Đảng
Cộng Sản Việt Nam bước vào tuổi 94, ngoan cố tới cùng ?
3/02/23
https://thongluan-rdp.org/component/k2/item/27687-d-ng-c-ng-s-n-vi-t-nam-bu-c-vao-tu-i-94-ngoan-c-t-i-cung
Hôm nay, 03/02/2023, Đảng Cộng Sản Việt Nam kỷ
niệm 93 năm ngày thành lập. Đây là dịp để chúng ta cùng nhìn lại bản chất, hoạt
động, di sản và hiện tình của nó. Không giản dị như nhiều người có thể nghĩ. Lịch
sử Đảng Cộng Sản Việt Nam rất phức tạp và lại bị xuyên tạc, để tôn vinh cũng
như để phỉ báng, cho nên trước hết cần một cái nhìn rất bao quát.
https://live.staticflickr.com/65535/52665748147_9cf8672909_w.jpg
Tại sao lấy tên Xô Viết Nghệ Tĩnh ? Đó là vì Đảng Cộng
Sản được thành lập như một bộ phận của Liên Xô, lấy Liên Xô làm tổ quốc.
.
DNA của Đảng Cộng Sản Việt Nam
Cũng giống như ngày sinh của ông Hồ Chí Minh,
ngày thành lập Đảng Cộng Sản Việt Nam không rõ rệt. Mãi tới năm 1960 họ mới chọn
ngày 03/02/1930, trước đó trong 30 năm họ nói đảng được thành lập ngày
06/01/1930. Điều chắc chắn là Đảng Cộng Sản Việt Nam đã ra đời trong một hội
nghị tại Hồng Kông từ ngày 06/01/1930 đến ngày 07/02/1930 như một phân bộ của
Quốc Tế Cộng Sản (hay Đệ Tam Quốc Tế) theo một chỉ thị của Quốc Tế Cộng Sản chứ
không phải như một chính đảng Việt Nam ; điều này cần được nhấn mạnh vì nó có ảnh
hưởng rất quan trọng lên các định hướng chiến lược của Đảng Cộng Sản Việt Nam
sau này. Tên đảng mới đầu là Đảng Cộng Sản Việt Nam, sau đổi thành Đảng Cộng Sản
Đông Dương theo chỉ thị của Quốc Tế Cộng Sản ; đảng giả vờ giải tán năm 1945,
tái xuất hiện năm 1951 dưới tên Đảng Lao Động Việt Nam, sau cùng từ năm 1976 lại
lấy tên là Đảng Cộng Sản Việt Nam.
Phải hiểu Quốc Tế Cộng Sản (cũng thường được gọi
là Đệ Tam Quốc Tế) để hiểu Đảng Cộng Sản Việt Nam. Quốc Tế Cộng Sản được Lenin
thành lập năm 1919 sau khi giành được chính quyền tại Nga để chối bỏ Quốc Tế Xã
Hội Chủ Nghĩa (hay Đệ Nhị Quốc Tế) như là liên minh quốc tế của những đảng ít
nhiều tán thành lý thuyết của Karl Marx. Như vậy ngay từ đầu hai khái niệm Cộng
Sản và Xã Hội (hay Xã Hội Chủ Nghĩa) đã khác nhau, thậm chí kình địch với nhau.
Đặc tính đầu tiên của Quốc Tế Cộng Sản, được
ghi rõ trong 21 điều kiện gia nhâp, là nó không chỉ chống giới chủ nhân mà còn
loại trừ hai giai cấp tiểu tư sản và trí thức.
Quan trọng hơn là nguyên tắc dân chủ tập
trung mà nhiều người thường nhắc đến dù chưa hiểu rõ nghĩa. Nguyên tắc
này được quyết định trong Đại Hội 5 của Quốc Tế Cộng Sản năm 1924. Nó quy định
rằng trong các đảng cộng sản chỉ có một lập trường chính trị duy nhất do đa số
quyết định, và vì trong một chế độ cộng sản chỉ có một đảng thôi nên lập trường
đó cũng là lập trường chính trị duy nhất trong cả nước. Đó chính là định nghĩa
của chủ nghĩa nhất nguyên.
Nghiêm trọng hơn nữa là quyết định của Đại 6 của
Quốc Tế Cộng Sản năm 1928 theo đó người cộng sản chỉ có một tổ quốc là
Liên Xô. Đa số các đảng cộng sản, trong đó có Đảng Cộng Sản Việt Nam, đã chấp
nhận quy định này dù thực tình hay miễn cưỡng vì đó là điều kiện để được là
thành viên của Quốc Tế Cộng Sản và được Liên Xô tài trợ.
Tóm lại Đảng Cộng Sản Việt Nam đã ra đời không phải
như một đảng Việt Nam để phục vụ đất nước Việt Nam mà như một bộ phận của Quốc
Tế Cộng Sản lấy Liên Xô làm tổ quốc. Đó là gien (DNA) của Đảng
Cộng Sản Việt Nam và giải thích các hoạt động sau này của nó. Cũng nên biết rằng
cho tới nay đảng ca của Đảng Cộng Sản Việt Nam vẫn là bài Quốc Tế Ca với những
lời ca như "chế độ xưa ta phá sạch tan tành (…), bao nhiêu lợi quyền
ắt về tay mình".
Ngay sau khi thành lập, năm 1931, Đảng Cộng Sản
Việt Nam phát động cuộc nổi dậy Xô Viết Nghệ Tĩnh với khẩu hiệu "Trí
phú địa hào, đào tận gốc trốc tận rễ", nghĩa là giết sạch trí thức, địa
chủ và những người giầu hoặc có uy tín, theo đúng điều lệ của Quốc Tế Cộng Sản.
Cuộc nổi dậy này đã bị dẹp tan trong một biển máu sau khi chính nó cũng đã tạo
ra một biển máu. Tại sao lấy tên Xô Viết Nghệ Tĩnh ? Đó là vì Đảng Cộng Sản được
thành lập như một bộ phận của Liên Xô, lấy Liên Xô làm tổ quốc. Những ai vào
thăm viện bảo tàng của Đảng Cộng Sản còn có thể thấy lá cờ đỏ của phong trào Xô
Viết Nghệ Tĩnh với khẩu hiệu "Vạn Tuế Sô Nga, Sô Nga Vạn Tuế".
Cái gien bẩm sinh Xô Viết, chứ không phải Việt
Nam, giải thích tại sao Đảng Cộng Sản Việt Nam không lên án việc Nga xâm lăng
Ukraine, đó là vì ơn sinh thành. Nó cũng sẽ giải thích tại sao Đảng Cộng Sản
không ngần ngại gây ra cuộc nội chiến 30 năm (1945 – 1975) làm sáu triệu người
chết, đất nước tan tành và hận thù chồng chất. Cuộc chiến này bắt đầu với cuộc
tàn sát trên 100.000 người yêu nước trong các đảng Việt Nam Quốc Dân Đảng và Đại
Việt và kết thúc, sau chiến thắng, với cuộc tập trung cải tạo –thực tế là bỏ tù
và hạ nhục, làm kiệt quệ cả thân xác lẫn tinh thần- hàng trăm nghìn người tinh
nhuệ nhất của miền Nam. Đó là vì quan tâm chính của họ không phải là đất
nước Việt Nam mà là phong trào cộng sản quốc tế do Liên Xô lãnh đạo. Như
ông Lê Duẩn đã từng nói : "ta đánh là đánh cho cả Liên Xô và Trung
Quốc". Trước đó ông Hồ Chí Minh cũng đã từng tuyên bố dù sông có
cạn, núi có mòn, nhiều thành phố có thể bị tiêu hủy nhưng quyết tâm chiến tranh
của Đảng Cộng Sản không hề lay chuyển. Chắc chắn là có nhiều, rất nhiều, người
thực sự yêu nước trong Đảng Cộng Sản, tôi đã từng gặp họ, nhưng tổ quốc của những
người lãnh đạo cộng sản không phải là Việt Nam mà là Liên Xô, và tham vọng quyền
lực.
Điều cũng đáng lưu ý là những văn kiện làm nền
tảng cho sự thành lập Đảng Cộng Sản. Chúng gồm : Chính cương vắn tắt , Sách lược vắn tắt , Chương trình tóm tắt , Điều lệ vắn tắt của
Đảng. Tất cả đều sơ sài. Có thể nói không sai chút nào là Đảng Cộng Sản
Việt Nam đã được thành lập bởi những người mê cuồng chủ nghĩa Marx vì thiếu cả
văn hóa lẫn tinh thần dân tộc và lòng yêu nước. Nếu có một chút văn hóa họ đã
phải biết rằng chủ nghĩa Marx đã bị chối bỏ ngay tại cái nôi của nó từ hơn một
nửa thế kỷ trước rồi, trong Đai Hội Gotha tại Đức năm 1875 và đã không mê cuồng
đến thế.
.
Lấy tội làm công
Giai đoạn kế tiếp là cuộc nội chiến 30 năm
1945 – 1975 mà Đảng Cộng Sản rất tự hào và cho rằng đó là thành tích lịch sử vẻ
vang của họ. Họ chia làm hai giai đoạn chống Pháp giành độc lập (1945 – 1954)
và chống Mỹ thống nhất đất nước (1954 – 1975).
Trước hết phải khẳng định hai điều :
- Một là đây là một cuộc nội chiến, bởi vì gần
99% những người đã chết, quân lính cũng như thường dân, đều là người Việt. Việc
hai bên nhận viện trợ từ nước ngoài không thay đổi bản chất nội chiến. Vả lại
sau này sự thật được phơi bày là đã có rất nhiều cố vấn Nga và Trung Quốc đã đến
Việt Nam giúp phe cộng sản.
- Hai là đối với một dân tộc không có tội nào
lớn hơn tội gây ra nội chiến. Nội chiến tai hại hơn rất nhiều so với một cuộc
chiến tranh với nước ngoài ; nó không chỉ gây thiệt hại nhân mạng và vật chất
mà còn làm rách nát tình cảm dân tộc, làm suy yếu nội lực và tiềm năng của đất
nước một cách nghiêm trọng trong một thời gian rất dài. Kinh nghiệm của mọi dân
tộc đều đã cho thấy rằng một nước dù chỉ trải qua một cuộc nội chiến ngắn cũng
rất khó gượng dậy trong một thời gian rất lâu dù với một cố gắng hòa giải dân tộc
rất tận tình. Đảng Cộng Sản Việt Nam đã gây ra một cuộc nội chiến kéo dài 30
năm, sau đó đã hành quyết, bỏ tù, hạ nhục và phân biệt đối xử. Vết thương nội
chiến vẫn còn nguyên vẹn.
Lý do chống Pháp của giai đoạn 1945 -1954
không đúng vì sau Thế Chiến II chủ nghĩa thực dân đã chính thức bị khai tử bởi
bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền Phổ Cập của Liên Hiệp Quốc mà Pháp đã góp phần chính
trong việc soạn thảo. Độc lập của các dân tộc đã trở thành luật quốc tế. Pháp
cũng đã chính thức trả độc lập cho Việt Nam năm 1948, chỉ còn vấn đề chuyển tiếp.
Nếu độc lập là mục đích thì không cần chiến tranh nhưng mục tiêu của Đảng Cộng
Sản là thiết lập chế độ cộng sản và bành trướng Quốc Tế Cộng Sản, và họ đã gặp
sự chống đối của những người Việt Nam không chấp nhận chủ nghĩa cộng sản. Nội
chiến đã xảy ra vì thế.
Lý do chống Mỹ của giai đoạn sau càng vô lý
hơn vì Mỹ hoàn toàn không phải là một nước thực dân và không hề có tham vọng
bành trướng. Họ đã trả độc lập cho Philippines và liên tục từ chối yêu cầu được
sáp nhập vào Mỹ của Porto Rico. Lý do chiến tranh cũng chỉ giản dị là vì Đảng Cộng
Sản muốn áp đặt chủ nghĩa cộng sản.
Thành tích mà Đảng Cộng Sản tự hào -và trên thực
tế cũng nhìn nhận là thành tích duy nhất của họ- thực ra là một tai họa khủng
khiếp cho dân tộc. Tội lớn càng lớn hơn khi kẻ phạm không nhận tội mà còn huênh
hoang.
Để đi đến kết quả nào ? Giai đoạn thứ ba, từ
1975 đến 1986, đã là giai đoạn vỡ mộng. Đảng Cộng Sản đã chiến thắng, đã thực
hiện triệt để chủ nghĩa Mác Lênin trên cả nước và đã khiến đất nước phá sản
hoàn toàn một cách nhanh chóng, gần như tức khắc. Năm 1979, khi tôi vừa đi tù cải
tạo về, trên các đường phố Sài Gòn vẫn còn đầy rẫy những bảng hiệu hoành tráng chưa
kịp kịp gỡ xuống ghi những mục tiêu thần thoại về công nghiệp hóa, hiện đại
hóa, tăng trưởng kinh tế, tiến bộ văn hóa xã hội của kế hoạch 1976 -1980. Thật
là lố bịch giữa một thành phố đang sa sút và đói khổ cùng cực. Dầu vậy Sài Gòn
vẫn may mắn hơn các nơi khác. Trong một chuyến đi công tác tại Cần Giờ năm
1980, với tư cách là một chuyên gia nhà nước, tôi đã biết cả một gia đình chết
đói ngay cạnh chỗ làm việc của tôi. Tôi cũng được biết nhiều trường hợp chết
đói khác ở nhiều nơi. Sự phá sản đã bi đát và rõ ràng đến nỗi không một quan chức
cộng sản nào có thể phủ nhận. Nhưng làm sao người ta có thể ngây ngô đến nỗi đặt
ra những mục tiêu thần thoại cho năm 1980 vào giữa lúc mà sự suy sụp đã quá rõ
ràng ? Càng ngây ngô bởi vì trong khi đưa ra chính sách công nghiệp hóa hiện đại
hóa chính quyền lại lùa dân về nông thôn để lập những "khu kinh tế mới"
mà công việc duy nhất là trồng trọt, chủ yếu là khoai mì.
Sự thất bại hoàn toàn và tuyệt đối này đã buộc
chính quyền cộng sản phải đổi mới, mở ra giai đoạn của chính sách kinh tế thị
trường định hướng xã hội chủ nghĩa, giai đoạn thứ tư trong lịch sử Đảng Cộng Sản
và vẫn còn đang tiếp tục.
Hình : https://live.staticflickr.com/65535/52666244026_86266a2ccb.jpg
Mô hình kinh tế xã hội chủ nghĩa từ miền Bắc được áp
dụng cho cả nước sau 1975. Cảnh nông dân trao nộp lúa và hoa màu cho hợp tác
xã - ảnh chụp năm 1977 ở một xã gần Hà Nội.
.
Nhận diện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ
nghĩa
Nhưng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ
nghĩa là gì ?
Chính sách này đã có từ 45 năm tại Trung Quốc
và 37 năm tại Việt Nam nhưng tới nay vẫn chưa có một định nghĩa rõ rệt
nào. Nó chỉ là một nhượng bộ lúng túng của Trung Quốc sau khi chủ nghĩa cộng
sản phá sản và làm hàng chục triệu người chết đói sau cuộc Đại Cách Mạng Văn
Hóa. Bỏ chủ nghĩa cộng sản về mặt kinh tế nhưng vẫn giữ nguyên chế độ độc tài
toàn trị. Bỏ chủ nghĩa cộng sản nhưng vẫn giữ chế độ cộng sản. Nó quá vô lý để
có thể có một định nghĩa bài bản.
Tuy vậy cái gọi là "kinh tế thị trường
đinh hướng xã hội chủ nghĩa" đã xuất hiện và tồn tại từ khá lâu rồi, ta có
thể dùng cách tiếp cận của môn sinh vật học để quan sát và mô tả nó.
Đó là một chính sách kinh tế trong đó chính
quyền nhìn nhận một không gian kinh tế tư nhân và một số quyền tư hữu, để thị
trường quyết định giá cả, số lượng và khách hàng cho các sản phẩm, nhưng vẫn
duy trì một khu vực công với trọng lượng lớn hơn, đặc biệt là vẫn giành độc quyền
sở hữu đất đai cho nhà nước.
Chính sách này đưa tới hai hệ luận tất yếu là
tham nhũng và đầu cơ bất động sản.
Tham nhũng vì từ nay xã hội có của cải, tư
nhân có tiền và các quan chức có quyền trong khi luật pháp lại tùy tiện. Sự lạm
dụng công quyền cho lợi ích cá nhân, định nghĩa của tham nhũng, vì thế là tự
nhiên. Một cách cụ thể chúng ta có thể so sánh hai chế độ Việt Nam Cộng Hòa của
miền Nam trước đây và chế độ cộng sản hiện nay. Trong chế độ Việt Nam Cộng Hòa
không có một quan chức nào, dù là bộ trưởng, thứ trưởng hay giám đốc, là triệu
phú đô la cả ; trái lại trong chế độ cộng sản hiện nay không có một quan chức
nào từ cấp bí thư huyện ủy hay vụ trưởng trở lên lại không có ít nhất vài triệu
đô la. Đó là hậu quả logic của kinh tế thị trường đinh hướng xã hội chủ nghĩa.
Đầu cơ bất động sản trở thành một bắt buộc của
chế độ vì từ nay xã hội trở thành giầu có hơn và chính quyền –chính quyền trung
ương cũng như các chính quyền địa phương- cần một ngân sách lớn hơn để kiểm
soát xã hội và duy trì chế độ độc tài. Phương tiện hiệu lực nhất để có ngân
sách là bán đất, đúng ra là bán quyền sử dụng đất. Nhưng muốn bán được đất liên
tục thì cũng phải có xây dựng liên tục và muốn có xây dựng liên tục thì phải chấp
nhận đầu cơ nhà đất. Người ta mua nhà không phải để ở mà để bán lại với giá cao
hơn ; muốn như thế thì giá bất động sản phải liên tục tăng lên cao hơn lãi suất
cho vay của các ngân hàng. Thực tế trong các năm qua, tại Trung Quốc cũng như tại
Việt Nam, người ta mua nhà để đầu cơ hơn là để ở. Đó là mô hình kim tự tháp
Ponzi. Chiếc bong bóng bất động sản ngày càng phình ra, tới một lúc nào đó sẽ bể
và ngân sách chính quyền suy sụp.
Hai hệ luận này –tham nhũng và đầu cơ bất động
sản- chứng tỏ chính sách kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là vô
lý và nhất định không sớm thì muộn cũng dẫn tới bế tắc và khủng hoảng.
Hình : https://live.staticflickr.com/65535/52666745628_de5efe1e93.jpg
Chính sách kinh tế thị trường định hướng xã hội
chủ nghĩa đưa tới hai hệ luận tất yếu là tham nhũng và đầu cơ bất động sản
.
Ngoan cố tới cùng ?
Chính quyền cộng sản Việt Nam đã chỉ bắt chước
Trung Quốc một cách máy móc và ngoan ngoãn. Trung Quốc làm gì thì Việt Nam làm
theo sau đó, dù là về tham nhũng hay đầu cơ bất động sản. Trung Quốc đã khủng
hoảng từ vài năm nay và ngày càng khủng hoảng nặng hơn. Việt Nam cũng đã bắt đầu
gặp khó khăn và khó khăn sẽ lớn hơn, thậm chí có thể đưa tới khủng hoảng, trong
năm nay. Việt Nam sẽ điêu đứng hơn Trung Quốc vì nghèo hơn. Hy vọng lôi kéo đầu
tư của các công ty đa quốc đang dự định rời Trung Quốc cũng trở thành mong manh
sau khi Việt Nam gây thất vọng vì thái độ bênh Nga và thân Trung Quốc trong thời
gian gần đây. Các công ty không rời Trung Quốc để chuyển sang một nước chư hầu
của Trung Quốc.
Khó khăn kinh tế đến vào giữa lúc chế độ đang
khủng hoảng nội bộ lớn. Ba bộ trưởng, hai phó thủ tướng và cả chủ tịch nước
đã bị thanh trừng. Đấu đá nội bộ chỉ có thể gia tăng bởi vì Đảng Cộng Sản đã mất
lý tưởng chung và cũng không còn đồng thuận nào trên một tư tưởng chính trị hay
một dự án chính trị.
Ông Nguyễn Phú Trọng đã không hiểu được rằng một
tổ chức chính trị lớn chỉ có thể xây dựng được và sau đó tồn tại được nếu đặt nền
tảng trên một tư tưởng chính trị lành mạnh và một dự án chính trị đúng đắn. Ông
là người duy nhất tại Việt Nam còn cố tin vào chủ nghĩa Mác – Lênin dù nó đã bị
cả thế giới nhận diện như một sai lầm và một tội ác. Ông cố đề cao cái gọi là
"tư tưởng Hồ Chí Minh" dù nó hoàn toàn không có. Ông tin là có thể chống
tham nhũng để làm sạch Đảng Cộng Sản mà không biết rằng nó nằm ngay trong logic
của chế độ. Ông không thuyết phục được ai nhưng cũng không ai có thể thay thế
được ông trong chức vụ tổng bí thư đảng chỉ vì Đảng Cộng Sản đã hết sức sống
sau khi đã tích lũy đủ những mâu thuẫn để sụp đổ. Cuối cùng có lẽ, cũng như Đảng
Cộng Sản và Hồ Chí Minh, ông sẽ được nhớ tới như là một người đã ngoan cố ôm chặt
lấy sai lầm tới hơi thở cuối cùng.
Nguyễn Gia Kiểng
(03/02/2023
No comments:
Post a Comment