Đằng
sau đối tác “vô giới hạn” với Nga, Trung Quốc vẫn thận trọng
Thanh Phương - RFI
Đăng ngày: 21/03/2023 - 16:12
Chuyến thăm Matxcơva của chủ tịch Tập Cận Bình
chính là nhằm khẳng định quan hệ đối tác “vô giới hạn” với Nga, nhưng thật ra đằng
sau mối quan hệ này, Bắc Kinh vẫn tỏ ra thận trọng.
https://s.rfi.fr/media/display/262aa450-c759-11ed-8b60-005056bf30b7/w:980/p:16x9/000_33BP7M6.webp
Tổng thống Nga
Vladimir Putin (P) tiếp chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại điện Kremlin,
Matxcơva, ngày 20/3/2023. © AFP - SERGEI KARPUKHIN
Vừa mới được Quốc Hội bầu lại làm chủ tịch nước nhiệm kỳ 3, ông Tập Cận
Bình đã đi thăm nước Nga để gặp “người bạn thân thiết” Vladimir Putin, trong bối
cảnh Bắc Kinh muốn đóng một vai trò trung gian để giải quyết cuộc xung đột ở
Ukraina. Còn đối với tổng thống Nga, chuyến thăm của chủ tịch Trung Quốc sẽ cho
phương Tây thấy rõ liên minh giữa Matxcơva và Bắc Kinh vững chắc như thế nào, đồng
thời củng cố vị thế của chủ nhân điện Kremlin, cho dù ông vừa bị Tòa án Hình sự
Quốc tế phát lệnh bắt giữ vì tội ác chiến tranh ở Ukraina.
Hôm nay, ông Tập Cận Bình lại vừa tuyên bố đặt ưu tiên vào mối quan hệ
“chiến lược” giữa Bắc Kinh với Matxcơva, thậm chí còn mời tổng thống Putin sang
thăm Trung Quốc trong năm nay.
Đúng là giữa Vladimir Putin và Tập Cận Bình có một mẫu số chung, đó là
cả hai đều bác bỏ trật tự thế giới dựa trên các giá trị chung về dân chủ, đứng
đầu là Hoa Kỳ. Cả hai nhà lãnh đạo đều chống lại thế áp đảo của phương Tây trên
trường quốc tế.
Nhưng theo nhận định của chuyên gia Valérie Niquet, Viện Nghiên
cứu Chiến lược của Pháp, trong một bài viết trên tờ Le Monde ngày 20/03/2023, đối
tác Nga-Trung cũng có giới hạn của nó: Trong bối cảnh chiến tranh Ukraina, Bắc
Kinh không thật sự hết mình bất chấp mọi rủi ro vì Matxcơva.
Bà Valérie Niquet nhắc lại rằng trong mỗi cuộc
biểu quyết các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc về chiến tranh xâm lược Ukraina,
Trung Quốc đều đã thận trọng không bỏ phiếu. Có thể là Trung Quốc đã dự tính
cung cấp vũ khí cho Nga như khẳng định của tình báo Mỹ, nhưng Bắc Kinh chắc chắn
không muốn chỉ vì hỗ trợ cho Matxcơva trong cuộc xâm lược Ukraina mà ảnh hưởng
đến kinh tế Trung Quốc, hiện chỉ mới bắt đầu phục hồi sau đại dịch Covid-19.
Nói cách khác, Bắc Kinh không muốn đến phiên mình cũng bị phương Tây ban hành
các trừng phạt nặng nề.
Thật ra Trung Quốc chỉ tìm cách trục lợi từ cuộc chiến Ukraina khi đề
xuất bản kế hoạch hòa bình. Trong cuộc hội đàm hôm qua với chủ tịch Tập Cận
Bình, tổng thống Putin đã tuyên bố sẵn sàng thảo luận về sáng kiến hòa bình của
Bắc Kinh. Vấn đề là Trung Quốc không thể gây áp lực lên Nga nếu ông Putin không
sẵn sàng chấp nhận các nhân nhượng về lãnh thổ. Còn các nước phương Tây thì hiện
giờ không tin tưởng vai trò trung gian hòa giải của một quốc gia quá thân cận với
Nga.
Tuy nhiên, theo chuyên gia Valérie Niquet, nếu sau chuyến thăm Matxcơva
mà ông Tập Cận Bình có một cuộc điện đàm với tổng thống Ukraina Volodymyr
Zelensky thì đây sẽ là một đòn ngoại giao “bậc thầy”. Nếu chấp nhận nói chuyện
với ông Tập Cận Bình, tổng thống Zelensky coi như công nhận vai trò của Trung
Quốc trong cuộc xung đột Ukraina và Bắc Kinh sẽ dùng cuộc điện đàm này để bác bỏ
các cáo buộc cho rằng họ đồng lõa hoàn toàn với Matxcơva. Mặt khác, một cuộc điện
đàm giữa Zelensky và Tập Cận Bình chắc chắn sẽ được Bắc Kinh khai thác để gây
chia rẽ liên minh phương Tây, cho tới nay vẫn ủng hộ Kiev hết mình.
Tóm lại, trong ván cờ dưới danh nghĩa đối tác Nga-Trung “vô giới hạn”,
Bắc Kinh một mặt củng cố liên minh chống phương Tây, nhưng mặt khác tìm cách bảo
vệ các lợi ích riêng, không hoàn toàn đồng nhất với các lợi ích của Matxcơva.
------------------------------
CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN
Xoay
trục kinh tế bất đối xứng, Nga ngày càng lệ thuộc vào châu Á
Trung Quốc
kêu gọi Nga-Ukraina đàm phán hòa bình
Ukraina
lo âu theo dõi chuyến thăm Matxcơva của Tập Cận Bình
No comments:
Post a Comment