Đã tìm được ‘động vật nguồn gốc’ của Covid 19?
Victoria Gill và Roland Pease
BBC News và BBC World Service
25 tháng 3 2023, 14:52 +07
https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c901y0ndlqpo
Giờ đây chúng ta có "bằng chứng tốt nhất"
có thể tìm được về việc virus gây ra Covid-19 đã lây sang người ra sao, một
nhóm các nhà khoa học tuyên bố.
Đây là diễn biến khoa học mới nhất trong công
cuộc tìm kiếm nguyên nhân gây ra đại dịch nặng nhất trong một thế kỷ. Quá trình
này đầy khó khăn và mang tính chính trị rất cao, và có nhiều giả thuyết khác
nhau đều chưa được chứng minh hay bác bỏ hoàn toàn.
https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/8cf9/live/2e7fa300-cb12-11ed-be2e-754a65c11505.jpg
Công trình phân tích các dữ liệu đã có từ ba năm nhưng mới được phát hiện
cho thấy chồn chó có khả năng là "vật chủ trung gian" đưa virus lây
sang người
Các phân tích mới nhất chỉ vào một loài động vật
có nhiều khả năng là động vật nguồn gốc của virus. Phân tích này dựa trên bằng chứng
được thu thập cách đây ba năm từ Chợ Động vật Hoang dã Huanan ở Vũ Hán, nơi
luôn là tâm điểm khi đại dịch bùng phát.
Trong những ngày đầu năm 2020, khi Covid vẫn
còn là một bệnh bí hiểm, Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh (CDC) Trung Quốc lấy các
mẫu xét nghiệm từ chợ. Thông tin về gien có được từ các mẫu đó mãi đến gần đây
mưới được công bố, và điều đó cho phép một nhóm các nhà nghiên cứu giải mã
chúng và dẫn đến kết luận rằng loài chồn chó có khả năng là một “vật chủ trung
gian”, rồi từ loài chồn này virus lan sang người.
Điều then chốt của phân tích này là DNA từ chồn
chó, loài động vật có vú được bán khi còn sống ở chợ Huanan, được tìm thấy ở
cùng một địa điểm với các mẫu xét nghiệm có kết quả dương tính với SARS CoV-2,
theo phân tích được công bố trên mạng ngày 20/3.
https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/0e78/live/e1a23520-cb11-11ed-be2e-754a65c11505.jpg
Có "mối
liên hệ mạnh mẽ" giữa sự bùng phát dịch ban đầu và việc bán động vật sống
trong chợ, các nhà khoa học nói
Nhưng trong quá trình đi tìm nguồn gốc của đại
dịch, chợ đó đã bị đóng cửa từ lâu và tất cả các con vật bị bán ở chợ đều đã bị
giết, nên chúng ta vẫn không có bằng chứng có tính kết luận. Và một số nhà phân
tích đã mô tả sự trì hoãn ba năm trong việc đưa ra các dữ liệu hết sức quan trọng
này là “đáng hổ thẹn.”
Kết quả tìm hiểu được đăng trong bối cảnh giả
thuyết virus rò rỉ từ lab đang được tin nhiều hơn trong giới chức ở Mỹ.
Chính phủ Trung Quốc đã phủ nhận quyết liệt rằng
virus bắt nguồn từ một cơ sở nghiên cứu khoa học của nước này, nhưng Cục Điều
tra Liên bang Mỹ (FBI) giờ đây tin rằng kịch bản này là “có khả năng cao nhất”,
và Bộ Năng lượng Mỹ cũng tin như vậy.
Các bộ và cơ quan khác nhau của Mỹ đã điều tra
nguồn gốc bí ẩn của virus và đưa ra các kết luận khác nhau, nhưng ngày 1/3,
giám đốc FBI đã cáo buộc Bắc Kinh đã “cố hết sức để ngăn cản và làm rối”, và tiết
lộ rằng FBI đã bị thuyết phục về giả thuyết rò rỉ phòng lab “một thời gian khá
lâu”. Cơ quan này chưa công bố các kết quả điều tra, điều làm nản lòng một số
nhà khoa học.
BBC đã nói chuyện với vài nhà khoa học tham
gia vào quá trình điều tra nguồn gốc Covid ba năm qua. Họ tin rằng kết quả phân
tích mới có lẽ sẽ đưa chúng ta đến gần nhất để hiểu đại dịch đã bắt đầu ra sao,
và sự chia rẽ giữa Trung Quốc và phương Tây đang cản trở các nỗ lực khoa học để
tìm lời giải cho điều bí hiểm này.
Nghiên cứu mới cho thấy gì?
Giải mã gien toàn bộ từ các mẫu xét nghiệm lấy
ở chợ tại Vũ Hán được TS Florence Debarre , nghiên cứu sinh cao cấp tại Viện
Sinh học và Khoa học Môi trường ở Paris phát hiện. Bà nói với chương trình
Science in Action của BBC World Service rằng bà đã “bị ám ảnh” với những dữ liệu
này kể từ khi bà phát hiện ra chúng tồn tại.
Sau khi tìm và tải xuống các mã của một cơ sở
dữ liệu gien có tên GISAID, nơi các nhà khoa học chia sẻ các thông tin loại
này, bà và các đồng nghiệp bắt tay vào tìm kiếm loài vật nào khớp với mẫu gien
đã tìm thấy ở cùng địa điểm với virus. “Chúng tôi thấy kết quả xuất hiện trên
màn hình, và đó là: chồn chó, chồn chó, chồn chó, chồn chó,” bà kể lại.
“Chúng tôi tìm được loài vật và virus [cùng
nhau],” TS Debarre giải thích. “Điều này không chứng tỏ là các con vật đó đã
nhiễm virus, nhưng đó là cách diễn giải hợp lý nhất mà chúng tôi đã thấy”.
https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/bc53/live/e8da1690-cb12-11ed-be2e-754a65c11505.jpg
Chồn chó sống
được bày bán ở một chợ tại Trung Quốc
Theo GS Eddie Holmes từ Đại học Sydney, người
tham gia vào nghiên cứu, thì đây là “bằng chứng tốt nhất chúng ta sẽ có được” về
nguồn gốc động vật của virus.
“Chúng ta sẽ không bao giờ tìm thấy chính con
vật chủ thể trung gian – nó đã biến mất,” GS Holmes kể với BBC.
“Nhưng thật đáng kinh ngạc là dữ liệu gien đã
tìm ra điều này – nó cho chúng ta biết chắc chắn không chỉ có những loài vật
nào ở chợ, mà còn cả địa điểm chính xác của nó trong chợ,” TS Holmes nói với
BBC.
Các nhà khoa học sẽ làm gì tiếp để tìm nguồn gốc
Covid?
Dữ liệu mới này có thể cung cấp thêm manh mối
cho các cuộc điều tra tiếp theo về nguồn gốc đại dịch, nhưng tìm hiểu theo các
manh mối đó sẽ rất phức tạp.
GS Marion Koopmans từ Đại học Erasmus ở
Rotterdam là một thành viên trong nhóm điều tra của Tổ chức Y tế Thế giới tới
Vũ Hán vào 2020. Bà giải thích rằng kết quả phân tích mới “xác định được chồn chó
đã được bán ở hàng nào trong chợ, nên bạn có thể kiểm tra những con chồn chó đó
từ đâu tới.”.
“Tất nhiên việc buôn bán động vật hoang dã là
trái phép, nên câu hỏi là liệu bạn có bao giờ tìm ra chồn chó đến từ đâu
không.”
Điều này có trả lời câu hỏi đại dịch đã bắt đầu
ra sao?
Đây không phải là bằng chứng kết luận, đó là
điều chúng ta có thể sẽ không bao giờ có.
Việc tìm kiếm bằng chứng đã trở nên đầy tính
chính trị và thường là độc hại. Trong khi kết quả phân tích mới khiến giả thuyết
virus bắt nguồn từ động vật hoang dã và lây sang người ở chợ có vẻ thuyết phục
hơn, một giả thuyết khác lại tập trung vào “rò rỉ phòng lab” của một virus từ
Viện Vi trùng học Vũ Hán.
Trong bài phỏng vấn với BBC, GS Holmes nhắc đến
các nghiên cứu trước đây về các ca nhiễm Covid sớm nhất được biết đến ở Vũ Hán.
“Dịch bùng phát ở quanh chợ,” ông nói. “Và giờ đây chúng ta có thể thấy vì sao
– và con vật then chốt cũng ở đó.
“Nó không bùng phát quanh khu vực phòng lab,
nơi cách xa 30km. Và không có một mẩu dữ liệu nào cho thấy có các ca nhiễm ban
đầu ở quanh phòng thí nghiệm.”
Việc Trung Quốc chậm trễ hàng năm trong công bố
dữ liệu dẫn tới sự chán nản và tức giận với CDC Trung Quốc.
“Dữ liệu đã có từ ba năm trước – thật là một
scandal rằng phải mất nhiều thời gian thế này chúng mới được đưa ra ánh sáng,”
GS Holmes nói.
Trong một cuộc họp báo hôm 17/3, Tổng giám đốc
WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói “mỗi mẩu dữ liệu” đều quan trọng để đưa
chúng ta gần hơn tới câu trả lời. “Và mỗi mẩu dữ liệu liên quan đến việc tìm hiểu
nguồn gốc của Covid-19 cần được chia sẻ với cộng đồng quốc tế ngay lập tức”.
“Chúng ta phải vượt qua chính trị và trở về với
khoa học nguyên bản,” GS Holmes bình luận.
Ông nói thêm: “Con người nhiễm virus từ động vật
– điều đó luôn đúng trong suốt lịch sử tiến hóa của loài người. Điều tốt nhất
chúng ta có thể làm là tách chúng ta ra khỏi động vật hoang dã và có sự theo
dõi tốt hơn”.
“Vì điều này sẽ lại xảy ra lần nữa”.
No comments:
Post a Comment