Hà
Nội có thực sự tôn trọng sự thật lịch sử?
RFA
2023.03.09
“Việt Nam chủ trương gác lại quá khứ, hướng tới
tương lai nhưng không có nghĩa là phủ nhận sự thật. Trên tinh thần Đối tác chiến
lược toàn diện, Việt Nam đề nghị phía Hàn Quốc nhận thức đúng đắn và tôn trọng
sự thật lịch sử, khuyến khích các hành động thiết thực, hiệu quả nhằm khắc phục
hậu quả chiến tranh, góp phần và củng cố tăng cường tình hữu nghị và quan hệ hợp
tác tốt đẹp giữa hai nước, cũng như nhân dân hai nước”.
Đó là phát biểu của Phó phát ngôn Bộ Ngoại
giao Việt Nam Phạm Thu Hằng tại cuộc họp báo thường kỳ hôm 9 tháng 3 năm 2023,
liên quan việc Chính phủ Hàn Quốc kháng cáo phán quyết của tòa án về việc bồi
thường cho một nạn nhân Việt Nam trong vụ thảm sát ở Quảng Nam năm 1968.
Người dân Hà Nội tưởng niệm chiến sĩ hải
quân tử vong trong cuộc tấn công của Trung Quốc ở Hoàng Sa. AFP
Một học giả
không muốn nêu tên ở Hà Nội nêu quan điểm của ông với
RFA ngay sau khi nghe phát biểu của bà Phạm Thu Hằng trên TV tối ngày 9 tháng
3:
“Bà Hằng nói phải tôn trọng sự thật
trong trường hợp này là cuộc chiến Việt Nam, kết thúc vào ngày 30/4/1975. Vậy với
những cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của Trung Quốc thì sao?
Nếu muốn bảo vệ sự thật là luôn luôn
công bố về sự thật lịch sử thì phải công nhận sự thật lịch sử của tất cả các cuộc
chiến tranh và các cuộc xâm lược Việt Nam của Trung Quốc từ trên đất liền lẫn
biển, đảo.
Không phủ nhận sự thật là phải đưa hết
sự thật của lịch sử vào sách giáo khoa để những thế hệ sau biết. Không viết lịch
sử theo ý muốn của “Bên thắng cuộc”. Phải nhắc lại lịch sử cho đúng để tôn vinh
và tưởng nhớ công lao và xương máu của các anh hùng liệt sĩ, chứ đâu phải nhắc
lại để khơi dậy lòng thù hận. Việt Nam là một nước nhỏ bên cạnh Trung Quốc.
Nhưng như thế không có nghĩa cố tình lãng quên lịch sử.”
Vị học giả này nói thêm, lịch sử của một dân tộc
mà được viết sao cho phù hợp với đường lối, chính sách của đảng và nhà nước thì
không thể là lịch sử đúng nghĩa. Làm như thế là thay đổi quá khứ của dân tộc chứ
không hề tôn trọng sự thật lịch sử.
“Gác lại quá khứ, hướng tới tương lai không có nghĩa là xóa nhòa lịch sử
và chân lý” cũng là lời khẳng định của Thượng tướng Nguyễn
Huy Hiệu, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng được
báo Quân đội nhân dân Điện tử dẫn lại trong phỏng vấn về hòa giải, hòa hợp dân
tộc cách đây ba năm.
Nhiều người cho rằng, đây là chủ trương được Đảng
và Nhà nước Việt Nam đưa ra, nhưng thực tế thì không hẳn như vậy. Nhà báo Nguyễn Khắc Toàn nói với RFA:
“Chủ trương này thì các cơ quan truyền
thông chính thức của Đảng Cộng sản và nhà nước Việt Nam nói rất nhiều, và người
dân trong nước học rất thuộc. Người ta nghĩ rằng, bề ngoài của chủ trương này
thì có vẻ rất là nhân văn, rất là cởi mở, rất là cao thượng. Nhưng trên thực
tế, các cơ quan truyền thông trong nước như TV, báo giấy, báo điện tử lại vặn hết
công suất để khơi dậy cái hận thù để cho người dân Việt Nam hiểu rằng, nước Mỹ
là kẻ thù không đội trời chung đã gây ra cuộc chiến tranh trước đây ở Việt Nam.
Như vậy là lời nói của các cơ quan truyền thông trong nước không đi đôi với việc
làm. Nó khác hoàn toàn với phía Mỹ và cả phía những đồng bào trước đây ở bên
kia chiến tuyến, là chính thể Việt Nam Cộng Hòa.
Lịch sử đã diễn ra là sự thật. Dù miền
Bắc cộng sản hay miền Nam Việt Nam Cộng Hòa cũng đều phải tôn trọng. Tuy vậy,
những ai mà nói ra sự thật đều bị sách nhiễu. Nặng thì có thể bị khởi tố, bị bắt
giam, bị tù.”
Người biểu
tình phản đối Trung Quốc ở gần Đại sứ quán TQ ở Hà Nội hôm 19/6/2011 (minh hoạ).
AFP
Lịch sử luôn luôn được viết bởi những con người
đang phục vụ cho một thế chế chính trị, do đó, tính khách quan khi viết sử cũng
còn khá hạn chế. Điều này được sử gia
Dương Trung Quốc khẳng định với RFA vào
năm 2017, khi nhóm ông - do Giáo sư
Phan Huy Lê chủ trương - thực hiện công trình nghiên cứu
để viết một bộ Quốc sử. Ông giải thích thêm:
“Chúng tôi nghĩ rằng là ai nói đến lịch
sử cũng thường nói đến yếu tố là tính khách quan, thậm chí là phi chính trị.
Nhưng tôi cho rằng đó chỉ là một yếu tố mang tính tương đối thôi, bởi vì làm
sao có thể khách quan được khi do một nhóm người rất cụ thể viết ra và nhất là
trong những chế độ do nhà nước chỉ đạo.”
Với thực tế đó, nhiều người không tin Hà Nội
tôn trọng sự thật lịch sử như chủ trương họ đưa ra. Luật
sư Vũ Đức Khanh ở Canada nêu nhận định của
ông với RFA:
“Một nửa ổ bánh mì vẫn là bánh mì
nhưng một nửa sự thật không thể là sự thật. Đã từng có một đảng viên cao cấp của
ĐCSVN nói rằng ông ta không biết ngày 17 tháng 02 năm 1979. Và ngay cả Chính phủ
Việt Nam hiện nay vẫn cố tình làm nhẹ đi ý nghĩa của ngày này trong lịch sử nước
ta.
Dường như Việt Nam có chuẩn kép trong
chính sách đối ngoại?
Nếu Việt Nam thật lòng chủ trương gác
lại quá khứ hướng về tương lai và tôn trọng sự thật lịch sử thì Việt Nam nên
làm hòa với chính nhân dân mình. Và, quan trọng nhất là tinh thần bao
dung. Hãy thông cảm và chia sẻ với những khó khăn của người khác khi họ phải lấy
những quyết định có tầm quốc gia. Không ai có thể thay đổi lịch sử nhưng tất
cả chúng ta đều có thể làm nên lịch sử.
Vì thế, trong bối cảnh
hiện nay, tôi đề nghị Chính phủ Việt Nam nên nhận thức đúng đắn về bài học lịch
sử của đất nước trong thế kỷ XX, để từ đó mới có thể có những đường lối, chủ
trương và nguyên tắc đúng đắn trong đối ngoại, giúp đất nước phát triển tự do,
dân chủ, thịnh vượng và bạn bè năm châu bốn biển tôn trọng những giá trị của
chúng ta hơn.”
Việc không đưa đầy đủ các sự kiện lịch sử vào
sách giáo khoa, hoặc bưng bít sự thật lịch sử khiến nhiều người lo ngại rằng,
thế hệ trẻ không biết sự thật, không phân biệt được đúng sai. Điều đó ảnh hưởng
đến tinh thần bảo vệ đất nước nếu có chiến tranh xâm lược.
Tháng 8 năm 2012, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng
Hội Khoa học Lịch sử đã tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia về dạy học lịch sử
trong trường phổ thông Việt Nam. Rất nhiều ý kiến đã đặt thẳng vấn đề dứt khoát
phải đưa lịch sử chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa vào trong
chương trình sách giáo Lịch Sử khoa phổ thông.
Đầu năm 2014, Thủ tướng Chính phủ lúc đó là
ông Nguyễn Tấn Dũng đã giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại
giao, Ban Tuyên giáo Trung ương và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đưa vấn đề
Biển Đông và chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa
vào sách giáo khoa các cấp học với nội dung, mức độ, phạm vi và hình thức phù hợp
khi triển khai xây dựng Đề án Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ
thông.
Đến nay, trong sách giáo khoa Lịch sử lớp 10 đến
lớp 12 (ở cả hai ban Cơ bản và Nâng cao) không có nội dung nào đề cập đến vấn đề
thực trạng Hoàng Sa và Trường Sa liên quan Trung Quốc.
No comments:
Post a Comment