Sunday, June 19, 2022

QUỐC HỘI VIỆT NAM, KỲ 3 : QUYỀN BÍNH THỰC CHẤT VẪN TRONG TAY ĐẢNG (Bùi Thư - Hoài Minh / BBC News Tiếng Việt)

 



Quốc hội Việt Nam, kỳ 3: Quyền bính 'thực chất vẫn trong tay Đảng'

Bùi Thư - Hoài Minh

BBC News Tiếng Việt

17 tháng 6 năm 2022

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-61798844

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/856B/production/_125455143_3623ec5b-513e-498b-bd47-1c9d2858f5ec.jpg.webp

Bộ Tứ nắm quyền ở Việt Nam

 

"Việc một đại biểu được ngồi ghế đó hay không, được bước chân vào Hội trường Ba Đình hay không, cũng là do Đảng quyết," nguyên Phó Chủ nhiệm thường trực Văn phòng Quốc hội Việt Nam, ông Trần Quốc Thuận, chỉ ra quyền lực tuyệt đối của Đảng Cộng sản ở Việt Nam.

 

Quốc hội Việt Nam: ‘Tiếc nhớ’ tuần trăng mật Đổi mới ngắn ngủi

Quốc hội VN, kỳ 2: 'Vòng kim cô' hiệp thương và số phận những kẻ 'ngoài lề' đơn độc

 

Ông Nguyễn Văn An, Vũ Mão hay Lê Quang Đạo là ba người được nhắc đến nhiều khi nói về đổi mới nghị trường Việt Nam.

 

Tuy nhiên, nhiều người tin rằng người thực sự "bật đèn xanh" cho việc đổi mới trong quốc hội là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Nguyễn Văn Linh.

 

"Đừng biến Quốc hội thành cây cảnh của đảng" là câu nói nổi tiếng của ông Nguyễn Văn Linh vào năm 1987 trong không khí đổi mới thời ấy.

 

"Đèn xanh" và "đèn đỏ"

 

Trong cuốn Quyền Bính (phần 2 của Bên thắng cuộc), nhà báo Huy Đức thuật lại không khí đối thoại dân chủ được mở ra vào năm 1987, đặc biệt là các cuộc đối thoại với Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh. Về cơ bản, việc "cởi trói" không phải là "ngứa miệng kêu" như ông Linh nói sau này.

 

Sự cởi trói của báo chí, văn học nghệ thuật dưới sự khích lệ của ông Nguyễn Văn Linh truyền đến Quốc hội và muôn mặt đời sống. Nhưng "tuần trăng mật" - theo nhà báo Huy Đức cũng chỉ kéo dài tới cuối năm 1988.

 

Từng là trợ lý của Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, tiến sĩ Lê Đăng Doanh nói với BBC hôm 14/6 rằng, một quyết định có tính chất cởi mở rồi sau đó siết lại thì cũng là việc bình thường, bởi trong chính trị họ chưa lường hết được tất cả các diễn biến, đến khi thấy có thể phức tạp, họ sẽ chấn chỉnh.

 

"Điều đó cũng không có gì là ngạc nhiên," ông Doanh điềm đạm.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/141B3/production/_125455328_gettyimages-94100037.jpg.webp

Từ trái sang: ông Đỗ Mười, ông Nguyễn Văn Linh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp

 

Theo ông, phương án và cách làm chỉ là nếu Quốc hội muốn nhiều tự do phát biểu, nhiều dân chủ, nhiều ứng cử viên độc lập thì trước hết phải xin ý kiến của Bộ Chính trị. Vì thế nếu Đảng Cộng sản và Bộ Chính trị không muốn đổi mới thì cơ quan quyền lực cao nhất là Quốc hội cũng đành bó tay.

 

"Việc đổi mới của Quốc hội là dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Quốc hội hoàn toàn không có độc lập với sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Tôi hi vọng rằng Đảng sẽ tiếp tục đổi mới, cởi mở hơn để thúc đẩy quá trình dân chủ hoá và lắng nghe ý kiến của người dân," ông Doanh nói.

 

Từ Hà Nội, Tiến sỹ Nguyễn Quang A nhận định với BBC hôm 15/6 rằng "Quốc hội chỉ là cánh tay của Đảng". Ông phân tích:

 

"Nếu có cơ cấu như Quốc hội ở Việt Nam thì không cần dân bầu làm gì, Đảng cứ tự chọn ra một số người, gọi là "đại biểu" vì sự kiểm soát của Đảng Cộng sản với Quốc hội là 100%. Thực chất, cơ quan này chỉ là công cụ của Đảng."

"Chính vì thế bao giờ cũng thấy có quyết định gì thì họp Trung ương trước, họp xong rồi thì Quốc hội mới cụ thể hóa quyết định đó của Đảng, theo ngôn ngữ của Quốc hội."

 

VN: Chính phủ mới nhậm chức trước khi bầu QH có hợp lý?

Bầu cử Quốc hội nên dành ưu tiên cho nền công lý?

 

Phản biện trong khuôn khổ

 

Xem lại vai trò của Quốc hội thì đây là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của Việt Nam.

 

Quốc hội có ba chức năng chính: lập pháp; quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước.

 

Quốc hội Việt Nam trong Hiến pháp được mô tả đầy phấn khởi, đó là cơ quan quyền lực nhà cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

 

Nhưng thực tế, theo ông Quang A, có tranh luận thế nào trên nghị trường thì quyết định cuối cùng cũng là ở Đảng.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/361A/production/_110605831_82599856_3173786012634119_5360278399845662720_o.png.webp

Phát biểu của TBT Nguyễn Phú Trọng vào năm 2020

 

Theo dõi những phiên chất vấn sôi nối, ông Quang A bình luận: "Những vụ việc lớn được phanh phui hay được nêu ở nghị trường khiến ta tưởng rằng Quốc hội có quyền quyết định."

 

"Nhưng thực chất họ không được quyết định gì cả. Và tranh luận chỉ dừng ở mức nói qua lại, nhưng nếu có vấn đề gì đi ngược lại với ý kiến của Đảng thì sẽ lập tức sẽ có cuộc họp Đảng đoàn - Quốc hội để chấn chỉnh."

 

"Vì Quốc hội có trên 96% là Đảng viên thì họ lấy kỷ luật của Đảng ra để xử lí. Cho nên, chuyện dân chủ là không có và đương nhiên, mọi quyết định cuối cùng đều nằm ở ý chí của Đảng, không phải của người dân," ông Quang A nói.

 

Việt Nam: Bầu Quốc hội đã xong, tới lúc vào cuộc thực sự?

VN: Chính phủ mới nhậm chức trước khi bầu QH có hợp lý?

 

Tương tự, ông Trần Quốc Thuận phân tích, dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, việc đòi hỏi Quốc hội phải có tiếng nói phản biện mạnh mẽ là điều không dễ:

 

"Tôi nhớ khi đưa nghị quyết phản biện xã hội ra thì có cuộc tranh luận ở tầm cao. Có người còn đập bàn nói: như thế này thì đa đảng rồi còn gì."

"Cho nên, dù bản chất của phản biện là suy xét tất cả mọi thứ, nhưng cuối cùng, đọc kỹ thì nghị quyết phản biện là Mặt trận và các đoàn thể chỉ phản biện dự thảo văn bản - dự thảo luật, dự thảo các nghị định chính phủ, dự thảo các chủ trương chính sách."

"Như vậy thì chỉ dừng ở mức góp ý - mà dự thảo thì có vấn đề gì, điều làm nóng nghị trường hay không là ở những luật đang hiện hành vì đây mới là những vấn đề sát sườn, ảnh hưởng đến đời sống người dân. Và tỷ lệ đảng viên trong hiện nay Quốc hội chiếm tới 96-97%, mà đã là Đảng viên thì làm sao có thể phản biện lại nghị quyết của Đảng được."

 

VIDEO : https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-61798844

Tiến sỹ Lê Đăng Doanh nói về ông Trần Việt Phương

 

Ghế ĐBQH là do Đảng quyết

 

Trả lời báo Thanh Niên, tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm văn phòng Quốc hội, cho rằng phương thức lãnh đạo của Đảng đóng vai trò quan trọng nhất trong tiến trình dân chủ hoá hoạt động của Quốc hội.

 

Nếu Đảng không dành cho Quốc hội một không gian chính trị rộng lớn, Quốc hội không thể đổi mới và dân chủ hoá hoạt động của mình.

 

Dĩ nhiên, từ góc độ chính thống, Đảng Cộng sản lãnh đạo Nhà nước và xã hội đã được hiến định, nên vai trò lãnh đạo của Đảng trong bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp là dĩ nhiên.

 

Từ góc nhìn này, Đảng Cộng sản lãnh đạo, nhưng "không đứng trên, làm thay" Quốc hội.

 

Cương lĩnh xây dựng Việt Nam trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (năm 1991) nói:

 

"Đảng lãnh đạo xã hội bằng cương lĩnh, chiến lược, các định hướng về chính sách và chủ trương công tác; bằng công tác tuyên truyền, thuyết phục, vận động, tổ chức kiểm tra và bằng hành động gương mẫu của đảng viên."

 

"Đảng giới thiệu những đảng viên ưu tú có đủ năng lực và phẩm chất vào hoạt động trong các cơ quan lãnh đạo chính quyền và các đoàn thể. Đảng không làm thay công việc của các tổ chức khác trong hệ thống chính trị. Đảng lãnh đạo hệ thống chính trị, đồng thời là một bộ phận của hệ thống ấy. Đảng liên hệ mật thiết với nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật."

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/549/cpsprodpb/138D7/production/_116678008_337082b7-1c2f-4b79-adfe-9d64ed340dd4.jpg.webp

Tổng Bí thư ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng phát biểu trước Đại hội

 

Mỗi mùa bầu cử, các khẩu hiệu được treo đầy rằng "Mọi quyền lực là của nhân dân" nhưng theo ông Quang A, tất cả là do chỉ đạo của Đảng chứ quyền lực không thuộc về nhân dân.

 

Tiến sỹ Quang A nói: "Sự kiểm soát của Đảng đối với Quốc hội là từ trong quá trình lựa chọn, cơ cấu, các thủ tục như hiệp thương - và hiệp thương thực chất là sàng lọc. Đảng có trăm ngàn phương thức để kiểm soát."

 

Ông đưa ví dụ Đảng Cộng sản sử dụng cánh tay nối dài của mình như Mặt trận Tổ quốc để loại các ứng cử viên độc lập ở vòng Hiệp thương.

 

Ông Trần Quốc Thuận nói với BBC:

 

"Chúng ta thường nghe, Đảng lãnh đạo nhà nước hay Đảng cầm quyền - nghĩa là Đảng bao trùm mọi mặt đời sống. Tổng bí thư từng nói: Đã có cương lĩnh, có Hiến pháp thì mọi việc cứ thế mà làm - tức Hiến pháp chỉ là thể chế hóa chủ trương, cương lĩnh của Đảng. Còn luật là viết lại nghị quyết chủ trương của Đảng dưới hình thức văn bản pháp luật."

"Tôi hay nói với bạn bè phương Tây, đọc luật Việt Nam phải chú ý hai câu thòng rất hay, ví dụ: theo quy định của pháp luật mà cuối cùng pháp luật lại quy định ngược lại với hiến pháp."

 

"Cái đuôi thứ hai là, theo định hướng XHCN - tức sự lãnh đạo của Đảng. Có nhiều người đọc luật Việt Nam nói rằng, Việt Nam cũng có đầy đủ quyền này quyền kia nhưng vì họ không đọc câu cuối nên không hiểu, mọi quyền lực đều tập trung vào tay Đảng."

 

BBC Phỏng vấn cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt

BBC phỏng vấn ông Võ văn Kiệt

 

Với những người tin tưởng Việt Nam đang xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, thì Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Từ đó, việc Đảng lãnh đạo Nhà nước, trong đó có Quốc hội, là điều bình thường.

 

Còn với không ít người khác, quy trình "Đảng cử, dân bầu" vẫn khiến Quốc hội, theo Tiến sĩ Quang A nhận định, chỉ là "cây cảnh" của Đảng hơn là cơ quan quyền lực tối cao.

 

------------------------------------

 

TIN LIÊN QUAN

 

 

Quốc hội VN, kỳ 2: 'Vòng kim cô' hiệp thương và số phận những kẻ 'ngoài lề' đơn độc

16 tháng 6 năm 2022

.

Quốc hội Việt Nam: ‘Tiếc nhớ’ tuần trăng mật Đổi mới ngắn ngủi

15 tháng 6 năm 2022

..

Quốc hội Việt Nam: Băn khoăn ngân sách, chứng khoán và đổi mới thể chế

6 tháng 6 năm 2022

 





No comments: