Monday, December 16, 2019

TRÒ CHUYỆN CUỐI NĂM : DÂN CHỦ CÓ LÀM NÊN HẠNH PHÚC? (Bùi Công Trực - Luật Khoa)





Bùi Công Trực  -  Luật Khoa
16/12/2019

Hạnh phúc là một khái niệm mà khoa học vẫn chưa thể định nghĩa một cách toàn diện. Nhiều ngành nghiên cứu khác nhau đã cố gắng xây dựng nên những định nghĩa riêng của mình về hạnh phúc, từ sinh học, tâm lý học, kinh tế học đến chính trị học và tôn giáo… Song đến cuối cùng, chưa ai dám cho rằng “định nghĩa” của mình về hạnh phúc có thể thỏa mãn hoàn toàn ý niệm của những cá nhân khác, hay những khía cạnh khoa học khác. 

Một trong những điều hiếm hoi mà các nhà khoa học có thể đồng ý với nhau là việc nhận định “hạnh phúc” nên được xem như một hoạt động trí tuệ hoàn toàn mang tính chủ quan từ người đưa ra nhận định. Không ai có thể nhận định thay cho một người rằng cuộc sống của họ có hạnh phúc hay không. Một người lao động nghèo tại Việt Nam có thể tìm thấy hạnh phúc trong 100.000 đồng thu nhập tăng thêm mỗi tuần; trong khi đó một tỷ phú đô-la tại Hoa Kỳ có thể sẽ không có cảm xúc với một triệu đô-la thu nhập tăng thêm của họ trong một ngày. 

Tuy nhiên, điều này cũng đồng nghĩa với việc hạnh phúc có thể được bất kỳ phe phái nào sử dụng để biện minh cho thành quả quản trị nhà nước của một quốc gia. Hạnh phúc trở thành một con dao hai lưỡi khó kiểm soát. Với bài viết này, người viết không muốn nó trở thành bãi chiến trường của việc định nghĩa hạnh phúc, nên buộc phải đi theo các chỉ số phổ biến trong các bảng xếp hạng thường thấy của The Happy Planet Index (do New Economics Foundation vận hành), hoặc nổi tiếng hơn là World Happiness Report (do tổ chức Sustainable Development Solution Network – UNSDSN – trực thuộc Liên Hợp Quốc thống kê và phổ biến). 

Dân chủ, mặt khác, là một khái niệm dường như đã được thống nhất từ rất lâu, nhưng bao giờ cũng trong tình trạng “bằng mặt không bằng lòng”. Những quốc gia châu Âu, đặc biệt như Thụy Sĩ và các quốc gia Bắc Âu, với lợi thế dân số thấp và đồng nhất sắc tộc, thường tự tin với khả năng thực thi các biện pháp dân chủ trực tiếp. Trong khi phần còn lại của thế giới chỉ có thể dựa vào nhiều biến thể khác nhau của dân chủ đại diện và hình thức chính thể cộng hòa. 

Tại các quốc gia châu Á, các nhà kỹ trị tài năng nhưng không kém phần độc đoán tiếp tục quảng bá như khái niệm dân chủ theo kiểu “con đường Châu Á”, nơi mà công dân có quyền muốn nói và làm gì cũng được, miễn là đừng đặt dấu hỏi về sự lãnh đạo “thiên thu” của các nhà kỹ trị. Chưa quốc gia nào trên thế giới này, kể cả những quốc gia còn duy trì chế độ quân sự tập quyền, tự nhận rằng mình không dân chủ cả. 

Vậy nên, khi nói về dân chủ trong bài viết này, người viết tham chiếu đến nền dân chủ cấp tiến truyền thống (traditional liberal democracy), nơi mà các quyền chính trị căn bản của cá nhân được tôn trọng, dựa trên một hệ thống tổ chức chính trị đa nguyên, và hiển nhiên là khả năng áp dụng dân chủ trực tiếp khi cần thiết. Nhìn chung, có thể hiểu dân chủ là mô hình chính trị nơi mà quyền lực nhà nước tối cao được xây dựng dựa trên nhân dân, và được thực thi bởi chính người dân – trực tiếp hay gián tiếp – thông qua cơ chế đại diện hình thành thông qua bầu cử tự do. 

Tiền có mua được hạnh phúc?

Thật ra, chỉ số “hạnh phúc” chỉ mới trở nên phổ biến gần vài thập niên trở lại đây, và chính thức có tiếng nói trong chính trị thế giới khi chính phủ Buhtan giới thiệu khái niệm Tổng Hạnh phúc Quốc dân (Gross National Happiness) để đối trọng với Tổng Thu nhập Nội địa (Gross Domestic Products – GDP) hay Tổng Thu nhập Quốc dân (Gross National Products – GNP). 

Thực tế, nhiều nghiên cứu khẳng định rằng mức độ giàu có và thịnh vượng không có ảnh hưởng quá nhiều đến hạnh phúc của một quốc gia. 

Ví dụ, trong nghiên cứu tổng hợp chi tiết và khá nổi tiếng của tờ The Economist, nhiều minh chứng cho thấy sự tăng trưởng và giàu có của một quốc gia gần như không gây ảnh hưởng mấy đến hạnh phúc của người dân quốc gia đó. Ngay từ năm 1974, nhà kinh tế học Richard Easterlin đã phân tích và nhận thấy từ giai đoạn 1946 đến 1970, không chỉ nền kinh tế Hoa Kỳ đã tăng trưởng mạnh mẽ, thu nhập bình quân của người dân Hoa Kỳ cũng tăng lên đến 65%, song sự thỏa mãn về đời sống cá nhân của người dân Hoa Kỳ (life satisfaction – tại thời điểm này chỉ số hạnh phúc vẫn chưa được đón nhận) chỉ dậm chân tại chỗ. 

Các nhà nghiên cứu thừa nhận các cuộc khủng hoảng kinh tế gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự hài lòng, hay hạnh phúc trong dân chúng, nhưng một nền kinh tế tăng trưởng đều đặn cũng không giúp ích gì được cho chỉ số hạnh phúc nói chung của các thành viên quốc gia ấy. 

Ảnh: The Economist.

Biểu đồ trên đây thể hiện chỉ số hạnh phúc của Trung Quốc và Ấn Độ (với màu xanh của Trung Quốc và màu đỏ của Ấn Độ, riêng màu xám là trung bình thế giới) nghiên cứu từ năm 2006 đến 2018. Trong thời điểm mà kinh tế của Trung Quốc lẫn Ấn Độ đều tăng trưởng một cách đều đặn, có thể nhận thấy chỉ số hạnh phúc của hai quốc gia gần như không phát triển ấn tượng như cách mà túi tiền của người dân nước họ được lấp đầy. Chỉ số hạnh phúc của người Ấn ngày càng tệ đi, người Trung Quốc vẫn chật vật để cảm thấy thỏa mãn với đời sống hiện đại trong tương quan với trung bình thế giới. 

Như vậy, xét theo các bằng chứng khoa học, tăng trưởng và sự thịnh vượng luôn có kết nối chặt chẽ với hạnh phúc, nhưng giàu có rõ ràng không là nhân tố duy nhất hay quan trọng nhất trong việc quyết định mức độ hạnh phúc của một con người. Không thể phủ nhận rằng các quốc gia hạnh phúc nhất thế giới theo danh sách của nhiều tổ chức xếp hạng, bao gồm Canada, Norway, Denmark và Iceland, đều có chỉ số kinh tế rất ấn tượng. Song cũng với nhiều ví dụ thực tiễn khác mà chúng ta đã tìm hiểu ở trên, rõ ràng tiền không phải là một biến đáng tin cậy để xem xét mức độ hạnh phúc của con người. Điều này cũng giúp chúng ta loại bỏ được lập luận “giàu thì hạnh phúc”, kể cả trong các thảo luận khoa học lẫn các cuộc tán gẫu thông thường. 

Giờ có lẽ là lúc chúng ta bàn đến mối liên hệ giữa dân chủ và hạnh phúc.

Dân chủ và hạnh phúc

Năm 2000, một trong những nghiên cứu đầu tiêu về dân chủ và hạnh phúc được hai nhà kinh tế học Bruno S. Frey và Alois Stutzer được công bố trên Journal of Happiness Studies (Tạp chí Nghiên cứu Hạnh phúc). Tập trung vào dân cư Thụy Sĩ với những khác biệt vùng miền nhất định liên quan đến hoạt động bầu cử và các quyết định dân chủ theo xu hướng dân chủ trực tiếp (với hơn 6.000 mẫu nghiên cứu), các nhà nghiên cứu đi đến một kết luận tự tin rằng hệ thống chính trị xây dựng dựa trên mô hình dân chủ trực tiếp càng tốt sẽ càng khiến cho người dân cảm thấy hạnh phúc hơn. 

Hai nhà khoa học ghi nhận, hạnh phúc không nằm ở việc kết quả sau cùng của cuộc bầu cử hoặc trưng cầu dân ý có đúng ý hay có lợi cho người đi bầu hay không. Dù lựa chọn của những người này có chiến thắng hay không trong các cuộc bầu cử – trưng cầu dân ý, họ luôn cảm thấy hạnh phúc hơn nhờ vào cảm giác tham gia vào tiến trình dân chủ, có thể lý giải phần nào nhờ vào cảm giác đóng góp và làm chủ đời sống chính trị trước tiên của chính bản thân mình, và sau đó là cộng đồng. Bản thân người viết cũng nghĩ rằng việc tham gia vào các hoạt động chính trị dân chủ sẽ giúp bạn cảm thấy hạnh phúc hơn vì những khác biệt, bất đồng, hay thậm chí là những ức chế, tức giận chính trị có thể được giải tỏa thông qua việc tham gia các hoạt động chính trị. Hoặc bạn giành chiến thắng, hoặc bạn thừa nhận rằng quan điểm chính trị của mình hiện không được đại đa số người dân chấp nhận. 

Hiển nhiên, sẽ có bạn đọc không hài lòng với cách tiếp cận và chọn mẫu của nghiên cứu nói trên. Thụy Sĩ luôn được xem là một trong những quốc gia đáng sống và hạnh phúc nhất trên thế giới, vậy nên có thể mối liên hệ giữa dân chủ và hạnh phúc chỉ hạn chế trong khu vực địa lý này thôi không? 

Người Thụy Sĩ đi bỏ phiếu tại thành phố Bern năm 2016. Ảnh: VOA News.

Giáo sư Robert Inglehart thuộc Đại học Michigan cũng đồng ý với lo ngại trên. Để tìm ra mối liên hệ thật sự giữa dân chủ và hạnh phúc, ông thực hiện một nghiên cứu phổ quát hơn, cả về mặt không gian lẫn thời gian. Trong quyển sách có tầm ảnh hưởng về nghiên cứu dân chủ mang tên Democracy and Happiness: What Causes What, Giáo sư Inglehart sử dụng thang điểm về dân chủ của tổ chức Freedom House, từ đó phân tích và kiểm tra mối liên hệ giữa những quốc gia có chỉ số dân chủ cao với mức độ hạnh phúc của người dân tại quốc gia đó. Ông khẳng định là tìm ra được mối liên hệ tương quan (thậm chí là nhân quả) rất mạnh mẽ giữa tự do dân sự của công dân và hạnh phúc của họ. Trong đó, “tự do dân sự” (civil liberties) được ông định nghĩa là “tự do khỏi những can thiệp bừa bãi của chính phủ”, được pháp luật bảo vệ, gồm những quyền tự do như tự do ngôn luận, tự do tôn giáo và tự do hội họp. 
Sự tương quan tuyệt đối này, đáng tiếc thay, chỉ duy trì trong vài thập niên. Giáo sư Inglehart quan sát thấy nó bắt đầu suy yếu ngay đầu thập niên 1990, khi Liên Xô sụp đổ, phần lớn Đông Âu, châu Phi và châu Á chuyển tiếp thành những nền cộng hòa dân chủ hoặc những kiểu cộng hòa hỗn hợp khác. Vị giáo sư không lý giải hiện tượng này trong công trình nghiên cứu nói trên, nhưng ông đưa ra lý giải của mình trong một tác phẩm khác  – Developing Freedom and Rising Happiness: A Global Perspective – cho rằng sự suy giảm nghiêm trọng giữa khả năng tạo ra hạnh phúc của dân chủ là do có một lượng lớn các quốc gia mới vừa trải nghiệm dân chủ vẫn còn phải loay hoay tìm ra một mô hình dân chủ phù hợp với quốc gia mình, trong khi công việc và sự ổn định kinh tế – chính trị của người dân không còn được nhà nước bảo đảm (dù kết quả của việc bao cấp này rất tệ) và vẫn có một lượng lớn dân số còn cảm tình với các chế độ độc tài cũ (mà trong thời điểm này thường là các chính thể cộng sản). Song ông tin rằng, chỉ cần các quốc gia và dân chúng duy trì xây dựng một nền dân chủ phù hợp, và nền tảng dân chủ trở nên vững chắc, mối liên hệ giữa dân chủ và hạnh phúc chắc chắn sẽ trở lại chiều hướng thuận mạnh mẽ như ban đầu. 
Nhiều nhà nghiên cứu khác cũng đồng tình với khả năng tạo ra hạnh phúc cá nhân của các nền dân chủ, song với một số đề xuất cải thiện. Trong một số nghiên cứu như Electing Happiness: Does Happiness Affect Voting and do Elections Affect Happiness của nhóm nghiên cứu trường Đại học York (Anh), các tác giả nhắc nhở rằng dân chủ một cách hời hợt, chỉ thông qua bầu cử một lần dành cho các chức danh đại diện không thôi sẽ rất khó có ảnh hưởng tích cực lên hạnh phúc của người dân. Số liệu nghiên cứu của họ cho thấy chỉ số hài lòng với cuộc sống của người dân tại Anh giảm trở lại con số ban đầu chỉ vài tháng sau bầu cử, với lý giải ngầm rằng sau khi đã thực hiện quyền bầu cử của mình, một số người dân có cảm giác họ không thể kiểm soát và đưa ra các quyết định chính trị quan trọng gây ảnh hưởng lên các chính trị gia nữa. Các nhà nghiên cứu kêu gọi việc thực hiện hoạt động dân chủ cần phải đi kèm với các công cụ đối thoại, ra quyết định và tham vấn khác để bảo đảm sự tham gia tích cực của dân chúng đối với hầu hết các quyết định chính trị quan trọng của địa phương hay trung ương, từ đó bảo đảm chỉ số hài lòng và sự hạnh phúc của người dân. 
Việt Nam: Bài toán khó của tự do kinh tế, FDI và văn hóa? 
Với khẳng định rằng dân chủ và các hoạt động chính trị dân chủ là một biến cực kỳ quan trọng trong việc xây dựng nên một môi trường hạnh phúc cho người dân, chúng ta sẽ nên bắt đầu thế nào với vấn đề “hạnh phúc” tại Việt Nam?
Vị trí thật sự của Việt Nam về chỉ số hạnh phúc là một dấu hỏi lớn. 
Năm 2019, chúng ta được xếp hạng 94 trên tổng số 156 quốc gia được xếp hạng theo chỉ số hạnh phúc của Liên Hợp quốc (UNSDSN). Trong đó, Việt Nam thậm chí được xếp đến thứ hạng 23 của thế giới về quyền tự do đưa ra các quyết định đời sống cá nhân (Freedom to Make Life Choice) và hạng 49 thế giới về tuổi thọ trung bình (Life expectancy). 
Ba năm trước đó, 2016, Việt Nam được Happy Planet Index đánh giá là một trong năm quốc gia hạnh phúc nhất thế giới, trên số mẫu 140 quốc gia xếp hạng. Một trong những lý giải cơ bản của thứ hạng cao chót vót này là do Dấu chân Sinh thái (Ecological footprint) của người Việt Nam còn khá thấp. Với tư cách là một quốc gia đang phát triển với nhu cầu ăn uống và năng lượng ở mức độ trung bình, người Việt Nam không tiêu thụ nhiều tài nguyên tự nhiên để tồn tại như các quốc gia khác. Tuy nhiên, thứ hạng rất cao này rõ ràng cho thấy các thông tin thu thập được về cảm xúc và sự thỏa mãn đời sống của người dân tại Việt Nam là rất đáng nể. 
Gần đây, thậm chí một nhà sáng tạo nội dung chuyên nghiệp có tiếng tăm trên Facebook thường được biết đến với cái tên Nas Daily, đăng tải một video với tiêu đề How happy is Vietnam, tiếp tục nhấn mạnh đến khía cạnh hạnh phúc của người dân Việt Nam với những khẳng định chắc nịch. Còn cách đây vài tháng, báo Nhân Dân bản tiếng Anh khẳng định Việt Nam là “Cảm hứng của Hạnh phúc” (Inspiration for Happiness), nơi mà người nước ngoài có thể đến sống, làm việc, và đều cảm nhận được không khí vui tươi và hạnh phúc mà xã hội Việt Nam mang lại. 

Người Việt Nam có thực sự hạnh phúc như người nước ngoài hình dung? Ảnh: thehappykid.blog.

Song nếu cân nhắc lại những chỉ số về dân chủ và tự do của Việt Nam, có thể thấy dường như dân chủ và hạnh phúc ở dải đất hình chữ S này không có liên quan gì đến nhau. 
Theo đánh giá của Freedom House, chúng ta chỉ có điểm số 20/100, tức thuộc nhóm những quốc gia “máu mặt” nhất trong phi dân chủ. Họ cũng ghi nhận rõ điểm của một số hoạt động cụ thể, với một số con điểm như 0/12 trong tiến trình chính trị (electoral process – tức nói quá trình bầu cử và lựa chọn lãnh đạo quốc gia hoàn toàn không thuộc quyền kiểm soát của người dân), hay con điểm 1/14 đối với quyền tự do hội, nhóm và tự do biểu đạt. Còn nói đến tham nhũng và tự do báo chí, Việt Nam được nhắc đến như một “hung thần” ở cuối bảng xếp hạng. 
Vậy chắc chắn có điều gì đó không hợp lý ở đây. 
Hoặc là những nghiên cứu về dân chủ và hạnh phúc mà chúng ta bàn đến ở trên đều là sai lầm. 
Hoặc các đánh giá về mức độ hạnh phúc của người dân Việt Nam là sai lầm, là nói quá. 
Người viết không nghĩ rằng cả hai cách giải thích trên là hoàn toàn chính xác. 
Hiển nhiên, nhiều tác giả đã chỉ ra rằng Việt Nam không hạnh phúc như nhiều người nước ngoài sinh sống tại đây tưởng tượng ra (một phần vì thu nhập của người nước ngoài cao trong khi chi phí sinh sống tại Việt Nam quá thấp so với mặt bằng chung thế giới). Tác giả William Taylor, một chuyên gia về Việt Nam – Trung Quốc từng làm việc cho The Asia Foundation thì chỉ ra rằng các doanh nghiệp tại Việt Nam vẫn đang tiếp tục… phá sản, với thời kỳ đỉnh cao là 100.000 doanh nghiệp mỗi năm (2012 – 2013) và trong năm 2019, con số này cũng phải lên đến gần 62.000 doanh nghiệp. Điều này dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp của người lao động Việt Nam rất cao, với một số lượng lớn trở thành lao động tự do, buôn bán nhỏ, buôn bán rong và thậm chí là chạy grab. Việt Nam đồng thời cũng tiếp tục là một trong 10 quốc gia xếp chót bảng xếp hạng về chất lượng môi trường và không khí. Ngay từ những năm 2012, William Taylor ghi nhận với 70% dân số Việt Nam vẫn còn sinh sống tại nông thôn, những nghiên cứu về khu vực này cho thấy có tới 48%  dân số tại đây nói rằng họ không hài lòng và hạnh phúc với tình trạng đời sống hiện tại. Taylor từ đó nhận xét, có lẽ người Việt Nam hạnh phúc, nhưng họ không lạc quan và vui vẻ như chúng ta tưởng tượng. 
Mặt khác, có lẽ cũng nên bổ sung thêm lập luận về vấn đề tự do kinh tế và văn hóa của người Việt Nam. 
Dù tự nhận mình là một quốc gia xã hội chủ nghĩa đang tiến bước lên chủ nghĩa cộng sản, nền kinh tế Việt Nam đã được tự do hóa đến mức không thể nhận ra bất kỳ đặc trưng gì của một nền kinh tế xã hội chủ nghĩa theo đúng với chuẩn mực kinh tế mà Liên Xô xây dựng. Không còn chỉ tiêu kinh tế tập trung, không còn việc làm do nhà nước cung cấp, không còn hệ thống an sinh xã hội sử dụng ngân sách và nguồn lực nhà nước, người Việt Nam đã tự lực cánh sinh suốt 30 năm kể từ khi Đổi Mới. Điều này khiến cho báo chí và người Việt Nam không quá bất ngờ, trong khi báo chí quốc tế vô cùng ngạc nhiên khi vào năm 2014, Pew Research Center công bố có đến 95% người Việt Nam ủng hộ và nghĩ rằng chủ nghĩa tư bản là tốt cho họ. Điều này, phần nào thể hiện sự thất bại của nhà nước Việt Nam trong công tác tuyên truyền chính trị, nhưng có lẽ nó cũng tạo nên một ảo tưởng nhất định giữa đại đa số các công dân Việt Nam rằng họ có thể nắm quyền tự do kinh tế, quyền quyết định các vấn đề đời sống của bản thân, mà không cần thiết phải quan tâm đến quyền tự do và lựa chọn chính trị
Cùng lúc đó, với một lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) dồi dào tiếp tục đổ vào Việt Nam, niềm tin này chắc chắn sẽ còn được bảo toàn, ít nhất là một vài năm tới; từ đó đóng góp vào sự lạc quan nói chung của người dân Việt Nam về trải nghiệm hạnh phúc của họ. 
Nói cách khác, dù các chỉ số tự do – dân chủ của Việt Nam còn rất thấp, nhưng vấn đề là người dân đang được cởi trói, ít nhất là về kinh tế. Việc được cởi trói, dù ở mức độ nào, vẫn rất có ý nghĩa khi nỗi ám ảnh của họ về tình trạng chiến tranh, nghèo đói, bệnh tật và nền kinh tế bao cấp vẫn còn rất nặng nề. 
Không chỉ vậy, từ cái nhìn cá nhân của người viết, những yếu tố văn hóa – kinh tế về đời sống tinh thần và sự liên kết của gia đình Việt Nam sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong cách nhìn của người dân Việt Nam về hạnh phúc và dân chủ. Các yếu tố nên được cân nhắc bao gồm thói quen chia sẻ gánh nặng kinh tế giữa các thành viên trong gia đình, việc nhiều lao động không có tuổi hưu, hay phong cách việc làm có phần thiếu tổ chức, nơi mà một người chỉ bị xem là “thất nghiệp” khi ngồi một chỗ và không thể kiếm ra tiền. 

-------------------
Người viết đồng tình với nhận định khoa học cho rằng dân chủ có thể làm nên hạnh phúc. Dân chủ có nhiều trạng thái và có nhiều mô hình, nhưng đến cuối cùng một mô hình dân chủ vận hành tốt chắc chắn sẽ giúp người dân của quốc gia đó hạnh phúc hơn. Tham gia vào một nền chính trị dân chủ không chỉ giúp người dân đóng góp vào việc hình thành nên những chính sách có lợi cho bản thân và cộng đồng, mà còn giúp cho bản thân các cá nhân đó có cảm giác hoàn thiện bản thân mình với quyền lực kiểm soát đời sống chính trị và đời sống kinh tế. 
Hiển nhiên, dân chủ không thể và sẽ không phải là biến duy nhất để đo đạc hạnh phúc, nhưng người viết tin rằng dân chủ, nếu được tổ chức một cách phù hợp, sẽ là một biến quyết định để duy trì chỉ số hạnh phúc của người dân. Nếu một quốc gia được xem là hạnh phúc, nhưng không dân chủ, điều này phần nào cho thấy những uất ức, những bất công, những xung đột chính trị đang bị kìm nén ở đâu đó trong xã hội, và người dân đang phải tìm kiếm sự khuây khỏa trong những niềm vui ngắn hạn khác nhau. Cho đến khi những con số kinh tế không còn “thần kỳ” (một tương lai chắc chắn sẽ đến), cho đến khi sự thỏa mãn về “tự do kinh tế” bị bão hòa, cảm giác bất lực chính trị và bất an cá nhân sẽ trở lại và ám ảnh đời sống chính trị Việt Nam. Thứ hạnh phúc mà người Việt Nam tự cho rằng mình đang sở hữu, có chăng là thứ hạnh phúc vay mượn của chính mình trong tương lai mà thôi. 




1 comment:

CROWN TRUST FINANCIAL LOAN FIRM !!! said...

Chúng tôi hiện đang cung cấp chương trình cho vay DỄ DÀNG và NHANH CHÓNG với lãi suất thấp 2% với thẻ ID hợp lệ và phù hợp để xác minh.
Bạn có thể gửi đơn xin vay của bạn cho bất kỳ số tiền vay cần thiết.
Chúng tôi cung cấp các khoản vay từ $ 5.000,00 USD Tối thiểu. $ 100.000,00 USD Tối đa.
Chúng tôi có tín dụng dài hạn tối đa từ năm (5) đến năm mươi (50) năm.
Chúng tôi cung cấp các loại khoản vay sau: vay dự án, vay tái cấp vốn, vay đầu tư thương mại, vay mua ô tô hoặc xe, vay sinh viên, hợp nhất nợ,
cho vay mua nhà, cho vay cá nhân, cho vay du lịch và nghỉ mát, Giáng sinh và các khoản vay năm mới.
Công ty chúng tôi cũng cần một người có thể là đại diện của công ty chúng tôi ở nước bạn.
Liên hệ với văn phòng của CÔNG TY CHO VAY TÀI CHÍNH CROWN TRUST qua email: crowntrustfinancialloanfirm@gmail.com
Gửi yêu cầu trả lời ngay lập tức của bạn đến: crowntrustfinancialloanfirm@gmail.com

Cảm ơn bạn đã bảo trợ của bạn!
Thành công của bạn bắt đầu với chúng tôi: JEFFEREY FRANK!
GIÁM ĐỐC CROWN TRUST VAY TÀI CHÍNH!
Email: crowntrustfinancialloanfirm@gmail.com