Mai Vân - RFI / ĐIỂM
BÁO
Đăng
ngày: 21/12/2019 - 15:39
Nhân dịp cuối năm, các tạp chí có thông
lệ ra số đặc biệt, tập trung trên các chủ đề phi thời sự hay tổng
kết năm cũ, dự báo năm mới. Đây là trường hợp của Le Point, L’Obs và
The Economist, đều đã ra số kép, trong lúc Courrier International thì
nhập ba số làm một.
Trong lúc L’Obs
nhìn về tương lai, phác họa chân dung của những nhân vật sẽ làm nên
năm 2020, Le Point đã lùi sâu về quá khứ, nêu bật những điều chưa được
biết đến về nguồn gốc loài người.
The Economist như
thường lệ đã ra số kép cuối năm với những bài “đặc biệt
Giáng Sinh” nhưng không liên quan gì nhiều đến ngày lễ cuối năm
này, còn Courrier International thì chú ý đến quan hệ tương thông giữa
cây cối với con người.
Riêng tuần báo
Pháp L’Express vẫn ra số đơn bình thường, nhưng dành hồ sơ đặc biệt 30
trang cho người Anh và đất nước Anh.
The
Economist và danh hiệu “Quốc Gia tiêu biểu trong năm”
Nhân dịp cuối
năm, điều được độc giả The Economist trông đợi nhất là tuần báo Anh
sẽ bình chọn nước nào làm quốc gia nổi bật trong năm sắp kết thúc,
danh hiệu được tờ báo gọi là “Country of the Year”. Trong một bài xã luận với
tựa đề: “Quốc gia nào tiến bộ nhất trong năm 2019”, The
Economist đã đưa ra câu trả lời khá bất ngờ: đó là Uzbekistan,
một nước Trung Á thuộc Liên Xô trước đây, chỉ mới tuyên bố độc lập
vào năm 1991.
Về toàn cảnh
thế giới năm 2019, The Economist ghi nhận một xu hướng đáng ngại: Đó
là chủ nghĩa dân tộc hiếu chiến. Ấn Độ thì tước bỏ quyền của cư dân Hồi
Giáo, Trung Quốc thì nhốt người Hồi Giáo trong các trại, Mỹ thì đánh mạnh
vào các tổ chức toàn cầu.
Á quân
1: New Zealand
Trong toàn cảnh
đó, tạp chí Anh cho rằng thật là nhẹ nhõm khi thấy rằng vẫn có một số
quốc gia đi theo hướng khác. New Zealand chẳng hạn, đáng được trân trọng
nhờ phản ứng trước một vụ thảm sát tại một đền thờ Hồi Giáo mà thủ phạm
là một người dân tộc chủ nghĩa da trắng. Bà thủ tướng New Zealand Jacinda
Ardern sau đó đã đội khăn trùm đầu và tuyên bố rằng một cuộc tấn công vào người
Hồi Giáo là tấn công vào tất cả người dân New Zealand. Chính phủ của bà đã ra
lệnh cấm các loại vũ khí bán tự động và mua lại hàng ngàn khẩu súng lưu
hành trong dân chúng.
Á quân
2: Bắc Macedonia
Ấn tượng hơn nữa,
theo The Economist, là nước Bắc Macedonia, đã đổi tên nước để thúc đẩy hòa
bình với nước láng giềng Hy Lạp, vốn đã cực lực phản đối tên Macedonia đơn
thuần. Việc các nhà lập pháp Macedonia nhún nhường thông qua việc đổi
tên đất nước của họ đã góp phần cải thiện quan hệ với Hy Lạp, xóa bỏ
được một nguyên nhân gây bất hòa tại một khu vực rất dễ bùng nổ.
Chỉ tiếc là
nước Pháp, quốc gia được The Economist bình chọn thành nước tiêu biểu
của năm 2017, lại đang ngăn chặn đường vào Liên Hiệp Châu Âu của Bắc
Macedonia vì “sợ rằng việc đón thêm một quốc gia Balkan vào Liên Âu sẽ
làm phiền cử tri Pháp”.
Á quân
3: Sudan
Đối với tạp chí
Anh, có một nước khác cũng đáng được vinh danh là quốc gia tiêu biểu
của năm 2019 trong việc xóa bỏ chế độ độc tài. Đó là trường hợp
của Sudan, nơi mà các cuộc biểu tình rầm rộ đã buộc tổng thống Omar
al-Bashir, một trong những bạo chúa tàn bạo nhất thế giới phải ra đi. Chế độ Hồi
Giáo của Bashir đã sát hại và nô lệ hóa nhiều người châu Phi da đen đến nỗi
mà một phần ba đất nước đã ly khai để thành lập nước Nam Sudan vào năm 2011.
Ông Bashir đã bị
một tòa án Sudan kết án về tội tham nhũng ngày 14/12 vừa qua, nhưng dường
như không thể bị dẫn độ để trả lời về việc giám sát cuộc diệt chủng ở
vùng Darfur. Một chính phủ hòa giải đã lên nắm quyền và tuyên bố sẽ tổ
chức bầu cử trong vòng ba năm tới đây, đã có một số cải cách tích
cực. Tuy nhiên, vẫn còn nguy cơ là những phần tử côn đồ của chế độ cũ có
thể phá hoại tiến trình cải cách dân chủ ở Sudan.
Quốc
gia tiêu biểu nhất: Uzbekistan
So với 3 nước
trên, Uzbekistan có phần trội hơn. Ba năm trước đây, nước này còn là một
chế độ độc tài hậu Xô Viết lỗi thời, một xã hội khép kín do một guồng máy
đặc biệt tàn bạo và bất tài điều hành. Thế nhưng, từ hơn một năm nay,
tình hình đã được cải thiện rõ nét.
Chế độ Uzbekistan bị
cáo buộc là đã hành hạ dã man những người bất đồng chính kiến và chắc
chắn là đã cưỡng bức cả quân đoàn đàn ông, phụ nữ và trẻ em ra lao động
trên các cánh đồng bông vải vào thời điểm thu hoạch.
Khi nhà độc tài
Islam Karimov, cầm quyền trong suốt 27 năm, qua đời vào năm 2016, người lên
thay là thủ tướng Shavkat Mirziyoyev. Lúc đầu, có rất ít thay đổi, nhưng từ
khi loại bỏ được người đứng đầu các lực lượng an ninh vào năm 2018, ông
Mirziyoyev bắt đầu tăng tốc độ cải cách. Chính phủ của ông đã xóa bỏ phần lớn
tình trạng cưỡng bức lao động, trại tù khét tiếng nhất của nước này đã bị
đóng cửa, các nhà báo nước ngoài được phép vào Uzbekistan.
Các quan chức bị cấm
sách nhiễu các các doanh nghiệp nhỏ, điều mà họ đã làm liên tục trước
đây, để đòi hối lộ. Nhiều cửa khẩu biên giới đã được mở ra, giúp cho các gia
đình bị chia cắt bởi các đường biên giới điên rồ của vùng Trung Á được
đoàn tụ với nhau. Các nhà kỹ trị nước ngoài đã được mời đến để giúp cải
tổ kinh tế trên quy mô lớn.
Uzbekistan sẽ tổ chức
các cuộc bầu cử quốc hội trước năm mới. Mặc dù còn khác xa một nền dân chủ - tất
cả các đảng đều ủng hộ ông Mirziyoyev và một số nhà đối lập vẫn còn ở
trong tù - thế nhưng, nhiều ứng cử viên đã có thể chỉ trích chính phủ
một cách nhẹ nhàng, điều mà trước đây không thể tưởng tượng được.
Người dân bình thường
cũng vậy, cảm thấy được tự do hơn khi phàn nàn về chiến dịch tranh cử hay
tầng lớp chính trị, mà không sợ bị an ninh đến nhà bắt đi vào giữa đêm.
The Economist kết
luận: Uzbekistan vẫn còn một chặng đường dài để đi, nhưng không có quốc gia
nào tiến xa hơn nước này vào năm 2019.
*
Courrier
International: Cây cối cũng có “trí thông minh”
Như nói ở trên, tạp
chí Pháp Courrier International đã đặt trọng tâm trên vấn đề môi trường
trong số báo cuối năm, với tựa lớn trang bìa “Điều mà cây cối
có thể nói với chúng ta”, giới thiệu một hồ sơ 12 trang, cho thấy
rằng cây cối cũng biết “liên lạc” với nhau, giúp con
người chữa bệnh, là tài sản chung của nhân loại.
Tạp chí giải thích
sự chọn lựa chủ đề về môi trường này: “Những vụ cháy rừng kinh hồn năm
nay ở Amazonia, rồi ở California, Bolivia, Úc… đã nhắc nhở chúng ta rằng rừng
là tài sản chung mà chúng ta rất gắn bó. Chúng tôi muốn dành hồ sơ đặc biệt này
trong số cuối năm để nói về sự gắn bó này đối với rừng, với cây cối, hơn là nói
về vấn đề phá rừng và hậu quả môi trường đã từng nhiều lần nói đến”.
Tạp chí Courrier
International xem hồ sơ đặc biệt này là hành động bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với
tính “khôn ngoan của cây cối”, như lời của nhà văn người Peru Jaime
Bayly. Ông đã nhận thấy những loài cây như “cây minh quyết, cây sồi hay
cây đậu tán, những loại cây trăm tuổi đã nhìn thấy người ta qua lại, thấy người
ta thay đổi, giận nhau, gây nhau, hòa với nhau, thấy người ta chết đi. Ngược lại
thì chúng không chết, không mệt, không suy sụp. Chúng dường như bất tử”.
Dường như nước nào
cũng có một loại cây thiêng liêng của mình. Courrier International trích nhật
báo Indonesia Kompas, nói đến cây “chọc trời hariara”, mà người dân
Indonesia gọi là “cây của linh hồn”.
Tạp chí cũng trích
lời những nhân chứng mà cây cối đã giúp chữa được những chấn thương, như một cựu
chiến binh Mỹ ở Afghanistan đã kể lại trên tờ The New Republic.
Nhưng lý thú nhất
trong hồ sơ này là những công trình khoa học gần đây, như của bà Suzanne
Simard, người Canada, mà Courrier International cho là đã thay đổi cái nhìn của
chúng ta về cây cối, khi cho thấy thế giới thực vật cũng có trí thông minh.
Trong bài phỏng vấn,
nhà khoa học mà trang mạng nautil.us đã thực hiện và tạp chí đã đăng lại, bà
Simard đã giải thích cách thức cây cối trao đổi với nhau. Theo bà, “bằng
chứng tốt nhất mà chúng tôi có được về ý thức ở cây cối là nhận thức về liên hệ
gia đình. Những cây già nhìn những cây non sinh ra từ hạt giống của họ”.
Courrier
International còn trích dẫn báo cáo của giới khoa học Anh Quốc, cũng trong xu
hướng nghiên cứu của bà Simard và đã thắc mắc, trên báo The Times, về xu hướng
chính trị trong trao đổi giữa các cây với nhau trong cái mà họ gọi là “Internet
của rừng”: Rốt cuộc cây cối theo cánh tả hay cánh hữu ?
*
Le
Point: Những điều chưa được biết về thủy tổ loài người
Trong số cuối cùng
năm 2019, một số đôi dày cả 236 trang, Le Point trở lại với nguồn gốc con người,
và dành gần 100 trang - chính xác là 95 trang - để nói về “Lịch sử mới
của con người” và khẳng định trên trang bìa: “Cha ông chúng ta
chưa nói hết cho chúng ta”.
Le Point dựa trên
những khám phá mới và giải thích của những nhà khảo cổ nổi tiếng mà tạp chí đã
mời, để điều chỉnh lại những gì đã được viết và biết về lịch sử loài người.
Một ví dụ: khám phá
mới đây về một hang động có tranh vẽ trên vách ở đảo Sulawesi, Indonesia. Tranh
ước tính được vẽ cách đây 44.000 năm, đẩy lùi đến 10.000 năm thời kỳ con người
biết vẽ trên vách được ghi nhận.
Tạp chí L’Obs trên
trang bìa chú ý đến: “Những người sẽ làm nên 2020”, tựa đập mắt với
một loạt tên, từ nữ diễn viên Pháp Blanche Gardin - chiếm ảnh trang bìa - cho đến
các chính khách: tổng thống Mỹ Donald Trump, cựu tổng thống Pháp François
Hollande, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen, hay là huấn luyện viên
đội tuyển bóng đá Pháp Didier Deschamps…
2020 và thập niên
20, đã làm cho tạp chí Pháp nhớ lại thế kỷ trước đây và nêu câu hỏi là phải
chăng những Năm Điên Cuồng - Les Années Folles - những năm mà phụ nữ đấu tranh
cho bình quyền, phụ nữ Mỹ và Anh, đã giành quyền được bỏ phiếu và không ngần ngại
đốt phá cơ sở chính quyền hay đặt bom để đòi quyền bình đẳng, sẽ trở lại và người
ta sẽ thấy một nửa nhân loại lại có một bước nhảy vọt mới? Phong trào tố cáo nạn
bạo hành đối với phụ nữ trên thế giới hiện nay, theo tạp chí, có lẽ là giai đoạn
đầu của sự chuyển biến đã bị gác lại quá lâu.
Đó là trên bình diện
xã hội. Còn trong địa hạt chính trị, năm 2020 đánh dấu một khúc quanh cho cường
quốc hàng đầu thế giới là Hoa Kỳ, với câu hỏi: Liệu Donald Trump nóng nẩy có được
bầu trở lại hay không?
L’Obs trích nhận định
của cựu tổng thống Pháp François Hollande, cho là “Điều sẽ được quyết định
là hòa bình trên thế giới, tương lai của hành tinh và cả của nền dân chủ”.
L’Obs không quên những người chống ông Trump và ứng viên Joe Biden.
Không chỉ ở Mỹ,
L’Obs nhìn sang Châu Âu cũng cho là 2020 là năm thử thách to lớn đối với ê kíp
lãnh đạo Liên Hiệp Châu Âu.
*
L’Express
và đất nước và con người Anh
Nói đến sân khấu
chính trị 2020, không thể quên Anh Quốc, trên nguyên tắc, sẽ chính thức rời
Liên Âu, tạp chí L’Express đã dành trang bìa và khoảng 30 trang trong, giới thiệu
vương quốc này từ thủ tướng, nữ hoàng, cho đến các vùng Scotland, Bắc Ireland…
Riêng về cá nhân thủ
tướng Anh Boris Johnson, L’Express chú ý trước tiên đến tính cách ưa tự chế giễu
mình, và đây là sức mạnh của chính khách Johnson, rất giỏi thu hút những kẻ
thích đùa ủng hộ ông.
Chính vì cá tính
này mà nhiều người hay cho rằng ông Johnson là một tay hề. Nhưng tạp chí Le
Point - vốn đã dành 6 trang cho nhân vật này - ngược lại đã nhận ra một người “bảo
thủ có xu hướng xã hội, rất gắn bó với nhà nước phúc lợi xã hội, với tính chất
đa văn hóa và với nhập cư”.
No comments:
Post a Comment