Chiến
tranh Ukraina, cơ hội để Trung Quốc - Mỹ - Liên Âu - Thổ tiếp cận Trung Á,
« sân sau » của Nga
Thùy Dương - RFI
Đăng ngày: 24/03/2023 - 11:23
Trong khi
chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình công du Matxcơva và họp thượng đỉnh với tổng
thống Nga Vladimir Putin, ngày 20 và 21/03/2023 Bắc Kinh đã gửi điện mừng nhân
ngày lễ truyền thống Nowruz của người Ba Tư và mời nguyên thủ các nước Trung Á,
vốn dĩ được xem là sân sau truyền thống của Nga, đến Bắc Kinh dự « thượng
đỉnh Trung Quốc - Trung Á đầu tiên » vào tháng 05/2023.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tại Astana, thủ đô Kazakhstan ngày
28/02/2023. AP - Olivier Douliery
Theo bức điện do hãng thông tấn Nhà nước Tajik
Khovar của Tajikistan công bố, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh « nóng
lòng thảo luận về một kế hoạch quy mô lớn để phát triển các quan hệ giữa Trung
Quốc và Trung Á ». Trên thực tế, cả 5 nước Trung Á đều tham
gia « Con đường tơ lụa mới », một dự án khổng lồ về cơ sở hạ
tầng đường bộ, đường sắt và cảng biển do Trung Quốc khởi xướng. Trung Á vốn dĩ
là khu vực rất giàu khí đốt, dầu lửa và nhất là có vị trí địa lý quan trọng, gần
nơi tiếp giáp các châu lục Âu - Á - Phi.
Trung Á lạnh nhạt hơn với Nga
Từ trước tới nay, Nga vẫn là nước bảo đảm an
ninh quân sự trong khu vực, thông qua Tổ
chức Hiệp ước An ninh Tập thể mà Kazakhstan,
Kyrgyzstan và Tajikistan là thành viên, cùng với Belarus và Armenia. Thế nhưng,
chiến tranh Ukraina đã làm suy giảm vị thế sen đầm của Matxcơva trong khu vực
và khiến các nước cộng Hòa thuộc Liên Xô cũ tại Trung Á cảnh giác, giữ khoảng
cách hơn với Matxcơva, dù họ vẫn duy trì thái độ trung dung, không ủng hộ các
nghị quyết của Liên Hiệp Quốc lên án Nga xâm lược Ukraina.
Không thể phủ nhận là quan hệ Nga - Trung Á
trong những tháng qua đã xấu đi. Tại Astana, thủ đô Kazakhstan, nơi diễn ra thượng
đỉnh Nga - Trung Á vào ngày 14/10/2022, tổng thống Tajikistan, Emomali Rahmon,
đã thẳng thừng tuyên bố « Nga không nên phớt lờ lợi ích của các nước nhỏ
ở Trung Á như đã từng làm ở thời Xô Viết », trong khi đồng nhiệm
Kazakhstan, Kassym-Jomart Tokayev, thậm chí không đích thân ra sân bay đón
Vladimir Putin, điều mà nhà báo Marie Charrel, trên mục thời luận của báo Le
Monde ngày 22/10/2022 nhận định là « điều không tưởng » trước
đây.
Le Monde nhắc lại, năm 2022, không có nguyên
thủ quốc gia nào của 5 nước Trung Á xuất hiện bên cạnh Vladimir Putin trong lễ
duyệt binh kỷ niệm 77 năm Chiến thắng phát xít 09/05 tại Quảng trường Đỏ ở
Matxcơva. Kazakhstan thậm chí lần đầu tiên hủy bỏ cuộc duyệt binh trong nước
tính từ khi giành được độc lập vào năm 1991. Và thay vì đến Matxcơva, tổng thống
Kazakhstan Kassym-Jomart Tokaev đã tới Thổ Nhĩ Kỳ để ký các thỏa thuận hợp tác
quân sự (bao gồm việc xây dựng nhà máy sản xuất drone tấn công ANKA ở
Kazakhstan) và phát triển các hoạt động vận chuyển, hậu cần (hàng hóa và khí đốt)
để tránh phải đi qua lãnh thổ Nga.
Kazakhstan là nước có chung 7.600 km biên giới
với Nga và đã từng, giống Ukraina, chịu nạn đói khủng khiếp dưới ách thống trị
của Liên Xô. Astana đã không công nhận việc Nga sáp nhập các vùng lãnh thổ của
Ukraina và đón nhận rất nhiều người Nga trốn chạy lệnh động viên quân dự bị do
Matxcơva ban bố, trong khi theo đuổi chính sách « đa phương » suốt
nhiều năm : vun đắp quan hệ tốt đẹp với Matxcơva cũng như với Bắc Kinh, Ankara,
Washington và Bruxelles. Đương nhiên, thái độ của Astana đã chọc giận Matxcơva,
khiến một số nhân vật thân cận với tổng thống Nga Putin đe dọa sẽ « phi
hạt nhân hóa » Kazakhstan, tương tự như đối với Ukraina.
.
Trung Quốc không bỏ lỡ cơ hội
Trong bối cảnh đó, một tháng trước khi thượng
đỉnh Nga - Trung Á được tổ chức tại Astana, đích thân chủ tịch Trung Quốc đã tới
thủ đô Kazakhstan vào ngày 14/09. Việc ông Tập chọn một nước Trung Á cho chuyến
xuất ngoại đầu tiên kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng nổ cách nay 3 năm, đã thể
hiện sự quan tâm của Bắc Kinh dành cho khu vực sân sau của Matxcơva. Tại
Astana, chủ tịch Trung Quốc
tuyên bố ủng hộ « độc lập dân tộc, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ »
của Kazakhstan. Liệu Bắc Kinh có can thiệp nếu Matxcơva tấn công
Kazakhstan ? Đây là kịch bản có lẽ sẽ không thể xảy ra, nhưng theo Annette
Bohr của tổ chức tư vấn Chatham House ở London, được Le Monde trích dẫn, « phát
biểu nói trên của Tập Cận Bình đánh dấu một bước ngoặt lớn » trong
quan hệ giữa Trung Quốc và Trung Á.
Cuộc chiến ở Ukraina cũng đã đẩy giá lương thực
ở Trung Á lên cao. An ninh lương thực ở Tajikistan, Uzbekistan và đặc biệt là
Turkmenistan, vốn đã chịu ảnh hưởng do nạn hạn hán kéo dài nhiều năm, nay càng
thêm xấu đi, trong khi Nga và Kazakhstan, hai nhà cung cấp ngũ cốc chính ở
Trung Á, lại hạn chế xuất khẩu ngũ cốc, điều mà theo chuyên gia về Trung Á,
Michael Levystone, được Le Monde trích dẫn, là đi ngược lại tinh thần của Liên
minh Kinh tế Á - Âu. Và sự thiếu tin cậy vào nước Nga vào thời điểm quan trọng
này có thể khiến chính quyền các nước Trung Á đẩy nhanh việc tìm kiếm các đối
tác khác, chẳng hạn như Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Liên Hiệp Châu Âu và Hoa Kỳ.
Kyrgyzstan và Uzbekistan cũng mong muốn xây dựng,
với sự hỗ trợ của Bắc Kinh, một tuyến đường sắt đi vòng qua Nga để kết nối đến
Trung Quốc và sang châu Âu. Các dự án khác đang được thực hiện.
.
Phương Tây cũng tranh thủ Trung Á
Liên quan tới Mỹ, theo mạng thông tin châu Âu
Euronews ngày 01/03/2023, dù Washington không ảo tưởng về khả năng các quốc gia
Trung Á từ bỏ đối tác lịch sử Nga, nhưng Hoa Kỳ cũng đang đóng vai « đối
tác tin cậy » đối với Trung Á, cũng như đối với những nơi khác như châu Phi
hoặc châu Mỹ La-tinh, nhằm củng cố dấu ấn ở khu vực này, trước các đối thủ Nga
- Trung. Trong chuyến thăm Astana và hội đàm với lãnh đạo 5 nước Trung Á, ngoại
trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố giải ngân 25 triệu đô la để giúp
Kazakhstan, Kirghizstan, Ouzbékistan, Tadjikistan và Turkménistan phát triển
các tuyến thương mại và tạo việc làm.
Về châu Âu, theo Ngân hàng Tái thiết và Phát
triển Châu Âu, dòng xuất khẩu bất thường của châu Âu và Anh sang Kazakhstan,
Armenia và Kyrgyzstan - thuộc liên minh thuế quan với Nga - có thể được giải
thích là sự lách lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga. Washington cũng
tìm cách đặt Trung Á ra bên ngoài các biện pháp trừng phạt nhắm vào Nga, chẳng
hạn miễn trừ các biện pháp trừng phạt đối với Caspian Pipeline Consortium, công
ty vận chuyển dầu của Kazakhstan đến các thị trường châu Âu thông qua Nga.
Để ngăn chặn các nước Trung Á giúp Nga lách lệnh
trừng phạt quốc tế, chống ảnh hưởng gia tăng của Nga, chủ tịch Hội đồng Châu
Âu, Charles Michel, cũng đã tổ chức thượng đỉnh với 5 nước Trung Á hồi cuối năm
2022. Bruxelles đang tìm cách giảm lệ thuộc về khí đốt vào Nga, còn Trung Á, một
khu vực cũng rất giàu khí đốt, lại mong muốn hạn chế tầm mức ảnh hưởng của Nga,
nên rất có thể sẽ trở thành một « đối tác quan trọng » của
Liên Âu, theo Charles Michel.
Đối với Andrei Grozin, chuyên gia người Nga về
Trung Á tại Viện các quốc gia thuộc Cộng đồng các quốc gia độc lập, được Le
Point trích dẫn, bất kỳ hoạt động nào của nước ngoài ở Trung Á đều bị Matxcơva
coi là « không mong muốn ». Thế nhưng, mải lao vào chiến tranh
Ukraina, dường như chính Matxcơva đang tạo cơ hội để nhiều nước lớn như Trung
Quốc, Mỹ, châu Âu, Thổ Nhĩ Kỳ tiếp cận Trung Á, khu vực quan trọng về địa lý,
tài nguyên dầu lửa khí đốt nằm ngay sát Nga.
---------------------------
Các nội dung liên quan
Chiến
tranh Ukraina hủy hoại uy tín của Nga tại Trung Á
Thượng
đỉnh Caspi: Nga khẳng định vị thế thống lĩnh ở Trung Á
Trung
Quốc, tâm điểm một trật tự mới đang hình thành tại Trung Á ?
No comments:
Post a Comment