Monday, June 6, 2022

CẠNH TRANH TRUNG - MỸ Ở NAM THÁI BÌNH DƯƠNG NÓNG LÊN (Hiếu Chân / Saigon Nhỏ)

 



Cạnh tranh Trung-Mỹ ở Nam Thái Bình Dương nóng lên!

Hiếu Chân

5 tháng 6, 2022

https://saigonnhonews.com/thoi-su/the-gioi/canh-tranh-trung-my-o-nam-thai-binh-duong-nong-len/

 

Nếu Washington không tích cực thì Bắc Kinh có thể lội ngược dòng và vị thế của Mỹ ở châu Á sẽ bị ảnh hưởng trầm trọng

 

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/06/GettyImages-1241016680.jpg

Quốc vụ khanh, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị họp trực tuyến với 10 bộ trưởng ngoại giao các đảo quốc Nam Thái Bình Dương ở Suva, Fiji hôm 30 tháng Năm để vận động ký kết một hiệp ước sâu rộng về chính sách an ninh, nghề cá, chia sẻ dữ liệu và thiết lập khu vực thương mại tự do, nhưng đã không thành công. Ảnh Xinhua via Getty Images.

 

rung Quốc đã tạm thua trong hiệp đấu mới nhất với Mỹ và các đồng minh của Mỹ nhằm giành ảnh hưởng ở khu vực các đảo quốc phía Nam Thái Bình Dương, nhưng nếu Washington không tích cực nhập cuộc thì Bắc Kinh có thể lội ngược dòng và vị thế của Mỹ ở châu Á sẽ bị ảnh hưởng trầm trọng.

 

Cạnh tranh quyết liệt

 

Quốc vụ khanh kiêm Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (Wang Yi) vừa kết thúc chuyến công du nửa tá đảo quốc khu vực Nam Thái Bình Dương nhằm thúc đẩy các nước này ký kết với Trung Quốc một thỏa thuận sâu rộng về chính sách an ninh, nghề cá, chia sẻ dữ liệu và thiết lập khu vực thương mại tự do. Nhưng trái với kỳ vọng của Bắc Kinh, hôm 30 tháng Năm 2022, một cuộc họp trực tuyến do ông Vương chủ trì tại Fiji với các giới chức đồng cấp của 10 quốc đảo đã hoãn lại việc xem xét một thỏa thuận như vậy.

 

Các đảo quốc Nam Thái Bình Dương nằm bên cạnh các tuyến vận tải biển quốc tế quan trọng, ngư trường rộng lớn và vị trí chiến lược, đã nổi lên như một điểm nóng trong cuộc cạnh tranh ảnh hưởng giữa Mỹ và Trung Quốc. Việc Trung Quốc bí mật ký kết một hiệp định an ninh với quần đảo Solomon mà theo đó cảnh sát và quân đội Trung Quốc có thể được triển khai đến đảo quốc này đã làm cho cả Hoa Kỳ, Úc và New Zealand giật mình trước triển vọng Bắc Kinh thiết lập một căn cứ hải quân ngay trước ngưỡng cửa Úc Châu. Trung Quốc phủ nhận ý định thiết lập căn cứ quân sự ở Solomon nhưng Hoa Kỳ và các đồng minh biết rằng họ cần tăng cường mối quan hệ với các quốc gia Thái Bình Dương, những quốc gia có tình bạn dựa trên lịch sử chung chiến đấu cùng nhau trong Thế chiến thứ Hai, nhưng nay càng ngày càng xa cách.

 

Thế là trước khi Vương Nghị đặt chân đến phi trường Suva của đảo quốc Fiji, mở đầu cho một loạt các hoạt động ngoại giao của Trung Quốc ở Nam Thái Bình Dương thì Fiji đã tiếp đón Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken hồi tháng Hai 2022, chuyến thăm đầu tiên của một ngoại trưởng đương nhiệm Hoa Kỳ trong gần 40 năm. Ông Kurt Campbell, điều phối viên của Hội đồng An ninh Quốc gia về khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, đến thăm vào tháng Tư và vài ngày trước chuyến thăm của ông Vương, Bộ trưởng Ngoại giao mới của Úc, Penny Wong, đã đến nước này.

 

Những chuyến viếng thăm quan trọng như vậy cho thấy cuộc cạnh tranh đang nóng dần lên ở các đảo quốc nhỏ bé nhưng quan trọng này.

 

Trung Quốc ở khắp mọi nơi

 

Hoa Kỳ đã tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng của các đảo Nam Thái Bình Dương trong thời chiến tranh và nhiều sân bay ở khu vực này đã bắt đầu từ những đường băng cho máy bay quân sự. Tuy nhiên, trong những thập kỷ gần đây Trung Quốc đã nỗ lực nâng cao vị thế của họ, lấp đầy khoảng trống về tài trợ xây dựng cơ sở hạ tầng và làm sâu sắc hơn mối quan hệ với các nhà lãnh đạo Thái Bình Dương.

 

Không ở đâu cạnh tranh Mỹ-Trung lại căng thẳng như ở Fiji, quốc gia gần một triệu dân và thủ đô Suva được mệnh danh là New York của Thái Bình Dương. Ở Fiji, tiền bạc của Trung Quốc đã giúp xây dựng đường sá và các tòa nhà chọc trời, các công ty Trung Quốc cũng theo đó mà mở rộng sự hiện diện của họ. Netani Rika, cựu biên tập viên của Thời báo Fiji, một trong những hãng truyền thông chính của đất nước, cho biết: “Chúng tôi thấy Trung Quốc ở khắp mọi nơi. Đó là biểu tượng cho tầm nhìn của Trung Quốc”, Rika nói và chỉ vào một tòa nhà chọc trời do Trung Quốc tài trợ đang xây dựng dở dang ở Suva. 

 

Trong hoàn cảnh đó, các quan chức hàng đầu của Fiji cảnh báo rằng vị thế của Washington như một thế lực quan trọng trong khu vực có thể lao dốc nếu Mỹ không đẩy mạnh nỗ lực của mình. Aiyaz Sayed-Khaiyum, tổng chưởng lý của Fiji, cho biết: “Hoa Kỳ có thể làm được nhiều việc hơn ở Fiji, chứ ở đây không chỉ có McDonald’s”.

 

Đại biện lâm thời của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Fiji, ông Tony Greubel, đồng ý như vậy: “Để Hoa Kỳ gia ảnh hưởng, chúng ta cần phải làm tốt hơn nữa trong việc tăng cường cam kết song phương với các đảo quốc”.

 

Vị thế của Hoa Kỳ tại khu vực này đã bị ảnh hưởng trầm trọng khi chính quyền Donald Trump từ bỏ hiệp định khí hậu Paris, khiến nhiều người nghĩ rằng Hoa Kỳ không nghiêm túc về biến đổi khí hậu. Đối với các đảo quốc Thái Bình Dương, biến đổi khí hậu, nước biển dâng là mối đe dọa sinh tử cho sự tồn vong của họ. Việc Hoa Kỳ không có đại sứ ở Fiji và các đảo quốc khác trong hơn một năm qua càng không giúp ích được gì. 

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/06/GettyImages-1240909404.jpg

Nữ Ngoại trưởng mới của Úc,bà Penny Wong, tới Fiji để thảo luận với Diễn đàn Đảo quốc Thái Bình Dương do ông Henry Puna làm Tổng thư ký, chỉ vài ngày trước chuyến thăm của Ngoại trưởng TQ Vương Nghị. Ảnh Pita Simpson/Getty Images.

 

Chính quyền Biden đã làm gì?

 

Theo các quan chức Mỹ, Washington luôn cam kết gắn bó với Thái Bình Dương. Hồi tháng Hai 2022, ông Blinken đưa ra chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương, kêu gọi phân bổ thêm các nguồn lực ngoại giao và an ninh cho Thái Bình Dương. Chính quyền Biden đã xây dựng các liên minh để chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc, bao gồm một nền tảng kinh tế được gọi là Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ – Thái Bình Dương (IPEF). Tin mới là Fiji là quốc đảo Thái Bình Dương đầu tiên gia nhập nhóm IPEF.

 

Ông Greubel cho biết Washington sẽ bổ sung nhân viên cho đại sứ quán của ông – hiện đặt tại Fiji nhưng  chịu trách nhiệm cho năm nước – và đang xem xét mở thêm các đại sứ quán ở các nơi khác. Tuy nhiên, không rõ bao giờ công việc này mới được thực hiện, ông Greubel dự kiến vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau.

 

Ông Greubel cũng cho biết Hoa Kỳ đã đóng góp vào các tổ chức đa phương cung cấp viện trợ và tài chính cho các quốc gia Nam Thái Bình Dương, cung cấp thiết bị và cơ hội đào tạo cho quân đội của Fiji, hỗ trợ giao lưu nhân dân, cung cấp vaccine và các hỗ trợ y tế công cộng khác trong thời kỳ đại dịch. Ông nói trong tương lai, Washington có thể mang đến nhiều cơ hội hơn cho những người ở Thái Bình Dương học tập hoặc đào tạo tại Hoa Kỳ.

 

Tuy nhiên, viện trợ của Hoa Kỳ qua các tổ chức đa phương thường không làm cho người dân những nước này có nhận thức về sự hỗ trợ của Hoa Kỳ; họ không biết phần lớn các khoản viện trợ là tiền đóng thuế của người dân Mỹ. Trung Quốc thì ngược lại, họ tận dụng mọi cơ hội để quảng bá vai trò của họ. Jay Colati, một bartender 29 tuổi ở Suva, nói: “Tất cả những gì chúng tôi thấy là lá cờ Trung Quốc”

 

Mỹ có lợi thế nhưng Trung Quốc tích cực hơn

 

Có một điều chưa rõ là liệu những nỗ lực mới có thể làm giảm hiệu quả chiến dịch của Trung Quốc nhằm tăng cường quan hệ chặt chẽ hơn trong khu vực này hay không. Ở chỗ công khai, các quan chức Trung Quốc nói họ không phải là mối đe dọa đối với bất kỳ quốc gia nào mà chỉ giúp các đảo quốc phát triển nền kinh tế của họ. Nhưng Hoa Kỳ, Úc và New Zealand vẫn cảnh giác với ý đồ của Bắc Kinh thiết lập các căn cứ quân sự ở Nam Thái Bình Dương, kiểm soát các tuyến hàng hải quốc tế và đặt ra mối đe dọa về an ninh cho các đồng minh của Mỹ.

 

Mặc dù trong chuyến công du gần đây của ông tới khu vực ông Vương Nghị không ký được một thỏa thuận khu vực trên phạm vi rộng tại hội nghị thượng đỉnh với các nhà lãnh đạo Thái Bình Dương ở Fiji, Trung Quốc vẫn ký được các thỏa thuận kinh tế song phương với một số quốc gia, bao gồm một thỏa thuận với Kiribati, nước đã chuyển quan hệ ngoại giao từ Đài Loan sang Bắc Kinh năm 2019, nước có lãnh thổ đại dương và đảo rộng lớn, chỉ cách Hawaii khoảng 1,000 dặm về phía nam.

 

Lợi thế của Mỹ là nhiều người dân ở khu vực này vẫn quan tâm đến Hoa Kỳ. Anh bartender Colati nói rằng anh thích Mỹ hơn Trung Quốc vì nước Fiji của anh có cùng lịch sử với các nước phương Tây và nhiều người Fiji di cư sang Mỹ, Úc, New Zealand. Anh muốn thấy người Mỹ mở rộng sự hiện diện ở các đảo quốc.

 

Tại Fiji, Thủ tướng Frank Bainimarama phải đối mặt với một cuộc bầu cử trong vòng vài tháng tới. Các đối thủ của ông nói họ đang lo lắng về ảnh hưởng của Trung Quốc và nếu thắng cử họ sẽ đưa Fiji đến gần hơn các đồng minh phương Tây truyền thống của nó.

 

Ông Sayed-Khaiyum, quan chức chính phủ, cho biết Fiji sẵn sàng can dự với bất kỳ quốc gia nào, với những điểm quan trọng nhất là tôn trọng chủ quyền quốc gia, giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và tuân thủ luật pháp quốc tế – những điều mà Trung Quốc không đáp ứng được; họ phải tìm ở Hoa Kỳ, Úc hoặc New Zealand. Có điều, “Người Mỹ không tích cực lắm. Người Trung Quốc rõ ràng đã tích cực hơn rất nhiều”, ông Sayed-Khaiyum nói.

 

(theo The Wall Street Journal)

 

-----------------

Đọc thêm:

·         Khi các tổ chức LHQ ngày càng bị Trung Quốc xỏ mũi!

·         Lần đầu tiên kinh tế Trung Quốc tăng chậm hơn Mỹ

·         Trung Quốc muốn triệt hạ hệ thống vệ tinh Starlink

 

=====================================================

.

Chuyên gia Pháp: "Châu Âu phải ngừng giúp quân đội Trung Quốc hiện đại hóa"

Thùy Dương  -  RFI

Đăng ngày: 06/06/2022 - 10:28

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20220606-chuy%C3%AAn-gia-ph%C3%A1p-ch%C3%A2u-%C3%A2u-ph%E1%BA%A3i-ng%E1%BB%ABng-gi%C3%BAp-qu%C3%A2n-%C4%91%E1%BB%99i-trung-qu%E1%BB%91c-hi%E1%BB%87n-%C4%91%E1%BA%A1i-h%C3%B3a

Trong khi chiến tranh Ukraina vẫn tiếp diễn, Bắc Triều Tiên đẩy mạnh thử nghiệm phóng tên lửa và chuẩn bị, theo Washington, một vụ thử nghiệm hạt nhân mới, thì Trung Quốc ngày 31/05/2022, lần thứ hai trong năm, điều 30 máy bay, trong đó có 20 chiến đấu cơ, xâm nhập vùng nhận diện phòng không ADIZ của Đài Loan. Những sự kiện đáng lo ngại này làm gia tăng căng thẳng trong khu vực trong khi sự chú ý của quốc tế lại đang đổ dồn vào Ukraina.

 

XEM TIẾP >>>>>   

 

*

*

Thái Bình Dương: Các đảo quốc tí hon cản đà thống trị của gã khổng lồ Trung Quốc

Trọng Nghĩa  -  RFI

Đăng ngày: 03/06/2022 - 13:27

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20220603-th%C3%A1i-b%C3%ACnh-d%C6%B0%C6%A1ng-c%C3%A1c-%C4%91%E1%BA%A3o-qu%E1%BB%91c-t%C3%AD-hon-c%E1%BA%A3n-%C4%91%C3%A0-th%E1%BB%91ng-tr%E1%BB%8B-c%E1%BB%A7a-g%C3%A3-kh%E1%BB%95ng-l%E1%BB%93-trung-qu%E1%BB%91c

Trước khi ngoại trưởng Trung Quốc bắt đầu chuyến công du (26/05 – 04/06/2022) qua gần một chục đảo quốc tí hon ở miền Nam Thái Bình Dương, Bắc Kinh cứ tưởng là sẽ dễ dàng thuyết phục các nước này ký kết một thỏa thuận an ninh chung theo kiểu hiệp ước mà Trung Quốc đã có với Quần Đảo Salomon gần đây. Thế nhưng tham vọng gắn chặt các nước có diện tích và dân số không bằng một tỉnh nhỏ của Trung Quốc vào quỹ đạo của Bắc Kinh đã gặp trở ngại bất ngờ.

 

XEM TIẾP >>>>>  





No comments: