3
nhiệm vụ chính trị mà đảng giao cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam
VĂN TÂM - Luật
Khoa
March 3, 2023
https://www.luatkhoa.com/2023/03/3-nhiem-vu-chinh-tri-ma-dang-giao-cho-giao-hoi-phat-giao-viet-nam/
Trở thành công cụ chính trị là đi đến bước đường suy vong.
https://www.luatkhoa.com/content/images/size/w1304/2023/03/i1-2.jpg
Thủ tướng Phạm
Minh Chính tiếp các đại biểu lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam, chiều
29/11/2022. Ảnh: TTXVN.
Một số tổ chức tôn giáo hiện nay đã bị chính
quyền thâm nhập hoàn toàn. Các chức sắc không chỉ điều hành hoạt động tôn giáo
mà còn thực hiện những nhiệm vụ chính trị của đảng. Giáo hội Phật giáo Việt Nam
(GHPGVN) là một trong những tổ chức tôn giáo như thế.
Tại Đại hội Đại biểu Phật
giáo toàn quốc lần thứ IX vào tháng 11/2022, đại diện Ban trị sự GHPGVN tỉnh
Kiên Giang đã phát biểu: “Đối ngoại Nhân dân mà Giáo hội Phật giáo Việt
Nam thực hiện, theo nhiệm vụ chung là triển khai đường lối, chính sách đối ngoại
của Đảng”. [1]
Sau hơn 40 năm thành lập, GHPGVN đã trở thành
tổ chức nửa tôn giáo nửa chính trị - vừa hoạt động tôn giáo vừa thực hiện những
nhiệm vụ chính trị mà Đảng Cộng sản Việt Nam giao phó.
Đối ngoại theo đường lối của đảng
Vào năm 2018, Ban điều phối của GHPGVN tại Lào
chính thức ra mắt trong một buổi lễ. Điều đáng chú ý là không chỉ có các nhà sư
cao cấp của giáo hội trong buổi lễ này mà còn có đại diện Cục An ninh Nội địa (Bộ Công an), hai
cán bộ Ban Tôn giáo Chính phủ, và hai cán bộ lãnh đạo của Ủy ban Trung ương Mặt
trận Tổ quốc Việt Nam. [2]
Đến năm 2019, Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ
Vũ Chiến Thắng trong chuyến làm việc tại Campuchia đã đề nghị xem xét thành lập Ban điều phối Phật giáo Việt Nam và
xây dựng thánh thất Cao Đài tại nước này. Ông Thắng phát biểu như một chức sắc
của GHPGVN dù đoàn làm việc của ông không có một nhà sư Việt Nam nào. [3]
Những ví dụ này cho thấy có sự chỉ đạo, can
thiệp trực tiếp của chính quyền đối với những hoạt động của giáo hội ở nước
ngoài.
https://www.luatkhoa.com/content/images/2023/03/i2-1.jpg
Ban Tôn giáo
Chính phủ làm việc tại Campuchia, năm 2019. Ảnh: Ban Tôn giáo Chính phủ.
Bài tham luận của Ban trị sự GHPGVN tỉnh Kiên
Giang cho biết hoạt động ngoại giao nhân dân của giáo hội
không chỉ do các chức sắc của giáo hội và Ban Phật giáo quốc tế Trung ương đảm
nhận mà còn là trách nhiệm chung của “toàn thể Giáo hội và các hội, đoàn, cá
nhân yêu mến đạo Phật”.
GHPGVN hiện nay có thể nói là đang minh họa
sát sao cho đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nhiều hoạt động của GHPGVN
không còn thuần túy là hoạt động tôn giáo nữa.
Vào tháng 10/2022, Thượng tọa Thích Đức Thiện khẳng định những hoạt động của GHPGVN như Đại lễ Phật
đản (Vesak) Liên Hiệp Quốc “là những phản bác mạnh mẽ nhất trước những báo cáo
sai sự thật, bôi nhọ xuyên tạc nhân quyền, tự do tôn giáo ở Việt Nam của các thế
lực thù địch”. [4]
Những nhà sư của GHPGVN giờ đây không chỉ tu
hành mà còn đang hoạt động như một cán bộ ngoại giao không chính thức của nhà
nước.
Thâm nhập vào các cộng đồng người Việt ở hải ngoại
Vào tháng 11/2020, Ban Tôn giáo Chính phủ đã
ký kết một thỏa thuận về tôn giáo với Ủy ban Nhà nước về người
Việt Nam ở nước ngoài. [5]
5 tháng trước khi ký thỏa thuận này, trong lúc
làm việc với Ban Tôn giáo Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban
Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Đặng
Minh Khôi đã nhấn mạnh về việc các thế lực thù địch ở
nước ngoài lợi dụng vấn đề tôn giáo, lôi kéo tổ chức tôn giáo trong nước chống
phá chính quyền.
Và trong thỏa thuận hợp tác giữa hai cơ quan
này có nhiệm vụ thành lập các tổ chức tôn giáo dành cho người Việt ở hải ngoại.
Phật giáo có lẽ là tôn giáo thu hút đông đảo
tín đồ người Việt ở hải ngoại. GHPGVN hiện nay rất chú trọng việc thành lập các
cơ sở ở hải ngoại. Hiện nay, giáo hội đã thành lập 22 hội Phật tử Việt Nam ở các quốc gia tại
nhiều châu lục, thiết lập “mối liên lạc thường xuyên hướng dẫn” tăng ni, Phật tử
ở 35 quốc gia và vùng lãnh thổ. [6] Các hội Phật tử, trung tâm văn hóa Phật
giáo ở hải ngoại được xem là trung tâm đoàn kết, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc
Việt Nam, nơi giao lưu, chia sẻ, hỗ trợ cộng đồng, quảng bá hình ảnh đất nước
và con người Việt Nam. Rõ ràng, các hoạt động nói trên phản ánh nhiệm vụ ngoại
giao nhân dân mà giáo hội đang thực hiện theo định hướng của đảng.
https://www.luatkhoa.com/content/images/size/w1000/2023/03/i3-1.jpg
Thượng tọa Thích
Thọ Lạc, Trưởng ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật
giáo Việt Nam trao tặng quà lưu niệm cho Đại sứ Việt Nam tại Bỉ. Ảnh: TTXVN.
Ông Nguyễn
Đình Thắng, Giám đốc tổ chức nhân quyền BPSOS có trụ sở tại
Mỹ, một trong những tổ chức bị chính quyền Việt Nam cho là lợi dụng vấn đề tự
do tôn giáo để chống phá nhà nước, nói với Luật Khoa rằng chính quyền Việt Nam
vẫn đang dùng Phật giáo và đạo Cao Đài để thâm nhập vào cộng động người Việt tại
Mỹ. [7]
“Một chùa Phật giáo có thể bảo lãnh dăm người;
sau vài năm số người này bỏ ra ngoài, lập chùa mới và mỗi chùa lại bảo lãnh dăm
người nữa”, ông Thắng cho biết. Việc thâm nhập này, theo ông Thắng, là để thực
hiện Nghị quyết 36/NQ-TW của đảng.
Nghị quyết 36 được Bộ Chính trị ban hành năm
2004. Nghị quyết này có nhắc đến việc phải hạn chế được việc các thế lực tìm
cách chia rẽ cộng đồng người Việt Nam, chống phá chính quyền Việt Nam, phá hoại
mối quan hệ giữa nước sở tại với Việt Nam.
Tháng 4/2022, một phái đoàn của GHPGVN đã sang châu Âu và đến làm việc
với Đại sứ quán Việt Nam tại Bỉ. Thượng tọa Thích Thọ Lạc, trưởng phái đoàn,
cho biết giáo hội sẽ tiếp tục việc lan tỏa văn hóa Phật giáo, mở lớp dạy tiếng
Việt để bảo tồn bản sắc văn hóa trong cộng đồng người Việt tại Bỉ. Những phát
biểu này rất giống với chủ trương và phương hướng công tác được nêu trong Nghị
quyết 36 của Bộ Chính trị. [8]
Định hướng người dân trong nước
Trong văn kiện Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ
IX, bên cạnh những hoạt động tôn giáo, GHPGVN đã công khai xác định cho mình những
nhiệm vụ rất phi tôn giáo. [9]
Phương hướng hoạt động nổi bật mà văn kiện nêu
ra là vận động tăng ni, Phật tử “phát huy tinh thần yêu nước, tích cực xây dựng
khối đại đoàn kết dân tộc”, và “tích cực tham gia các đoàn thể xã hội, Mặt trận
Tổ quốc Việt Nam”.
“Đại đoàn kết dân tộc” có thể diễn giải thông
qua các hành động như tuân thủ quy định pháp luật, không có những hành vi bị
cho là chia rẽ và chống phá nhà nước, phải làm theo mong muốn của chính quyền,
tích cực ủng hộ và tham gia vào các hoạt động có tính đoàn thể được chính quyền
dẫn dắt. Ví dụ, những nhà sư muốn duy trì Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất,
vốn đã có từ trước năm 1975, bị cho là “phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc”, vì đi
ngược lại chủ trương của nhà nước. [10]
Các đoàn thể xã hội thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt
Nam có thể xem là những tổ chức đóng vai trò theo dõi, giám sát người dân. Năm
2021, nhà nước đã công khai rằng một số hội như Hội Liên hiệp Phụ nữ
Việt Nam, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh có nhiệm vụ là bí mật theo dõi, báo
cáo cho chính quyền những hoạt động tôn giáo đáng nghi ngờ tại cơ sở. [11]
Trong bài viết năm 2022, Hòa thượng Thích Thiện
Nhơn, đương kim Chủ tịch Hội đồng Trị sự của GHPGVN, cho biết phương châm “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa
xã hội” ngày càng thể hiện “tính đúng đắn và hiệu quả”. Từ đó, Giáo hội luôn cổ
vũ tăng ni, Phật tử chấp hành chủ trương, chính sách, pháp luật của nhà nước,
tích cực tham gia các công tác của chính quyền địa phương, các phong trào của Mặt
trận Tổ quốc Việt Nam. [12]
Như vậy, từ sau khi GHPGVN được thành lập vào
năm 1981, các nhà sư của giáo hội dần dần đã trở thành công cụ để chính quyền sử
dụng trong các hoạt động ngoại giao, kiểm soát người dân cả trong nước và hải
ngoại.
Vì sao không nên kiểm soát tôn giáo bằng chính trị?
Kiểm soát các tổ chức tôn giáo không phải là
câu chuyện riêng của Việt Nam. Vấn đề này thường xảy ra trong các chế độ độc
tài. Chính quyền độc tài thường tìm kiếm sự ủng hộ của các chức sắc tôn giáo.
Chức sắc tôn giáo là những người có nhiều uy tín, có tiếng nói đáng kể đối với
các tín đồ. Sự ủng hộ của các chức sắc là cách nhanh chóng, bền vững nhất để
giúp chế độ kiểm soát người dân.
Quốc dân đảng dưới thời Thiết quân luật đã
sử dụng Hiệp hội Phật giáo Trung Hoa Dân Quốc để kiểm soát Phật tử. Giống
như GHPGVN, hiệp hội này cũng là tổ chức Phật giáo duy nhất chính quyền Quốc
dân đảng cho phép thành lập khi đó. Cho đến cuối thập niên 1990, hiệp hội này dần
dần bị mất uy tín sau khi các hiệp hội Phật giáo mới được phép tự do hoạt động.
[13]
Việc kiểm soát tổ chức tôn giáo thường chỉ
mang đến lợi ích cho chế độ độc tài nhưng lại mang đến nhiều tai hại khác.
Trung Quốc là trường hợp có cách thức kiểm
soát Phật giáo tương tự, và duy trì cho đến tận ngày nay. Phật giáo cũng được sử
dụng như một công cụ chính trị của chính quyền. Càng ngày càng có nhiều chức sắc
Phật giáo kế thừa ở Trung Quốc yếu đuối trước quyền lực của chính quyền, và trở
thành những nhà sư tha hóa, biến chất.
Phật giáo tại Đài Loan chỉ phát triển khi
chính quyền bãi bỏ đặc quyền hoạt động của Hiệp hội Phật giáo Trung Hoa Dân Quốc,
tạo điều kiện giải phóng tiềm lực cho các tổ chức Phật giáo khác. Nhờ vậy, Phật
giáo Đài Loan trở thành một trong những nền Phật giáo có ảnh hưởng trên thế giới
với các tăng, ni sư danh tiếng.
Trước năm 1975, việc thống nhất Phật giáo, điều
hành toàn bộ hoạt động Phật sự thông qua một tổ chức duy nhất là khát vọng của
một số nhà sư, trong đó có Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Tuy nhiên, khi trở về nước
vào những năm 2000, thiền sư Nhất Hạnh đã bày tỏ sự thất vọng rất lớn đối với GHPGVN vì bị chính
quyền kiểm soát. [14]
Còn Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội
đồng trị sự GHPGVN thì cho rằng việc ra đời của GHPGVN là “nét son vàng trên
trang sử Phật giáo nước nhà thời hiện đại”.
Phật giáo ở các nước tự do như Hàn Quốc, Nhật
Bản, Đài Loan đã chứng tỏ rằng tự do tôn giáo, tự do thành lập các tổ chức Phật
giáo khác nhau mới là cách đưa đạo Phật phát triển. Việc kìm kẹp Phật giáo dưới
một tổ chức duy nhất là con đường khiến tôn giáo này suy vong.
---------------------------------------------------
Tự
do tôn giáo không chỉ đo đếm bằng các con số khổng lồ
Vạn
thầy tu, ngàn đền điện, nhưng tôn giáo thiểu số thiếu tự do.
Vì
sao Phật giáo Việt Nam có xu hướng ngày càng mê tín?
Cuốn
theo vòng xoáy ràng buộc lợi ích.
Nhân
sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam xoay quanh một vòng tròn
Trung
thành với nhà nước, danh tính bí ẩn, lãnh đạo trọn đời.
------------------------------------------------------
Chú thích
1. Phát huy vai trò của chức sắc Phật
giáo trong công tác đối ngoại nhân dân. (2023, January 24). Tạp Chí Nghiên
Cứu Phật Học. https://web.archive.org/web/20230215072307/https://tapchinghiencuuphathoc.vn/phat-huy-vai-tro-cua-chuc-sac-phat-giao-trong-cong-tac-doi-ngoai-nhan-dan.html
2. Lễ ra mắt Ban Điều phối Giáo hội Phật
giáo Việt Nam tại Lào. (2018, November 14). Phật Sự Miền Bắc. https://web.archive.org/web/20230218071450/https://phatsumienbac.vn/le-ra-mat-ban-dieu-phoi-giao-hoi-phat-giao-viet-nam-tai-lao/
3. Đoàn đại biểu cấp cao Ban Tôn giáo
Chính phủ thăm và làm việc tại Campuchia. (2019, April 6). Báo Nghệ
An. https://web.archive.org/web/20230218072327/https://baonghean.vn/doan-dai-bieu-cap-cao-ban-ton-giao-chinh-phu-tham-va-lam-viec-tai-campuchia-post205040.html
4. Thượng tọa Thích Đức Thiện: “Ngoại
giao tôn giáo phản bác xuyên tạc tự do nhân quyền.” (2022, October
28). [Video]. YouTube. https://www.youtube.com/watch?v=FqMcuuPPWYM
5. Cánh tay của Ban Tôn giáo Chính phủ
vừa được nối dài vươn ra hải ngoại. (2021, March 31). Luật Khoa. https://luatkhoa.org/2021/03/canh-tay-cua-ban-ton-giao-chinh-phu-vua-duoc-noi-dai-vuon-ra-hai-ngoai/
6. Giáo hội Phật giáo Việt Nam: Từ mô
hình đến xu thế thời đại. (2023, January 31). Tạp Chí Nghiên Cứu Phật Học. https://tapchinghiencuuphathoc.vn/giao-hoi-phat-giao-viet-nam-tu-mo-hinh-den-xu-the-thoi-dai.html
7. Xem [5].
8. Lan tỏa giá trị Phật giáo Việt Nam
đến cộng đồng người Việt ở châu Âu. (2022, April 22). Vietnam Plus. https://web.archive.org/web/20230219014439/https://www.vietnamplus.vn/lan-toagia-tri-phat-giao-viet-nam-den-cong-dong-nguoi-viet-o-chau-au/785115.vnp
9. VĂN KIỆN ĐẠI HỘI PHẬT GIÁO KHÓA IX:
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU, PHƯƠNG HƯỚNG HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ NHIỆM KỲ IX (2022 – 2027).
(2022, November). Giáo Hội Phật Giáo Đà Nẵng. https://phatgiaodanang.vn/tin-tuc/van-kien-dai-hoi-phat-giao-khoa-ix-chuong-trinh-muc-tieu-phuong-huong-hoat-dong-phat-su-nhiem-ky-ix-2022-2027.html
10. Thực chất hoạt động của nhóm mạo
xưng cái gọi là “Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất.” (2007,
September 12). Báo Đồng Nai. https://web.archive.org/web/20230219071924/http://www.baodongnai.com.vn/vanhoa/200709/thuc-chat-hoat-dong-cua-nhom-mao-xung-cai-goi-la-giao-hoi-phat-giao-viet-nam-thong-nhat-2039487/
11. 7 bí mật nhà nước trong lĩnh vực
tôn giáo có thể làm bạn bất ngờ. (2021, January 27). Luật Khoa. https://luatkhoa.org/2021/01/7-bi-mat-nha-nuoc-trong-linh-vuc-ton-giao-co-the-lam-ban-bat-ngo/
12. Giáo hội Phật giáo Việt Nam với đường
hướng “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội.” (2022, December 1).
Giác Ngộ Online. https://giacngo.vn/giao-hoi-phat-giao-viet-nam-voi-duong-huong-dao-phap-dan-toc-chu-nghia-xa-hoi-post64662.html
13. Phật giáo Việt Nam có cấu trúc
khác lạ so với các quốc gia. Chỉ trừ một nước. (2022, December 1). Luật
Khoa. https://www.luatkhoa.com/2022/12/phat-giao-viet-nam-co-cau-truc-khac-la-so-voi-cac-quoc-gia-chi-tru-mot-nuoc/
14. Cuộc đời của thiền sư Thích Nhất Hạnh.
(2022, January 22). Luật Khoa. https://luatkhoa.org/2022/01/cuoc-doi-cua-thien-su-thich-nhat-hanh/
No comments:
Post a Comment