Monday, March 13, 2023

KHÍ HẬU ĐÀ LẠT NGÀY CÀNG NÓNG VÌ BỊ NHÀ KÍNH BAO PHỦ (An Vui / Saigon Nhỏ)

 



Khí hậu Đà Lạt ngày càng nóng vì bị nhà kính bao phủ

An Vui  -  Saigon Nhỏ

13 tháng 3, 2023

https://saigonnhonews.com/thoi-su/viet-nam/khi-hau-da-lat-ngay-cang-nong-vi-bi-nha-kinh-bao-phu/

 

Người dân Đà Lạt than khí hậu Đà Lạt ngày càng nóng vì bị nhà kính bao phủ.

 

Số liệu của Sở Nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng cuối năm 2022 cho biết diện tích nhà kính toàn tỉnh là 4,476ha (11,060 acres), trong đó TP.Đà Lạt có hơn 2,500ha (hơn 6,177 acres) nhà kính, chiếm 57%, bao phủ gần như toàn bộ những vùng trồng hoa và trồng rau dọc suối Cam Ly như làng hoa Thái Phiên, Chi Lăng, Mê Linh.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/03/13.3.23_Anh-8.jpg

Nhà kính, nhà lưới ở thượng nguồn suối Cam Ly, còn đâu dòng suối đẹp ngày xưa? – Ảnh: Vnexpress

 

Trong 12 phường của Đà Lạt, có đến 10 phường bị nhà kính che phủ và nhà kính lan đến đâu, mảng xanh và rừng thông biến mất ở đó. Nếu trước đây nhà kính chỉ có ở khu nông nghiệp và thung lũng, thì nay đã tiến sát các dòng suối hoặc lan dần đến các đỉnh đồi.

 

Đứng trên cao nhìn xuống, các thung lũng ở Đà Lạt không còn màu xanh mà tuyền một màu trắng vì nhà kính (hay nhà lưới).

 

Đó là bài viết báo động trên VTC News ngày 13 Tháng Ba, với những bức hình chụp cảnh quan Đà Lạt bị biến đổi vì nhà kính trông thật đau lòng.

 

Ông Hồ Thanh Hoàng, 50 tuổi, nông dân làng hoa Vạn Thành, phường 5, nói: “Nhà kính mọc lên nhanh nhất trong 4 năm trở lại đây. Giá nhà kính rẻ nên ai trồng rau, hoa gì cũng dựng nhà kính. Có nhà kính thì không lo nắng mưa, rau và hoa có năng suất cao, nhưng mấy năm nay cứ đến trưa lại nóng hầm hập”.

 

Bà Nguyễn Thị Hiền, 70 tuổi, làng hoa Thái Phiên, phường 12, ngao ngán: “Tôi ở đây miết cũng ngán rồi, một chút nữa tới tầm trưa là nóng hầm hập. Càng đi vào sâu trong khu vực nhà kính càng nóng. Người dân nói đùa rằng đây là vùng đất nylon che trời”. Bà cho biết nhà kính ở Lâm Đồng xuất hiện từ những năm 1992-1993, đến năm 2005, phong trào xây nhà kính lan rộng khắp Đà Lạt.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/03/13.3.23_Anh-9.jpg

Cảnh quan vùng trồng rau và hoa ở phường 12 (TP. Đà Lạt) vào năm 2008. Hiện nay toàn bộ khu này đã phủ nhà kính, còn những khu ruộng rau, hoa bậc thang đã bị xóa sổ – Ảnh của Nhiếp ảnh gia LÝ HOÀNG LONG

 

VTC News viết: “Nhà kính, nhà lưới như chiếc vòng kim cô khiến Đà Lạt trở nên ngột ngạt”.

 

Hiện nay khí hậu Đà Lạt chỉ mát mẻ vào sáng sớm và chiều tối, trưa nắng oi nồng không thua gì Sài Gòn. Sương mù Đà Lạt cũng ít dần đi, thiếu sương khiến hoa dại trên đường và trong phố Đà Lạt không còn đẹp rực rỡ như trước.

 

Ông Trần Xuân Hiền, Giám đốc Đài khí tượng thủy văn tỉnh Lâm Đồng, thừa nhận nhà kính đã mang lại nhiều tác hại cho môi trường và khí hậu của TP.Đà Lạt trong những năm qua.

 

Ông phân tích: Trong ba thập niên qua, nhiệt độ không khí trung bình nhiều năm đã tăng 0.2 – 0.6 độ C. Nguyên nhân là do bê tông hóa, phát triển giao thông và sự suy giảm thảm thực vật rừng kết hợp với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu. Mặt khác, nhà kính xây dựng san sát nhau thành những thung lũng nhà kính, không còn khoảng trống cho sự bay hơi và thoát nhiệt. Khi môi trường bên ngoài nóng lên, người ta phải làm mát bên trong nhà kính, lúc đó hơi nóng từ trong nhà kính sẽ lan tỏa ra xung quanh, theo những hành lang thung lũng bao trùm lên Đà Lạt hâm nóng bầu khí quyển. Và như thế nhiệt độ khu vực trung tâm và vùng lân cận Đà Lạt, nơi nhiều nhà kính, sẽ tăng lên.

 

Bên cạnh sự gia tăng nền nhiệt độ trung bình, lượng mưa tại Đà Lạt trong thời gian gần đây cũng gia tăng đáng kể (gần 100mm/năm), dẫn đến tình trạng ngập úng, sạt lở đất ngày một gia tăng.

 

Trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng ngày 20 Tháng Mười Một 2023, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên đã cảnh báo: Lâm Đồng phải xem lại chuyện phát triển nông nghiệp gắn với nhà lưới, nhà kính. Hiện riêng Đà Lạt đã có khoảng 2,800ha nhà lưới, nhà kính, gây nguy hại cho môi trường, cảnh quan nếu diện tích này tiếp tục tăng lên. Phát triển cách này là đi ngược với xu hướng thế giới!

 

Vnexpress ngày 3 Tháng Chín 2022 cũng dẫn ý kiến các nhà khoa học cho biết Đà Lạt ngập sâu khi mưa là do bị nhà kính che phủ. Cơn mưa chiều 1 Tháng Chín chỉ kéo dài 30 phút đã biến trung tâm Đà Lạt ngập gần 1m (3.2 feet), hư hỏng nhà cửa, đồ đạc, người dân không xoay trở kịp.

 

Các nhà khoa học cho hay tại những nơi có nhà kính, khả năng thẩm thấu nước gần như bằng không. Nước từ mái nhà kính qua máng gom sẽ chảy xuống suối, hay thậm chí chảy xuống những mương thoát nước sinh hoạt, tạo thành những dòng nước lớn gây ra ngập úng. Trong khi đó, các hồ nước như Vạn Kiếp, Thanh Niên, Tâm Sự, Đa Thiện 1, Đa Thiện 2… hoặc bị thu hẹp, hoặc bị biến mất, dẫn đến việc thoát nước không kịp.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/03/13.3.23_Anh-7.jpg

Nhà kính, nhà lưới phát triển nhanh khiến cảnh quan phố núi không còn màu xanh mà biến thành màu trắng – VTC News

 

Nhiều năm nghiên cứu về quy hoạch đô thị Đà Lạt, KTS Ngô Viết Nam Sơn nhận định hơn 10 năm nay, thành phố có xu hướng đô thị hóa quá nhanh, ảnh hưởng thoát nước. Ông Sơn phân tích Đà Lạt địa hình cao, cộng với việc phá rừng, giảm mạnh không gian xanh và diện tích bê tông hóa tăng, khi mưa lớn cùng độ dốc khiến nước thoát xuống một chỗ quá nhanh sẽ không có cống nào thoát kịp, dẫn đến ngập úng.

 

Còn PGS.TS Nguyễn Mộng Sinh, cựu Chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật tỉnh Lâm Đồng, khẳng định Đà Lạt phải duy trì bằng được môi trường sinh thái của các hồ nước thiên nhiên và nhân tạo, di dời những nhà kính ở khu trung tâm ra phía xa, thay thế vào đó là những mảng xanh, bảo tồn rừng và phát triển cây xanh cho Đà Lạt, đặc biệt là rừng thông.

 

Trong bài phỏng vấn TS. Lee Hyun Suk  (Viện tài nguyên sinh học  quốc gia Nam Hàn – NIBR) trên Tuổi Trẻ ngày 2 Tháng Bảy 2018, ông đã kêu lên: “Đừng hy sinh du lịch và hệ sinh thái Đà Lạt”. Ông cho biết mình đã sống ở Đà Lạt 5 năm và cảm thấy đau lòng vì nhà kính cứ lấn dần những ruộng bậc thang trồng rau và hoa quả mỗi ngày. Ông khẳng định: “Đi cùng nhà kính là lối canh tác chuyên canh mà cả thế giới đang phản đối vì khiến đất bị thoái hóa, ô nhiễm nguồn nước, tăng khả năng gây lũ cục bộ trong thời gian ngắn, tạo hiện tượng nóng và hậu quả là biến đổi hệ sinh thái ở khu vực nhà kính lẫn xung quanh. Sự phát triển nông nghiệp nhà kính ở Đà Lạt hiện nay đã mâu thuẫn với lợi ích của đa số người dân về vấn đề môi trường, điều kiện sống và định hướng phát triển xanh của Đà Lạt”. Và ông cảnh cáo: “Nông nghiệp Đà Lạt đã phát triển tới mức doanh thu của nó đủ để người ta cân nhắc hy sinh nhiều thứ, trong đó có cả du lịch và hệ sinh thái. Nhưng doanh thu có thể bù đắp một ngày hay một vài năm, còn hệ sinh thái khó lòng cứu vãn như trước đây. Một khi hệ sinh thái đã mất thì có thể là mất vĩnh viễn”.

 

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Lý Hoàng Long, Chủ tịch hội đồng nghệ thuật Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam cũng đau lòng nhận xét: “Trước năm 2000 người Đà Lạt trồng rau hoa trên những thửa ruộng bậc thang đẹp và lãng mạn vô cùng. Từ năm 2010 đến nay, Đà Lạt thay đổi nhiều quá. Danh thắng hồ Than Thở một thời say đắm lòng người nhờ cộng hưởng vẻ đẹp giữa rừng thông và làng hoa Thái Phiên. Suối Cam Ly cũng thế. Giờ chỉ khiến du khách đến rồi thất vọng. Nước, rác thải nông nghiệp từ những khu nhà kính cùng rác thải sinh hoạt ở các khu dân cư đã làm các danh thắng này biến đổi.

 

Sự lan rộng không ngừng của nhà kính cùng nhiều yếu tố khác đã phá hủy phong cảnh nguyên sơ của Đà Lạt. Ngày nay để thể hiện ảnh phong cảnh đúng chất Đà Lạt, chúng tôi phải đi xa hơn, cao hơn rất nhiều và… tránh xa khu nông nghiệp đầy nhà kính!”.

 

Không riêng gì Đà Lạt, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp ở nhiều tỉnh thành của Việt Nam hiện cũng đang bị phá hoại như vậy. Sự ngu dốt và lòng tham hiện diện ở khắp nơi, trong cách nhà cầm quyền điều hành và xây dựng đô thị ở Việt Nam.





No comments: