Tuesday, June 14, 2022

HÀNH KHÁCH MÒN MỎI ĐÓN TAXI TẠI SÂN BAY TÂN SƠN NHẤT (Trần Thắng / Thanh Niên Online)

 



Hành khách mòn mỏi đón taxi tại sân bay Tân Sơn Nhất    

Trần Thắng

19:05 - 04/06/2022 

https://thanhnien.vn/hanh-khach-mon-moi-don-taxi-tai-san-bay-tan-son-nhat-de-xuat-cua-chuyen-gia-post1465380.html

 

Sân bay Tân Sơn Nhất đón bao nhiêu lượt khách không quan trọng, quan trọng là sân bay thể hiện đẳng cấp quốc tế với chất lượng cao và an toàn.

 

LTS: Tác giả Trần Thắng hiện là kỹ sư cơ khí hàng không tại Mỹ với 20 năm làm việc tại công ty sản xuất động cơ máy bay Pratt & Whitney. Bài viết dưới đây thể hiện quan điểm cá nhân của người viết.

 

Cơn mưa lớn tối ngày 27.5 làm cho đêm mát mẻ hơn, không khí trong lành hơn, nhưng từ trên trời cao những chuyến bay hạ xuống sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) bị chậm lại vài tiếng, hành khách ùn ra dồn dập vào thời điểm 9 - 11 giờ tối.

 

Tôi hòa vào dòng người ra khỏi sân bay và hướng đến điểm đón taxi về nhà nghỉ ngơi sau chuyến bay từ Ðà Lạt. Lượng người đón taxi quá đông, taxi vào rất chậm do chỉ có 2 làn đường như thể nhỏ giọt. Các hành khách phải đợi cả tiếng mới có taxi phục vụ.

 

Dù là sân bay quốc tế, dù là sân bay có lượng khách lớn nhất nước, mỗi năm đón trên 30 triệu lượt khách, nhưng sân bay Tân Sơn Nhất chỉ có một lối ra/vào cho mọi chuyến bay! Cá nhân tôi đi nhiều sân bay lớn trên thế giới và chưa bao giờ đợi taxi lâu đến vậy.

 

https://image.thanhnien.vn/w2048/Uploaded/2022/lxwpcqjwp/2022_06_04/tsn-6726.jpg

Chờ taxi mòn mỏi ở sân bay Tân Sơn Nhất.  NVCC

 

Những ai đến sân bay Tân Sơn Nhất hình như đều có chung cảm tưởng đường ra vào sân bay và bãi đậu xe quá gần nhà ga, mọi thứ dường như bị dồn vào một góc. Phải chi Tân Sơn Nhất có một không gian đủ rộng rãi như các sân bay Ðà Nẵng, Cam Ranh hay Liên Khương, có một khoảng không rộng rãi nhìn từ hướng nhà ga ra bên ngoài. Với số lượng hành khách lớn, không gian đủ rộng sẽ giúp lượng xe ra vào hợp lý hơn, hành khách không bị ùn tại cửa ra/vào và điểm đón xe taxi, xe công nghệ và xe gia đình.

 

Ðã từ lâu nhiều chuyên gia ngành hàng không khuyến nghị giải tỏa sân golf để phát triển sân bay Tân Sơn Nhất có thể đón 60 triệu lượt khách mỗi năm.

 

Theo tôi, sân bay Tân Sơn Nhất đón bao nhiêu lượt khách không quan trọng, quan trọng là sân bay thể hiện đẳng cấp quốc tế với chất lượng cao và an toàn. Dù đón 30 triệu lượt khách như hiện nay mà có chất lượng đẳng cấp quốc tế vẫn quan trọng hơn là phát triển sân bay cho 60 triệu lượt khách mà có chất lượng chưa cao.

 

Tôi ước tính Tân Sơn Nhất cần 4 nhà ga với 1 nhà ga phục vụ khách quốc tế và 3 nhà ga phục vụ khách nội địa. Như sân bay quốc tế John F. Kennedy (New York, Mỹ) với diện tích 2.000 ha, có 8 nhà ga và mỗi năm phục vụ trên 60 triệu lượt khách; hoặc sân bay quốc tế Logan (Boston, Mỹ) với diện tích gần 700 ha, có 4 nhà ga và mỗi năm đón trên 20 triệu lượt khách.

 

Sân bay Tân Sơn Nhất cần xây dựng nhiều nhà ga và xây dựng bãi đậu xe cho mỗi nhà ga. Một khi có nhiều nhà ga thì lượng khách ra vào mỗi nhà ga sẽ hợp lý và từ đó sẽ làm tăng khả năng an toàn cho ngành hàng không Việt Nam. Ðây là điều số 1 mà sân bay Tân Sơn Nhất cần phải làm.

 

Việc các xe buýt đưa đón hành khách đến máy bay rồi chạy vào nhà ga là chưa chuyên nghiệp. Về nguyên tắc an toàn ngành hàng không, hạn chế tối đa xe chạy trên đường băng, tránh rủi ro vật thể cứng văng ra đường băng gây tai nạn hàng không. Tôi từng có nhận xét trước đây về trường hợp chiếc A321 của Hãng hàng không Việt Nam bị cắt lốp tại sân bay Ðà Nẵng vào tháng 1.2016 và nguyên nhân có thể do vật thể cứng rơi rớt trên đường băng.

 

Ngoài ra, nhiều xe buýt chạy qua lại đường băng rủi ro gây tai nạn với các xe khác hay va chạm vào máy bay đậu trên đường băng. Trong những năm qua, đã có những tai nạn như thế này xảy ra tại các sân bay.

 

Hệ thống đường ống đưa đón khách ra vào máy bay làm tăng tính an toàn cho ngành hàng không. Xây dựng thêm đường ống ra vào máy bay để đáp ứng nhu cầu sử dụng là điều số 2 mà Tân Sơn Nhất cần phải làm.

 

Sân bay đẳng cấp quốc tế phải có đầy đủ hệ thống xưởng bảo dưỡng máy bay để đạt độ an toàn cho các chuyến bay, sân bay Tân Sơn Nhất hiện tại thiếu xưởng để phục vụ cho các hãng máy bay nội địa. Một thực tế là số xưởng bảo dưỡng cần có tại Tân Sơn Nhất là gấp rưỡi so với số hiện hữu, đến năm 2030 số lượng xưởng cần có sẽ tăng gấp đôi.

 

Bảo dưỡng máy bay định kỳ là quy trình vô cùng quan trọng để tăng độ an toàn cho các chuyến bay. Việc xây dựng thêm xưởng bảo dưỡng máy bay là điều số 3 mà sân bay Tân Sơn Nhất cần phải làm.

 

Xây dựng hiện đại hóa sân bay là việc chung của xã hội bao gồm người dân và Nhà nước cùng làm. Mỗi người dân khi mua vé máy bay đã trả khoản tiền lớn về phí an ninh hàng không. Như tôi mua vé một chiều TP.HCM đi Đà Lạt giá 753.000 đồng thì trong đó phí an ninh hàng không và thuế là 584.000 đồng và giá vé chỉ 169.000 đồng. An ninh hàng không có nghĩa là bao gồm sự tiện nghi của sân bay phục vụ hành khách. Tân Sơn Nhất cần thay đổi thế nào để phục vụ hành khách tốt hơn?

 

Ngành hàng không Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy nền kinh tế - xã hội Việt Nam phát triển. Giữ vững độ an toàn cho ngành hàng không Việt Nam đồng nghĩa với việc tạo dựng nền kinh tế - xã hội Việt Nam phát triển bền vững. Vì thế việc xây dựng sân bay Tân Sơn Nhất đạt đẳng cấp quốc tế là điều cần thiết hơn bao giờ.

 

------------------

 

TIN LIÊN QUAN

 

 Lễ 30.4 - 1.5: Sân bay Tân Sơn Nhất đông nghẹt người về quê, đi du lịch

 

Đi từ sân bay Tân Sơn Nhất về nhà: Ai đợi được chỉ tốn 12.000 đồng về tận Q.7

 

 CSGT TP.HCM tăng cường xử phạt trực tiếp, 'phạt nguội' trước cổng sân bay Tân Sơn Nhất






No comments: