Đối
đầu Trung Quốc - Tân Chính Phủ Úc thổi luồng gió mới vào Nam Thái Bình Dương
Hoàng Hằng - RFI
Đăng
ngày: 23/06/2022 - 15:09
Được biết
đến bởi tiềm năng du lịch chứ không phải là khu vực giàu tài nguyên thiên
nhiên, các đảo quốc Nam Thái Bình Dương lại trở thành đấu trường mới nhất cho
cuộc tranh đua quyền lực giữa Trung Quốc và Úc cùng các đồng minh.
https://s.rfi.fr/media/display/76ce21c0-ef05-11ec-9438-005056a97e36/w:1024/p:16x9/000_32CM9WW.webp
Ngoại
trưởng Úc Penny Wong trong cuộc gặp với thủ tướng Quần đảo Salomon Manasseh
Sogavare (P) tại Honiara ngày 17/06/2022. AFP - JULIA WHITWELL
Đặc biệt,
trong tuần qua, sự cạnh tranh trở thành tâm điểm chú ý khi một đề xuất thỏa thuận
hợp tác thương mại và an ninh sâu rộng của Trung Quốc với 10 đảo quốc bất thành
(26/05/2022 - 04/06/2022). Trong khi, để đối đầu sát cánh với Bắc Kinh tại khu
vực này, đảng Lao động - tân nội các của Úc cũng đồng thời truyền đi nguồn năng
lượng mới, mạnh mẽ dành cho các quốc đảo. Để tìm hiểu vấn đề này, xin mời
quý vị theo dõi cuộc phỏng vấn của RFI Tiếng Việt với Luật sư - Nhà báo Lưu Tường
Quang.
****
RFI:
Thưa ông, thỏa thuận đầy tham vọng mà ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị mang
theo trong chuyến công du xuyên Thái Bình Dương đã bị đình hoãn khi một số quốc
gia trong khu vực bày tỏ quan ngại vì nó có thể châm ngòi một cuộc Chiến tranh
Lạnh mới giữa Trung Quốc và các nước dân chủ phương Tây. Cụ thể, thỏa thuận mà
Bắc Kinh đang theo đuổi là gì và đang tiến triển như thế nào cho đến thời điểm
hiện tại?
Luật sư
- Nhà báo Lưu Tường Quang: Có
lẽ được khuyến khích bởi thành quả ký kết mật ước với Đảo quốc Solomon
(19/04/2022), ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã đến Suva, thủ đô Fiji ngày
28/05/2022 để thực hiện chuyến công du 8 ngày. Mục đích chính là gặp gỡ thảo luận
mặt đối mặt hoặc qua mạng điện tử với ngoại trưởng 10 đảo quốc đã công nhận và
có quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh về một thỏa hiệp đa phương (Solomon Islands,
Kiribati, Samoa, Fiji, Tonga, Vanuatu, Papua New Guinea, Cook Islands, Niue và
Federated States of Micronesia).
Đây cũng
là một tham vọng rất lớn và đánh dấu một sự xoay chiều, vì Trung Quốc thường ưa
chuộng thỏa hiệp song phương (chẳng hạn như trong vấn đề Biển Đông). Đầy tự
tin, ông Vương Nghị nghĩ rằng có thể thuyết phục được 10 đối tác ký kết thỏa hiệp
hợp tác và an ninh. Nếu thành công, thỏa hiệp này sẽ tạo cơ hội cho Trung Quốc
bành trướng ảnh hưởng sâu rộng trong vùng, nơi được coi có tầm quan trọng chiến
lược cho Úc, New Zealand và Hoa Kỳ.
Dự thảo Thỏa
Hiệp được giữ bí mật và chúng ta chỉ biết một phần nội dung qua bản thảo của
Thông cáo chung được chuẩn bị sẵn và bị rò rỉ. Tài liệu này cho thấy, Bắc Kinh
muốn thay đổi nguyên trạng tại Nam Thái Bình Dương để mở rộng hợp tác xuyên suốt
các đảo quốc với Bắc Kinh trong nhiều lĩnh vực, bao gồm: an ninh cảnh sát, an
ninh mạng, ngư nghiệp và phát triển kinh tế.
Thế nhưng,
ngay trong ngày họp đầu tiên 30/05/2022, các đại diện không có lập trường thuần
nhất. Theo đó, một số ủng hộ cuộc thảo luận và một số khác tỏ ra hoài nghi. Vì,
thỏa hiệp này có thể đặt các đảo quốc vào cuộc tranh chấp giữa Trung Quốc và
các quốc gia phương Tây. Tổng thống Liên bang Micronesia mô tả, đây có thể là
nguy cơ một cuộc chiến tranh lạnh mới. Trong khi, các đảo quốc chỉ cần đối tác
thật sự chứ không cần đại cường tranh nhau quyền lực.
Mặc dù thất
bại, nhưng trong chuyến công du này, ông Vương Nghị cũng đạt được một thỏa hiệp
song phương mới với đảo quốc Samoa. Bắc Kinh tạm thời rút lại đề nghị để nguyên
cứu thêm, nhưng Trung Quốc có lẽ sẽ không từ bỏ mục đích dài hạn và có thể bắt
đầu lại với việc gây áp lực trên từng đảo quốc.
*
RFI:
Thoạt nhìn, các quốc đảo trải dài trên Nam Thái Bình Dương không phải là một giải
pháp địa chính trị quan trọng. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, Trung Quốc lại
tích cực quan tâm và ra sức hỗ trợ các quốc gia này. Theo ông, hành động của Bắc
Kinh xuất phát từ những nguyên nhân nào?
Luật sư
- Nhà báo Lưu Tường Quang: Trung
Quốc có tầm nhìn chiến lược dài hạn. Ít nhất trong 3 thập niên qua, Bắc Kinh đã
năng động xâm nhập và tạo ảnh hưởng tại vùng Nam Thái Bình Dương với 3 mục tiêu
rõ rệt.
Thứ nhất,
Trung Quốc muốn cô lập Đài Loan. Từ sau năm 1972, khi Trung hoa Dân quốc mất tư
cách thành viên Liên Hiệp Quốc, Đài Loan theo đuổi chính sách “hướng về Phương
Nam” để duy trì quan hệ với các đảo quốc Nam Thái Bình Dương. Bắc Kinh đã thành
công với mục tiêu này. Trong số 14 đảo quốc, nay chỉ còn 4 quốc gia công nhận
và duy trì quan hệ với Đài Loan (Tuvalu, Palau, The Marshall Islands và Nauru).
Năm 2019, Solomon Islands và Kiribati bỏ rơi Đài Bắc và công nhận Bắc Kinh.
Thứ hai, Bắc
Kinh muốn giữ quân bình về mặt chiến lược với Mỹ tại Nam Thái Bình Dương. Sự
quan trọng của vùng này đã thể hiện rõ rệt trong Thế chiến Thứ hai giữa hải
quân Mỹ-Úc và Nhật Bản. Vùng này không còn được Mỹ quan tâm đúng mức và Mỹ đóng
cửa đại sứ quán tại Solomon Islands trong thập niên 1990. Gần đây, Mỹ loan báo
tái lập đại sứ quán này khi Solomon Islands ký kết thỏa hiệp an ninh với Trung
Quốc.
Cuối cùng,
Trung Quốc muốn làm suy yếu ảnh hưởng của Úc và New Zealand. Đây là hai cường
quốc kinh tế trong vùng nhưng họ đã không tích cực bảo vệ thế đứng cho đến khi
đã quá trễ. Úc tăng cường quan hệ với các đảo quốc Nam Thái Bình Dương năm 2017
dưới chính sách “Step-Up” và New Zealand dưới chính sách “Reset”. Nhưng cả hai
đều không ngăn cản được mật ước an ninh giữa Trung Quốc và Solomon Islands.
*
RFI:
Đề xuất bị gác lại, tuy nhiên, Bắc Kinh cho biết, Trung Quốc vẫn tự tin có thể
đạt được thỏa thuận với 10 đảo quốc Nam Thái Bình Dương. Ông Tập Cận Bình dựa
trên cơ sở nào để có thể thực hiện được tham vọng này, thưa ông?
Luật sư
- Nhà báo Lưu Tường Quang: Với
tư cách là đại cường đang lên,Trung Quốc muốn phá vỡ tình trạng mà Bắc Kinh coi
như vòng vây của Mỹ và đồng minh. Thiết lập căn cứ hải quân bên ngoài nằm trong
tầm nhìn này tại Djibouti, tại Ream của Campuchia và tại Solomon Islands cho dù
rằng Bắc Kinh phủ nhận 2 địa điểm sau.
Cá nhân
ông Tập Cận Bình cũng cần chứng tỏ, ông thành công với chiến lược này trước hoặc
sau Đại hội Đảng Cộng Sản Trung Quốc lần thứ 20 dự trù vào cuối năm nay, 2022
và 5 năm sắp tới trong nhiệm kỳ Tổng Bí Thư lần thứ 3. Nhu cầu nhà nước và nhu
cầu cá nhân sẽ thúc đẩy ông Tập Cận Bình vận dụng phương tiện tài chính và ngoại
giao, chẳng hạn như “Sáng Kiến Vành đai và Con đường (BRI)”, để đạt được mục
tiêu chiến lược.
Bắc Kinh
có thể chi tiêu chính thức và không chính thức tại Nam Thái Bình Dương – một việc
mà các quốc gia dân chủ phương Tây không thể làm. Cho đến nay, Hoa Kỳ chỉ mới
phát động Khung hợp tác Kinh tế (President Biden's Indo-Pacific Economic
Framework) để đối trọng sức mạnh của Trung Quốc trong lĩnh vực này, qua các Thỏa
hiệp CPTPP (TPP-11) mà Mỹ đã rời khỏi dưới thời tổng thống Donald Trump mà nay
Trung Quốc đang xin gia nhập, và RCEP do Trung Quốc chủ động và Mỹ chưa bao giờ
là thành viên. Mỹ đã mời nhiều quốc gia Đông Nam Á, Bắc Á, Úc và New Zealand
tham dự và Fiji, quốc gia Nam Thái Bình Dương duy nhất được mời.
*
RFI:
Các đảo quốc Nam Thái Bình Dương được coi là “đại gia đình” và là “sân sau” của
Úc. Trong những tuần qua, một nguồn năng lượng mới len lỏi mạnh mẽ vào chính
sách Thái Bình Dương khi đảng Lao động Úc thiết lập nội các. Cụ thể, chính phủ
mới của ông Albanese có những phản ứng và hành động như thế nào để đối đầu với
Trung Quốc trong khu vực? Cách tiếp cận khu vực này của tân thủ tướng có gì
khác biệt so với cựu thủ tướng Morrison dưới thời Liên Đảng Tự Do - Quốc gia,
thưa ông?
Luật sư
- Nhà báo Lưu Tường Quang: Trong
tầm nhìn của đảng Lao Động Úc, khi ở thế đối lập, đặc biệt trong cuộc vận động
tranh cử vừa qua, chính sách Nam Thái Bình Dương của chính phủ Liên Đảng-Tự Do
Quốc Gia đã bị coi là thất bại. Cụ thể, cựu thủ tướng Scott Morrison đã không
thể ngăn cản việc thủ tướng Sogavare ký kết mật ước an ninh giữa Solomon
Islands và Trung Quốc. Trong khi, mặc dù New Zealand và Hoa Kỳ cũng có vận động
tương tự nhưng đã không thành công.
Sau khi thắng
cử ngày 21/05/2022, chính phủ Lao Động Albanese thực hiện lời cam kết theo đuổi
một chính sách năng động hơn và tăng ngân sách dành cho các đảo quốc Nam Thái
Bình Dương mà Úc vẫn thường gọi là đại gia đình “Pacific Family”, từ 1,4 tỷ lên
gần 2 tỉ Úc kim.
Ngay tuần
lễ đầu tiên sau khi nhậm chức ngày 23/05/2022, tân ngoại trưởng Penny Wong bay
đến Fiji để hội kiến với nhiều lãnh đạo đảo quốc lần đầu tiên. Và, bà Penny
Wong trở lại Nam Thái Bình Dương lần hai ngay trong thời gian Ngoại trưởng
Vương Nghị đang có mặt tại đây.
Trong các
cuộc hội kiến mặt đối mặt, ngoại trưởng Penny Wong nhấn mạnh sự khác biệt của
chính phủ Lao Động mới tại Úc về chính sách biến đổi khí hậu, vốn là mối quan
tâm sâu xa của các đảo quốc. Chính phủ Albanese cam kết giảm 43% khí thải CO2 của
năm 2005 vào năm 2030 để đạt mức net zero vào năm 2050. Nhiều chính phủ Đảo quốc
đã thất vọng với cựu thủ tướng Morrison khi ông từ chối cam kết cụ thể vào năm
2030 tại Hội nghị Biến đổi Khí hậu COP 26 ở Glasgow, năm 2021.
Cũng trong
chuyến công du lần thứ hai, ngoại trưởng Penny Wong thăm viếng Samoa và Solomon
Islands, theo sát gót chân ông Vương Nghị. Tại Samoa, bà Penny Wong đạt thỏa hiệp
hợp tác 8 năm để Úc huấn luyện tài nguyên nhân lực cho Đảo quốc này. Đồng thời,
viện trợ ngay một chiến hạm tuần duyên để Samoa cải thiện khả năng bảo vệ tài
nguyên thiên nhiên. Tại Solomon Islands, ngoại trưởng Penny Wong hội kiến song
phương với thủ tướng Sagavare. Ông Sagavare một lần nữa cam kết, Solomon sẽ
không có căn cứ hải quân của Trung Quốc. Đây cũng là xác quyết mà thủ tướng
Sagavare đã chuyển đến cựu thủ tướng Úc Scott Morrison trong thời gian Úc có vận
động tranh cử.
Ngoài việc
tăng ngân sách viện trợ và chính sách Biến đổi Khí hậu, Chính phủ Albanese theo
đuổi chính sách của chính phủ tiền nhiệm tại Nam Thái Bình Dương cũng như chính
sách đối ngoại nói chung, kể cả chính sách đối với Trung Quốc.
*
RFI:
Nếu nhìn một cách tổng thể, ông đánh giá thế nào về chính sách đối ngoại với
Trung Quốc của Đảng Lao động - tân nội các Úc? Điều này có ý nghĩa ra sao đối với
các vấn đề tại Thái Bình Dương, đặc biệt là khu vực phía Nam và vùng Biển Đông?
Luật sư
- Nhà báo Lưu Tường Quang: Nói
chung, đối ngoại là lĩnh vực mà chính phủ và đảng đối lập tại Úc thường chia sẻ.
Khác biệt, nếu có, là về mặt ngôn ngữ hơn là vấn đề nội dung. Đối với Trung Quốc,
sau hơn 2 năm bế tắc về ngoại giao và giao thương, phó thủ tướng kiêm bộ trưởng
Quốc Phòng Richard Marles đã có cơ hội hội kiến song phương với bộ trưởng Quốc
Phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa tại Singapore, bên lề Đối thoại Chiến lược
Shangri-La (06/2022). Tuy nhiên, cả hai đều cho rằng, đây chỉ là bước đầu và
con đường bình thường hoá bang giao vẫn còn dài.
Về Biển
Đông, chính sách của chính phủ Lao Động cũng sẽ không có gì khác biệt với chính
phủ Úc tiền nhiệm và chính sách của Mỹ. Theo tôi, Nam Thái Bình Dương là một
chính sách riêng biệt của Trung Quốc và sẽ ít khi bị ảnh hưởng bởi chính sách tại
các khu vực khác.
RFI
Tiếng Việt cảm ơn Luật sư - Nhà báo Lưu Tường Quang.
------------------------------
CÁC
NỘI DUNG LIÊN QUAN
Trung
Quốc và Úc tranh giành ảnh hưởng tại các quần đảo Thái Bình Dương
Mỹ
và Úc nỗ lực chống các sáng kiến của Trung Quốc tại Nam Thái Bình Dương
No comments:
Post a Comment