Khi
dân Mỹ chuyển từ mua sắm hàng hóa sang sử dụng dịch vụ
Lương Thái Sỹ
5 tháng 6, 2022
https://saigonnhonews.com/doi-song/khi-dan-my-chuyen-tu-mua-sam-hang-hoa-sang-su-dung-dich-vu/
.
Sự
thay đổi thói quen chi tiêu có thể giúp xoa dịu chuỗi cung ứng và thảm họa lạm
phát?
.
https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/06/GettyImages-1240780201.jpg
Chuỗi
siêu thị Target báo cáo lợi nhuận quý 1-2022 giảm 52%, một phần vì giá cả tăng
cao do chuỗi cung ứng hàng hóa bị gián đoạn nhưng phần khác do quản lý công ty
không đoán được sự thay đổi nhanh chóng thói quen của người tiêu dùng, từ mua sắm
hàng hóa sang sử dụng dịch vụ. Ảnh một cửa hàng của Target ở Pennsylvania khá vắng
vẻ hôm 19 tháng Năm 2022 vừa qua. Ảnh Paul Weaver/SOPA Images/LightRocket via
Getty Images
Người
tiêu dùng Mỹ đang thay đổi kế hoạch chi tiêu của họ, từ dành tiền mua sắm hàng
hóa sang sử dụng các dịch vụ như ăn nhà hàng, làm đẹp… sau hai năm Covid-19
hoành hành. Nhưng thay đổi trong thói quen chi tiêu có thể giúp xoa dịu chuỗi
cung ứng và thảm họa lạm phát?
.
Từ sự phục hồi của Mint Indian Bistro
Tại nhà
hàng Ấn Độ Mint Indian Bistro ở ngoại ô Las Vegas, nguời chủ Kris Parikh đã gọi
các nhân viên thường xuyên của mình quay trở lại công việc. Lý do, nhà hàng thứ
hai ở trung tâm thành phố của ông lại đón những chuyến xe du lịch đầy ắp du
khách đến từ Ấn Độ để thưởng thúc những món ăn quen thuộc mang phong cách Ấn.
Quán ăn nằm tại con đường lớn Vegas, Divine Dosa & Biryani cũng thu lợi từ
những người có máu đỏ đen quay trở lại sòng bạc.
Parikh, 47
tuổi, vẫn còn nhiều vấn đề để đau đầu, kể cả thiếu nhân công và giá các nguyên
liệu chủ lực như thịt cừu tăng cao. Tuy nhiên, sau khi vượt qua thời điểm tồi tệ
nhất của đại dịch coronavirus, các nhà hàng của ông đang phục hồi dần, khi người
tiêu dùng mệt mỏi chuyển từ mua hàng hóa, đồ gia dụng kềnh càng…sang chi tiêu
cho các dịch vụ như ăn uống nhà hàng và làm đẹp. “Khách du lịch đã dần quay trở
lại. Chúng tôi thấy lưu lượng xe cộ tăng lên. Cuối tuần thật bận rộn – Parikh
nói – Đến Tháng Tư, 2020, chúng tôi vẫn chưa có khách nào, nhưng nay tình hình
đã rất khác. Một bước ngoặt lớn!”.
Hơn hai
năm qua, trong khi người Mỹ chống chọi với đại dịch bằng cách nhìn chằm chằm
vào màn hình ti vi, hay màn hình máy tính, smartphone để mua đồ nội thất và chuẩn
bị các dự án gia đình tương lai, thì các doanh nghiệp phụ thuộc vào thương mại
“mặt đối mặt” với khách hàng phải gồng mình chịu đựng. Rạp chiếu phim tắt đèn.
Máy bay trống rỗng. Các nhà hàng bàn ghế…nhìn nhau!
Giờ đây,
người tiêu dùng đang quay trở lại những thói quen trước đây bên ngoài ngôi nhà
của mình nên giữa chi tiêu hàng hóa và chi tiêu dịch vụ đã có sự cân bằng và trở
về giống như trước Tháng Năm, 2020. Một số liệu khác được trích dẫn bởi công ty
Goldman Sachs cho thấy mức tiêu thụ hàng hóa chỉ còn cao hơn khoảng 5% so với
trước đại dịch, giảm nhiều so với mức chênh lệch đỉnh điểm đến 15%. “Chúng ta mới
chỉ ở giai đoạn đầu chứng kiến sự thay đổi xu hướng chi tiêu của người tiêu
dùng từ ưu tiên cho hàng hóa sang ưu tiên cho dịch vụ. Một thời gian nữa, bạn sẽ
thấy xu hướng này rõ hơn. Dịch vụ ăn uống tiếp tục phát triển khá mạnh”, Kathy
Bostjancic, nhà kinh tế trưởng tại Oxford Economics, nhận định. “Người tiêu
dùng đang hướng tới chi tiêu dịch vụ nhiều hơn, đặc biệt là vào mùa xuân và mùa
hè”.
Đến sự mất cảnh giác của Target
Sự chuyển
hướng từ mua sắm sang dịch vụ phản ánh sự khao khát muốn quay trở về lối sống
cũ của người dân Mỹ. Đây là một tin tốt không chỉ cho các chủ kinh doanh dịch vụ
như Parikh mà còn giúp giảm bớt áp lực lên các chuỗi cung ứng đang căng thẳng
và giúp Cục Dự trữ Liên bang (Fed) hạ nhiệt lạm phát.
Sự thay đổi
thể hiện rõ trong toàn bộ nền kinh tế. Doanh số bán lẻ Tháng Tư tính chung đã
tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái (theo ước tính của Bộ Thương mại và chưa bù trừ
lạm phát), nhưng chi tiêu tại các nhà hàng và quán bar tăng gần 20%. Rất ấn tượng.
Trong Tháng Ba, tổng chi tiêu cho các dịch vụ đã được điều chỉnh theo lạm phát
đạt mức kỷ lục $8.6 ngàn tỷ, vượt kỷ lục cũ lập vào Tháng Hai, 2020.
Tập đoàn
khách sạn Hotelier Marriott cho biết lượng đặt phòng của khách du lịch trong
quý đầu 2022 cao hơn 10% so với năm 2019. Hãng hàng không Southwest Airlines dự
báo doanh thu hoạt động hàng quý của hãng vào cuối Tháng Sáu sẽ đạt mức cao nhất
trước đại dịch. “Chúng ta có đang trở lại thói quen chi tiêu bình thường không?
Có!”, Chris Rogers, nhà kinh tế của Flexport, trụ sở ở London tự hỏi và
trả lời.
Nhưng
Target, một trong những nhà bán lẻ lớn nhất nước Mỹ, do không dự đoán được sự
thay đổi sở thích của người tiêu dùng nên đã bị buộc phải giảm giá nhiều hàng
hoá tồn kho như đồ gia dụng và ti vi. Ban giám đốc Target hiểu rằng có lúc sức
cầu hàng hoá sẽ giảm bớt khi tiền trong dân ít đi, không còn kích thích mua sắm,
nhưng tốc độ và mức độ chuyển từ hàng hoá sang dịch vụ khiến họ hoảng hốt. Cuối
cùng, Target rơi vào thế “lỡ” tích trữ quá nhiều hàng hóa, đặc biệt là các món
cồng kềnh như ti vi và đồ gia dụng, trong khi thiếu nhiều mặt hàng khác.
Ban giám đốc
Target cho biết “đột nhiên” trở nên “hot” là những mặt hàng như thời trang
(khách là những người muốn trở lại cuộc sống xã hội bình thường như cũ), kem chống
nắng, mỹ phẩm…. Công ty buộc phải giảm giá đối với hàng hóa cồng kềnh thừa mứa
để giải phóng kho dù mất một số lợi nhuận. “Trong khi chúng tôi dự đoán chi
tiêu sẽ chậm lại sau khi hết gói kích thích, chúng tôi lại không nghĩ người
tiêu dùng sẽ sớm bớt mua hàng hóa để dành tiền cho dịch vụ. Đây là sai lầm khi
bạn không dự đoán được sự quay đầu nhanh chóng của người tiêu dùng”, Giám đốc
điều hành của Target Brian Cornell than thở.
Nỗi khổ của người này là may mắn của người
khác
Nguồn The
Washington Post cho biết, ngay từ đầu đại dịch, những người Mỹ bị mắc kẹt ở
nhà giải tỏa được phần nào cơn nghiện mua sắm khi ngồi tại nhà vẫn có thể mua
được những thứ cần thiết, quần áo và cả vật liệu sửa chữa nhà. Sự bùng nổ mua
hàng hóa trên mạng trong thời đại dịch đã đảo ngược tác phong mua sắm của người
tiêu dùng. Thời điểm khó khăn chỉ khiến họ trì hoãn việc mua các mặt hàng có
giá trị lớn nhưng đồ dùng sinh hoạt và gia dụng thì không.
Nhưng
trong khi các cửa hàng online bội thu nhờ hàng chục triệu người Mỹ phải làm việc
hay học tập tại nhà thì các dịch vụ như tiệm giặt khô, nhà hàng, khách sạn, của
hiệu làm đẹp, làm tóc bị ảnh hưởng nặng nề theo đà tăng của các đơn đặt hàng
hoá trực tuyến. Những đợt kích cầu liên bang, kết hợp với các chính sách tiền tệ
nới lỏng của ngân hàng trung ương, càng làm cho hoạt động mua sắm trên mạng ồn
ào hơn. Năm 2021, tỷ lệ thất nghiệp giảm dần, cơ hội việc làm dồi dào cũng tăng
sức cầu hàng hóa.
Phần lớn
những gì người Mỹ mua được sản xuất tại các nhà máy nước ngoài (dù là tiêu chuẩn
Mỹ), đặc biệt là Trung Quốc, nên rất dễ bị ảnh hưởng khi chuỗi cung ứng toàn cầu
tắc nghẽn vì bất cứ lý do gì. Vào mùa xuân năm ngoái, sự lệch pha giữa nhu cầu
hàng hoá tăng cao và nguồn cung hạn chế đã đẩy giá lên. Dù Chủ tịch Fed Jerome
H. Powell trấn an “nguồn cung không ổn định trong phần lớn năm 2021 chỉ là tạm
thời và giá sẽ giảm xuống”, nhưng điều đó không xảy ra!
Tâm trạng
phấn chấn trong khu vực dịch vụ của người Mỹ đã ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng.
Theo chỉ số nhu cầu thị trường tại Truckstop.com, nhu cầu về vận tải đường bộ
đã giảm khoảng 1/3 kể từ đầu Tháng Ba. Jason Hilsenbeck, chủ tịch của công ty vận
chuyển Load Match ở tiểu bang Illinois cho biết sự sụt giảm nhu cầu hàng hoá
đang ảnh hưởng đến những người mới tham gia kinh doanh vận tải đường ngắn. Hơn
2,500 “công ty” mới chỉ có một hay hai nhân viên tham gia vào thị trường kể từ
đầu năm 2021, với hy vọng tận dụng được nhu cầu vận chuyển đang tăng cao.
Ông nói:
“Các công ty vận tải nhỏ làm ăn kiểu “ăn xổi ở thì” từng giết chết các công ty
lớn bằng chiêu ‘giao ngay trả tiền cao’ nay trở thành những công ty đầu tiên
không có hợp đồng khi khối lượng hàng hoá vận chuyển giảm xuống”. Số container
nhập khẩu cập cảng Los Angeles đã thấp hơn cùng kỳ năm ngoái bảy tuần liên tiếp.
Tuần trước, lượng tàu container còn neo ngoài khơi chỉ còn 25 chiếc, giảm so với
mức kỷ lục 109 trong tháng Một (theo Marine Exchange of Southern California
chuyên theo dõi tàu bè đi vào cửa ngõ nhập khẩu chính của Mỹ).
Không quá lạc quan
Gene
Seroka, giám đốc điều hành của cảng giải thích: “Do có sự chênh lệch giữa thời
điểm các công ty Mỹ đặt hàng nhập khẩu và lúc hàng đến Nam California, nên
không rõ sự sụt giàm có phải do thị hiếu thay đổi của người tiêu dùng không.
Hàng hóa đến Los Angeles trong tuần này đã được đặt từ ba đến bốn tháng trước”.
Nhưng Seroka dự đoán khối lượng hàng hoá nhập khẩu sẽ giảm trong năm nay do nhu
cầu tương lai không còn cao. Những người đã mua tủ lạnh mới hoặc sửa sang lại
nhà cửa vào năm ngoái sẽ không mua nữa trong năm nay.
Sự thay đổi
thị hiếu của người tiêu dùng từ hàng hoá sang dịch vụ có thể góp phần làm giảm
bớt áp lực lạm phát, áp lực lên chuỗi cung ứng. Nhưng một số yếu tố nằm ngoài tầm
kiểm soát của ngân hàng trung ương có thể sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung và đẩy
giá lên, bao gồm hiệu ứng từ cuộc chiến ở Ukraine và các đợt đóng cửa khắc nghiệt
ở Trung Quốc để ngăn chặn sự lây lan của coronavirus. Trong năm qua, giá hàng
hóa bền vững đã tăng 14% trong khi giá dịch vụ tăng 5,4% (theo Cục Thống kê Lao
động).
Việc chuyển
dần sang chi tiêu cho các dịch vụ cũng sẽ tác động lên thị trường lao động.
Tăng bán lẻ trực tuyến thời đại dịch đã bổ sung thêm gần 675,000 công nhân làm
việc tại các kho hàng. Số việc làm trong nhà máy đã phục hồi lại mức Tháng Hai,
2020 nhưng số việc làm trong các ngành có tương tác trực tiếp với người tiêu
dùng, chẳng hạn như khách sạn và nhà hàng, vẫn thua xa trước đại dịch. Theo Cục
Thống kê Lao động, gần 1.5 triệu công việc giải trí và khách sạn đã biến mất từ
Tháng Hai, 2020. Với gần hai cơ hội việc làm cho một người tìm việc là quá đủ để
làm ấm thị trường việc làm và bảo đảm những người đang làm việc không bị mất việc.
Nhưng khu
vực dịch vụ vẫn khó tìm người vì sợ dịch quay trở lại. “Sẽ xảy ra việc tái cấu
trúc lại lực lượng lao động nhưng không có những đợt sa thải lớn” – Bostjancic
nói. Quay lại Target, ngay cả khi người tiêu dùng thay đổi cách chi tiêu, nhà
bán lẻ này vẫn phải bảo đảm có đủ hàng hóa mới để đáp ứng nhu cầu trong vài
tháng tới để đề phòng chuỗi cung ứng tắc nghẽn trở lại. Trong khi đó, ở Las
Vegas, Parikh đang chờ đợi các sự kiện và hội nghị sẽ đông đúc lại. Dù lượng
khách du lịch hàng tháng thấp hơn khoảng 10% so với năm 2019, nhưng du khách hội
nghị và sự kiện vẫn thấp hơn 40% so với ba năm trước (theo Las Vegas Convention
and Visitors Authority). Vì vậy Parikh chỉ hy vọng các nhà hàng của mình hòa vốn
trong năm nay trước khi có lãi vào năm 2023.
No comments:
Post a Comment