Tháng 3, 2019
Một
hai năm trở lại đây, nói đến di tích lịch sử chiến thắng Bạch Đằng, nhiều người
nghĩ đó là “khu di tích chiến thắng Bạch Đằng Giang" ở thị trấn Minh Đức,
huyện Thuỷ Nguyên (Hải Phòng). Thậm chí, check in “khu di tích chiến thắng Bạch
Đằng” trên Facebook, kết quả tìm kiếm đều chỉ đến địa điểm trên. Trong khi đó,
tại thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh), “Di tích lịch sử Bạch Đằng”- di tích gốc được
xếp hạng Khu di tích Quốc gia đặc biệt năm 2012 thì như dần bị… “lấn át",
hiểu chưa đúng vị trí, vai trò, giá trị.
Bạch Đằng là Bạch Đằng nào?
Ngày 28/4/1962, Bộ trưởng Bộ Văn hoá Nước Việt Nam
Dân chủ cộng hoà Hoàng Minh Giám ký Quyết định số 313-VH/VP “về việc xếp hạng
những di tích, danh thắng toàn miền Bắc’. Có 62 di tích, danh thắng được xếp hạng
quốc gia trong đợt đầu tiên này. Trong đó, khu Hồng Quảng có 2 di tích là Vịnh
Hạ Long và khu đền và lăng mộ các vua Trần ở An Sinh (Đông Triều). TP Hải Phòng
có 2 di tích, danh thắng được xếp hạng, trong đó có “khu vực núi đá Tràng
Kênh”, thuộc xã Minh Đức, huyện Thuỷ Nguyên.
“Khu vực núi đá Tràng Kênh” được biết đến là nơi có
di tích khảo cổ học Tràng Kênh thuộc cuối đồ đá, sơ kỳ đồ đồng; có cảnh quan
núi đá vôi sơn thuỷ hữu tình.
Quảng trường Chiến thắng và tượng đài Ngô Quyền, Lê
Đại Hành, Trần Hưng Đạo tại Tràng Kênh xây dựng năm 2017. Ảnh: FB Di tích Bạch Đằng Giang
Năm 2008, từ công đức của những cán bộ, công nhân
Nhà máy Xi măng Hải Phòng và các nhà hảo tâm, linh từ Tràng Kênh thờ Trần Hưng
Đạo được xây dựng. Năm 2009, thêm đền Tràng Kênh vọng đế thờ vua Lê Đại Hành, đền
Bạch Đằng Giang thờ Ngô Quyền, rồi lần lượt là đền Mẫu, chùa Trúc Lâm Tràng
Kênh (mô phỏng chùa Đồng Yên Tử), đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, khu nhà bảo
tàng... mọc lên. Năm 2017, Quảng trường Chiến thắng được xây dựng với 3 pho tượng
Ngô Quyền, Lê Đại Hành, Trần Hưng Đạo bằng đồng cao 11m, bên cạnh, dưới sông là
bãi cọc gồm 180 cọc bịt sắt mô phỏng trận địa cọc xưa…
Mô phỏng bãi cọc tại Tràng Kênh cắm thẳng đứng,
không giống như các bãi cọc Yên Giang, Vạn Muối và đồng Má Ngựa ở Quảng Yên. Ảnh: FB Di tích Bạch Đằng Giang
Theo Ban Quản lý khu di tích này, các ngày lễ tiết
trong năm tổ chức tại đây gồm có ngày 6 tháng giêng là khai hội; 14 và 15 tháng
giêng là khai ấn Đức Thánh Trần và cầu quốc thái, dân an; 18 tháng giêng là giỗ
Ngô Quyền; 8/3 âm lịch giỗ vua Lê Đại Hành và giỗ trận Bạch Đằng; 15/4 âm lịch
là đại lễ Phật đản; 21/7 là giỗ Chủ tịch Hồ Chí
Minh; 20/8 là giỗ Đức Thánh Trần.
Như vậy, có thể thấy, các công trình kiến trúc tâm
linh ở Tràng Kênh đều là được xây mới hoàn toàn trong khoảng 11 năm trở lại
đây. Tam quan và nhiều nơi tại đây đều thể hiện dòng chữ “Di tích Bạch Đằng
Giang”.
Sơ đồ hình thái bao vây và bố trí bãi cọc trên sông
Bạch Đằng 1288 trong cuốn Đại cương lịch
sử Việt Nam, trang 245 (cũng như nhiều tư liệu, sách lịch sử) cho thấy
Tràng Kênh chỉ là nơi quân nhà Trần bố trí phục binh.
Theo Đại cương Lịch sử Việt Nam (Trương Hữu
Quýnh chủ biên – NXB Giáo dục 2004, tập 1), các cuốn sử của các triều đại Việt
Nam như Đại Việt Sử ký toàn thư, Đại Nam Nhất thống chí, An Nam chí lược và
Nguyên sử (nhà Minh, Trung Quốc biên soạn năm 1370) thì trong trận chiến Bạch Đằng
năm 1288, phía Tràng Kênh chỉ là nơi quân nhà Trần phục binh trên núi, trong
các áng, lạch sông. Khi quân Nguyên rối loạn tìm đường chạy ra biển thì các
cánh quân từ các áng núi ở Tràng Kênh lao ra đánh hất địch không cho chúng chạy
lên núi, đồng thời, dồn thuyền địch vào trận địa cọc ở phía hạ lưu, cửa sông
Chanh, sông Kênh, sông Rút.
Những ghi chép này là có cơ sở bởi thực tế địa hình
ven sông Bạch Đằng về phía Tràng Kênh là chân núi đá vôi, hoàn toàn không thể cắm,
bố trí được bãi cọc. Đã có 3 cuộc hội thảo quốc gia về chiến thắng Bạch Đằng đều
khẳng định không phát hiện bãi cọc nào ở Thủy Nguyên. Việc “khu di tích Bạch Đằng
Giang” tại Tràng Kênh (Hải Phòng) xây dựng mô hình hơn 180 cọc bịt sắt là sai về
sự thật địa hình, địa vật trận Bạch Đằng 1288 và làm sai lệch nhận thức lịch sử
của du khách, nhất là học sinh, sinh viên về trận chiến Bạch Đằng năm xưa của
cha ông.
Chứng minh của khảo cổ học
Khác với “Khu di tích Bạch Đằng Giang” ở Tràng Kênh,
các di tích thuộc Khu di tịch
lưu niệm Chiến thắng Bạch Đằng tại Quảng Yên, Uông Bí (Quảng Ninh) đã được chứng
minh có liên quan mật thiết với chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 không chỉ từ sử
sách mà còn bằng những cứ liệu khảo cổ học.
Cọc Bạch Đằng - hiện vật gốc được trưng bày tại Bảo
tàng Bạch Đằng (TX Quảng Yên).
Người Hà Nam bao đời vẫn thuộc câu truyền miệng “Sông
Bạch Đằng là nơi cửa ải/Tổng Hà Nam là bãi chiến trường”, hay thấm đẫm
những truyền thuyết về bà hàng nước mách cho Trần Hưng Đạo đặc điểm thuỷ triều
của sông Bạch Đằng để bố trí bãi cọc (miếu Vua Bà); nơi Trần Hưng Đạo chống
gươm búi lại tóc để chỉ huy quân sĩ giữa trận đánh (đình Trung Bản), nơi Trần
Hưng Đạo và Phạm Ngũ Lão bị mắc cạn khi đi thị sát trận địa (đền Trung Cốc);
truyền thuyết Trần Hưng Đạo đặt tên làng Đền Công để cảm tạ 4 vị thần đã bày kế
phá giặc (đình Đền Công); rồi tích tướng giặc Phạm Nhan chém đầu này lại mọc đầu
khác (đình Hưng Học)…
Bãi cọc Yên Giang được phát hiện, khai quật năm 1958
mở ra những nghiên cứu, góc nhìn lịch sử về chiến thắng Bạch Đằng năm 1288.
Nhưng nếu chỉ truyền thuyết là chưa đủ cơ sở khoa học.
Tròn 670 năm diễn ra chiến thắng Bạch Đằng 1288, tháng 11/1958, bãi cọc Yên
Giang (phường Yên Giang, TX Quảng Yên) được phát hiện. Các nhà khảo cổ khai quật
và đã phát hiện hàng trăm cọc gỗ lim, táu dài 2,6 - 2,8m, đường kính 20 - 30cm.
Phần cọc được đẽo nhọn dài 0,5 - 1m để cắm thẳng xuống sông với khoảng cách
trung bình 1m. Nhiều đợt khai quật đã được tiến hành tại đây vào các năm 1969,
1976, 1984, 1988... Trong đợt khai quật năm 1984, các chuyên gia còn tìm thấy 2
vồ đóng cọc bằng gỗ.
Năm 2005, bãi cọc – trận địa cọc thứ hai tiếp tục được
khai quật là bãi cọc đồng Vạn Muối (phường Nam Hòa, Quảng Yên) cách bãi Yên
Giang vài km, phạm vi rộng 100m, dài 300m. Số cọc ở đây có đường kính nhỏ (chỉ
từ 10 – 30cm), bù lại được cắm với mật độ rất dày, chỉ cách nhau khoảng 60cm.
Các nhà nghiên cứu thuộc Hội Khoa học lịch sử Việt
Nam, Viện Khảo cổ học Việt Nam bên hiện trường khai quật di tích bãi cọc đồng
Má Ngựa, ngày 5/8/2010.
Năm 2009, bãi cọc thứ ba nằm tại Đồng Má Ngựa (cũng
thuộc phường Nam Hòa) được phát hiện và được khai quật vào năm 2010, 2011 và
2012. Bãi cọc này có chiều dài 70m, rộng 30m, có những cây cọc mang kích thước
nhỏ (nhiều cây chỉ mang đường kính 6cm) nhưng cũng được cắm dày đặc.
Nhiều cuộc hội thảo về chiến thắng Bạch Đằng đã được
tổ chức. Căn cứ vào những sử liệu, các nhà khoa học đã xác định được 3 bãi cọc
trên chính là những phần còn lại của trận địa cọc được sử dụng trong chiến thắng
Bạch Đằng 1288. Đặc biệt, nhiều mẫu cọc đã được phân tích đồng vị phóng xạ C14
để xác định niên đại và cho kết quả thuộc về thế kỷ 13, nghĩa là khớp với biên
độ thời gian của chiến thắng Bạch Đằng 1288.
Bổ sung cho những chứng tích lịch sử dưới lòng đất,
trong phạm vi thị xã Quảng Yên (nhất là vùng Hà Nam) và một phần TP Uông Bí tới
nay còn lưu giữ hàng chục công trình kiến trúc là đình, đền, chùa, miếu… liên
quan đến chiến thắng Bạch Đằng năm 1288. Mỗi công trình đều thấm đẫm những truyền
thuyết về trận chiến lịch sử năm 1288.
Lễ rước tượng Trần Hưng Đạo trong Lễ hội Bạch Đằng
năm 2008 - thời điểm ấy, các "công trình tâm linh" thuộc "Khu di
tích Bạch Đằng Giang" ở Tràng Kênh mới bắt đầu xây dựng
Tròn 700 năm sau chiến thắng quân Mông Nguyên trên
sông Bạch Đằng của quân dân nhà Trần, năm 1988, một số di tích liên quan đến
chiến thắng Bạch Đằng 1288 đã được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc
gia. Các năm sau đó đã bổ sung thêm các di tích, để rồi cho đến nay Khu di tích
lưu niệm chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 có tổng cộng 11 di tích, gồm: Bãi cọc
Yên Giang, bãi cọc đồng Vạn Muối, bãi cọc đồng Má Ngựa, đền Trần Hưng Đạo, miếu
Vua Bà, bến đò Rừng, đình Yên Giang, đền Trung Cốc, đình Trung Bản (2 di tích
thuộc địa phận Uông Bí là miếu Cu Linh và đình Đền Công).
Hàng năm, vào ngày 8/3 âm lịch, lễ hội Bạch Đằng lại
được tổ chức, 5 năm quy mô cấp tỉnh, các năm còn lại quy mô cấp thị xã.
Với những giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học đặc
biệt của Khu di tích, ngày 27/9/2012, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng
Khu di tích lịch sử Chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 là Di tích Quốc gia đặc biệt.
Cần lưu ý, “khu di tích Bạch Đằng Giang” tại Tràng Kênh (Hải Phòng) không nằm
trong phạm vi xếp hạng này.
Kiến nghị điều chỉnh địa điểm “check in”
Cách nhau chỉ một con sông. Khác nhau ở giá trị thực
của di tích. “Khu di tích Bạch Đằng Giang” ở Tràng Kênh (Hải Phòng) lại đã và
đang là điểm đến của nhiều du khách và học sinh, sinh viên. Ngày 6/10/2017, đô
đốc Scott H. Swift, Tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương Mỹ và Đại sứ Mỹ tại Việt
Nam Ted Osius đã đến thăm “di tích lịch sử Bạch Đằng Giang” với “bãi cọc Bạch Đằng
lịch sử” mà thực chất là mô phỏng theo các bãi cọc bên Quảng Yên.
Sự “nổi tiếng” của “Di tích Bạch Đằng Giang” tới mức
tra Google Maps hay check in trên mạng xã hội Facebook chỉ cho ra kết quả “khu
di tích Bạch Đằng Giang” ở Tràng Kênh.
Công văn của Sở Thông tin - Truyền thông Quảng Ninh
gửi Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử (Bộ TT - TT) đề nghị hỗ
trợ tạo lập vi trí Khu di tích lịch sử Bạch Đằng trên Google Maps.
Từ công văn kiến nghị của UBND thị xã Quảng Yên,
ngày 13/3/2019, Sở Thông tin Truyền thông Quảng Ninh đã có công văn số
337/STTTT-TTBCXB gửi Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông
tin – Truyền thông) đề nghị Cục kiến nghị Google Maps hỗ trợ tạo lập, cập nhật
vị trí Khu di tích lịch sử Bạch Đằng tại đường Trần Nhân Tông, phường Yên
Giang, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh; kiến nghị Facebook điều chỉnh Khu di
tích Bạch Đằng cùng vị trí địa chỉ như trên.
Thiết nghĩ, cùng với sự vào cuộc của Sở Thông tin –
Truyền thông, ngành văn hoá, du lịch của tỉnh cũng cần quan tâm, có những giải
pháp tuyên truyền, hướng dẫn để người dân, du khách nhận diện những giá trị
đích thực của Khu di tích Quốc gia đặc biệt - Di tích lịch sử Bạch Đằng ở Quảng
Yên. Về phía thị xã Quảng Yên cũng cần phối hợp chặt chẽ với ngành du lịch, văn
hoá để quảng bá, giới thiệu về các giá trị của Khu di tích Quốc gia đặc biệt -
Di tích lịch sử Bạch Đằng tại các hội chợ du lịch, hội nghị tuyên truyền quảng
bá du lịch; phối hợp với các hãng lữ hành xây dựng các tour du lịch tìm hiểu
chiến thắng Bạch Đằng. Trước mắt là tranh thủ cơ hội ngay tại lễ hội Bạch Đằng
năm 2019 tới đây.
Trần
Minh
---------------------
XEM THÊM
No comments:
Post a Comment