Thursday, June 2, 2022

LÀM CHÍNH SÁCH HAY TẬP LÀM VĂN (Huy Đức)

 



LÀM CHÍNH SÁCH HAY TẬP LÀM VĂN

Huy Đức  (Trương Huy San)

2/1/2022  04:24    

https://www.facebook.com/Osinhuyduc/posts/pfbid0Z1RFAKjJ1LtacjFmQagBE6gzSNzRLQG2STXq33oz28rLLU1vpqg1uB5wjoMDSSM9l

 

Từ khóa II đến khóa VII, Quốc hội ta cơ cấu đại biểu bao gồm cả người chăn bò và công nhân vệ sinh. Trong những lần trả lời phỏng vấn tôi, anh Hồ Giáo kể, khi cần ông phát biểu, Văn phòng thường chuẩn bị trước rồi đưa giấy cho ông, ông chỉ cần lên đọc. Bởi thế, ngay cả hồi đó mà cũng có mạng xã hội, chưa chắc đại biểu đã có khả năng “mua vui” như mấy ngày qua.

 

Lỗi không phải chỉ ở từng đại biểu.

 

Tôi tìm lại Luật Quy hoạch, Luật được nhắc nhiều nhất mấy ngày họp đầu. Hiếm có văn bản luật nào lại được trình bày một cách tăm tối như Luật này. Tôi cố gắng đọc đi đọc lại cả 59 điều mà không thấy rõ, đâu là “quy phạm”, đâu là “chính sách”. Luật Quy Hoạch không phải là cá biệt, nếu không thay đổi tư duy làm luật thì Quốc hội, nơi lẽ ra phải làm chính sách, chỉ có thể làm tập làm văn.

 

Một trong những luật ban hành sớm nhất kể từ sau Hiến pháp 1992 là Luật Đất Đai. Những chính sách tiến bộ hơn kể từ sau đổi mới được đưa một cách thận trọng vào luật này. Nhưng, một phần của những chính sách này gần như đã bị phá hỏng bởi Pháp lệnh 14-10-1994 (luật mẹ của Nghị định 18).

 

Tiến trình sửa đổi Nghị định 18, bãi bỏ Pháp lệnh 14-10-1994, trả lại cho các tổ chức (chủ yếu là doanh nghiệp tư nhân) “quyền sử dụng đất” là một tiến trình đấu tranh chính sách (giữa cải cách và bảo thủ). Các văn bản liên quan đến Luật Đất Đai ở giai đoạn này vẫn khá mạch lạc và những lần sửa đổi chỉ là sửa đổi những điều luật chính, liên quan.

 

Luật Đất Đai 2003 là một bước lùi về chính sách, trao cho Nhà nước nhiều quyền thu hồi đất đai hơn. Nhưng, cái tôi muốn nói là tham vọng sửa đổi toàn diện Luật Đất Đai 1993 trong năm 2003 đã mở đầu một thời kỳ Quốc hội bị kéo vào công cuộc làm văn bản chứ không phải làm chính sách.

 

Tôi vẫn cho rằng, không gian chính trị này vẫn chưa đủ chín để đụng đến vấn đề “đất đai thuộc sở hữu toàn dân”. Tuy nhiên, vẫn có thể thay đổi nội hàm của nó, vẫn có thể sửa chính sách và có một cách tiếp cận khác để làm luật đất đai rõ ràng, ngắn gọn.

 

Không có cái gì có thể bán được hàng trăm triệu, hàng chục tỉ đồng mà không gọi là tài sản. Đất đai của một quốc gia tồn tại ở các dạng: tài nguyên và tài sản… Tài sản có tài sản công (đất công) và tài sản tư (đất tư). Đã là tài sản thì phải được hiến pháp bảo hộ và nó chỉ được quyết định bởi quan hệ dân sự và tư pháp.

 

Tuy nhiên, khác với động sản, bất động sản, ngay cả ở những quốc gia có đa sở hữu. Thì không phải cứ là chủ đất thì muốn làm gì thì làm. Nhà nước bảo hộ để người dân thực thi các quyền dân sự, sang nhượng, mua bán…; khi có tranh chấp (với nhau hoặc với nhà nước) thì chờ phán quyết của quyền tư pháp. Khi đã coi quyền sử dụng đất là tài sản thì không nên áp dụng quyền hành chánh thu hồi, mà nên áp dụng quyền trưng dụng, trưng mua mà Hiến pháp có trao cho Nhà nước.

 

Nhà nước chỉ nên sử dụng quyền hành chánh để kiểm soát mục đích sử dụng đất và quyền phát triển (trồng cây, xây nhà trên đất…).

 

Với cách tiếp cận này, luật đất đai chỉ cần dăm, bảy điều và luật quy hoạch cũng không nên “vẽ cả ngày mai thành bức tranh…” khi mà chưa biết nguồn lực từ đâu ra cả.

 

Thay vì quy hoạch, luật cần đưa ra những quy phạm rõ ràng, ví dụ: Nghiêm cấm chuyển đất nông nghiệp ở những nơi màu mỡ (Văn Giang, Ecopark…) thành đất đô thị; Nghiêm cấm lấp ao, hồ, sông ngòi tự nhiên; Trong quá trình phát triển đô thị cứ lấp một mét ao hồ ở chỗ này thì phải đào lại một mét ao hồ ở nơi khác trong phạm vi cùng chịu tác động của khu đô thị ấy…

 

Hoặc: Nhà ở không được xây bám theo các trục đường giao thông; các cụm dân cư phải được bố trí đường riêng và phải ở cách xa đường giao thông một khoảng cách nhất định (cao tốc xa hơn đường liên tỉnh, liên huyện…).

 

Nếu trong thập niên 1990s đã áp dụng nguyên tắc này thì bây giờ tai nạn giao thông đã không nhiều và muốn mở rộng đường sá đã không vất vả thế; khu Bàu Cát (Tân Bình), Kỳ Hòa (quận 10), Đinh Bộ Lĩnh (Bình Thạnh)… đã không ngập lụt. Và, thay vì cắm cúi làm quy hoạch, nếu ngay sau Đại hội VII, Quốc hội có luật cấm xây nhà riêng lẻ cách điểm tiếp nước Hồ Tây từ 3 – 5 trăm mét; kiểm soát xây cất từ chân đê tới mép dòng chảy sông Hồng đoạn đi qua Hà Nội thì giờ Thủ đô đã khác.

 

Đừng coi việc làm luật cũng là một cơ hội như làm… dự án. Tư duy chưa thay đổi, điều kiện chưa chín muồi thì chưa thể có thay đổi về chính sách (nhất là trong chính sách đất đai, có người muốn giữ sở hữu toàn dân vì sợ chệch hướng; có người muốn giữ quyền thu hồi đất của nhà nước vì lợi ích).

 

Chưa thay đổi về chính sách mà sửa luật thì chỉ làm tập làm văn. Và nếu không thay đổi chính sách một cách toàn diện thì đừng sửa toàn văn luật hay bộ luật mà chỉ cần ra một luật sửa đổi chỉ 1, 2 điều là đủ.

 

Phải có phương pháp làm việc khoa học để đừng làm mất thời gian của Quốc hội. Nên đưa các vấn đề chính sách ra để các nghị sĩ thảo luận (thay vì để đại biểu ăn nói như một đại cử tri). Khi đã hình dung quyết sách thì để các Ủy ban cùng đội ngũ chuyên môn thiết kế các “quy phạm” trước khi trình Quốc hội thông qua, biểu quyết.

 

Quyền lực của Quốc hội càng độc lập với Chính phủ càng tốt khi thực thi giám sát. Nhưng, chương trình nghị sự của Quốc hội mà nếu không bám sát chương trình hành động của Chính phủ (phản đối hay ủng hộ) thì các phát biểu ở Quốc hội rất dễ trở nên lạc lõng. Lạc lõng như những ông chồng thay vì nhặt rau, bế con, chỉ chăm chăm sang nhà khác nhìn xem vợ hàng xóm xinh hay xấu.

 

https://www.facebook.com/photo/?fbid=5008088639226277&set=a.305706452797876

Bà Phan Thị Mỹ Dung, ĐBQH tỉnh Long An. Ảnh chụp màn hình báo Tuổi Trẻ

 

.

153 BÌNH LUẬN  





No comments: