THỜI
ĐẠI KHAI SÁNG VÀ NỀN TRIẾT HỌC HIỆN ĐẠI
Tôn
Thất Thông
25/06/2022
https://diendankhaiphong.org/thoi-dai-khai-sang-va-nen-triet-hoc-hien-dai/
Chúng
ta cần một chương trình đào tạo học thuật vừa đặt trên nền tảng khôn ngoan,
thông thái và gần gũi với kinh nghiệm thực tế, vừa chú trọng đặc biệt về năng lực
phán quyết và phê phán hơn là việc bảo tồn và quản lý tri thức, đồng thời có thể
gạt phăng những chướng ngại cản trở việc tiếp cận tri thức hữu dụng, […] đào tạo
con người có thẩm quyền về xã hội và đạo đức, những con người tao nhã, thông
thái, có nhân cách, có thị hiếu lành mạnh và một tâm hồn cao thượng, […] những
con người biết nghiêm khắc với truyền thống để làm quen với sáng kiến canh tân,
tự rèn luyện một quan hệ lành mạnh với cải cách và đổi mới[1].
Triết
gia Christian Thomasius (1655-1728).
***
Cơn bão Phục
Hưng trong thế kỷ 15 và 16 đã sản sinh nhiều sáng kiến mới lạ vượt ra ngoài
vòng kiềm tỏa của giáo điều và sự gò ép tư tưởng trong thời đại trung cổ kéo
dài gần một thiên niên kỷ. Trong thế kỷ phục hưng, trào lưu nhân bản bắt đầu chống
lại khuôn phép của chủ nghĩa kinh viện, chống lại nền giáo dục với nội dung bị
áp đặt khiên cưỡng, tạo nên những dòng thác mạnh mẽ lôi cuốn nhiều lớp người
khác nhau trong xã hội. Nhưng những nhà nhân bản lúc đó cũng chỉ mới khơi dậy
được tinh thần độc lập không gắn liền với một trường phái cổ đại nào, khơi dậy
cảm giác an toàn cho bản thân với tri thức độc lập, không cần dựa dẫm vào một
thế lực độc đoán nào từ bên ngoài[2].
Cũng không
có gì nghi ngờ để nói rằng, sức sống mãnh liệt của xã hội thời đại phục hưng đã
nhào nặn lên nhiều nhân cách lớn mà thành quả họ đạt được trong sự nghiệp phát
triển tư tưởng, văn chương, nghệ thuật vẫn còn để lại ảnh hưởng đến ngày nay.
Nhưng ngoại trừ phong cách nghệ thuật kiêu sa và chủ nghĩa nhân bản đầy hào
quang vươn lên như đại bàng trong thế giới học thuật, thời đại phục hưng vẫn
chưa sản sinh một trào lưu tư tưởng mới lạ nào khả dĩ tạo nên một tầng lớp học
giả mới có năng lực và dũng cảm để trả lời những câu hỏi thiết thân của thời đại
mới.
Nhưng thừa
hưởng tinh thần phục hưng, khi bước sang thế kỷ 17 và đặc biệt ở ngưỡng cửa thế
kỷ 18, các nhà tư tưởng châu Âu tự lột xác để dấn thân đi tìm con đường cải tạo
thế giới. Họ không ngần ngại gọi thời đại họ đang sống là thế kỷ của triết học
và cũng tự nhận mình là triết gia với những tính chất đặc thù của thời đại khai
sáng là tính phản biện, phê bình, sự dũng cảm phát biểu về mọi vấn đề liên quan
đến xã hội. Phong cách của họ biểu hiện một đặc trưng rất dễ nhận thấy là tinh
thần ưa chuộng triết học như một hệ thống. Hệ thống này nối tiếp hệ thống khác
không dứt trong suốt thế kỷ 17.
Tinh thần
dấn thân và lòng dũng cảm của họ đã không phụ lòng người. Họ đã góp phần vào việc
định hình một truyền thống cho lớp học giả thời đại mới, những người không những
có kiến thức uyên thâm và mới mẻ, mà còn có ý thức xây dựng một xã hội tốt đẹp
hơn so với khuôn mẫu có sẵn của vương triều và giáo hội. Chính lớp người đông đảo
đó đã tạo nên sức mạnh vô hình có năng lực thay đổi xã hội, nói đúng ra là tạo
nên những cuộc cách mạng tự phát với phong thái bất bạo lực trong hành động
nhưng triệt để về tư tưởng, làm đảo lộn trật tự có sẵn trong mọi lĩnh vực,
trong mọi tầng lớp dân chúng.
https://diendankhaiphong.files.wordpress.com/2022/06/alembert-and-diderot.jpg
Hình [1]: Hai nhà sáng lập Bách khoa Toàn thư
–
D’Alembert (1717-1783, trái) và Denis Diderot (1713-1784, phải)
Văn sĩ nổi
tiếng người Ái Nhĩ Lan, Jonathan Swift[3] nhận
xét: Ngòi bút lông có thể không mạnh bằng thanh trường kiếm, nhưng những thông
điệp của trào lưu khai sáng tỏ ra là vũ khí lợi hại. Người sử dụng vũ khí đó
không phải là những kẻ nịnh bợ của guồng máy chuyên chế, mà là những người nổi
loạn, những nhóm phiến quân trí thức muốn thiết lập một trật tự xã hội tự do
bao gồm giới trí thức vô chính phủ[4].
Chúng ta
thử ngoảnh lại, xem con người thế kỷ 17 và 18 đã tạo nên những cuộc cách mạng
nào trong thời đại khai sáng làm cho chúng ta choáng ngợp, những cuộc cách mạng
tiêu biểu mà mãi đến thế kỷ 21, chúng ta vẫn còn cảm nhận hàng ngày về những
thành quả của chúng để lại.
Trước hết là ba cuộc cách mạng dân chủ ở
Anh, Hoa Kỳ và Pháp, mà tinh thần của chúng là nền tảng cho những thay đổi thể
chế chính trị ở hầu hết các quốc gia dân chủ ngày nay. Tiếp đến là
những cuộc cách mạng khoa học tự nhiên trong nhiều ngành, bắt đầu từ toán học,
thiên văn, vật lý, đến hóa học, cơ học, y khoa, vi sinh học và cả các ngành
khoa học nhân văn[5].
Những khám phá mang tính cách mạng này xảy ra dồn dập trong từng thập niên của
thế kỷ 17 và 18, ở trong mọi quốc gia châu Âu. Chúng không những chi phối xã hội
đương thời mà còn định hình cả chương trình giáo dục các môn khoa học tự nhiên
của chúng ta hôm nay ở cấp trung học và đại học. Và cũng không phải là
cuối cùng, cuộc cách mạng kỹ thuật và công nghiệp đã mang lại của cải vật
chất cho loài người cho đến bây giờ với nhiều thành quả vĩ đại và cả những hệ lụy
vô cùng khắc nghiệt. Mặc dù cách mạng công nghiệp lần thứ nhất chỉ mới bộc phát
ở cuối thế kỷ 18, nhưng nền tảng và chất liệu của nó vốn là những tiến bộ kỹ
thuật thu hoạch được trong thế kỷ khai sáng, đưa đến những phát minh vĩ đại phục
vụ cho sản xuất công nghiệp. Phát minh máy hơi nước của James Watt ở giữa thập
niên 1760 là một thí dụ điển hình.
Nhưng xét
cho cùng, những cuộc cách mạng chưa từng có ở trên chắc hẳn khó lòng xảy ra, nếu
thế kỷ khai sáng không sản sinh ra những con người mới, có phương pháp tư duy mới,
cách hành xử mới, được thôi thúc bởi ý thức dấn thân để cải tạo xã hội. Trong ý
nghĩa đó, triết học vừa là nhân vừa là quả của các thành quả đạt được trong hai
thế kỷ hoàng kim 17 và 18. Nói cách khác, việc đi tìm nguồn gốc và việc lý giải
các thành quả của thời đại khai sáng không thể tách rời việc khảo sát các luồng
tư tưởng triết học trong hai thế kỷ đó.
Tuy nhiên,
trước hết chúng ta cần xác định khuôn khổ để khảo sát. Khái niệm triết học
trong thế kỷ 17 và 18 không giống như khái niệm về triết học chúng ta hiểu ngày
nay. Thuở đó, triết học là một khái niệm rất rộng, rất tổng quát, có thể bao gồm
tất cả những gì thuộc về khoa học, văn chương, luật học, nhân văn và cả lịch sử.
Nói cách khác, khái niệm này bao gồm tất cả những gì mà con người cảm thấy có mối
liên hệ với đời sống và với thiên nhiên.
Các triết
gia trong thời đại đó cố gắng ưu tiên giải quyết các vấn đề thực tiễn, thí dụ
như triết học pháp quyền và triết học đạo đức, cũng như các vấn đề liên quan đến
triết lý chính trị và giáo dục, đôi lúc cũng đề cập đến các vấn đề về y học và
kỹ thuật, trong lúc lĩnh vực truyền thống siêu hình học dường như xuất hiện rất
mờ nhạt. Cho dù các lĩnh vực triết học lý thuyết vẫn còn thông dụng, thí dụ như
tri thức luận hoặc ngay cả siêu hình học, nhưng nhìn một cách tổng thể, nền triết
học khai sáng được thừa nhận là triết học thực nghiệm; và với tính chất phê
phán triệt để, triết học thực nghiệm này mang bản chất đấu tranh không khoan
nhượng, một loại philosophia militans[6].
Không đào
sâu vào từng triết thuyết, cũng không chú trọng đến tư tưởng của một triết gia
nào, chúng ta thử phóng một tầm nhìn tổng thể về các luồng triết học quan trọng
của thời đại khai sáng, khảo sát chúng trên quan điểm lịch sử, và thử xem chúng
tác động thế nào đến quá trình phát triển của nhân loại.
Từ những
nhận xét của Johannes Hirschberger về triết học thời hiện đại, chúng ta cũng
rút ra được tính chất đặc thù của triết học thời đại khai sáng. Đó là thời khắc
sinh thành của quá trình phân liệt về mặt tư tưởng, tạo nên sự giằng xé trong ý
thức văn hóa hiện đại, điều mà chúng ta chưa hề thấy trong triết học cổ đại,
cũng chưa thấy xuất hiện rõ rệt trong thời trung đại. Sự phân liệt ấy là hậu quả
của một quá trình chuyển đổi văn hóa và chính trị trong giai đoạn thành hình của
nhiều quốc gia và sự phân chia ra nhiều dân tộc riêng lẽ, từ đó dẫn đến cả sự
phân liệt về tinh thần châu Âu[7],
vốn dĩ trước đó rất đồng nhất về văn hóa với ngôn ngữ La-tinh. Sự phân liệt ấy
chúng ta thấy không những trong lý tính thuần lý và lý tính thực hành, tri thức
và niềm tin, tôn giáo và siêu hình học, chính trị và đạo đức mà cả nhiều vấn đề,
phương pháp và lý thuyết mới đã nổi lên phong phú đến mức con người không còn
khả năng phân loại chúng[8].
Tất cả những điều ấy thống trị thế giới học thuật châu Âu kể từ cuối thế kỷ 18,
đầu thế kỷ 19, nhưng gốc rễ thì đã được ươm mầm từ thời đại khai sáng.
Vốn dĩ được
thừa hưởng trí tuệ của những nhân vật vĩ đại trước đó, triết gia khai sáng tin
tưởng vào các thành quả của thời đại mới và cố gắng áp dụng chúng để nâng cao
chất lượng sống. Niềm tin và sự khao khát này chính là một đặc trưng của trí thức
trong thời đại khai sáng. Người ta không còn chú trọng đến việc nghiên cứu truyền
thống dựa vào các tác phẩm cổ đại như các học giả phục hưng đã làm, mà các triết
gia khai sáng tin tưởng mãnh liệt vào năng lực của bản thân trong việc tìm tòi
cái mới và trong ước muốn mang lại hạnh phúc cho càng nhiều người càng tốt.
Trong ý nghĩa đó, thời đại khai sáng chính là một biểu hiện đặc thù của nền triết
học phổ thông[9].
Tất cả mọi
vấn đề nảy sinh đều có thể trở thành đối tượng nghiên cứu của triết học, từ đạo
đức đến tôn giáo, từ chính trị đến nhà nước, từ văn chương nghệ thuật đến khoa
học tự nhiên, và cả những vấn đề liên quan đến cảm xúc con người, một bước đi
ban đầu để thành hình nền tâm lý học hiện đại sau này. Mặc dù làm triết học
trong một vài quốc gia có thể vô cùng nguy hiểm khi thế lực cầm quyền chưa thấm
nhuần sự cần thiết của triết học, nhưng điều đó cũng không thể ngăn cản giới học
giả phát biểu và đấu tranh cho những tư tưởng triết học mới lạ đang thành hình
trong xã hội[10].
René Descartes phải định cư ở Hà Lan để yên tâm nghiên cứu không bị vương triều
Pháp quấy nhiễu; Jean Jacques Rousseau phải sống cuộc đời lang bạt trong nhiều
nước khác nhau vì những tư tưởng cách mạng cực đoan; Voltaire phải sống lang bạt
và thường trực ẩn náu vì tư tưởng phê phán giáo hội và chế độ phong kiến chuyên
chế. Đó chỉ là vài thí dụ.
Những lâu
đài triết học mọc lên một cách nhộn nhịp, liều lĩnh và kiêu kỳ. Triết học trong
thời đại này được vinh danh rực rỡ như chính trào lưu nghệ thuật Barock đương
thời. Có nhiều lâu đài triết học hoành tráng với những tên tuổi bất tử, nhưng
nhìn một cách tổng thể, các lâu đài này thể hiện hai xu hướng nổi bật: Thuyết
duy lý và thuyết duy nghiệm[11].
Sự khác nhau căn bản giữa hai luồng triết học này là cách trả lời những câu hỏi:
Nhận thức là gì? Đâu là nguồn gốc của nhận thức? Làm thế nào để đạt đến nhận thức?
Những câu trả lời của hai luồng triết học đó dù rất khác nhau thậm chí xung khắc
nhau, nhưng đều là những đóng góp vô cùng vĩ đại vào việc xây dựng hệ thống triết
học hiện đại. Nhưng không riêng gì trong thế giới triết học, cả hai thuyết duy
lý và duy nghiệm đã cung cấp cho người nghiên cứu khoa học tự nhiên những
phương pháp hữu hiệu để cắt nghĩa các hiện tượng thiên nhiên và giải quyết các
vấn đề thực tiễn nảy sinh trong quá trình nghiên cứu. Đó là phương pháp diễn dịch
vốn có nguồn gốc từ thuyết duy lý và phương pháp quy nạp[12] vốn
là nhân cũng là quả của những luận cứ căn bản của thuyết duy nghiệm.
Thuyết duy
lý chủ yếu được quảng bá rộng rãi ở các nước trên lục địa, trong lúc thuyết duy
nghiệm thì phát xuất và được phổ biến mạnh ở đảo quốc Anh. Những tên tuổi đã đi
vào lịch sử triết học thời đại khai sáng có thể kể như, ở Pháp có René
Descartes, Blaise Pascal, Pierre Bayle, Montesquieu, Jean Jacques Rousseau,
Voltaire, nhóm khởi xướng Bách Khoa Toàn Thư; ở Đức có Gottfried Wilhelm
Leibniz, Christian Thomasius, Christian Wolff, Moses Mendelssohn, Gottfried
Lessing, Immanuel Kant; ở Anh có Francis Bacon, Isaac Newton, Thomas Hobbes,
John Lock, David Hume; ngoài ra còn có Baruch de Spinoza của Hà Lan;
Giambattista Vico của Ý v.v… Đó chỉ là những gương mặt nổi bậc nhất trong một tập
thể học giả vô cùng đông đảo.
Mặc dù kể
từ giữa thế kỷ 18, nhiều luồng triết học khác nhau ra đời được giới học giả nồng
nhiệt đón nhận, vì chúng gần gũi với cuộc đời thế tục và những biến chuyển
trong xã hội đương thời, nhưng thuyết duy lý và duy nghiệm vẫn tiếp tục giữ địa
vị sáng ngời trong thế giới triết học cận đại.
https://diendankhaiphong.files.wordpress.com/2022/06/descartes-spinoza-leibniz.jpg?w=1024
Hình
[2]: Đại biểu cho thuyết duy lý – René Descartes (1596-1650),
Baruch de Spinoza (1632-1677), Gottfried W. Leibniz (1646-1716)
Thuyết duy lý
Nói về
thuyết duy lý, trước hết phải đề cập đến René Descartes. Ông là người đầu tiên
làm một cuộc thử nghiệm táo bạo, muốn đạt đến nhận thức chỉ bằng phương tiện
duy nhất là tư duy. Điều này dù mới được Descartes bắt đầu trong những thập
niên đầu của thế kỷ 17, nhưng nó đã dẫn đến tình trạng “đột phá của sự trưởng
thành[13]”
vào cuối thế kỷ đó và đã thâm nhập vào mọi lĩnh vực trong đời sống văn hóa, chứ
không riêng gì trong phạm vi triết học. Cũng nhờ Descartes mà toàn bộ nhận thức
của con người từ đây bắt đầu dựa vào một nền tảng mới, đó là lý tính.
Trong bối cảnh lịch sử ấy, ông xứng đáng được xem là vị tổ phụ của thuyết duy
lý.
Sau
Descartes, bóng tối dần dần bị đẩy lùi. Bóng tối đó chính là sự thống trị tinh
thần một cách phi lý của giáo hội, là chủ nghĩa giáo điều và sự mù quáng trong
trong hệ thống giáo dục, là sự mù quáng tin vào những ý tưởng vô căn cứ cũng
như định kiến trong triết học, là sự thống trị bất công về mặt chính trị của hệ
thống quân chủ chuyên chế vốn dĩ được khoác áo “ân sủng của Thượng Đế”. Thành
quả đó đã có sự tham gia vô cùng tích cực của thuyết duy lý nói chung và các
công trình triết học của Descartes nói riêng. Điều đáng ngạc nhiên là, dù René
Descartes là một tín đồ Thiên Chúa rất sùng đạo, nhưng với tinh thần đề cao lý
tính, tự do và khoan dung, thuyết duy lý của ông không hề thừa nhận vai trò của
Thượng Đế trong quá trình đi đến nhận thức.
René
Descartes, cũng như nhiều nhà duy lý tiếng tăm khác như Leibniz hoặc Spinoza,
không chỉ là triết gia mà còn là nhà toán học vốn bị lôi cuốn bởi sự chính xác,
rõ ràng và chắc chắn. Phán đoán của toán học luôn luôn mang tính hiển nhiên và
bất biến. Descartes không thấy tính chất đó trong các ngành khoa học khác, vì
thế chúng đều đáng nghi ngờ. Triết học cho đến thời điểm đó, theo Descartes,
cũng đáng nghi ngờ không kém.
Vì thế,
Descartes tự đặt cho mình một nhiệm vụ, ấy là thay đổi tận gốc phương pháp tư
duy triết học, xa rời chủ nghĩa kinh viện, hạ bệ tư tưởng bi quan của thuyết
hoài nghi vốn cho rằng không hề có chân lý, hay ít ra là chân lý khó nhận thức
được. Descartes chờ đợi ở triết học cũng như từ chính mình là phải thiết lập những
nguyên lý căn bản đầu tiên có giá trị phổ quát về nhận thức, mà chân lý và tính
chắc chắn của chúng không thể bị nghi ngờ. Descartes đòi hỏi rằng, các ngành
khoa học khác cũng phải có một nền tảng triết lý chắc chắn như thế. Đó cũng là
sự nghiệp mà Descartes theo đuổi suốt đời[14].
Nhưng khi
nói đến thuyết duy lý, trước tiên chúng ta cần phá tan những ngộ nhận dẫn đến sự
đánh giá sai lạc và hạ thấp thuyết duy lý. Đó là quan niệm cho rằng, thuyết duy
lý không gì khác hơn là một nền triết học mang tính khái niệm thuần túy. Đó là
một quan niệm sai lầm mà chúng ta cũng dễ dàng nhận thấy khi khảo sát trên cả
hai phương diện: Thuyết duy lý như là nền tảng của lý thuyết nhận thức, và thuyết
duy lý như là phương pháp. Về nền tảng của lý thuyết nhận thức, thuyết duy lý
không phải là một triết học mang tính khái niệm hoặc là xem mọi tri thức đều bắt
nguồn từ lý tính một cách tuyệt đối. Điều này chúng ta có thể thấy rõ trong các
tác phẩm của Descartes. Ông cho rằng, kinh nghiệm cũng là một yếu tố cần xét đến
để đạt đến nhận thức. Ông công kích cả những triết gia duy lý vốn xem
chân lý có nguồn gốc từ tâm trí riêng của họ. Trên quan điểm nhận thức luận,
thuyết duy lý có nguồn gốc sâu xa hơn nhiều. Nó liên quan đến một vấn đề logic
và hữu thể học quan trọng, đó là thuyết tiên nghiệm. Và đây chính là vấn đề vô
cùng thiết thân mà mọi triết gia duy lý đều ấp ủ trong tim[15].
Người duy
lý tự định hướng theo các tính chất gương mẫu của toán học, đó là sự rõ ràng và
tính chính xác. Giống như toán học, các nhà duy lý cho rằng có những nhận thức
thuần lý tính, gọi cách khác là nhận thức tiên khởi, a priori, độc
lập với kinh nghiệm có được thu lượm từ cảm quan hay không. Điều đó cũng xuất
phát từ những ý niệm đã hiện hữu từ lúc sinh ra. Descartes đạt đến nguồn gốc của
nhận thức bằng cách nghi ngờ tất cả. Ý niệm và nhận thức có thể bị nhầm lẫn,
nhưng bản thân của chính sự nghi ngờ thì không. Câu nói “tôi tư duy, tức là
tôi hiện hữu” đã trở thành căn bản của triết học Descartes, qua đó ông đưa
ra giả thiết rằng, cái tôi tư duy mang tính hiện hữu,
độc lập với thế giới vật chất bên ngoài, và rằng đã có một nhận thức có sẵn lúc
con người vừa được sinh ra, độc lập với mọi kinh nghiệm sau này[16].
Ngoài ra, cái tôi tư duy còn mang một giá trị lịch sử khác: Nhận
thức của con người không còn phụ thuộc vào sự sắp đặt của Thượng Đế, mà chỉ phụ
thuộc vào tư duy của chính bản thân mình. Nói cách khác, Descartes đã khởi động
quá trình tách Thượng Đế ra khỏi triết học, điều mà trước đó chưa ai đặt ra và
chỉ trong vòng một thế kỷ sau đã trở thành hiện thực trong thời đại khai sáng.
Thuyết duy
lý là luồng triết học có ảnh hưởng lớn nhất tại châu Âu trong thế kỷ 17. Những
đại biểu tiên phong và sáng giá nhất của thuyết duy lý trước hết tất nhiên là
René Descartes người Pháp, kế đó là Gottfried Wilhelm Leibniz người Đức và Baruch
de Spinoza người Hà Lan. Ngoài ra có thể kể thêm Thomas Hobbes, mặc dù đặc
trưng của triết học Hobbes nổi bật hơn ở thuyết duy nghiệm. Ngoài ra còn có nhiều
triết gia danh giá khác.
Descartes
cho rằng, nền tảng vững chắc của mọi nhận thức đều xuất phát từ tư duy của con
người, tức là từ lý tính. Và đó chính là cội nguồn, là nơi sinh thành của thuyết
duy lý. Đồng thời, với sự giải thoát ra khỏi sự ràng buộc với Thượng Đế mà con
người cảm thấy không cần sự có mặt của Ngài, thuyết duy lý cũng ghi dấu bước khởi
đầu của triết học hiện đại, xác định một vị trí không thể nhầm lẫn của triết học
trong tương quan với thần học. Vì thế, Descartes không chỉ là người khai sinh
ra thuyết duy lý, mà còn xứng đáng được gọi là vị tổ phụ của phương pháp tư duy
hiện đại.
Những triết
gia duy lý có niềm tin vững chắc rằng, nhận thức về chân lý trong thế giới thực
không phải được chắt lọc từ kinh nghiệm, cũng không đặt nền tảng trên tri giác
thu nhận được khi làm công việc nghiên cứu thiên nhiên, mà nhận thức về chân lý
chỉ xuất phát duy nhất từ lý tính. Vì thế mới có tên Rationalism để
chỉ thuyết duy lý. Thuật ngữ đó vốn có nguồn gốc từ tiếng la-tinh “Ratio”,
tức là lý tính. Theo các triết gia duy lý, nhận thức trong thế giới thực mang
tính cấu trúc rất hợp lý, vì thế chúng cũng dễ dàng được khám phá bởi lý tính,
hoặc chí ít là những điều cơ bản nhất của nhận thức để từ đó, những điều khác
cũng được soi sáng nhờ việc sử dụng những nguyên lý chặt chẽ như các nhà toán học
vẫn thường làm. Nói cách khác, người duy lý có niềm tin tuyệt đối vào lý tính
con người như là gốc rễ của nhận thức. Đó chính là đặc trưng của các triết gia
duy lý.
Triết gia
Baruch de Spinoza còn phát biểu cực đoan hơn, rằng phương pháp tư duy chặt chẽ
của toán học và sự gắn chặt vào lý tính là con đường duy nhất để đạt đến sự nhận
thức. Học giả đa ngành Gottfried W. Leibniz sử dụng một mô hình cụ thể trong đời
sống để lý giải sự liên hệ giữa lý tính và nhận thức. Mô hình đó là ngôn ngữ, vốn
được thành hình bằng sự phối hợp chặt chẽ giữa các chữ cái và văn phạm. Sự nối
kết các chữ cái lại với nhau thông qua những quy ước nhất định sẽ tạo nên từ ngữ,
thuật ngữ, câu kéo mà khi liên kết với nhau, chúng có thể diễn đạt tất cả những
gì tồn tại trong ý thức con người. Bằng cách làm tương tự, tất yếu chúng ta có
thể sử dụng các chữ cái như là nguyên tố, kết hợp với văn phạm như các quy ước
liên kết để biên soạn toàn bộ tri thức đang hiện hữu và có thể sẽ hiện hữu. Nếu
có một ngộ nhận nào đó sau này về mặt triết học, thì đó cũng chỉ là những sự cố
nhỏ có thể được điều chỉnh dễ dàng[17].
Người theo
thuyết duy lý sử dụng một lộ trình thống nhất để tiến đến sự nhận thức. Trước hết,
lý tính phát hiện những quy luật tổng quát mang tính trường tồn bất biến, rồi từ
đó chỉ cần thông qua suy luận, con người có thể nhận thức các trường hợp riêng
lẻ. Điều này rất dễ dàng được các nhà toán học hưởng ứng. Thí dụ, chỉ cần hiểu
những nguyên lý hoạt động của bảng cửu chương, người ta có thể suy đoán kết quả
của các phép nhân riêng lẻ như 2 x 2 = 4; 13 x 5 = 65. Đó cũng chính là phương
pháp diễn dịch được sử dụng rộng rãi trong khoa học tự nhiên, đặc biệt trong
ngành toán học. Nói cách khác, triết học duy lý đã cung cấp phương pháp luận
cho khoa học tự nhiên, và ngược lại, khoa học trong một mức độ nào đó cũng có
thể trở thành công cụ để kiểm chứng các biện giải triết học.
Điều làm
cho giới học giả phàn nàn là, thuyết duy lý vẫn còn ít nhiều liên hệ nguồn gốc
với truyền thống, vẫn mang âm hưởng của chủ nghĩa kinh viện, vẫn chấp nhận ảnh
hưởng của siêu hình học lên nền tảng lý luận. Ngoài ra, những người duy lý bị
phê phán là cuồng tín với lý tính. Họ quá đề cao sức mạnh của lý tính trong các
lĩnh vực lý thuyết cũng như thực hành, trong lúc hạ thấp vai trò của kinh nghiệm
và lịch sử. Người duy lý thì phản bác lại và cho rằng, những sai lầm xảy ra có
thể tránh được, nếu lý tính được sử dụng cương quyết hơn và nhiều hơn, chứ
không phải là ít hơn[18].
Kỷ nguyên
của thuyết duy lý kéo dài trên dưới một thế kỷ. Với Gottfried W. Leibniz, thuyết
duy lý đạt đến đỉnh cao mới, nhưng dần dần bị đẩy lùi bởi những luồng triết học
mới mẻ hơn như thuyết duy nghiệm hay thuyết duy tâm (Idealism), song
song với việc vươn lên như vũ bão của khoa học thực nghiệm, nhất là sau những
thành công vang dội của của Isaac Newton vào cuối thế kỷ 17, đầu thế kỷ 18
trong lĩnh vực toán, vật lý và cơ học. Thành công của Newton dựa vào phương
pháp kết nối hài hòa giữa một bên là cách tiếp cận duy lý và suy luận toán học,
bên kia là sự quan sát, đo đạc, kiểm tra cẩn thận các bước đi khảo sát thực
nghiệm[19].
Dù thuyết duy lý đã bị đẩy lùi, nhưng những xung lực mạnh mẽ nhất của cách suy
luận duy lý vẫn còn tiếp tục tác động và chi phối nền triết học hiện đại kéo
dài về sau, nhất là niềm tin vào lý tính, cho dù nó không còn tính chất tuyệt đối
như trước.
Thuyết duy nghiệm
Có thể nói
rằng, triết học hiện đại chỉ có thể phát triển mạnh mẽ từ lúc thuyết duy nghiệm
được phổ biến rộng rãi trong giới học thuật. Thông qua thuyết duy nghiệm, triết
học đã làm một vạch ngang đoạn tuyệt với truyền thống siêu hình học theo tư tưởng
Plato-Aristotle, thậm chí ngay cả thời đại của Leibniz vẫn còn vương vấn ít nhiều
với truyền thống cổ điển. Người đi theo thuyết duy nghiệm không xem tư duy tiên
nghiệm là gốc rễ của nhận thức, mà tất cả đều xuất phát từ thế giới vật chất,
được cảm nhận trước hết bằng giác quan, trước khi chuyển giao chúng cho tư duy
để tạo nên những khuôn mẫu được cất giữ trong tiềm thức, rút ra quy luật để sử
dụng sau này trên con đường đi đến nhận thức.
Thuyết duy
nghiệm có gốc rễ từ thời cổ đại. Định nghĩa cổ điển của tư duy duy nghiệm được
Aristotle tóm tắt trong một câu ngắn gọn: Không có điều gì có thể hiện hữu
trong ý thức nếu trước đó nó không được nhận thức bằng giác quan. Điều đó có
nghĩa là, mọi nhận thức đều có nguồn gốc từ kinh nghiệm, được chắt lọc từ những
cảm nhận của giác quan trong quá khứ. Mãi gần hai ngàn năm sau, thuyết duy nghiệm
với tư cách là một hệ thống triết học bắt đầu vươn lên từ những tiền đề đầu
tiên về triết học tự nhiên của trào lưu phục hưng, tiếp theo là những tiền đề
mang tính cơ học định lượng khi khảo sát về thiên nhiên[20].
Đó là thời kỳ bùng nổ của khoa học tự nhiên với phương pháp nghiên cứu thực
nghiệm áp dụng rất thành công trong các lĩnh vực khoa học ở thế kỷ 16: trong
thiên văn học với Copernicus, Galilei, Kepler; trong vật lý học với Gilbert,
Galilei, Stevin; trong y khoa với Paracelsus, Vesalius v.v… Tất cả các khoa học
gia này đều cùng sử dụng phương pháp thực nghiệm gần giống nhau, vốn dĩ đi theo
mô hình tư duy của thuyết duy nghiệm.
Nhà thiên
văn cách mạng đầu tiên, Nicolaus Copernicus dùng phương pháp quan sát, đo đạc
và thử nghiệm, sau đó chuyển giao kết quả cho tư duy suy luận để rút ra kết luận
về cấu trúc vũ trụ, khai sinh thuyết nhật tâm, hạ bệ thế giới
quan địa tâm vốn đã ngự trị suốt gần hai thiên niên kỷ. Nhưng
Copernicus cũng như các nhà nghiên cứu đương thời vốn là những nhà khoa học,
không quan tâm đến những vấn đề triết học trừu tượng, cho nên cũng không đưa ra
được những định đề mang tính quy luật phổ quát. Phải đợi đến cuối thế kỷ 16,
triết gia người Anh vốn nổi tiếng với khẩu hiệu bất tử “tri thức là sức mạnh”,
Francis Bacon mới tổng kết, hệ thống hóa những khuôn mẫu tư duy của con người
khi đi tìm chân lý, từ đó, phương pháp quy nạp ra đời.
Thế nào là
quy nạp theo diễn giải của Bacon? Thí dụ, tôi quan sát và cảm nhận điều gì đó
trong thiên nhiên, rồi khám phá ra một khuôn mẫu nào đó được lặp đi lặp lại,
tôi tạm thời cất giữ nó trong tiềm thức và tìm kiếm những quy luật nào liên
quan đến nhiều khuôn mẫu tương tự, nhờ thế có thể đi đến một nhận thức rõ ràng
khi một vật thể với khuôn mẫu ấy xuất hiện, mặc dù tôi chưa hề
thấy vật thể đó bao giờ. Nhờ phương pháp quy nạp này, tôi có
thể biết một con vật nào đó có bốn chân và biết sủa là chó, chứ không phải là
linh dương, hoặc biết được một con vật có đôi cánh và bay trên trời là chim, chứ
không phải là cá. Với phương pháp quy nạp này, Francis Bacon đã đặt những viên
đá đầu tiên cho thuyết duy nghiệm, đồng thời kiến tạo một phương pháp nghiên cứu
khoa học còn được ưa chuộng cho đến ngày nay.
Đảo quốc
Anh kể từ đó vẫn là quê hương cội nguồn của thuyết duy nghiệm vốn dĩ sẽ được tiếp
tục hoàn thiện bởi Thomas Hobbes, John Locke và David Hume. Từ Anh, thuyết duy
nghiệm nhanh chóng lan qua lục địa và để lại ảnh hưởng sâu đậm lâu dài.
https://diendankhaiphong.files.wordpress.com/2022/06/bacon-hobbes-locke-hume.jpg?w=1024
Hình
[3]: Đại biểu cho thuyết duy nghiệm:Francis Bacon (1561-1626), Thomas Hobbes
(1588-1679), John Locke (1632-1704), David Hume (1711-1776)
Nếu
Francis Bacon với phương pháp quy nạp đã đặt những viên đá đầu tiên cho thuyết
duy nghiệm, thì John Locke mới thực sự là người khai sinh ra nó. Với tác phẩm Khảo
luận về giác tính con người[21],
Locke đã cung cấp một văn bản nền tảng cho thuyết duy nghiệm. Khác với thuyết
duy lý vốn cho rằng, ý niệm đã hiện hữu từ lúc con người mới sinh ra, các triết
gia duy nghiệm phản bác rằng, lý tính cũng chỉ là sản phẩm của kinh nghiệm, chứ
không thể xem là công cụ phổ quát và mang tính chắc chắn để có thể sử dụng trên
đường đi đến nhận thức. Với sự xuất hiện của Locke, thuyết duy lý bắt đầu bị đẩy
vào thế thủ, có lẽ ngoại trừ ở Đức, nơi mà ảnh hưởng của trường phái Leibniz và
Wolff vẫn còn kéo dài thêm một thời gian.
Lý thuyết
của John Locke dựa trên nhận thức cơ bản rằng, tâm trí của đứa trẻ mới sinh trống
rỗng như một tờ giấy trắng, một tabula rasa, không có một vết tích
nào, cũng không có một ý niệm nào[22].
Vậy nó được lấp đầy bằng cái gì? Theo John Locke, toàn bộ nhận thức của con người
chỉ bắt đầu phát triển sau khi kinh nghiệm được thu thập qua thời gian, gọi
là cảm xúc với thế giới vật chất bên ngoài (sensation).
Chúng là chất liệu được cung cấp để phục vụ cho các hoạt động tiếp theo của
tinh thần như suy nghĩ, phân tích, tổng hơp, tin tưởng, nghi ngờ, nói chung là
sự phản tỉnh bên trong ý thức (reflexion).
Từ hai loại
kinh nghiệm bên ngoài và bên trong đó, những ý niệm giản dị trước hết được
thành hình, thí dụ màu sắc, hình dáng, trạng thái v.v… Tiếp theo, nhiều ý niệm
giản dị có thể phối hợp với nhau, kết hợp với những cảm xúc mới, những phản tỉnh
mới, những mối liên hệ mới được bổ sung để tạo nên những ý niệm phức tạp hơn,
chi tiết hơn, chính xác hơn, và cả những quy luật liên quan cũng được khám phá.
Thí dụ, với phương pháp đó và sau khi quan sát ánh mặt trời trong nhiều ngày,
chúng ta có thể quả quyết rằng, mặt trời luôn luôn mọc từ phương đông. Đó là một
quy luật bất biến được nhận thức từ sự quan sát những trường hợp đặc thù trong
quá khứ. Cho nên, cách làm như thế được gọi tên là phương pháp quy nạp.
Tuy nhiên,
John Locke không phải là triết gia duy nghiệm thuần túy. Bên trong tư tưởng của
Locke đã hàm chứa những nhân tố duy lý. Tri thức được thu thập từ hai nguồn: thứ
nhất là môi trường chung quanh chứ không phải do di truyền, và thứ hai là lý
tính chứ không phải là niềm tin. Cách nhìn thực tế của Locke và thuyết duy nghiệm
của ông đã đặt ông vào giữa những người duy lý. Locke tin rằng, lý tính con người
dù không giải thích được mọi vấn đề trong vũ trụ, nhưng có thể lý giải những gì
mà con người cần biết. Ông viết: Ngọn nến đốt cháy trong lòng chúng ta tỏa đủ
ánh sáng để soi rọi những mục đích mà ta muốn đạt đến[23].
Sau Locke,
David Hume đưa thuyết duy nghiệm đến đỉnh cao mới, bắt đầu từ giữa thế kỷ 18. Nếu
như John Lock quá khoan nhượng với truyền thống, thì những phê phán của Hume đã
cung cấp một lực đẩy mang tính cách mạng để hoàn tất thuyết duy nghiệm với những
tính chất mà nó cần phải có. Phê phán của Hume rất sắc bén và quyết liệt, và ý
muốn hệ thống hóa luồng triết học này cũng được thực hiện với quyết tâm cao.
Hume không ngần ngại gọi siêu hình học là một công trình xảo quyệt, luôn núp
bóng sau những lùm cây tối tăm để sẵn sàng xông ra áp đảo tinh thần con người bằng
định kiến và nỗi sợ hãi tôn giáo[24].
Với David Hume, thuyết duy nghiệm đã dứt khoát đoạn tuyệt với truyền thống siêu
hình học của châu Âu, từ Heraclitus thời cổ đại xuyên suốt đến Leibniz thế kỷ
18. Đồng thời, Hume cũng khởi động quá trình phát triển vốn sẽ dẫn đến nền triết
học hiện đại đối nghịch với siêu hình học truyền thống. Tuy nhiên cũng cần lưu
ý rằng, qua lối phê phán cực đoan đối với siêu hình học truyền thống, Hume đã
mang lại không ít phiền toái cho thuyết duy nghiệm và cho chính bản thân ông
sau này.
Công trạng
của Hume không chỉ là vạch một lằn ranh rõ rệt với siêu hình học cổ điển, mà điều
quan trọng là ông đã hoàn tất và hệ thống hóa triết học duy nghiệm bằng cách
tương đối hóa các biện giải cơ bản, tránh cho việc thuyết duy nghiệm có thể rơi
vào ngõ bí khi phải đối mặt với các vấn đề phi thực nghiệm. Tiền đề này đã được
John Locke nêu lên một cách tổng quát, nhưng chính Hume là người hoàn tất, hệ
thống hóa và tích hợp nó vào thuyết duy nghiệm. Điều này xuất phát từ thuyết
hoài nghi “chừng mực” của Hume mà tự bản chất là khác với thuyết “hoài nghi quá
đáng” cổ đại theo nghĩa của Pyrrho of Elis (Pyrrhonism). Theo Hume, mỗi
một bằng chứng vốn dĩ có thể dẫn người ta đến nhận thức đều hàm chứa một khả
năng là nó sai lạc hoặc dễ nhầm lẫn[25].
Với David
Hume, chỉ còn có con người, và nhận thức của họ là một cái gì đó giống như một
bức tranh. Thuyết hoài nghi nêu lên giả thiết rằng, cảm nhận đã mong đợi của
chúng ta vốn dĩ có thể xảy đến, nhưng cũng không có gì là chắc chắn để biết trước.
Vấn đề là, không có điều gì có thể chứng minh được, do đó đối với Hume, tất cả
các khoa học thực tế và đặc biệt là khoa học tự nhiên cũng giống như một sự tin
tưởng. Ở đây không có một sự diễn đạt rõ ràng nào như trong quan điểm lý tính,
mà cùng lắm là những biện giải vốn chỉ có giá trị xác suất[26].
Nếu mặt trời đã mọc ở phương đông suốt cả tháng, thì cũng không thể đoan chắc rằng
ngày mai nó không mọc ở phương tây. Kinh nghiệm của chúng ta càng nhiều bao
nhiêu thì độ xác suất càng lớn bấy nhiêu, nhưng ngay cả với mức độ quy nạp hoàn
hảo nhất, thì kết quả vẫn luôn luôn mang tính xác suất, không có gì là chắc chắn[27].
Từ thời cổ
đại, Platon đã phê phán tư duy duy nghiệm là ảo tưởng, vì không có điều gì có
thể chứng minh được. Tuy nhiên, kể từ thế kỷ 17, với sự phát triển vũ bão của
khoa học tự nhiên, việc chứng minh điều gì đó đúng với sự thật là chuyện khả
thi. Trong ý nghĩa này, giữa triết học duy nghiệm và phương pháp nghiên cứu
khoa học tự nhiên có một mối quan hệ hữu cơ qua lại. Cả hai đều nương tựa vào
nhau và phát triển song song suốt một thời gian dài.
Mặc dù
thuyết duy nghiệm không có những bậc thầy vĩ đại như thuyết duy lý, nhưng nó lại
được đón nhận nồng nhiệt trong giới khoa học gia, những người đang mày mò đi
tìm phương pháp nghiên cứu, giúp họ vượt qua thói quen của nền khoa học cổ đại
để đưa khoa học hiện đại lên đỉnh cao, phù hợp với những tri thức khoa học mới
mẻ và ngày càng nhiều. Và cũng chính nhờ thành quả dồn dập của khoa học trong
thời đại khai sáng, mà thuyết duy nghiệm càng củng cố và nâng cao vị trí của
mình trong những tòa lâu đài triết học lúc ấy. Nói cách khác, thuyết duy nghiệm
vừa là nhân, cũng vừa là quả của phương pháp khoa học ngày càng định hình rõ rệt
trong hai thế kỷ 17 và 18, vì thế thuyết duy nghiệm xứng đáng có chỗ đứng trang
trọng trong thời đại khai sáng.
***
Thoạt nhìn
qua hai luồng triết học ở trên, thuyết duy lý và duy nghiệm có vẻ đối chọi nhau
như nước với lửa, khó lòng tồn tại trong một lâu đài triết học duy nhất. Từ khi
thuyết duy nghiệm ra đời và tuyên chiến với thuyết duy lý, cuộc đấu tranh giành
giật ấy đã để lại một bãi chiến trường vô cùng lớn trong lịch sử tranh luận triết
học, tác động lên hầu hết mọi mặt trong đời sống văn hóa, nhất là những tranh
luận liên quan đến câu hỏi vô cùng quan trọng của thế kỷ 17 và 18: Với phương
pháp nào và làm thế nào để hoạt động khoa học được khả thi?
Nhưng qua
sự khảo sát quá trình phát triển của lịch sử học thuật suốt nhiều thế kỷ, chúng
ta phát hiện một điều lạ lùng là cả hai luồng triết học duy lý và duy nghiệm
xem ra rất đối nghịch lại tồn tại song song, cả hai đều được giới học thuật ưa
chuộng rộng rãi, cả hai đều tham gia vào quá trình phát triển mọi mặt trong xã
hội, đặc biệt trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học tự nhiên. Điều này đạt được
cũng do công trình phân tích và tổng hợp của các triết gia đi sau, trước hết với
David Hume bắt đầu từ tiền bán thế kỷ 18, và sau đó là Immanuel Kant ở hậu bán
thế kỷ.
Có những
phản biện đánh đúng vào cốt lõi của hai thuyết, một bên là phê phán gốc rễ của
thuyết duy lý: “không có ý niệm bẩm sinh, ngay cả lý tính cũng là sản phẩm của
kinh nghiệm” và bên kia là đối với thuyết duy nghiệm: “cảm xúc từ thế giới bên
ngoài có thể là ảo giác; không có gì có thể chứng minh được”. Trong ý nghĩa đó,
Immanuel Kant đưa ra một định nghĩa mới cho rằng, có ý niệm bẩm sinh cũng như
nhận thức xuất phát từ lý tính thuần túy, ông gọi đó là nhận thức tiên nghiệm (a
priori), đồng thời cũng có nhận thức được rút tỉa từ kinh nghiệm, biến
thành giác tính và được xác minh bởi lý tính, Kant gọi đó là nhận thức hậu nghiệm
(a posteriori). Với biện giải của Kant về sự tồn tại của cả hai loại nhận
thức này vào hậu bán thế kỷ 18, thuyết duy lý và duy nghiệm đã thoát ra khỏi
ngõ bí, giảm bớt những tranh luận ồn ào suốt hơn một thế kỷ để cùng tồn tại
song song, chừng mực nào cũng có thể nói là, cả hai đã có sự thỏa hiệp cộng
sinh.
Giả thiết
nói trên đã được nhà khoa học đa năng, Isaac Newton chứng nghiệm bằng khoa học
khi hoàn tất lý thuyết về vũ trụ trước đó nhiều thập niên. Từ thế kỷ 16,
Copernicus, Galilei và Kepler đã dùng phương pháp thực nghiệm để diễn giải thuyết
nhật tâm, nhưng vẫn còn những câu hỏi chưa thể trả lời về sự chuyển động của
các hành tinh, nhất là câu hỏi, liệu các hành tinh có thể thoát ra khỏi quỹ đạo
và va chạm nhau? Phải đợi đến hậu bán thế kỷ 17, lúc Isaac Newton khám phá những
định lý căn bản về trọng lực như là sức hút và lực ly tâm như là sức đẩy, rồi kết
hợp với phương pháp toán học thuần lý, lúc đó Newton mới có thể đưa ra lời giải
cuối cùng có giá trị đến hôm nay về cấu trúc của vũ trụ, và câu hỏi ở trên cũng
được trả lời dứt khoát: các hành tinh sẽ mãi mãi chạy trên quỹ đạo của chúng và
không bao giờ va chạm nhau.. Như vậy, có phải phương pháp nghiên cứu thực
nghiệm vốn đặt trên nền tảng của thuyết duy nghiệm đôi lúc cũng chỉ cho kết quả
tương đối, hạn chế, và nó cần được bổ sung thêm bằng suy luận toán học và vật
lý, vốn là công cụ hữu hiệu của thuyết duy lý. Sự thỏa hiệp cộng sinh của hai
luồng triết học này dường như là điều rất có ích để giải quyết các vấn đề phức
tạp.
Dù sao thì
từ cuối thế kỷ 18, cả hai thuyết duy lý và duy nghiệm chỉ còn ảnh hưởng chủ yếu
trong thế giới khoa học. Trong lĩnh vực triết học kể từ thế kỷ 19, thuyết duy
lý và duy nghiệm dù chưa bị lãng quên, nhưng đã trở nên lu mờ và phải nhường chỗ
cho những luồng triết học mới mẻ hơn, hiện đại hơn.
Bên cạnh
hai luồng triết học lớn nói trên, hai thế kỷ khai sáng chứng kiến những hoạt động
vô cùng nhộn nhịp trong lĩnh vực triết học. Số lượng sách triết được xuất bản
hàng năm ngày càng tăng, trong lúc sách thần học ngày càng giảm. Hàng chục, nếu
không nói là hàng trăm triết gia mà tiếng tăm vượt ra ngoài ranh giới quốc gia,
xuất hiện một cách tự tin và kiêu kỳ, dần dần thay thế vị trí của các học giả
thần học vốn đã thống trị thế giới học thuật suốt cả hơn ngàn năm. Nhiều hệ thống
triết học mới được ra đời, hệ thống này kế tiếp hệ thống khác. Hai thế kỷ 17 và
18 có thể gọi là thời đại hoàng kim của triết học, là thời kỳ trăm hoa đua nở
đánh dấu giai đoạn rực rỡ nhất trong lịch sử phát triển tư tưởng châu Âu.
Đỉnh cao của
sự phát triển ấy không tách rời khỏi sự ra đời của Bách khoa Toàn thư[28] bắt
đầu từ năm 1751. Thời gian biên soạn và xuất bản kéo dài 20 năm với tổng cộng
28 bộ sách, hơn 70.000 tiểu tựa và hơn 3.000 tranh vẽ và khắc họa công phu. Trước
đó ở Anh, Pháp và Đức đã có những bộ sách tương tự, nhưng bộ Bách khoa Toàn thư
của Diderot và D’Alembert vượt lên trên tất cả, trở thành cẩm nang của việc tự
khai sáng[29],
chiếm ngự vị trí độc tôn về giá trị của nguồn cung cấp tri thức đầy đủ nhất cho
đến hậu bán thế kỷ 20, sau khi thế giới chúng ta đã được số hóa. Những người chủ
xướng nhóm bách khoa xác định mục đích rất rõ rệt: Tiến đến sự độc lập hoàn
toàn đối với vương triều, giáo hội và giới quí tộc. Diderot viết trong lời nói
đầu tập I: “… chúng tôi muốn đưa toàn bộ tri thức loài người đến tay mọi người,
vì tri thức làm cho con người độc lập hơn, tạo nên sức đề kháng chống lại thành
kiến, mê tín và ngu muội, và sau cùng tri thức làm cho con người có năng lực
lãnh đạo quốc gia”. Lý tưởng của các học giả bách khoa là kịp
thời nắm lấy cơ hội để trở thành lực lượng lãnh đạo về học thuật, không phải để
phục vụ cho một tầng lớp độc giả giới hạn nào đó, mà để phổ biến tri thức đến tận
tay mọi người, trong mọi lĩnh vực, từ triết học, văn chương nghệ thuật, khoa học
và các ngành nghề trong xã hội[30].
https://diendankhaiphong.files.wordpress.com/2022/06/encyclopedie-2-photos.jpg?w=1024
Hình
[4]: Trang bìa của Bách khoa Toàn thư tập I (trái)
và tranh khắc họa về khai sáng ở đầu chương (phải).
Một đặc
trưng khác của triết học thời đại khai sáng là sự cố gắng diễn đạt tư tưởng triết
học bằng phong cách phi hàn lâm. Trong trào lưu khai sáng, triết học nhận lãnh
trách nhiệm tìm lời giải cho các câu hỏi liên quan đến nhiều lĩnh vực khoa học
và đời sống thường nhật trong xã hội. Cho nên, các biện giải triết học khai
sáng ít khi đứng riêng lẻ một mình, mà thường có liên hệ đến cách đặt vấn đề
trong ngữ cảnh thần học, văn chương, văn hóa, xã hội và cả khoa học tự nhiên[31].
Với tính
chất đó, triết gia khai sáng tận dụng nhiều phương tiện khác nhau để chuyển tải
tư tưởng, thí dụ như văn thơ, tiểu thuyết và đã có những thành công bất ngờ khi
triết học được lồng trong ngữ cảnh văn chương phi hàn lâm. Vài tác phẩm bất hủ
nhất có thể kể là Lá thư Ba Tư[32] (1721)
của Montesquieu, Candide (1759) của Voltaire, Emile (1760)
của Jean-Jacques Rousseau. Đó là những tác phẩm văn chương có giá trị phi thời
gian, sáng tác với mục đích chuyển tải nội dung triết học liên quan đến những vấn
đề thiết thân trong xã hội đương thời[33] bằng
phong cách đặc biệt mà như Voltaire nói về một cuốn sách hay: tò mò,
trào lộng, đạo đức, thâm thúy. Ngoài ra, các triết gia khai sáng đã có ý thức
phần nào về việc biến triết học hàn lâm thành triết học phổ thông với mục đích
đưa triết học đến công chúng rộng rãi qua những hình thức dễ tiếp thu. Triết
gia đã biết sử dụng từng phương tiện có thể tiếp cận được để thâm nhập đến từng
lớp người, vào từng ngóc ngách của xã hội.
Trong thời
đại khai sáng, lần đầu tiên kể từ thời kỳ cổ đại, triết học không còn là một
lĩnh vực trừu tượng chỉ dành cho một thiểu số học giả nào đó, mà đã mang tính
chất thực hành, gần gũi với đời sống thế tục trong xã hội. Cũng là lần đầu
tiên, triết học không còn bị đóng khung trong khuôn viên đại học hoặc các môi
trường học thuật. Triết học thời đại khai sáng đã thâm nhập vào mọi hoạt động của
đời sống, đã trở thành chất liệu sống của mọi lớp người trong xã hội. Khai sáng
trước hết có nghĩa là tự mình tư duy, chứ không giao khoán số phận của mình cho
sự dẫn dắt của các định chế vương quyền và tôn giáo. Lý tính trở thành yếu tố
quan trọng hàng đầu trong việc định hướng suy nghĩ và hành động của con người
trong cuộc sống.
Thực ra, kể
từ thế kỷ 13, lúc hàng loạt đại học được thành lập khắp nơi từ Lisboa sang
Kraków, từ Rome lên tới London, triết học đã là một phân khoa độc lập và quan
trọng, nơi mà mọi sinh viên đều đặt chân đến trước khi chọn một chuyên ngành
nào khác. Nhưng nơi đó và trong thời kỳ đó, các vị giáo sư mang đến cho sinh
viên không gì khác hơn là những tư duy khuôn sáo của chủ nghĩa kinh viện, có
người thì hướng dẫn thêm cho sinh viên về lo-gic của toán học, người khác thì
liên kết triết học và thần học một cách khiên cưỡng. Phải đợi đến thế kỷ 17, bước
sang thế kỷ 18, triết học mới lấy lại vai trò đích thực của nó. Dưới ánh sáng của
lý tính, triết học trong thế kỷ 18 bắt đầu đặt trọng tâm vào việc xây dựng lề lối
tư duy có cấu trúc. Thần học, vốn trước đây là khoa học chủ đạo trong giới học
giả, giờ đây phải thoái lui. Triết học hiện đại đã thực sự nắm vai trò lãnh đạo
tinh thần, chuyện trước đây hàng ngàn năm chưa từng xảy ra.
Những khẩu
hiệu nổi bật trong các dòng triết học của thời đại khai sáng là lý tính, luật tự
nhiên, tiến bộ, khoan dung, nhân quyền, khoa học, nhân bản và tự do. Những khẩu
hiệu đó cũng biểu lộ sự từ chối dứt khoát các thế lực thống trị cổ điển[34],
mà nếu gọi đích danh trong thế kỷ 17 và 18, thì đó là vương triều và giáo hội.
Mỗi khẩu
hiệu ở trên là một đề tài cần khảo sát nghiêm túc, cho nên xin tạm chấm dứt ở
đây và hẹn dịp khác. Bài này tuy bàn về triết học, nhưng chỉ xét trên quan điểm
lịch sử, chứ không đào sâu khảo sát các triết gia và những triết thuyết liên hệ.
Độc giả nào quan tâm đến tư tưởng của các triết gia hàng đầu trong thời đại
khai sáng, nhưng không có điều kiện đọc sách kinh điển của các triết gia đó, có
thể tham khảo thêm danh sách các nguồn tham khảo ghi bên dưới, đặc biệt vài tài
liệu sau đây có thể xem là hữu ích:
J.
Hirschberger: Trang
88 – 266.
O.
Höffe: Trang 262
– 456.
H.
Maier: Trang 15
– 72.
B.
Redhead & J. Starbatty: Trang
137 – 212
Metzler
Verlag: Cuộc đời
và tư tưởng của 60 triết gia trong đó có trên dưới 15 triết gia khai sáng nổi bật
nhất được trình bày tóm tắt trong tác phẩm này.
./.
---------
Tác giả: Tôn Thất Thông, Tháng giêng
2022.
(Xin tham
khảo thêm các
bài cùng tác giả về thời đại khai sáng)
----------------------
Tài liệu
tham khảo
1.
Brinton,
Crane; Christopher, John B. và Wolff, Robert Lee: A history of civilization – 1715 to
the present. ISBN 0-13-389593-9. (Lịch sử văn minh – 1715 đến hôm nay).
2.
Bùi
Văn Nam Sơn: Trò
chuyện triết học. Nhà xuất bản Tri Thức, 2012.
3.
Conradt,
Michael: Pure
Vernunft – Die Philosophie des Rationalismus (Lý tính thuần túy – Triết học duy
lý). Video: https://www.youtube.com/watch?v=ABF6xa96pqI&t=426s
4.
Hazard,
Paul: European
Thought in the Eighteenth Century (Tư tưởng châu Âu thế kỷ 18). Pelican Book
1965 (J. Lewis May dịch từ tiếng Pháp: La Pensée européenne au XVIIIè siècle:
de Montesquieu à Lessing).
5.
Herold,
Theo và Wittenberg, Hildegard: Aufklärung
& Sturm und Drang (Khai sáng & Bão táp và Thúc dục – Tủ sách Lịch sử
văn học Đức). ISBN 3-12-347221-6.
6.
Hirschberger,
Johannes: Geschichte
der Philosophie – Band II: Neuzeit und Gegenwart (Lịch sử triết học – Tập II:
Thời cận và hiện đại). ISBN 3-933366-00-3). Có thể tham khảo thêm trọn bộ tác
phẩm này đã được dịch sang tiếng Việt: Lịch sử triết học Tập I & II – Bùi
Văn Nam Sơn và tập thể dịch giả – NxB Tri Thức.
7.
Höffe,
Otfried chủ biên và nhiều tác giả: Klassiker der Philosophie II (Những nhà kinh điển của triết
học, Tập II). ISBN 3-406-30849-X.
8.
Im
Hof, Ulrich: Das
Europa der Aufklärung (Châu Âu trong thời đại khai sáng). ISBN 3-406-37091-8.
9.
Maier,
Hans và Denzer, Horst: Klassiker
des Politischen Denkens, Vol. 2: Von Locke bis Max Weber (Những triết gia chính
trị kinh điển. Tập 2: từ Locke đến Max Weber). ISBN 3-406-42162-8.
10. Mann, Golo và Nitschke,
August: Weltgeschichte
Band VII – Von der Reformation zur Revolution (Lịch sử thế giới bộ VII – Từ cải
cách tôn giáo tới cách mạng). ISBN 3-549-05017-8.
11. Martus, Steffen: Aufklärung – Das deutsche 18.
Jahrhundert (Khai sáng – Nước Đức trong thế kỷ 18). ISBN 978-3-499-62767-5.
12. Metzler Verlag chủ biên và nhiều
tác giả: Philosophen
(Những triết gia). ISBN 3-476-02026-6.
13. Porter, Roy (1): Enlightenment – Britain and the
creation of the modern world (Khai sáng – Anh quốc và sự thành lập thế giới hiện
đại). ISBN 0-14-025028-X.
14. Porter, Roy (2): Kleine Geschichte der Aufklärung (Lịch
sử ngắn về Khai sáng – Ebba D. Drolshagen dịch từ tiếng Anh: The enlightenment,
xuất bản 1990). ISBN 3-8031-2192-2.
15. Redhead, Brian và Starbatty, Joachim: Politische Denker von Plato bis
Popper (Những nhà tư tưởng chính trị từ Plato đến Popper). ISBN 3-87959-316-7
(Gerhard Raabe dịch từ tiếng Anh: Political thoughts from Plato to Popper – BBC
Books Publications 1984).
16. Schneiders, Werner (1) chủ biên
và nhiều tác giả: Lexikon
der Aufklärung (Từ điển tường giải về khai sáng). ISBN 3-406-39920-7.
17. Schneider, Werner (2): Zeitalter der Aufklärung (Thời đại
khai sáng). ISBN 3-406-44796-1.
18. Störig, Hans Joachim: Weltgeschichte der Wissenschaft
(Lịch sử khoa học thế giới). ISBN 3-89350-519-9.
19. Zimmer, Robert: Philosophie von der Aufklärung
bis heute (Triết học từ thời đại khai sáng đến nay). ISBN 3-589-21499-6.
.
Chú
thích
[1] Xem
S. Martus, trang 99.
[2] Xem
G. Mann trang 469 – Fritz Schalk.
[3] J.
Swift (1667-1775) là văn sĩ thường viết truyện theo thể châm biếm chính trị nổi
tiếng của thế kỷ 18. Ông là một giáo sĩ tiến bộ, có phần nào nổi loạn, một trí
thức sáng giá trong văn chương nghệ thuật của trào lưu khai sáng.
[4] Xem
R. Porter (2) trang 21.
[5] Xem
„Cách mạng khoa học trong thời đại khai sáng“ ở đây: Phần
I và Phần
II
[6] Xem
W. Schneiders (2) trang 14.
[7] Tinh
thần châu Âu ở đây được hiểu là lục địa thống nhất theo tinh thần xứ
hoàng hôn (Abendland – Occident).
[8] Xem
J. Hirschberger trang 3-4.
[9] Xem
J. Hirschberger trang 245.
[10] Xem
Im Hof trang 142.
[11] Xem
J. Hirschberger trang 86.
[12] Diễn
dịch tiếng Anh là Deduction; Quy nạp là Induction
[13] Xem
R. Zimmer trang 17.
[14] Xem
M. Conradt.
[15] Xem
J. Hirschberger trang 87-88.
[16] Xem
R. Zimmer trang 21.
[17] Xem
M. Conradt.
[18] Xem
W. Schneiders (1) trang 340 – Günter Gawlick.
[19] Xem
H.J. Störig trang 367.
[20] Xem
J. Hirschberger trang 188.
[21] John
Locke – An Essay Concerning Human Understanding (1689).
[22] Xem
J. Hirschberger trang 202-203.
[23] Xem
C. Brinton trang 620.
[24] Xem
J. Hersberger trang 223-226.
[25] Xem
O. Höffe trang 437.
[26] Xác
suất là lý thuyết toán học khảo sát về biến cố ngẫu nhiên, chỉ cho ta
cách tìm ra kết quả “có thể có hoặc có thể không”, “thế này hoặc thế kia”.
[27] Xem
J. Hersberger trang 231.
[28] Encyclopédie,
ou dictionaire raisonné des sciences, des arts et des métiers. Chủ biên:
Denis Diderot và D’Alembert (Jean-Baptiste le Rond), cả hai đều là viện sĩ Viện
hàn lâm khoa học Pháp. Hơn 150 tác giả hàng đầu trong mọi ngành tham gia việc
biên soạn.
[29] Xem
W. Schneiders (1) trang 102 – Willi Goetschel.
[30] Xem
G. Mann trang 494 – Fritz Schalk.
[31] Xem
T. Herold trang 24.
[32] Gốc
tiếng Pháp: Lettres persanes
[33] Đây
cũng là hình thức khôn khéo để phổ biến tư tưởng hòng qua mặt hệ thống kiểm duyệt,
vì không ai lại trân tráo kiểm duyệt một tác phẩm văn chương vốn dĩ mang tính
chất hư cấu.
[34] Xem
J. Hirschberger, trang 245-246.
No comments:
Post a Comment