà Lý đi vào suy vong.
Tân Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã có học vấn
và quá trình làm việc khá giống với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Nhận định về
chuyển biến nhân sự hồi đầu tháng, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Liêm cho rằng: “Võ
Văn Thưởng là một hiện tượng quyền lực trong một truyền thống và thể chế chỉ biết
tận dụng những nhân sự ngây ngô, không bản lãnh, chỉ biết ngoan ngoãn tuân theo
ngôn ngữ và tập quán chế độ”. Theo Tiến sĩ Liêm, sẽ chưa có một thế hệ
kỹ trị cho Việt Nam trong vòng vài thập kỷ tới. Ông Liêm phân tích: “Vì giới kỹ
trị không thể làm chủ tình hình chính trị và ý thức hệ khi tự bản chất họ chỉ
là chuyên gia, chờ chỉ đâu làm đó. Cái cần thiết để thay đổi là một thế
hệ chính trị gia mới mang tham vọng quyền lực và có nhiệt huyết cách mạng ngay
trong lòng chế độ. Chuyện này là không thể có trong hoàn cảnh hiện nay” (6). Dù
sao, sự lựa chọn vừa qua cũng là một sự lựa chọn an toàn cho ông Trọng, đang tỏ
ra muốn cân bằng các mối quan hệ tế nhị giữa Mỹ và Trung Quốc.
Tựu trung lại, sự lựa chọn
để tìm ra Võ Văn Thưởng và sự lựa chọn của chính Võ Văn Thưởng, như đã phân
tích ở trên, dường như chả có liên quan gì đến tâm tư, tình cảm và lo toan của
người dân Việt Nam hiện nay. Về nhân sự cho “Bộ Tứ” từ
nay, ba vị Trọng – Huệ – Thưởng hy vọng sẽ tạo thành thế vững chắc trong hệ thống
quyền lực của Đảng. Để đạt được quyền lực này, Nguyễn Phú Trọng đã từng phải trả
giá: phải bật khóc khi không ép được BCHTƯ kỷ luật Nguyễn Tấn Dũng, cho dù tay
này đã từng phá nát nền kinh tế một thời. Chức vụ của ông Thưởng hiện nay sẽ được
kéo dài cho tới hết nhiệm kỳ, tức là tới tháng 5 năm 2026. Khi đó thì Võ Văn
Thưởng sẽ chỉ mới 56 tuổi vào thời điểm khi Đại hội Đảng 14 diễn ra vào đầu năm
2026, và ông Thưởng sẽ là một ứng viên sáng giá để kế nhiệm Tổng bí thư Nguyễn
Phú Trọng về quê “làm người tử tế”. (7)
___________
Tham khảo:
4.
https://vi.wikipedia.org/wiki/Ba_Lan
6.
https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cw85z4x17q2o
7.
https://www.youtube.com/watch?v=4yMIGfEaCSs
-------------------------------------------------------------------
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.
No comments:
Post a Comment