Vào những ngày cuối
năm tiết trời Sài Gòn se se lạnh, khắp nơi trong cái thành phố ồn ào hối hả này
đã phô diễn cảnh sắc rực rỡ của mùa Giáng Sinh. Các xóm đạo đã lên đèn, từng vạt
sáng chiếu soi từng con ngõ tỏ rõ như ban ngày, từng ngôi nhà thờ và cả từng
góc xóm nhiều hang đá đang được nhanh chóng dựng lên. Đã có những phố hang đá,
những đồi hang đá, những đoàn xe hoa rước hang đá… Ở đâu đó những địa danh gắn
liền với cuộc sống giản đơn chất phác, hôm nay đua chị ganh em xuất hiện trên
các trang mạng xã hội khẳng định đẳng cấp của mình.
Càng ngày càng có
nhiều thứ lạ, cái lạ của người đời mang đầy ước muốn “không đụng hàng”. Đấy là
lý do để xuất hiện nhiều kiểu hang đá, nhiều kiểu trang trí, nhiều kiểu diễn nguyện
mới mang lại nhiều màu sắc mới, nhưng cũng không ít kiểu gây tranh cãi, đề tài
tranh cãi nhiều nhất vẫn là lập trường xã hội trong sắc màu tôn giáo. Ý thức xã
hội là một vấn đề nhạy cảm và nóng trong hoàn cảnh sống ở Việt Nam hiện nay,
nhưng dư luận xem ra khá hứng thú và mặn mà với không gian này. Ngược lại, vấn
đề trang trí và làm hang đá mùa Giáng Sinh bắt nguồn từ cảm thức tôn giáo và
năng lực mỹ thuật thì gần như không ai bàn tới.
Nếu là một người
không bận tâm đến các vấn đề xã hội, hoặc là một người xa lạ với đất nước và
con người Việt Nam, nhìn qua các hình ảnh phô diễn của các mùa Giáng Sinh trước
và cả mùa Giáng Sinh năm nay nữa, hẳn sẽ dễ dàng kết luận về Việt Nam là một xã
hội an bình, no ấm và tự do, đáng sống.
Thật xót xa cho những
giáo điểm xa xôi, thật đau lòng cho cộng đoàn bé nhỏ nghèo nàn, trực chờ suốt
đêm ánh đèn xe của người Linh mục xuyên rừng đến giải tội và dâng lễ không thể
hẹn giờ.
Có dây đèn nào chiếu
sáng cho đoàn lũ những người anh em dân tộc bồng bế rời bản làng, kéo nhau về
phố thị dự lễ nửa đêm?
Có miếng bánh miếng
kẹo nào cho những ánh mắt ngơ ngác sáng ngày đại lễ đi qua các phố đạo rực sáng
với từng cánh cổng lặng lẽ âm thần đóng kín sau một đêm chất ngất cơn say?
Ngay trong lòng
thành phố đầy hoa lệ, chen giữa những ngôi nhà thờ, những xóm đạo rộn rã mừng
vui, có một xóm đạo lọt thỏm vào cái buồn tủi cô đơn của ngày đại lễ. Những
hang đá ngất ngây không biết có lúc nào nghiêng mình nhìn đến cái hang đá nhỏ
bé nghèo hèn bị giật tung, kéo đi kèm theo những lời chửi rủa tục tĩu và những
giọt máu trên đầu, trên thân hình của những ai cố gắng giữ lại, cố gắng bảo vệ
niềm vui nhỏ bé, chút tự do tôn giáo cỏn con của xóm đạo mình ! Và cuối cùng là
tiếng nức nở bên đống mảnh vụn của tượng Thánh gia bị vỡ tan.
Hôm qua có người gửi
cho tôi hai bài hát “Tha La Xóm đạo” và “Hận Tha La”, đều viết về một cộng đoàn
nhỏ bé hiền hoà. Nhưng xóm đạo nhỏ bé ấy đã trở nên điêu tàn khi giặc tràn qua
cướp phá gây chết chóc đau thương. Tha La ngày nay đã được xây dựng lại, cuộc sống
tuy khó khăn nhưng hình bóng đổ nát không còn nữa, từng vạt rừng tre cao ngất
đưa Tha La đến một thương hiệu nổi tiếng về loài cây gần gũi với cuộc sống của
người Việt. Tiếng máy cắt, máy cưa chế biến tre vang lên theo từng con xóm, từng
con đường. Nhưng văn học, nghệ thuật và tâm trí con người, nhất là giáo dân Tha
La không quên được cảnh cướp phá, không quên được cảm giác kinh sợ sự tàn ác
khi những kẻ không chung màu da, không cùng tiếng nói đã đập tan bầu khí thanh
bình của xóm đạo. Đấy là Tha La với mối hận thuộc về quá khứ mấy chục năm về
trước.
Ngày hôm nay, người
dân xóm đạo Vườn rau Lộc Hưng không phải khoác lên người bộ chinh y như người
dân Tha La xóm đạo năm nào. Nhưng cái não nùng, cái buồn lây lất của nỗi “sầu
quốc biến” vẫn chất chứa khôn nguôi. Người ta vốn dĩ thích sự tròn trịa, hoàn hảo,
nhưng sự vẹn nguyên mang tên nỗi đau thì mấy ai cần đến. Nỗi đau ấy vừa mới đến
từ hôm qua và đang hiển hiện trong ngày hôm nay, rồi sẽ ở lại trong nhiều
tháng, nhiều năm, qua nhiều phận đời của người dân Vườn rau Lộc Hưng lam lũ nữa.
Có ai còn nhớ thầy
giáo Long, dạy cấp ba nhiều năm dày kinh nghiệm, qua nhiều lớp có uy tín, được
học trò quý mến, sau cái ngày kinh hoàng 8/1/2019 ông bị trầm cảm, gần một năm
rồi vẫn còn hoảng loạn, mất trí nhớ, trở thành người tàn phế, gánh nặng cho cả
gia đình? Cô Minh Thy, một giáo viên dạy nhạc, tâm hồn thường bổng trầm theo những
giòng suối âm thanh, bây giờ mỗi khi nghe tiếng máy xây dựng, tiếng bánh xích,
tiếng đập phá tường, cô lại bị ám ảnh, đầu óc quay cuồng. Cũng sau cái ngày căn
nhà của mình cùng 500 căn nhà khác tại Vườn rau Lộc Hưng bị biến thành đống đổ
nát khổng lồ, anh Tám đã thành một bệnh nhân tâm thần. Còn nhiều, còn nhiều những
tâm bệnh gim chặt vào thân phận người dân Lộc Hưng không thể đong đếm được.
Lộc Hưng hơn một năm
nay là cả trăm gia đình không cửa không nhà tứ tán tha phương. Là cả ngàn người
ngồi giữa sương đêm, dưới cái nắng gay gắt bên câu khẩu hiệu “Chăm lo cái Tết
cho bà con Vườn rau Lộc Hưng” như một sự mỉa mai đầy ai oán. Gần một năm rồi
không công ăn việc làm, gần một năm rồi không nhà không cửa, gần một năm rồi bị
xua đuổi, gần một năm rồi kêu oan khắp nơi,…
Tha La hôm qua giặc
tràn sang cướp phá, Vườn rau Lộc Hưng thì giặc nào tàn phá hôm nay?
(Hình từ #vuonraulochung
Hang đá nhỏ bé, đơn sơ; bức tượng Thánh Giuse và Mẹ Maria bị đập vỡ).
Hang đá nhỏ bé, đơn sơ; bức tượng Thánh Giuse và Mẹ Maria bị đập vỡ).
No comments:
Post a Comment