Lê Phan
July 8, 2017
Hôm Thứ Ba vừa qua, đài phát thanh quốc gia NPR đã
đi ngược dòng thời gian để trở lại năm 1776. Và trong 20 phút, họ đã tiếp tục
truyền thống đọc Bản Tuyên Ngôn Độc Lập của Hoa Kỳ. Năm nay, để mở rộng đài NPR
cũng gửi lên Tweeter bản tuyên ngôn này. Và trong 113 post với 140 chữ mỗi lần,
họ đã tweet toàn thể nguyên văn của văn kiện quan trọng nhất lịch sử Hoa Kỳ.
Thật là một sáng kiến tuyệt vời.
Nhưng không, nhiều người sử dụng Twitter không nghĩ
vậy. Khá nhiều người không nhận ra đó là bản tuyên ngôn. Có người còn mắng đài
NPR: “Đây là lý do các anh sẽ bị cắt ngân sách.” Có người nghĩ NPR đã bị tin tặc
tấn công “Có thể bạn không biết, nhưng có vẻ @NPR bị đột nhập, tweet như điên.”
Và những lời tweet xỉ vả tăng đến mức tột đỉnh trong đoạn mà tuyên ngôn chỉ trích,
với đầy đủ chi tiết, cách mà Vua George III của Anh Quốc đã đối xử với 13 thuộc
địa của ông. NPR tweet: “Ông đã cản trở việc thi hành công lý, bằng cách từ chối
đồng ý cho những luật để thiết lập quyền tư pháp.” Một tweet khác của NPR viết:
“Một ông hoàng mà cá tính được đánh dấu bởi mọi hành động vốn có thể định nghĩa
là một nhà độc tài, không đáng làm nhà cai trị của một dân tộc tự do.”
Một số người, vẫn chưa hiểu điều mà NPR tweet chính
là Bản Tuyên Ngôn Độc Lập, giả định những hàng chữ đó là để chê trách Tổng Thống
Trump và chính phủ hiện thời.
Chẳng hạn khi NPR tweet: “Nó là quyền của nhân dân để
thay đổi hay hủy bỏ, và đặt ra một chính quyền mới.” Một người tweet: “Thế là
NPR kêu gọi cách mạng. Cách lý thú ủng hộ bạo động trong khi nghe có vẻ ‘yêu nước.’
Ngầm ý của họ quá rõ.” Một người khác viết: “Tuyên truyền là điều duy nhất họ
biết? Cố ủng hộ một người muốn làm một cái gì về sự bất công ở nước này
#drainingtheswamp.” Có người người viết: “Nghiêm chỉnh, đây là ý kiến ngu xuẩn
nhất mà tôi chưa từng thấy trên Twitter. Thực sự không ai sẽ đọc 5,000 tweets về
thứ đồ sọt rác này.” Và lại kêu gọi “Cắt ngân sách #NPR để đám cầm đầu
Hollywood trả tiền cho tuyên truyền thiên lệch của họ.”
Dĩ nhiên cũng có những người nhận ra. Một người viết
“Bwahaha. Tôi thích cái ông nói NPR nên bị rút tiền vì đe dọa nổi dậy. VUA
GEORGE ĐỆ III KHÔNG PHẢI TRUMP.”
Đến hôm Thứ Tư thì hầu hết những người tweet xỉ vả
NPR đã biết mình lầm và hạ xuống rất nhiều những tweets phản ứng nhưng có một
người đã nhận mình sai. Ông D.G.Davies viết: “Tôi tweet một lời phê bình RẤT
ngu. Nhưng hãy tự hỏi, nếu đọc cho người Mỹ trung bình, liệu họ có biết là bạn
đang đọc Bản Tuyên Ngôn Độc Lập không? Nay tôi mới biết.”
Mà quả thật vây, vào ngày 4 Tháng Bảy, 1776, chuông
nhà thờ vang dội trên toàn thành phố Philadelphia. Quốc Hội Lục Địa đã chấp thuận
Bản Tuyên Ngôn Độc Lập để thông báo cho toàn thế giới là mục tiêu của cuộc nổi
dậy của các cư dân, vốn bắt đầu cách đó một năm, không phải chỉ là để giành quyền
tự trị bên trong Đế Quốc Anh. Thực ra, phe nổi dậy muốn đi tìm việc thành lập một
nền cộng hòa độc lập, một hình thức chính trị mà thế giới chưa từng thấy. Đòi hỏi
của họ được khoác bằng những ngôn từ vô cùng mới lạ về quyền tự nhiên, họ viết:
“mọi người sinh ra đều bình đẳng,” và “họ được tạo hóa ban cho những quyền bất
khả xâm phạm, trong đó có quyền sống, tự do và theo đuổi hạnh phúc.”
Các tác giả của văn bản cách mạng này khuyến cáo là
tất cả các quốc gia phải tôn trọng những quyền này nếu không sẽ phải chịu hậu
quả “ở bất cứ nơi nào một hình thức chính quyền trở thành phá hoại những mục
tiêu này, nó là quyền của nhân dân thay đổi hay hủy bỏ nó, và dựng lên một tân
chính quyền.”
Đó thật là một lập trường cực đoan không những chỉ
trong thế giới vẫn còn bị chế ngự bởi các vị vua vốn đã dành quyền cai trị từ
thượng đế, mà ngay cả đến ngày nay. Chính vì vậy nó đã làm cho nhiều người ngay
thời đại này ở Hoa Kỳ cho đó là một văn kiện “phản động.”
Điều cũng hiển nhiên là nhiều người Mỹ ngày nay
không tin vào những lý tưởng căn bản của Bản Tuyên Ngôn Độc Lập: “Chúng tôi duy
trì những sự thật này là hiển nhiên, rằng con người sinh ra ai cũng bình đẳng,
rằng họ được đấng tạo hóa ban cho một số quyền bất khả xâm phạm, trong đó có
quyền sống, tự do và theo đuổi hạnh phúc.” Rất nhiều người Mỹ ngày nay tin là
con người sinh ra không bình đẳng và một khi mình đã là dân Mỹ thì những người
khác không có quyền là dân Mỹ nữa.
CNN, vốn không phải là một hệ thống truyền thông được
những ủng hộ viên của tổng thống Trump ưa thích, đã viết: “NPR kêu gọi thính giả
lật đổ chính quyền hẳn đã là một điều lý thú vào Ngày Lễ Độc Lập. Nhưng hệ thống
phát thanh quốc gia đã không kêu gọi cách mạng, và họ cũng không gọi tổng thống
là một nhà độc tài. NPR đã chỉ làm điều mà họ vẫn làm vào ngày 4 Tháng Bảy: Đọc
Bản Tuyên Ngôn Độc Lập. Tổ chức truyền thông quốc gia đã đọc văn kiện lịch sử
này trên làn sóng từ gần 30 năm nay để chào đón ngày đại lễ. Chỉ có đây là lần
đầu tiên truyền thống này được đưa lên Twitter.”
Điều còn đáng nói hơn đối với bên ngoài nước Mỹ là
nó đã có ảnh hưởng sâu đậm trên nền ngoại giao của nước Cộng Hòa son trẻ này.
Khác với những nhà ngoại giao từng trải và đầy hoài nghi của Cựu Thế Giới, các
chính trị gia Hoa Kỳ không thể hài lòng với một chính sách ngoại giao kiểu
“realpolitik” dựa trên khuyến cáo của Thucydide là “kẻ mạnh sẽ làm điều họ có
thể làm và kẻ yếu chịu đựng điều họ phải chịu đựng.”
Các cha già dân tộc Hoa Kỳ, theo sử gia Robert
Kagan, trong cuốn lịch sử về ngành ngoại giao của nước Mỹ, mà ông đặt cho một
cái tên lý thú “Dangerous Nation – Quốc Gia Nguy Hiểm,” đã “tình cờ phát minh
ra một chính sách ngoại giao mới dựa trên chủ thuyết toàn cầu vốn nảy sinh từ
cuộc cách mạng.” Như cố Tổng Thống Thomas Jefferson, tổng thống thứ ba của Hoa
Kỳ, giải thích: “Chúng ta chỉ ra con đường để các quốc gia đang gặp khó khăn,
mà muốn, như chúng ta, ra khỏi chế độ độc tài mà họ đang chịu đựng.”
Dĩ nhiên, sự quyết tâm theo đuổi những lý tưởng đó
chưa bao giờ toàn vẹn và toàn hảo. Trong những năm đầu, Hoa Kỳ dung túng nô lệ
và trong những thời gian sau này, họ dung túng các nhà độc tài. Và không phải
lúc nào lý tưởng của Hoa Kỳ cũng được diễn dịch sang một thành công ngoại giao.
Một đôi khi, như ở Việt Nam hay ở Iraq, những lý tưởng này đã dẫn Hoa Kỳ đi lạc
đường. Nhưng nói chung, Hoa Kỳ đã rộng rãi hơn và ít chỉ lo cho quyền lợi kỹ
hơn là bất cứ một cường quốc nào khác trên thế giới – và chính thái độ đó đã
khiến Hoa Kỳ trở thành quốc gia thành công nhất trong hai thế kỷ vừa qua.
Nhưng nay nhân dân Hoa Kỳ và do đó các chính khách
mà họ bầu lên, có vẻ đã không còn tin tưởng vào lý tưởng của Thomas Jefferson nữa.
Nếu các công dân Hoa Kỳ không nhận ra Bản Tuyên Ngôn
Độc Lập thì tổng thống của Hoa Kỳ có vẻ không coi những lý tưởng trong bản
tuyên ngôn đó là tiêu chuẩn. Ông gây sự với những đồng minh dân chủ của Hoa Kỳ,
từ Đô Trưởng Sadig Khan của Luân Đôn đến Thủ Tướng Angela Merkel của Đức, trong
khi ca ngợi các nhà độc tài. Chả thế mà ông đã khen ông Abdel Fattah al-Sisi của
Ai Cập, một nhà độc tài quân phiệt, là “a fantastic guy – một anh chàng tuyệt vời,”
ông Kim Jong Un của Bắc Hàn là “smart cookie” và ông Tập Cận Bình của Trung Cộng
là “một người rất tốt” vốn “yêu nhân dân Trung Quốc.” Ông đã ca ngợi Tổng Thống
Rodrigo Duterte của Philippines, người đã cho giết ít nhất 7,000 người không
xét xử, rằng ông đã làm “một công việc tốt khó tin về vấn đề ma túy,” trong khi
ông lên tiếng chúc mừng ông Recep Tayyip Erdogan khi ông đã chiến thắng trong một
cuộc bầu cử gian lận vốn được rộng rãi coi như là ngọn đòn chí tử cho nền dân
chủ Thổ Nhĩ Kỳ.
Đó thật là một điều đáng buồn vì suốt thế kỷ thứ 20
và những năm đầu của thế kỷ 21, Hoa Kỳ vẫn là “ngọn đèn sáng trên đồi” cho tất
cả những dân tộc còn chịu sự chế ngự của một chế độ độc tài. Ngay cả đến năm
2016, sự việc người dân Việt Nam ở Sài Gòn đổ ra đường từng từng lớp lớp để đón
Tổng Thống Barack Obama cũng là vì họ tin là Hoa Kỳ và tổng thống của Hoa Kỳ là
tiêu biểu cho ước vọng dân chủ mà họ thèm khát, và trong thâm tâm vẫn hy vọng
là Hoa Kỳ sẽ giúp họ đạt được điều mơ ước. Cũng như mọi người trên thế giới, họ
ao ước được hưởng “quyền sống, tự do và theo đuổi hạnh phúc.”
No comments:
Post a Comment