Quan
hệ Pháp-Trung: Paris hết kiên nhẫn với Bắc Kinh
Thanh
Hà -
RFI
Đăng
ngày: 14/09/2020 - 14:50
Động lực nào thúc đẩy Paris ngày càng tỏ thái độ cứng
rắn hơn với Trung Quốc bằng lời nói và hành động, từ hồ sơ người Duy Ngô Nhĩ ở
Tân Cương đến các vấn đề nhậy cảm với Bắc Kinh là Hồng Kông hay Đài Loan và kể
cả xung đột tại biên giới Ấn Trung ?
Ảnh minh họa:
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đến thăm Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp
IFRI tại Paris (Pháp) ngày 30/08/2020 và hop báo chung với viện trưởng
Thierry de Montbrial (P). AP - Kamil Zihnioglu
Vào lúc biên giới trên bộ
giữa hai cường quốc châu Á là Ấn Độ và Trung Quốc căng thẳng, ngày 27/07/2020
Pháp giao chiến đấu cơ Rafale cho New Delhi. Báo chí Ấn Độ khẳng định chiến đấu
cơ Pháp góp phần tăng cường khả năng phòng thủ của nước này tại các vùng có
tranh chấp lãnh thổ, trong đó có cao nguyên Ladakh.
Đầu tháng 7/2020, nhà báo
Ursula Gauthier thông tín viên thường trực của báo L'Obs tại Bắc Kinh nhắc lại
5 năm trước đây, khi bà bị trục xuất khỏi Trung Quốc sau một loạt phóng sự về
báo động về chính sách đàn áp người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương, bộ Ngoại Giao
Pháp chỉ phản ứng "lấy lệ", tránh để làm phật lòng một đối tác thương
mại quan trọng của Paris.
Sau một thời gian dài im
lặng về vụ Tân Cương, ngoại trưởng Jean-Yves Le Drian kêu gọi Bắc Kinh cho phép
quan sát viên quốc tế đến thị sát tình hình. Nhưng gần đây nhất, hôm
07/09/2020, tổng thống Macron mạnh mẽ lên án các "trại giam, các vụ cưỡng
bức lao động, triệt sản" nhắm vào dân cư tại đây là điều "không thể
chấp nhận được".
Trễ còn hơn không
Cho đến rất gần đây, giới
nghiên cứu và một số chính trị gia đối lập đã chỉ trích chính quyền Pháp kém mạch
lạc trong đối sách với Bắc Kinh. Từ khi lên cầm quyền, tổng thống Emmanuel
Macron tỏ ra thực tiễn, tuy có đề cao các giá trị dân chủ, nhân quyền, nhưng vị
tổng thống trẻ tuổi của Pháp đã chú trọng nhiều hơn đến vế thương mại, kinh tế
với Trung Quốc.
Theo chuyên gia Francois
Godment, Viện Nghiên Cứu Montaigne- Paris, chủ nhân điện Elysée ý thức được về
vị trí của Pháp trên bàn cờ quốc tế hiện nay. Về chiến lược và cả kinh tế Pháp
không có được trọng lượng như Hoa Kỳ để gây sức ép với Trung Quốc. Trong con mắt
của Bắc Kinh, Paris cũng không có được vị trí ưu tiên của Berlin. Do vậy trên
tất cả những hồ sơ nhậy cảm khác, Pháp chỉ phát biểu với tư cách một thành viên
trong Liên Hiệp Châu Âu.
Thậm chí như ghi nhận của
một chính khách Pháp thuộc hàng ngũ đối lập, nghị sĩ châu Âu Raphael
Glucksmann, có một thỏa thuận ngầm giữa Pháp và Đức hai đầu tầu của Liên Âu, đó
là tránh làm phật lòng giới lãnh đạo Bắc Kinh. Trung Quốc là đối tác thương mại
ưu tiên của Đức.
.
Trung Quốc đánh mất
một điểm tựa là Pháp ?
Thế nhưng, dường như gió
đã xoay chiều. Ngay chính Berlin cũng hết kiên nhẫn với đối tác khó lường như
Bắc Kinh. Châu Âu tuy nhìn nhận Trung Quốc là "đối tác quan trọng"
nhưng đồng thời cũng là một "đối thủ có hệ thống" của toàn khối.
Việc Pháp đổi giọng với
Trung Quốc một mặt nằm trong chính sách đối ngoại chung của Liên Âu, nhưng mặt
khác Paris cũng đã phải lựa đường mà đi. Điển hình là nếu như ngoại trưởng Đức
Heiko Maas trực tiếp đề cập đến vấn đề Tân Cương với đồng nhiệm Trung Quốc
Vương Nghị, thì thông cáo của bộ Ngoại Giao Pháp, cũng trên hồ sơ này, chỉ được
đưa ra sau khi lãnh đạo ngoại giao Trung Quốc đã rời khỏi Paris để lên đường
sang Berlin.
Dù vậy chuyên gia về
Trung Quốc François Godment cho rằng, có lẽ đối sách của Paris với Trung Quốc
đang bước vào một khúc quanh. Ông ghi nhận một "sự điều chỉnh quan trọng
từ tháng 6, tháng 7 vừa qua". Mọi chuyện bắt nguồn từ hai nguyên nhân:
Thứ nhất là về mặt chính
trị, Paris đã luôn "đụng phải một bức tường" mỗi khi đề cập đến các vấn
đề Hồng Kông và Tân Cương với phía Trung Quốc. Thêm vào đó từ nhiều tháng qua,
Pháp cũng đã rất khó chịu với giọng điệu hung hăng của một số nhà ngoại giao
Trung Quốc, chỉ trích Paris từ hồ sơ giải quyết dịch Covid-19 đến hợp đồng quân
sự giữa Pháp với Đài Loan. Gần đây hơn, đại sứ Trung Quốc tại Paris còn lên tiếng
chỉ trích Pháp cho Đài Loan mở thêm một văn phòng đại diện tại thành phố Aix en
Provence.
Vế thứ nhì có lẽ quan trọng
hơn nữa đó là viễn cảnh hợp tác kinh tế với Bắc Kinh bế tắc. Hiệp định đầu tư
giữa Liên Hiệp Châu Âu và Trung Quốc còn xa vời, càng đẩy xa những hứa hẹn mở rộng
quan hệ kinh tế và thương mại với nước đông dân nhất thế giới vốn rất được ông
Emmanuel Macron trông đợi.
Tương tự như các vòng đàm
phán không hồi kết về một thỏa thuận đầu tư chung giữa Bruxelles và Bắc Kinh, một
dự án hợp tác song phương liên quan đến việc xử lý rác nguyên tử được đàm phán
từ hơn một chục năm qua vẫn dậm chân tại chỗ. Pháp và Trung Quốc đang gặp bế tắc
về hai điểm trong dự án này đó là chuyển giao công nghệ và những bảo đảm phân
biệt về những ứng dụng trong lĩnh vực hạt nhân dân sự với các mục tiêu quân sự.
No comments:
Post a Comment