Biển Đông 35 năm sau trận Gạc Ma
Hiếu Chân/Người Việt
March 14, 2023
https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/bien-dong-35-nam-sau-tran-gac-ma/
Vào ngày này 35 năm trước, Hải Quân Trung Quốc bất
ngờ nổ súng tàn sát hai trung đội công binh của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa,
chiếm đá Gạc Ma (Johnson South Reef) và sáu đá khác thuộc quyền quản lý của Việt
Nam, 64 chiến sĩ tử trận, nhiều người bị bắt làm tù binh.
https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2023/03/A1-Bien-Dong-35-Gac-Ma-1536x1024.jpg
Một
góc đá Vành Khăn (Mischief Reef) được Trung Quốc bồi đắp thành đảo nhân
tạo và xây dựng phi trường, hải cảng, trạm radar cùng nhiều cơ sở hạ tầng quân
sự khác. Hình chụp ngày 25 Tháng Mười, 2022. (Hình: Ezra Acayan/Getty Images)
Ngày 14 Tháng Ba, 1988, đẫm máu đó trở thành một cột mốc lịch sử, đánh
dấu lần đầu tiên quân đội Trung Quốc đặt được chân lên quần đảo phía Nam Biển
Đông – nơi được cho là có tài nguyên hải sản và dầu khí dồi dào, đồng thời án
ngữ hải lộ tấp nập nhất của thương mại thế giới. Ba mươi lăm năm sau, mưu đồ thống
trị Biển Đông của Bắc Kinh đã biến thành sự thật, đặt thế giới trước một sự đã
rồi, và tiềm ẩn nguy cơ xung đột trầm trọng.
Vụ đánh chiếm đảo Gạc Ma chỉ là bước leo thang trong một kế hoạch kéo
dài nhiều chục năm của Trung Quốc, tiếp theo trận hải chiến Hoàng Sa ngoài khơi
Đà Nẵng ngày 19 Tháng Giêng, 1974, khi quân đội Trung Quốc bất ngờ tấn công
giành nửa phía Tây của quần đảo từ tay Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (VNCH).
Sau khi đặt được chân lên Trường Sa, Trung Quốc đã từng bước bồi đắp, mở
rộng các đá thành đảo nhân tạo, xây dựng căn cứ quân sự. Những tiền đồn này là
nơi tập trung đông đảo các lực lượng Hải Quân, Tuần Duyên và dân quân biển để
thực thi cái gọi là chủ quyền của Trung Quốc trên toàn bộ Biển Đông, là căn cứ
xuất phát các hành động cản trở và quấy nhiễu hoạt động thăm dò dầu khí, đánh bắt
hải sản của các quốc gia khác.
Kế hoạch quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc được đẩy mạnh từ sau khi
ông Tập Cận Bình lên làm lãnh đạo tối cao năm 2012. Tường trình Sức Mạnh Quân Sự
Trung Quốc (China Military Power Report) của Bộ Quốc Phòng Mỹ hồi Tháng Mười Một
năm ngoái, ghi nhận Bắc Kinh đã thiết lập ở Trường Sa bảy tiền đồn, trong đó có
ba căn cứ quân sự đầy đủ, có sân bay, tên lửa đất đối không và tên lửa chống hạm,
radar và cảm biến cho phép Trung Quốc nhìn và nghe thấy hầu hết diễn biến trong
khu vực.
Tại quần đảo Hoàng Sa, báo cáo ghi nhận có ít nhất 20 đồn; đảo Phú Lâm
(Woody Island) có một sân bay quân sự lớn và được bố trí thường trực một oanh tạc
cơ hạng nặng có thể mang theo bom nguyên tử.
Trung Quốc đã thực sự trở thành thế lực thống trị Biển Đông, lấn dần
Hoa Kỳ ra khỏi vùng biển và làm thay đổi cả cục diện địa lý lẫn cán cân quyền lực
trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.
***
Sở dĩ Trung Quốc làm được như vậy một phần là do Bắc Kinh khôn khéo đề
ra và thực hiện một chiến thuật lấn từng bước khi nhìn thấy cơ hội và luôn ở dưới
ngưỡng gây ra xung đột. Một phần khác là do hành vi bất hợp pháp của Bắc Kinh gặp
phải rất ít sự phản kháng của Hoa Kỳ và các quốc gia khác.
Khi hải chiến giữa Hải Quân Trung Quốc và Hải Quân VNCH xảy ra, hạm đội
Mỹ gần đó đã không can thiệp, thậm chí không thực hiện cứu trợ nhân đạo các
thương binh và tử sĩ VNCH. Rồi khi Bắc Kinh bắt đầu bồi đắp các đá đã chiếm được
ở Trường Sa, lập căn cứ quân sự thì giới lãnh đạo Mỹ vẫn rất mơ hồ. Ông Thomas
Shugart, thành viên cấp cao của Trung Tâm An Ninh Mỹ Mới – một tổ chức cố vấn
chuyên về các vấn đề an ninh quốc gia có trụ sở tại Washington – nhớ lại khi ấy
rất nhiều người coi thường hành động của Bắc Kinh. “Ồ, chúng ta có thể quét sạch
chúng bằng Tomahawk trong giờ đầu tiên của cuộc xung đột,” ông Shugart nói. Bây
giờ thì không ai còn nghĩ như vậy nữa.
Nhiều chính trị gia Mỹ không tin Bắc Kinh sẽ hành động phi pháp và trắng
trợn như đặt căn cứ quân sự trong vùng biển quốc tế. Họ không nhận thức được
quyết tâm của ông Tập Cận Bình sẵn sàng đối đầu với Hoa Kỳ nên đã không có những
phản ứng mạnh mẽ trước khi quá muộn.
Ông Daniel Russel, phụ tá ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á
và Thái Bình Dương từ năm 2013 đến năm 2017, cho biết chiến lược của chính quyền
Barack Obama là không để cho cuộc cạnh tranh với Trung Quốc “xấu đi thành sự đối
đầu.”
Theo ông Russel, khi Trung Quốc bồi đắp các đảo ở Trường Sa, chính quyền
Obama, đang sa lầy trong các cuộc chiến tranh ở Iraq và Afghanistan, chẳng những
không phản kháng mà còn vận động Bắc Kinh hợp tác để giải quyết những vấn đề
toàn cầu như chương trình vũ khí nguyên tử của Bắc Hàn, tình trạng trái đất
nóng lên và các thủ đoạn ăn cắp quyền sở hữu trí tuệ của Mỹ.
Giữa năm 2015, Trung Quốc đã bồi đắp xong các đảo ở Trường Sa. Đô Đốc
Harry B. Harris Jr. – cựu chỉ huy Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương, nay đã nghỉ hưu –
cảnh báo với Ủy Ban Quân Vụ Thượng Viện mối lo ngại trước những hành động của Bắc
Kinh. Chủ tịch ủy ban khi ấy là Thượng Nghĩ Sĩ John McCain (Cộng Hòa-Arizona) –
một cựu sĩ quan Hải Quân – đã chất vấn Bộ Quốc Phòng tại sao Hải Quân Mỹ không
hành động. Vào tháng sau, Mỹ bắt đầu thực hiện những cuộc hành quân ở Biển
Đông, gần các hòn đảo nhân tạo của Trung Quốc, gọi là chiến dịch tự do hải hành
(Freedom of Navigation Operations – FONOPs) – một chiến dịch thực tế không có
nhiều tác dụng.
Cuối Tháng Chín, 2015, sau cuộc hội đàm tại Tòa Bạch Ốc với Tổng Thống
Barack Obama, ông Tập Cận Bình khẳng định với báo chí rằng nước ông không có ý
định quân sự hóa Biển Đông. Cam kết công khai của ông Tập được coi là một bước
ngoặt, báo hiệu phe diều hâu trong quân đội Trung Quốc sẽ không tiếp tục thực
hiện kế hoạch của họ. Nhưng lời cam kết của nhà lãnh đạo Trung Quốc chỉ là một
trò lừa đảo: Tới đầu năm 2016, việc quân sự hóa bảy đảo mà Trung Quốc bồi đắp ở
Trường Sa căn bản đã hoàn thành và các cơ sở hạ tầng quân sự đã được xây dựng,
gồm 72 nhà chứa máy bay, bến cảng, thiết bị liên lạc vệ tinh, các giàn ăng-ten,
radar, hầm trú ẩn kiên cố cho bệ phóng tên lửa và tên lửa các loại.
***
Các tiền đồn của Trung Quốc ở Hoàng Sa và Trường Sa không chỉ làm thay
đổi cán cân sức mạnh mà còn cản trở các dự án kinh tế ở Biển Đông và xói mòn uy
tín của Hoa Kỳ trong khu vực Xhâu Á-Thái Bình Dương. Đã có rất nhiều tàu đánh
cá, tàu thăm dò dầu khí của Việt Nam, Philippines, Malaysia bị Trung Quốc ngăn
cản, phá hoại, thậm chí Việt Nam phải hủy bỏ các dự án thăm dò dầu khí hợp tác
với nhiều công ty Tây phương, chịu bồi thường nhiều tỷ đô la vì sự đe dọa của
Trung Quốc.
Từ sau Đệ Nhị Thế Chiến đến nay, Mỹ vẫn đóng vai người bảo trợ an ninh
của khu vực Châu Á-Thái Bình Dương và nhờ sự bảo trợ đó, các quốc gia yên tâm
làm ăn kinh tế, tạo ra sự thịnh vượng chưa từng có. Thế nhưng cách hành xử bất
nhất của Washington trước đà lấn lướt của Bắc Kinh làm cho các nước Đông Nam Á
ngày càng mất lòng tin vào Mỹ.
Philippines là nước duy nhất ở Đông Nam Á có hiệp ước hỗ tương về phòng
thủ với Hoa Kỳ, ký kết từ năm 1951. Nhưng năm 2012 khi Trung Quốc cưỡng chiếm
Bãi Cỏ Rong (Scarborough Shoal), một bãi san hô nằm trong vùng đặc quyền kinh tế
của Philippines, cách đảo lớn Luzon chỉ 120 hải lý, Mỹ đã không hành động tương
xứng. Thất vọng với Mỹ, Tháng Giêng, 2013, chính phủ Philippines nộp đơn kiện
Trung Quốc ra Tòa Trọng Tài Quốc Tế (PCA) tại The Hague, Hòa Lan, và đến Tháng
Bảy, 2016, tòa PCA ra phán quyết khẳng định yêu sách của Trung Quốc về chủ quyền
trên Biển Đông theo cái gọi là “các quyền lịch sử” là hoàn toàn không có căn cứ
pháp lý.
Bắc Kinh không công nhận phán quyết của tòa PCA và một lần nữa, Hoa Kỳ
lại phản ứng chậm chạp. Mãi đến Tháng Bảy, 2020, tức bốn năm sau, chính quyền Mỹ
thời Tổng Thống Donald Trump mới ra tuyên bố lần đầu tiên chính thức bác bỏ yêu
sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông theo phán quyết của PCA.
Không ai đòi hỏi Washington phải trực diện đối đầu với Bắc Kinh trong vấn
đề Biển Đông nhưng cách hành xử có phần nhân nhượng Trung Quốc của Mỹ đã làm
cho các nước nhỏ trong khu vực nghi ngại, không muốn đứng hẳn về phía Mỹ trong
cuộc cạnh tranh địa chính trị giữa hai cường quốc.
Trong những năm gần đây, Mỹ coi Trung Quốc là thách thức an ninh chính,
đặc biệt là ở Châu Á-Thái Bình Dương. Nhưng Mỹ đã bỏ lỡ thời điểm ngăn chặn ảnh
hưởng của Trung Quốc. Đến nay thì đã quá muộn. Các nhà phân tích an ninh của Mỹ
đều đồng ý rằng các căn cứ quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông đã vững chắc đến
mức không thể đảo ngược nếu không xảy ra xung đột quân sự.
Chiến tranh tất nhiên là hạ sách song bài toán Biển Đông xem ra khó mà
giải quyết bằng các phương thức hòa bình. Và viễn cảnh đó thật đáng sợ. [qd]
No comments:
Post a Comment