Giấc
Mơ Châu Thổ: Ngày Nước Việt Nam 10-3-2023 — Ngày Nước Thế Giới 22-3-2023
Ngô Thế Vinh
22/03/2023
Gửi
những trẻ em ĐBSCL không biết bơi,
và cả không có ngụm nước sạch để uống
Gửi ngót 20 triệu cư dân ĐBSCL không
được quyền có tiếng nói
Gửi Nhóm Bạn Cửu Long
Ngô Thế Vinh
*
Hình : https://gdb.voanews.com/01000000-0aff-0242-959e-08db2a4a1d03_w1023_r1_s.jpg
Chẳng
thể cứ tự hào Việt Nam nay là đất nước phát triển nếu như dân cư của cả nước vẫn
phải sống với nguồn nước bẩn và một môi trường đầy ô nhiễm.
“Không
có kỹ nghệ không gian các quốc gia vẫn sống được, nhưng không thể sống nếu
không có nước.” Oded Distel [chuyên gia về nước của
Do Thái]
Đề
nghị chọn Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương mùng 10 tháng 3 là Ngày Nước Việt Nam /
Vietnam Water Day. [Nhóm Bạn Cửu Long]
Có một
câu chuyện cổ tích về con chim Hummingbird – người Nhật gọi là chim ong –
hachidori, người Việt có một tên gọi bình dân hơn là chim ruồi – gửi tới các
nhi đồng Việt Nam [tuổi từ 7 cho tới 77 – lứa tuổi nào thì cũng đã có một thời
niên thiếu].
Một
ngày kia, trong khu rừng có bộc phát một đám cháy. Mọi thú rừng đều tán loạn bỏ
chạy sao cho thoát thân. Chúng dừng lại ở bìa rừng nhìn đám cháy vừa kinh hãi vừa
buồn bã. Nhưng rồi chúng vẫn thấy trên đầu có một con chim Hummingbird bay tới
đám cháy rồi bay đi nhiều lần như thế. Đám thú rừng lớn mới hỏi con chim ong
đang làm gì vậy? Chim ong đáp: “Tôi ra hồ hút nước để tới đây dập tắt đám
cháy.” Cả bầy thú cười lớn chế nhạo con chim ong và nói: “Chú mày chẳng thể nào
dập tắt được ngọn lửa đâu!” Con chim Hummingbird trả lời: “Tôi đang làm
điều mà tôi có thể làm được.” [nguồn: UN / WWD 2023]
Đây bài học mà các em nhi đồng nơi ĐBSCL nói riêng và Việt Nam nói
chung – có thể nghiệm ra là: con chim Hummingbird nhỏ bé kia đang giúp giải quyết
vấn đề, với từng giọt nước mỗi lần. Con chim ong bé nhỏ ấy chính là sự thay đổi
mà nó muốn thấy ở trên Đất Mẹ và cả trên hành tinh này. Các em có thể là một
con chim Hummingbird bé nhỏ ấy! Hành động từ các em, cho dù là bé nhỏ tới đâu,
cũng sẽ giúp giải quyết vấn nạn khủng khoảng nước – water crisis, không chỉ nơi
ĐBSCL mà cả trên thế giới.
Hình : https://gdb.voanews.com/01000000-0aff-0242-5471-08db2a4a4982_w650_r0_s.jpg
Sông nước đẫm phù sa, chưa bị ô nhiễm là thiên đường giải
trí cho những đứa trẻ trong lưu vực sông Mekong – ảnh chụp trên khúc sông
Mekong Vientiane, bên cây cầu Hữu nghị Mittaphap (1994), là cây cầu đầu tiên bắc
ngang dòng chính sông Mekong từ thủ đô Vạn Tượng, Lào qua tỉnh Nong Khai đông bắc
Thái Lan. [photo by Ngô Thế Vinh,12/ 2000]
*
NGÀY NƯỚC THẾ GIỚI
Cách đây 30 năm, kể từ 1993, Liên Hiệp Quốc đã chọn ngày 22
tháng 3 mỗi năm là Ngày Nước Thế Giới / World Water Day, do sáng kiến từ Hội
nghị Môi Sinh và Phát Triển/ United Nations Conference on Environment and
Development/ UNCED tại Rio de Janeiro, Brazil [1992].
Có thể nói, nước là biểu hiện của sự sống, vì thế mỗi khi tìm ra tín hiệu
có nước trên một vì tinh tú xa xôi thì các nhà khoa học thiên văn đã lạc quan
cho rằng có thể có sự sống và những sinh vật ở trên đó. Trái đất này sẽ là một
hành tinh chết nếu không có nước. Nhưng trước mắt, thiếu nước – nhất
là thiếu nước sạch đang là một vấn đề của thế giới và cũng là vấn nạn
trầm trọng nhất của Việt Nam hiện nay.
Ngày Nước Thế Giới, như cơ hội để mọi người quan tâm tới tầm quan trọng
của nguồn nước ngọt / freshwater và cùng nhau vận động hỗ trợ cho những phương
cách quản lý bền vững các nguồn nước ấy.
Mỗi
năm Liên Hiệp Quốc đều chọn ra một “chủ đề” cho Ngày Nước Thế Giới để tập trung
vận động qua các phương tiện truyền thông, qua những cuộc hội thảo, và
giáo dục học đường xoay quanh chủ đề này.
Chủ đề của mỗi năm cho Ngày Nước Thế Giới không
phải chỉ là “khẩu hiệu” mà là một lộ trình / roadmap sinh hoạt và phấn
đấu trên toàn cầu sao cho có một nguồn nước sạch. Chủ đề mỗi năm do
Liên Hiệp Quốc đã chọn, theo thứ tự thời gian trong suốt 30 năm qua cho Ngày Nước
Thế Giới 22 tháng 3 là:
1994: Chăm sóc nguồn Nước là công việc
của mọi người; 1995: Nước và Phụ nữ; 1996: Nước
cho các đô thị khát; 1997: Nước trên Thế giới, có đủ
không; 1998: Nước ngầm, nguồn tài nguyên không thấy; 1999: Mọi
người đều sống dưới nguồn; 2000: Nước cho thế kỷ
21; 2001: Nước cho sức khỏe, hành động trách nhiệm; 2002: Nước
cho phát triển; 2003: Nước cho tương lai; 2004: Nước và những
thảm họa; 2005: Nước cho đời sống; 2006: Nước và văn
hóa; 2007: Khan hiếm Nước; 2008: Năm Quốc tế cho vệ
sinh; 2009: Nước xuyên biên giới; 2010: Phẩm chất Nước; 2011: Nước
cho các đô thị; 2012: Nước và an ninh lương thực; 2013: Nước
và hợp tác; 2014: Nước và năng lượng; 2015: Nước và phát
triển bền vững; 2016: Nước và việc làm; 2017: Nước và nước thải;
2018: Thiên nhiên và nguồn Nước; 2019: Nước không bỏ lại ai phía sau; 2020: Nước
và biến đổi khí hậu; 2021: Đánh giá nguồn Nước; 2022: Nước ngầm, làm rõ điều
không thấy; 2023: Bạn cần thay đổi nếu như bạn muốn nhìn thế giới đổi
thay.
NHÌN LẠI NGÀY NƯỚC THẾ GIỚI 2017:
Với chủ đề: Chuyển nước thải thành nguồn nước trù
phú.
Hình : https://gdb.voanews.com/01000000-0aff-0242-4181-08db2a4a754b_w650_r0_s.jpg
Ngày Nước Thế giới 2017 với slogan “Chuyển Nước thải
thành một nguồn Nước Trù phú”. [nguồn: UN / WWD 2023]
Vào thời điểm đó (2017), cách đây chỉ mới 6 năm, Liên Hiệp Quốc đã đưa
ra những nhận định:
1) Trên toàn cầu, hơn 80% nước thải xả ra môi trường thiên nhiên mà
không qua xử lý và không được tái sử dụng.
2) Hiện có 1,8 tỷ người sử dụng nguồn nước uống bị ô nhiễm gây ra các bệnh
như tiêu chảy, kiết lỵ, thương hàn và sốt bại liệt / polio... khiến cho 842.000
người chết mỗi năm.
3) Thống kê cũng cho thấy, hiện có 663 triệu người chưa được tiếp cận với
các nguồn nước uống hợp vệ sinh.
4) Đến năm 2050, sẽ có 70% dân số thế giới rời vùng thôn quê lên sống
trong các đô thị. Con số này hiện nay là 50%.
5) Có nhiều cơ hội để khai thác tài nguyên nước thải. Nước thải
được thanh lọc và quản lý hiệu quả sẽ là nguồn nước hữu dụng, với chi
phí đầu tư hợp lý và đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững.
6) Nhận định rằng, chi phí cho thanh lọc nguồn nước
thải là một đầu tư xứng đáng nếu so với các lợi ích lớn
lao về sức khỏe, phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, đồng thời mang lại cơ
hội tạo ra nhiều việc làm "xanh" cho xã hội.
Rồi không thể không nhìn về Việt Nam, là một
quốc gia đang phát triển, dù không có đủ cơ sở hạ tầng tối
thiểu nhưng các nguồn tài nguyên, nhân lực và vật lực vẫn bị vung vãi
phân phối không hợp lý – nếu không muốn nói là lãng phí cho những
công trình chỉ với mục đích tuyên truyền vô bổ.
*
Một ví dụ điển hình là, trong khi người dân không có nước sạch để uống
thì nhà nước bật đèn xanh cho các địa phương xuyên suốt từ Bắc vô Nam, thi nhau
xây dựng những tượng đài tốn kém hàng ngàn tỉ đồng. Thảm trạng ấy đã khiến nhà
toán học trẻ tuổi Ngô Bảo Châu, sau khi được biết chính phủ CSVN vừa ký quyết định
chấp thuận cho UBND thành phố Sơn La – vốn là một tỉnh biên giới nghèo phía Bắc,
dùng kinh phí 1.400 tỷ đồng – là tiền thuế của người dân, để xây dựng tượng đài
Hồ Chí Minh, phải thốt lên lời cay đắng trên Facebook: “Trẻ con ăn
không đủ no, áo không đủ ấm, sinh hoạt như lũ thú hoang, mà bỏ ra 1.400 tỉ để
xây dựng tượng đài thì hoặc là khốn nạn hoặc là thần kinh.” Những lãng
phí cho những công trình vô bổ như vậy vẫn cứ diễn ra ở khắp Việt Nam như “chuyện
thường ngày ở huyện”.
Hình : https://gdb.voanews.com/01000000-0aff-0242-2ada-08db2a5fba28_w650_r0_s.png
Hình trái: Cổng vào
nhà máy Xử lý Nước Thải (Waste Water Treatment Plant) tại Quận Cam, Nam
California, mỗi ngày có thể cung cấp 100 triệu gallons – 378 ngàn mét khối nước
tinh khiết cho cư dân Quận Cam;
Hình phải: từ phải Phạm
Phan Long, Becky Mudd, Ngô Thế Vinh; phải, Phạm Phan Long, Ngô Thế Vinh, và
Nguyễn Đăng Anh Thi từ Vancouver, trong cơn khát đã cùng uống những ly nước mát
tinh khiết được thanh lọc trực tiếp từ nguồn nước thải của cư dân Quận Cam.
[nguồn: photo by Becky Mudd]
*
NHÌN LẠI NGÀY NƯỚC THẾ GIỚI 2020:
Nước và Biến đổi Khí hậu là chủ đề
cho Ngày Nước Thế giới 22/ 03/ 2020. Trước những tình huống cực đoan của biến đổi
khí hậu, với hậu quả là có thể làm rối loạn chu kỳ nước – water cycle, khiến rất
khó tiên đoán được về nguồn nước có thể sử dụng – water availability, cùng với
những ảnh hưởng trên phẩm chất nước, cả trên tính đa dạng sinh học /
biodiversity, đe dọa sự phát triển bền vững trên nhiều lưu vực của các dòng
sông trên khắp thế giới.
Dân số toàn cầu từ 7,2 tỷ năm 2015 đến 2020 – theo
số liệu của Liên Hiệp Quốc, đã vượt qua con số 7,8 tỷ người. Dân số
Việt Nam từ 92 triệu năm 2015 đến tháng 4 năm 2023 sẽ vượt qua con số 100 triệu
trong năm nay. [Việt Nam xếp hàng thứ 15 trong số những nước đông
dân nhất thế giới, và đứng hàng thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á, chỉ sau
Indonesia 218 triệu và Philippines 113 triệu].
Tăng dân số cũng có nghĩa là tăng lượng nước sử dụng, kéo theo gia tăng
nhu cầu năng lượng để bơm nước, vận chuyển và xử lý thanh lọc nước – water
treatment.
*
Hình : https://gdb.voanews.com/01000000-0aff-0242-4345-08db2a5fe564_w650_r0_s.png
Hình trái: Bấy lâu,
Nhà nước CS Việt Nam, Ủy Ban Sông Mekong Việt Nam nơi 23 Phố Hàng Tre Hà Nội,
đã làm gì để tranh đấu cho sự chia sẻ công bằng nguồn nước từ con sông Mekong?
[nguồn: biếm họa của Babui75 Mamburao];
Hình phải, thảm cảnh hạn
hán nơi ĐBSCL tháng 3 năm 2016, đã khiến nguyên TT Nguyễn Tấn Dũng phải kêu cứu
Trung Quốc cho xả nước từ con đập thủy điện Cảnh Hồng / Jinghong Dam, để cứu hạn
cho ĐBSCL nhưng đó chỉ là tiếng kêu trong sa mạc. [nguồn: VnExpress 3/11/2016]
Với Việt Nam, khi dân số tiếp tục tăng theo cấp số
nhân (geometric progression) trong khi nguồn nước sạch đáp ứng cho các nhu cầu
gia dụng sút giảm, ai cũng có thể thấy đại đa số người dân nghèo trên đất nước
này – đặc biệt là phụ nữ và trẻ em – là nạn nhân và dễ bị tổn thương nhất.
Tăng cường mối quan tâm về nước để đáp ứng nhu cầu nước ngày một gia
tăng trong tương lai; điều ấy đòi hỏi phải có những quyết định mạnh mẽ, làm
cách nào để phân chia các nguồn tài nguyên nước – allocate water resources,
thích nghi với biến đổi khí hậu giữa những tranh chấp sử dụng nguồn nước trong
các địa phương và các quốc gia lân bang.
Hình : https://gdb.voanews.com/01000000-0aff-0242-616c-08db2a4b293e_w650_r0_s.jpg
Hình trái: Lưu vực sông Mekong –
Mekong River Basin or Watershed [MRC 2000]; phải, ĐBSCL là một vùng châu thổ
hay tam giác châu (Delta), lớn thứ 3 của thế giới, với lịch sử hình thành do
phù sa từ thượng nguồn đổ xuống, lắng đọng lại nơi 9 cửa sông từ suốt bao nhiêu
ngàn năm qua. Việc nhà nước CSVN tùy tiện đổi tên thành Lưu vực sông Cửu Long
(6) là sai, cả về phương diện địa chất và thủy văn. ĐBSCL hiện nay đang từ từ bị
tan rã do “nước đói – hungry water” không còn phù sa, nước đói trở lại “ăn đất”,
gây sạt lở hai bên bờ sông và ven bờ duyên hải; chỉ riêng mũi Cà Mau mỗi năm đã
mất hơn 600 mẫu đất và tốc độ lẹm đất ấy ngày một gia tăng. [Ghi chú của Ngô Thế
Vinh]
*
Ví dụ điển hình: con sông Mekong dài hơn 4800 km chảy qua 7 quốc gia
đang bị tận lực khai thác bởi chuỗi những con đập thủy điện thượng nguồn, và cả
bị đổi dòng lấy nước từ con sông Mekong. Làm cách nào để chia sẻ và sử
dụng công bằng nguồn nước từ con sông Mekong đang là một “tranh chấp
nóng” diễn ra hiện nay.
Cambodia và Việt Nam là hai quốc gia cuối nguồn đang chịu những hậu quả
nặng nề nhất: một Biển Hồ như trái tim của Cambodia và của cả Việt
Nam đang bị cạn nước cạn cá, một ĐBSCL không chỉ thiếu
nguồn nước ngọt từ thượng nguồn mà còn chịu hạn mặn chưa bao giờ khốc liệt như
thế. Chưa kể tới khả năng Trung Quốc sử dụng con sông Lancang-Mekong
như một thứ vũ khí trong cuộc chiến tranh môi sinh – ecological warfare trừng
phạt Việt Nam và các nước hạ lưu khác.
Đối phó với biến đổi khí hậu không chỉ trên quy mô quốc gia mà cho toàn
lưu vực, mọi hoạch định cần theo một phương pháp tích hợp – integrated
approach, đối với nhu cầu sử dụng và quản lý nguồn nước.
Cách làm ăn cũ, với vô số những dự án thủy
lợi lớn nhỏ bấy lâu của nhà nước CSVN đã chứng tỏ là không hiệu quả –
nếu không muốn nói là có hại, điển hình là các cống đập ngăn mặn cùng khắp nơi
ĐBSCL trong ngót nửa thế kỷ qua và gần đây nhất là Dự án “được mệnh danh là thế
kỷ” Cái Lớn Cái Bé – cũng là một sai lầm “nghịch thiên thế kỷ”.(3)
Từ nay, mọi phương cách quản lý nước cần được
phân tích kỹ lưỡng qua lăng kính biến đổi khí hậu – through a climate change
lens. Chúng ta cần đầu tư nhiều hơn nữa để cải tiến và cập nhật những dữ liệu
thủy học – hydrological data, qua các học viện [như Viện Biến đổi Khí hậu
DRAGONS Đại học Cần Thơ], qua các chính phủ, qua giáo dục, và cùng nhau chia sẻ
mọi kiến thức, để có được khả năng tiên lượng và đối phó với những rủi ro khan
hiếm nước như hiện nay và chắc chắn sẽ trầm trọng hơn trong tương lai.
Những kế hoạch thích ứng cần có tầm nhắm chiến lược –
targeted strategies, ưu tiên trợ giúp cho những cộng đồng
cư dân lợi tức thấp – nhất là phụ nữ và trẻ em, họ là nhóm người chịu
tác động, dễ bị tổn thương và thiệt hại nhiều nhất do ảnh hưởng của biến đổi
khí hậu.(1)
NGÀY NƯỚC THẾ GIỚI 2023:
Ngày Nước Thế Giới 22/3 năm nay với chủ đề: “Bạn
cần thay đổi nếu như bạn muốn nhìn thế giới đổi thay”.
“Có lẽ không quốc gia nào trên thế giới, chữ “nước” có cả
hai nghĩa như tiếng Việt: nước vừa để chỉ quốc gia (nation), vừa để chỉ
phân tử H2O, kết hợp từ một nguyên tử oxy và hai nguyên tử
hydro, để hình thành nguồn tài nguyên nước (water) quý giá cho nguồn sống trên
trái đất. Trong văn hóa của Việt Nam, nước đã gắn bó trong mạch sống của từng
con người. Người Việt dùng các cụm từ “giữ nước” khi chống ngoại xâm phương Bắc
và “đi mở nước”, thay vì đi mở đất, khi đi về phương Nam.
Người dân vùng ĐBSCL đã có rất nhiều tên để gọi
đặc điểm của dòng nước: nước lớn, nước ròng, nước rong, nước kém, nước
nổi, nước lụt, nước trầm, nước bạc, nước son, nước đục, nước nhảy, nước tràn,
nước chụp, nước đứng, nước ngược, nước xuôi, giáp nước, nhồi nước, xiết nước, rải
nước… Về nguồn cung cấp và chất lượng nước thì có những từ: nước trời, nước
mưa, nước sông, nước cây, nước ngầm, nước lung, nước đìa, nước mặn, nước ngọt,
nước lợ, nước phèn, nước bùn… [Tản mạn về chữ Nước, TS Lê Anh Tuấn]
Nguyên chủ nhiệm tạp chí Đi Tới bên Canada, cảm xúc khi đọc những dòng
tản mạn về Nước của TS Lê Anh Tuấn, anh Đoàn Minh Hóa viết: “Nơi ĐBSCL
ngày trước, các ghe chở nước uống tới các nơi không có nước ngọt để
uống; thời đó người ta không ai nói dịch vụ đó là
''Bán Nước'' mà được gọi là ''Đổi Nước'' do chính bà con mình
cung cấp nước uống cho nhau.
.
Ô NHIỄM SÔNG RẠCH KHẮP 13 TỈNH MIỀN TÂY
Nước,
nước, khắp nơi, không có giọt nước để uống
(Water, water, everywhere, Nor any drop to drink)
[Samuel Taylor Coleridge 1772-1834]
Cho dù ĐBSCL vẫn là nơi nhận nguồn nước cao nhất Việt
Nam tính theo dân số, nhưng từ ngót nửa thế kỷ trở lại đây,
tuy có nước vây bủa xung quanh nhưng là nước bẩn hay nước mặn. Thách
đố lớn nhất là làm sao thanh lọc được nguồn nước tạp ấy để có nước sạch đưa vào
sử dụng. Đó là tình cảnh của ngót 20 triệu cư dân ĐBSCL, phải sống chung với cả
một mạng lưới kinh rạch dòng ngòi sông ô nhiễm, và hạn mặn đang trầm trọng hơn
như hiện nay.
Trên một chuyến phà lớn từ Đại Ngãi qua Cù lao Dung, sóng đánh tung
tóe, khách như cảm thấy được vị mặn bám đọng trên môi. Thấy nước khắp nơi nhưng
là nước mặn đã xâm nhập vào các ngả sông rạch và người dân thì đang lao đao
lùng kiếm tìm mua từng lu nước ngọt để uống. Rồi còn phải kể tới những cánh đồng
lúa cháy và các vườn cây trái thối rễ do đất bị nhiễm mặn khiến nhiều nông gia
mất trắng tay.
Người bạn đồng hành đứng bên, TS Dương Văn Ni, nhiều năm
giảng dạy Khoa Môi trường và Tài nguyên Thiên nhiên Đại học Cần Thơ, nói
với tôi: “Kể cả khi có lũ ngọt đổ về, nước hết mặn cũng
không uống được vì dòng sông quá ô nhiễm”. Do chất thải kỹ nghệ từ
các nhà máy* ven sông, do phân bón hóa học từ đồng ruộng tràn ra, và cả rác rưởi
đổ xuống từ các khu gia cư.
Hình : https://gdb.voanews.com/01000000-0aff-0242-310e-08db2a4b7145_w650_r0_s.jpg
Hình trái: cảnh tượng phổ biến ở các vị
trí cống ngăn mặn – mệnh danh là công trình thủy lợi: rác tích tụ và nước có
màu tối đen, bốc mùi hôi thối do các chất ô nhiễm phân hủy, hình chụp nơi cống
ngăn mặn Bãi Giá, Sóc Trăng. [photo by Lê Anh Tuấn 11/12/2017 ] (4). Hình phải:
hậu quả sau nửa thế kỷ cải tạo tự hủy của nhà nước CSVN, toàn thể hệ thống sông
rạch, không khí và đất đai nơi ĐBSCL đã trở thành một môi trường cực kỳ ô nhiễm,
đang tàn phá sức khỏe của người dân. [nguồn: biếm họa của Babui75 Mamburao]
*
Một ví dụ điển hình là đang có một nhà máy giấy Lee &
Man bên bờ sông Hậu đã và đang gây ô nhiễm
nghiêm trọng cho dòng sông như mạch sống của ngót 20 triệu dân nơi ĐBSCL do nguồn
nước thải với đủ loại hóa chất cực độc nhưng vẫn được Bộ
Tài Nguyên & Môi Trường [thời ông Bộ Trưởng TN
& MT Trần Hồng Hà 2016-2023, nay là đương kim Phó Thủ tướng của chính phủ
Phạm Minh Chính] cấp phép xây nhà máy ven sông,
không chỉ cho xả thải ra sông rồi còn phải kể tới bụi khói độc hại,
mùi hôi thối, tiếng ồn từ nhà máy ngày đêm bào mòn sức khỏe của người
dân trong vùng. Câu hỏi được đặt ra là: Được bao nhiêu lợi
nhuận, số tiền ấy đi về đâu, để phải hy sinh sức khỏe của người dân và chấp nhận
cái giá đắt môi sinh lâu dài phải trả (environmental costs) di hại tới các thế
hệ tương lai như vậy?
KS
Phạm Phan Long, VEF viết: “Việt Nam không phải là vùng đất vô chủ, hợp tác với
doanh nghiệp nước ngoài chỉ để chia chác lợi nhuận với dã
tâm bức hại dân mình. Sông Hậu là mạch máu của dân cư ĐBSCL, là quả
tim nuôi sống cả nước, là di sản bất khả xâm phạm của dân tộc. Việc cứu lấy dân
cư và môi sinh sông Hậu khỏi bị hủy hoại dưới khói bụi và ô nhiễm của
Lee & Man là nghĩa vụ thiêng liêng chính quyền không thể tránh
né.” (2)
Hình : https://gdb.voanews.com/01000000-0aff-0242-26c5-08db2a4bd413_w650_r0_s.jpg
Nhà
máy giấy bên bờ sông Hậu, con khủng long Lee & Man đang phun chất độc giết
chết sinh cảnh dòng sông Hậu, là một nhánh của Cửu Long Chín Cửa Hai
Dòng. Dân kêu cứu vì ô nhiễm từ nhà máy giấy Lee & Man [nguồn: photo by T.
Trinh Tuổi Trẻ Online 30/3/2017]
NHÀ NƯỚC CSVN QUY HOẠCH GÌ?
Trong khi trên giấy tờ, trên chính sách về "môi trường nước"
thì vẫn không thiếu những khẩu hiệu như Quyết định 22.12.2016 của Thủ tướng
Chính phủ: "Định hướng Phát triển cấp nước đô thị tới năm
2020".
Chỉ mới đây thôi, ngày 6/3/2023, cách đây 2 tuần, ông Trần Hồng Hà, Bộ
Trưởng Bộ TN & MT kiêm Phó Thủ tướng đã ký Quyết định 174/QĐ-TTg mang
tên Quy hoạch Tổng hợp Lưu vực sông Cửu Long thời kỳ
2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (5), với khẩu hiệu “tôn
trọng quy luật tự nhiên” và “lấy tài nguyên nước là yếu tố cốt lõi” rồi tự đặt
ra những chỉ tiêu đầy tham vọng như:
_ 100% vị trí giám sát dòng chảy xuyên biên giới được giám sát
tự động, trực tuyến;
_ 100% nguồn nước liên tỉnh được công bố khả năng tiếp nhận nước
thải, sức chịu tải;
_ 100% công trình khai thác, sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn
nước được giám sát vận hành và kết nối hệ thống theo quy định;
_ 50% nguồn nước thuộc đối tượng lập hành lang bảo vệ nguồn nước
được cắm mốc theo quy định;
_ 100% nước thải đô thị được xử lý đạt quy chuẩn quốc gia trước
khi xả vào nguồn nước, hệ thống thoát nước chung.
Các chỉ tiêu của Quy Hoạch – như một cam kết,
là tất cả phải đạt mức 100% (trừ việc cắm mốc nguồn nước 50%),
trong khi ngân sách đầu tư thì quá thấp (510 tỉ đồng / khoảng 22 triệu USD),
trong khoảng thời gian ngắn ngủi chỉ có 7 năm (2023 – 2030), chưa kể làm sao
đào tạo được một đội ngũ nhân sự có khả năng và một bộ máy lãnh đạo trong sạch
và không chỉ tư duy theo nhiệm kỳ để rồi sau đó là “Sống chết mặc bay / Après
moi, le deluge! Điều ấy khiến KS Phạm Phan Long, người từng thực hiện các quy
hoạch lớn tại Hoa Kỳ, đã phải hoài nghi và đặt ngay câu hỏi về tính khả thi và
độ tin cậy của Quy Hoạch vĩ mô này! (6)
Như từ bao giờ, giữa nói và làm của nhà
nước CS Việt Nam, vẫn còn là khoảng cách của một đại dương. Mọi chính sách cần
bảo đảm tính đại diện rộng rãi các thành phần tham gia, tạo được sự tin cậy giữa
nhà nước, các tổ chức xã hội dân sự và lãnh vực tư nhân. KHỦNG KHOẢNG LÒNG
TIN của người dân – như ở Việt Nam hiện nay với mọi chính sách của nhà nước là
một “chỉ dấu cho tiên lượng thất bại” của mọi kế hoạch phát triển đất nước.
Nếu nói lãnh đạo là tiên liệu, thì ngay từ quy mô rất nhỏ như Quận Cam,
từ mấy thập niên trước họ đã tiên liệu và có mối quan tâm rất sớm về nguy cơ
thiếu nước, khai thác quá mức làm suy sụp trữ lượng tầng nước ngầm, để rồi ngày
nay GWRS (Groundwater Replenishment System) / Hệ
thống Bổ sung Nguồn Nước ngầm đã trở thành một hiện thực, bảo đảm cung
cấp một nguồn nước sạch bền vững cho 3 triệu cư dân địa phương.
Khi mà tình trạng ô nhiễm môi trường ở Việt Nam đã
vượt mức báo động đỏ, mơ ước đơn giản của người dân được uống ly nước sạch, thở
bầu không khí trong lành, bữa ăn với chén cơm tô cá và mớ rau xanh không bị nhiễm
độc, có vẻ như ngày càng xa vời.
.
LÀM GÌ ĐỂ TẨY RỬA NHỮNG DÒNG SÔNG?
Phải tẩy rửa cứu lấy những dòng sông đang hấp hối ấy là ưu tiên hàng đầu,
và phải làm cho bằng được trong một thời gian ngắn nhất bằng mọi giá. Đây là một
công trình khó khăn nhưng không phải không thể vượt qua được với sự hiểu biết
và những kỹ thuật hiện đại.
Biện pháp hiệu quả nhất đòi hỏi các điều kiện:
1/ Xác định các nguồn gây ô nhiễm để ngăn chặn và
phòng tránh:
_ Ô nhiễm từ “điểm nguồn / point source” như từ các
khu nhà máy xây dựng ven sông, đổ các chất thải kỹ nghệ / industrial sewage
không được thanh lọc / treated xuống các dòng sông: nhà máy giấy Lee & Man,
các nhà máy điện than ven sông,chuỗi nhà máy chế biến thủy sản…
_ Ô nhiễm từ “phi-điểm nguồn / non-point source” như
do phân bón nông nghiệp, thuốc trừ sâu rầy, thuốc diệt cỏ… đổ tràn xuống suốt
chiều dài sông rạch từ những ruộng đồng hay các nông trang. Hoặc từ nước thải
và rác rưởi từ các khu gia cư không được xử lý hàng ngày đổ xuống các sông rạch,
do không có những phương tiện sinh hoạt vệ sinh tối thiểu: như nhà vệ sinh, nơi
xử lý nguồn rác và thiếu cả ý thức về bảo vệ môi trường sống.
Bấy nhiêu ô nhiễm đang bị tích lũy nơi vùng nước tù đọng do bị ngăn chặn
bởi hàng ngàn cống đập, với những con sông con rạch không chảy, biến cả
một hệ sinh thái sông ngòi / riverine environment thành một hệ sinh thái ao hồ
/ lacustrine environment đưa tới hậu quả tất yếu là những dòng sông sinh thái
đang chết dần.
2/ Trả lại dòng chảy thiên nhiên cho mạng lưới sông
rạch, bằng cách mở cửa và dần dà tháo dỡ tất cả các cống đập chắn mặn đã có bấy
lâu.
_ Hiện trạng ô nhiễm sẽ dần dà được tự tẩy rửa bằng chính lực đẩy của
dòng chảy từ phía thượng nguồn và năng lượng dòng nước mặn của thủy triều từ biển.
Năng lượng từ hai dòng chảy mặn ngọt sẽ giúp cho con nước chảy vào được
trong các kênh rạch vì địa hình ĐBSCL quá bằng phẳng. (4)
Hình : https://gdb.voanews.com/01000000-0aff-0242-efd4-08db2a4c001f_w650_r0_s.jpg
Nhờ năng lượng dòng chảy
nước ngọt từ phía thượng nguồn (mũi tên màu xanh) và năng lượng dòng nước mặn từ
biển (mũi tên màu đỏ) mà môi trường tự nhiên của ĐBSCL được tẩy rửa hàng ngày
(con nước lớn-ròng), hàng tháng (con nước rong-kém), và hàng năm (mùa nước nổi-cạn).
Những cống đập ngăn mặn của Bộ NN & PTNT đang “khai tử” dòng chảy và nhịp đập
/ Mekong Delta Pulse của hệ sinh thái ĐBSCL. (4)
3/ Thiết lập các nhà máy xử lý thanh lọc nguồn nước
thải, thay vì đổ hết xuống sông xuống rạch và gây thêm ô nhiễm, cũng là tạo
thêm nguồn nước sạch cho nhu cầu gia dụng và kỹ nghệ.
4/ Thiết lập các nhà máy lọc nước mặn từ nguồn nước
biển vô tận, để cùng với các nhà máy xử lý nước thải, tạo thêm nguồn nước sạch
cho nhu cầu gia dụng và kỹ nghệ.
Những đầu tư xây dựng các nhà máy 3 & 4 tưởng
như tốn kém nhưng rất xứng đáng vì những lợi ích lâu dài cho một môi trường
thanh sạch và sức khỏe người dân thì vô giá.
5/ Năng lượng ở đâu?
Ưu tiên triển khai nguồn năng lượng sạch / tái tạo:
năng lượng gió, năng lượng mặt trời, với tiềm năng của Việt Nam được biết là vô
cùng lớn lao, để từng bước giải thể nhà máy giấy Lee & Man, các nhà máy điện
than thuộc thế hệ phế thải từ Trung Quốc, ... đang gây ô nhiễm trầm trọng không
khí, đất và nước.
6/ Nguồn tiền ở đâu?
Ngưng ngay xây dựng những chuỗi tượng đài vô bổ,
ngưng những dự án manh mún chỉ có tính cách cục bộ và theo tư duy nhiệm kỳ, để
có thể đưa vào sử dụng con số hàng ngàn tỉ tiền thuế mồ hôi nước mắt thu của
người dân, cả số tiền tham nhũng khổng lồ thu hồi lại được từ giới quan chức
tham ô, nay đem đầu tư cho các dự án ích quốc lợi dân.
.
10 THÁNG 3: NGÀY NƯỚC VIỆT NAM
Giỗ tổ Hùng Vương, luôn luôn là một lễ hội lớn
của cả nước từ hàng ngàn năm nay, để tưởng nhớ công ơn dựng nước của những vị
vua đầu tiên của dân tộc Việt Nam.
“Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng mười tháng ba
Khắp miền truyền mãi câu ca
Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm”
Lễ hội Đền Hùng diễn ra vào ngày mồng 10 tháng 3 âm lịch hàng năm tại Đền
Hùng, Việt Trì, Phú Thọ. Ngày Giỗ Tổ ấy đã in sâu trong tâm thức của người Việt.
Tổ chức UNESCO – Cơ quan Văn hóa Liên Hiệp Quốc, đã thấy được ý nghĩa tâm linh ấy
nên vào ngày 6/12/2012, đã chính thức công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng
Hùng Vương ở Phú Thọ là Di sản văn hóa phi vật thể / Intangible
Cultural Heritage của nhân loại”.
Là người Việt Nam, không ai là không biết ngày 10 tháng 3 Âm lịch là
ngày Giỗ Tổ, và ngày ấy thay đổi hàng năm theo Dương lịch. Việt Nam ngày nay đã
hòa nhịp với thế giới, mọi sinh hoạt đất nước đều theo Dương lịch – nên Nhóm
Bạn Cửu Long đề nghị sẽ chọn ngày 10 tháng 3 Dương lịch hàng năm là Ngày Nước
Việt Nam. [Vietnam Water Day].
Yêu nước, tìm về quá khứ cội nguồn nhưng không quên hướng tới tương
lai. Nước không chỉ là đất nước hay tổ quốc Việt Nam, nước còn có một ý
nghĩa cụ thể của những phân tử nước H2O, thiết yếu cho sự sống.
Ngày Nước Việt Nam 10/3 sẽ đi trước Ngày Nước Thế
Giới 22/3 hai tuần lễ, đó cũng là hai tuần sinh hoạt của cả nước
quan tâm tới nguồn nước sạch – và nhân lực mũi nhọn của Ngày Nước Việt
Nam ấy là tuổi trẻ thanh niên sinh viên học sinh với chủ đề về nước thay đổi
hàng năm sao cho phù hợp với hoàn cảnh của đất nước. Chủ đề “Nước Sạch
và Sức Khỏe” sẽ là mục tiêu phấn đấu cho ít ra trong một thập niên tới.
Ngày Nước Việt Nam 10/3 cũng sẽ được coi là
Ngày Nhân Quyền / Human Rights Day cho 100 triệu dân Việt Nam. Rồi trở lại
với ý kiến từ một bài viết khá lâu trước đây từ năm 2000 trên Việt Ecology
Foundation, người viết đã đưa ra một nhận định: sự lành mạnh của "môi
sinh và dân chủ" phải là một "bộ đôi / duo" không
thể tách rời.
NGÔ THẾ VINH
California, 10/03/2023 – 22/03/2023
-------------
Tham
Khảo:
1/ Hướng
tới Ngày Nước Thế giới 2023, 2020, 2017, Đi
thăm khu nhà máy xử lý nước thải và hệ thống bổ sung tầng nước ngầm tại
Quận Cam, 8/12/2017. Từ một ĐBSCL đang ngập mặn, đi thăm nhà máy Khử Mặn
Carlsbad, San Diego. Ngô Thế Vinh, VEF 1/29/2020
2/ Hãy
cứu dân cư và Hậu giang khỏi bị hủy hoại vì khói bụi và ô nhiễm của xí nghiệp
Lee & Man. Phạm Phan Long, VEF Apr 28, 2017
3/ Nói
không với dự án Cái Lớn - Cái Bé. Đi tìm các giải pháp phi công trình cho ĐBSCL.
Ngô Thế Vinh. Viet Ecology Foundation 03.10.2018
4/ Đánh
giá Các Hệ thống Ngăn Mặn Vùng Ven Biên Châu Thổ Cửu Long & Dự án Thủy Lợi
Sông Cái Lớn – Cái Bé. Nhóm nghiên cứu: Lê Anh Tuấn, Nguyễn Hữu Thiện,
Dương Văn Ni, Nguyễn Hồng Tín, Đặng Kiều Nhân. TheSaigontimes 14/09/2018
5/ Quy
hoạch Tổng hợp Lưu vực sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050:
Khai thác hiệu quả gắn với phát triển nguồn nước. Quyết định 174QĐ-Ttg 6/3/2023
6/ Quy
hoạch tổng hợp lưu vực sông Cửu Long: Có khả thi và tin cậy được không?
Phạm Phan Long. Diễn Đàn VOA 17/3/2023
Hình : https://gdb.voanews.com/01000000-0aff-0242-d999-08db2a6046f3_w650_r0_s.jpg
Bác sĩ Ngô Thế Vinh.
BS
Ngô Thế Vinh: tốt
nghiệp YKSG, chủ bút báo SV Tình thương, y sĩ Liên đoàn 81 Biệt Cách Dù,
BS thường trú các bệnh viện đại học New York, BS điều trị
và giảng huấn tại một bệnh viện Nam California. Cửu Long Cạn Dòng, Biển
Đông Dậy Sóng là một dữ kiện tiểu thuyết liên quan tới môi sinh và
phát triển lưu vực sông Mekong và ĐBSCL. Nối tiếp là ký sự Mekong Dòng sông Nghẽn Mạch, với
bản Anh ngữ đã thu hút sự quan tâm của giới khoa học, và các nhà
hoạt động môi trường thế giới. Gần 30 năm tâm huyết với các vấn đề
Sông Mekong và ĐBSCL, BS Ngô Thế Vinh không chỉ là một nhà văn, ông còn là
một nhà hoạt động môi trường bền bỉ. Bài viết đề cập tới vấn nạn ô
nhiễm nước trầm trọng trên khắp mạng lưới sông rạch
nơi ĐBSCL hiện nay. [Tác giả 2001, trên chiếc ghe
máy từ Chong Kneas, Siem Reap băng qua Biển Hồ đi tới khu Bảo tồn Sinh thái
Prek Toal]
No comments:
Post a Comment