TP HCM
đang nghiên cứu để đưa tượng Trần Nguyên Hãn (đang tạm đặt ở công viên Phú Lâm
từ 12.2014) về lại nguyên quán - ngay vòng xoay trước chợ Bến Thành. Việc phải
lẽ này, đặt trong chuỗi tôn tạo tượng Đức Thánh Trần và tái an vị lư hương, phục
dựng đình An Khánh, tái lập nút giao thông “bùng binh cây liễu” ở Lê Lợi -Nguyễn
Huệ… với mục tiêu (tái) tạo lập không gian văn hóa -kiến trúc tổng thể khu vực
lõi trung tâm thành phố; là điều thuận hợp. Thuận thiên, hợp lòng người.
Sự hiện diện
của một “vùng ký ức” ngay giữa lòng đô thị hiện đại (với tuyến đường sắt đô thị
Bến Thành -Suối Tiên khai mở) không chỉ là phép kiến trúc chuẩn mực mà, quan trọng
là phép ứng xử có trước có sau, biết mình biết người, khôn ngoan, tỉnh thức.
Cả việc
“ngước nhìn” bức tượng của tiền nhân, cũng gợi và nhắc hậu thế bao điều nên biết.
Người chỉ
xếp thứ hai, sau vua trên tờ hòa ước tại hội thề Đông Quan, vị tướng tài đóng
góp công lớn trong chiến thắng Chi Lăng nhưng cũng là người đã nhìn-nhận ra mà
nói với người thân rằng “nhà vua (chỉ Lê Lợi) có tướng như Việt Vương (Câu Tiễn)
không thể cùng sung sướng được”.
Không can
gián nổi vua đang nghe theo lũ quyền thần (mà hầu hết là đám con cháu hoàng
thân), cũng không chịu ở lại như Nguyễn Trãi -người anh em bà con họ ngoại - để
rồi phải nhận cái chết oan khiên; Trần Nguyễn Hãn xin về quê cũ, nhưng cũng chết
tức tưởi.
Ông chết
vì cái “dại” về quê, vốn cách kinh thành không xa, lại xây cất điền trang thật
lớn, thuần voi, luyện ngựa, còn sắm cả binh khí. Lời sàm tấu ông “mưu tạo phản”
đến với vị vua về già đã khiến ông rước họa.
Ông chết bởi
tận sâu xa, mối xung đột tự vô thức giữa một bên là hậu duệ hoàng tộc nhà Trần
(cụ tổ là Trần Quang Khải, cụ sơ là Trần Nguyên Đán -tức ông ngoại của Nguyễn
Trãi), có học thức, giỏi binh pháp với một bên là vị thủ lãnh vốn “nương thân
hoang dã” nơi miền Lam Sơn. Chính sau này, vua Thái Tổ hối hận vì đã nghe lời
cháu ruột Lê Quốc Khí và đám tay chân mà hãm hại hiền tài, ra lệnh bất cứ lời tố
cáo, sàm tấu gì của bọn này đều không được nghe theo!
Nhìn lại
bài học thời hậu chiến - hơn 600 năm sau - những ứng xử, đối đãi của “bên thắng
cuộc” với chính người-trong-cuộc, chứ không chỉ với “bên thua cuộc”, cũng biết
nhiêu điều cần nhìn lại.
“Trước
kia, trong cuộc chiến đấu một mất một còn để giữ gìn đất nước, Chúa thượng còn
nằm gai nếm mật với dân, chấp nhận hy sinh gian khổ về mình, nên muôn dân dù mất
mát, đau thương, chết chóc, đói nghèo vẫn bền gan vững chí. Giờ đây Chúa thượng
thích ăn sung mặc sướng, thích lời ngon ngọt êm tai, trong khi người dân vẫn
còn đang chịu hàm oan, bất công, lầm than, khổ ải…Thần chỉ muốn nhắc nhở Chúa
thượng chớ ngủ quên trên xương máu và nước mắt nhân dân”.
Nghe như lời
của Đức Thánh Trần, của tướng quốc Trần Nguyên Hãn, của Ức Trai Nguyễn Trãi, kỳ
thực là một đoạn trong Diễn kịch một mình của tác giả Lê Duy Hạnh (NSND Bạch
Tuyết độc diễn năm 1992).
Chuyện mới
hôm qua, tôi chạy về An Phú Đông, gặp cụ bà gần 100 tuổi, người bám trụ qua hai
mùa kháng chiến, bom cày đạn xới vẫn không rời, nấu cơm nuôi “sấp nhỏ”. Nay, tuổi
gần đất xa trời, nhà xuống cấp, hễ mưa là thức cả đêm tát nước ra hiên. Mà muốn
xây cái nhà, xin được lên đất thổ cư, chính quyền nói đã hết quota. Bà cười,
như nói với chính mình, ngày trước, sống chết với đất này, ai biết đâu là đất
trồng cây, đất nông nghiệp, đất xây nhà đâu con…
Là lời của
người, của tượng.
.
Hình : https://www.facebook.com/photo/?fbid=408287991173641&set=a.113935840608859
.
No comments:
Post a Comment