Tuesday, June 14, 2022

MỘT TRUYỀN THỐNG CŨ TỪ THỜI XÔ VIẾT ĐÃ QUAY TRỞ LẠI : NHỮNG LỜI MẬT BÁO VÀ TỐ CÁO (Maria Rakhmaninova)

 



MỘT TRUYỀN THỐNG CŨ TỪ THỜI XÔ VIẾT ĐÃ QUAY TRỞ LẠI : NHỮNG LỜI MẬT BÁO VÀ TỐ CÁO   

Maria Rakhmaninova

Dương Thắng dịch

14/6/2022  10:44    

https://www.facebook.com/duong.thang.10/posts/10159298210351137

 

Lời người dịch (DT) : Đã ngỡ rằng cảnh học trò đi bẩm báo, bí mật tố cáo hay xông lên công khai đấu tố thày giáo của mình , giống như như những gì mà GS Trần Đức Thảo phải chịu đựng trong những năm 50 của thế kỷ trước đã hoàn toàn bị chôn vùi hay lãng quên cùng với dòng chảy của lịch sử... thật không ngờ giờ đây nó lại đang sống lại mạnh mẽ ở Nước Nga trong thế kỷ 21.

 

Maria Rakhmaninova , Tiến sĩ triết học, một nhà nghiên cứu về khoa học xã hội và chính trị, tác giả cuốn “ Quyền lực và Cơ thể”, giảng viên một trường đại học ở Saint-Pétersbourg đã buộc phải từ chức sau khi một sinh viên của cô lên gặp Ban giám hiệu nơi cô dạy học để tố cáo “ những phát biểu lệch lạc” của cô về cuộc chiến tranh mà Nga phát động ở Ukraina. Bài viết của cô được đăng tải trên tờ The Moscow Times, một tờ báo đối lập duy nhất còn chưa bị đóng của tại Nga

 

Nguồn :

An Old Soviet Tradition Makes a Comeback: The Denunciation  

A St. Petersburg teacher had to quit after a student informed on her.

By Maria Rakhmaninova

May 17, 2022

The Moscow Times

 

 

                                                                         ****

Sáng ngày 24 tháng 2, ngày nổ ra cuộc chiến tranh, tôi đi làm như thường lệ. Hôm đó, tôi có một bài giảng về mỹ học. Khi bước vào giảng đường , tôi đã thở hổn hển. Lần đầu tiên sau mười lăm năm, tôi không thể dạy học.

 

Rõ ràng là không ai trong số các sinh viên có mặt biết về cuộc chiến tranh. Hầu hết trong số họ, than ôi, không đọc bất kỳ phương tiện truyền thông độc lập nào. “Các học sinh thân mến, hôm nay là một ngày khủng khiếp,” tôi bắt đầu. Tôi đã nói với họ, một cách khá chung chung, những gì tôi biết.

 

Sau đó, tôi bắt đầu khóa học về thẩm mỹ trong nghệ thuật. Đặc biệt, tôi đã cho xem Guernica của Picasso (tượng trưng cho cuộc bắn phá ngôi làng Guernica ở xứ Basque trong Nội chiến Tây Ban Nha, năm 1937). Trong bốn hàng đầu tiên, học sinh của tôi đã rơi nước mắt.

 

Buổi học này sẽ là “ khúc hát thiên nga” cuối cùng của tôi, nhưng lúc đó tôi còn chưa biết về điều đó. Trong giờ giải lao, nhiều sinh viên đã đến gặp tôi. Một số ôm tôi vào lòng, những người khác bày tỏ sự lo lắng. Trong số đó, một cô gái trẻ có gia đình ở Ivano-Frankivsk (phía tây Ukraine), nơi các trận đánh đang diễn ra, và người thân của cô đã được sơ tán.

Các sinh viên yêu cầu tôi dành một ít thời gian vào cuối giờ học để trả lời các câu hỏi của họ về lịch sử quan hệ Nga-Ukraine. Đó là lần đầu tiên họ cật vấn về mối quan hệ này. Tôi đã nói một vài lời về các sự kiện của năm 2014 và những năm tiếp theo, đặt câu hỏi liệu Nga có lý do khách quan để lo sợ sự xâm lược của NATO hay không, nói về “ âm mưu” được cho là của người phương Tây muốn xâm chiếm đất nước chúng tôi.

 

Tại một thời điểm, ở phía cuối căn phòng, một số người bắt đầu cựa quậy tỏ vẻ bứt rứt. Một người đàn ông vạm vỡ đã xuất hiện sau lưng họ trên cầu thang. Anh ta trông giống như một nhân viên bảo vệ, nhưng anh ta không phải là một trong số đó (tôi biết rõ tất cả họ). Đứng khoanh tay trước cái bụng lớn của mình, anh ta nhìn tôi, lắc đầu tỏ vẻ không đồng tình. Dưới cái ánh nhìn soi mói đó của anh ta, tôi quay lại tóm tắt bài giảng vừa mới trình bày. Tôi không bao giờ gặp lại anh ta nữa. Cho đến ngày nay, tôi không biết anh ta là ai. Nhưng tất cả bắt đầu với anh ta.

 

“Trường đại học nằm ngoài chính trị"

 

Giờ giảng tiếp theo của tôi cũng với nhóm đó là vào tuần sau đó . Giữa hai buổi lên lớp đó, tôi ngủ chập chờn, vật lộn giữa tuyệt vọng, đau buồn, tội lỗi, sợ hãi và nước mắt. Bỗng dưng tôi bị nói lắp, chóng mặt. Trong tình trạng thể chất tồi tệ, tôi cất lời xin lỗi học sinh của mình vì bài có lẽ sẽ kém chất lượng hơn bình thường.

 

Trong lúc giải lao, tôi nhận được cuộc gọi từ trưởng khoa văn. Anh ấy nói với tôi rằng một trong những học sinh của tôi đã viết một lá thư tố giác tôi. Ban lãnh đạo nhà trường đe dọa sẽ có hành động chống lại tôi nếu tôi vẫn tiếp tục “nói chuyện chính trị”, với lý do “trường đại học không hoạt động chính trị”.

 

Sau đó tôi quay sang với khán giả của mình trong giảng đường :

 

“Các đồng nghiệp thân mến, chúng ta đang nói về khái niệm “nỗ lực thông thiên” của Merab Mamardashvili (nhà triết học Liên Xô đến từ Georgia), theo đó, không có nền văn hóa nào tồn tại tự thân , văn hóa chỉ là sản phẩm của nỗ lực của con người. Điều này cũng áp dụng cho các truyền thống. Ví dụ, chúng ta có một truyền thống lâu đời mà ngày nay nhiều người đánh giá cao, truyền thống gulag. Nó cũng chỉ có thể được duy trì thông qua nỗ lực, nói cách khác, trong trường hợp này,là thông qua tố cáo. Ai đó trong số các bạn đã liên hệ với văn phòng của trưởng khoa gần đây để chứng minh tính hợp lệ của khái niệm Mamardashvili. Cảm ơn. Bây giờ, chúng ta hãy tiếp tục. ”

 

Các sinh viên yên tâm rằng mọi thứ đều ổn, và bài giảng vẫn tiếp tục. Còn tôi, tôi biết rằng mọi thứ đã thay đổi.

 

Tuyên truyền

 

Khi tôi rời khán phòng, một đoạn video được phát trên màn hình khổng lồ đặt trong hội trường, lặp lại những lời bình luận của hiệu trưởng: “Tôi ước tính rằng sẽ mất mười ngày để chế độ phát xít bị đánh bại hoàn toàn”. Đây chưa phải là video cực đoan nhất được phát trên các màn hình này.

 

Chậm mà chắc, trường đại học đã đi trên con đường tuyên truyền và ủng hộ chế độ vô điều kiện. Ngay sau đó sinh viên được yêu cầu rời khỏi lớp học để tham gia các buổi tuyên truyền chính trị, kiểm duyệt xuất hiện, các cuộc nói chuyện về lòng trung thành được tổ chức.

 

Tôi hiểu rằng tôi không còn có thể làm việc trong một môi trường như vậy và tôi không muốn. Tôi quyết định nghỉ việc. Về mặt pháp lý, tôi buộc phải tiếp tục công việc của mình trong hai tuần nữa.

 

Các sinh viên nói với tôi rằng đại diện của họ đã được yêu cầu làm chứng về việc tôi đã sử dụng sai các chức năng của mình. Họ mong muốn tôi đưa ra những hướng dẫn để làm sao những những lời làm chứng của họ không làm cho tôi bị tổn hại quá nhiều. Tôi bảo họ cứ viết những gì họ nghĩ. Các bài học của tôi có bao quát tốt toàn bộ chương trình không? Giáo viên đã chuẩn bị chu đáo bài học của mình chưa? Có một số lượng lớn các tác phẩm được bao phủ, các công cụ trực quan, các phương tiện khác không? Họ nhận ra rằng đối mặt với những câu hỏi [các sinh viên đặt ra trong các buổi học], tôi có một lựa chọn thay thế sau: không trả lời (và thất bại trong nhiệm vụ của mình với tư cách là một giáo viên), hoặc nói dối (điều đó không bao giờ là một khả năng đối với tôi). Nói dối sẽ phá hoại mọi thứ khác mà tôi đang dạy họ. Tôi có nghĩa vụ của sự thật.

 

Hơn nữa, khi tôi bắt đầu đi dạy, tôi đã tự hứa với mình rằng tôi sẽ tiếp tục làm chừng nào tôi còn chưa phải thỏa hiệp với lương tâm của mình. Tôi đã làm đúng như vậy .

 

Kiểm duyệt và sự bấp bênh

 

Giờ giảng bài cuối cùng của tôi đã đến. “Cảm ơn các bạn, giáo trình đã kết thúc” tôi kết luận. Im lặng. Không ai rời đi. Sau đó, mọi người đứng dậy, những lời ủng hộ vang lên, những tràng pháo tay, trong năm phút tốt đẹp. Học sinh bước xuống bậc thềm của giảng đường để bắt tay tôi, bắt tay, một số đang khóc, một số khác thì hôn nhau.

 

Vào thời điểm tôi phải nghỉ việc, lương giảng viên đại học của tôi chỉ đủ để nuôi một con mèo. Hai năm trước đó, tôi kiếm được 17.620 rúp (khoảng 295 euro, theo thời giá hiện tại) với tư cách là giáo viên toàn thời gian: sáu ngày làm việc một tuần, dạy bốn hoặc năm giáo trình , cộng với tất cả các kỳ thi đã tích lũy trong thời gian đại dịch. Tổng cộng, đó là khoảng mười tám giờ một ngày. Tôi đã chuyển sang làm việc bán thời gian - chỉ để duy trì và có thể nhận các công việc bán thời gian khác. Lương tháng của tôi khi đó là 4.000 rúp (67 euro). Vào tháng 12, nó đã tăng lên 14.000 (234 euro), bao gồm tất cả các khoản thu nhập phụ trợ khác .

 

Gần đây, tôi đã kiếm được thu nhập từ công việc hội họa của mình. Tôi đã tốt nghiệp một trường nghệ thuật, tôi bán được một số tác phẩm của mình. Tuy nhiên, tôi cũng gặp khó khăn để làm việc như một nghệ sĩ trong các tổ chức chính thống , chủ yếu là do sự kiểm duyệt. Khi tôi muốn trưng bày một loạt phim mà tôi đã sản xuất để bày tỏ lòng kính trọng đối với nghệ sĩ Liên Xô [gốc Armenia] Sergei Paradjanov, người từng là một tù nhân chính trị, một số người yêu cầu tôi loại bỏ bất cứ thứ gì có thể gây rắc rối (“quá chính trị”) và giữ lại chỉ những "bông hoa xinh đẹp". Những người khác lại nhớ ra rằng Sergei Paradjanov là người đồng tính, họ tuyên bố rằng anh ta không có chỗ đứng trong quần thể của những người Nga vĩ đại. Chẳng bao lâu nữa chắc chúng ta sẽ chỉ được phép trình chiếu duy nhất là Hồ Thiên Nga chăng?

 

Chân trời đóng kín

 

Không có một nền học thuật nào nằm ngoài ngoài những gì đang xảy ra ở đất nước của chúng . Vào thời điểm diễn ra các cuộc biểu tình phản đối việc cải cách Hiến pháp, đã rất ít người tham gia các phong trào phản kháng của xã hội dân sự. Họ tưởng rằng mình sẽ yên ổn ở trong tháp ngà (của mình) nhưng ngay cả khi nấp sau sự thoải mái tiện nghi của những văn phòng sang trọng, họ cũng không ít lần bị ảnh hưởng.

 

Khi tôi đang làm luận án của mình và dạy rất nhiều giáo trình trong một ngày, tôi đã dành ngày nghỉ duy nhất để dầm mình dưới mưa hoặc tuyết, tham gia biểu diễn với một ban nhạc “Những kẻ nổi loạn vui vẻ”. Việc nhiều người không cảm thấy bắt buộc phải ra ngoài trời lạnh để đối mặt với dùi cui của các Vệ binh Quốc gia đã khiến tôi phẫn nộ. Nếu nhiều người trong số chúng ta quyết định xuống đường, tất cả những điều này có lẽ đã không xảy ra. Như Sartre đã nói, “người ta luôn chịu trách nhiệm về những gì người ta không cố gắng ngăn chặn”.

 

Xã hội Nga đã thua trong cuộc chiến chống lại Độc Tài . Nó sẽ bị đánh bại, bị nghiền nát, bị chia cắt. Nó sẽ tiếp tục héo mòn và chết dần. Tuy nhiên, một số người bị thúc đẩy bởi sự đau buồn, chắc chắn sẽ hướng tới một trải nghiệm vận động mới và một hệ thống ngầm hoàn toàn mới sẽ xuất hiện. Tuy nhiên, tôi nghi ngờ rằng điều này có thể xảy ra dưới chế độ hiện tại, một chế độ quá cứng rắn .

 

Tất nhiên, đối mặt với những chân trời bị chặn này, tôi tự hỏi liệu mình có nên rời đi hay không. Ý tưởng làm tôi nổi điên : ai đó muốn lấy nhà tôi, và tôi nên rời đi? Nếu ở lại, tôi sẽ làm công việc dọn vệ sinh hoặc bảo vệ. Tôi sẽ không bao giờ phục vụ chế độ đã biến mọi thứ thành vũ khí chết người này. Từ cái vị trí dưới đáy hiện nay của tôi, thông qua việc hành nghề nhiếp ảnh và viết lách, ngay cả khi tôi không thể công bố, cũng giúp tôi sẽ có thể chứng kiến những vòng xoáy của thảm họa.

 

Hình : https://www.facebook.com/photo/?fbid=10159298209821137&set=a.10150966572936137

 

.

3 BÌNH LUẬN 





No comments: