Lâm
Hoài Thạch/Người Việt
July 18, 2017
GARDEN
GROVE, California (NV) – Trưa Chủ Nhật, 16 Tháng Bảy,
nhiều đồng hương đến tham dự buổi giới thiệu hồi ký “Vượt Tù Vượt Biển” của nhạc
sĩ Huỳnh Công Ánh, tại Thư Viện Việt Nam ở thành phố Garden Grove.
“Quyển sách này tôi đã ấp ủ 37 năm, nội dung kể lại
cuộc thất trận của chính phủ VNCH và Cộng Sản miền Bắc là người thắng cuộc. Tôi
là một trong hàng ngàn chứng nhân của lịch sử cay nghiệt nhất của đất nước Việt
Nam,” tác giả nói với nhật báo Người Việt.
Ông cho biết thêm: “Quyển sách này được viết bằng
hai ngôn ngữ đó là Việt ngữ và Anh ngữ. Tôi hy vọng rằng, khi những người lớn đọc
xong cuốn sách này sẽ trao lại cho con cháu của mình đọc để cho thế hệ trẻ được
biết rằng: cha, chú của họ phải trả cái giá như thế nào cho tự do, nói rõ hơn
là họ phải trả bằng mồ hôi, nước mắt và xương máu thì mới có được tự do, và cái
giá trị đó tuổi trẻ Việt Nam phải cần biết.”
“Nhưng còn cái khó khăn và giá trị nhiều hơn nữa là
mình phải làm sao đi tìm tự do cho những người khác mà họ không có điều kiện để
tranh đấu, nhất là những người dân còn ở trong nước Việt Nam. Đó là lý do tại
sao cuốn sách này được ra đời,” tác giả chia sẻ thêm.
Theo ông Lê Anh Dũng, MC của chương trình ra mắt
sách, thì Bác Sĩ Nguyễn Chí Vỹ, hội trưởng Hội Ái Hữu Tây Sơn Bình Định là người
bảo trợ cho buổi tổ chức này. Bác Sĩ Vỹ cho biết: “Khi tôi đọc vài trang đầu
của cuốn sách, tự nhiên tôi bị chùng xuống, một nỗi buồn da diết tự nhiên đến với
tôi. Đó là hơn 42 năm về trước, một sự kiện đau thương đã làm đau buồn cho dân
tộc Việt Nam.”
Tác phẩm“Vượt Tù Vượt Biển”. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người
Việt)
“Với những sự kiện rất hay, rất lạ và rất khổ sở đã
xảy ra tại miền Bắc, với mối tình lãng mạn của nhạc sĩ Huỳnh Công Ánh và một cô
gái tuổi 19, 20, với những cảnh vượt tù, vượt biển, với những pha gây cấn khó
khăn và nhất là sự quyết tâm không chịu đầu hàng trước nghịch cảnh của tác giả
đã lôi cuốn sự say mê của người đọc…” ông Vỹ nói thêm.
Nhà văn Huy Phương, trong vai trò diễn giả, trình
bày: “ Đối với nhân vật như Huỳnh Công Ánh, người thường như tôi không dám so
sánh, tại vì đối với anh thì tôi coi như thua 3-0. Thứ nhất, khi là người lính,
tôi chỉ là người lính bình thường chưa ra chiến trường, trong khi đó anh Ánh là
một chiến sĩ xuất sắc của Sư Đoàn 22 Bộ Binh (SĐ 22BB) đại diện cho sư đoàn đi
dự buổi du ngoạn bên Đài Loan 1972. Vậy thì Nguyễn Công Ánh không phải là người
lính bình thường.”
“Thứ hai, khi vào tù, chúng tôi cũng như các bạn tù ở
đây, vì mình đã là tù binh thì coi như ‘nín thở qua sông, thời thế, thì thế thời
phải thế’, nhưng đối với anh thì không. Trong khi mình đi cày ruộng ở ngoài đồng,
còn anh thì ở nhà lo nấu nước, và cuối cùng, anh đã vượt tù ra đi thảnh thơi bằng
xe về đến Sài Gòn, cái đó thì tôi chịu thua. Sau đó, khi tôi vẫn còn trong tù
thì tôi nghe tin anh Ánh đã qua đến Mỹ rồi. Lúc đó, đối với tôi, đó là ‘truyện
thần tiên’ không tưởng mà mình không ngờ là có thật,” nhà văn Huy Phương nói tiếp.
Ông chia sẻ thêm, “Cái thứ ba là khi chúng ta qua
đây, chỉ mong cầu cho con học hành được, cơm ngày hai bữa, có nhà có cửa,…
Nhưng qua đây để tiếp tục tranh đấu như anh Ánh thì rất là khó, và cũng ít có
người làm được, vì phải là người có chí, có lòng thì mới làm được,”
Trong phần trình bày của mình, nhà văn Huy Phương
cũng cho biết khi tác giả “Vượt Tù Vượt Biển” ở trại tị nạn Pulau Bidong, Mã
Lai, ông đã lập ra Hội Cựu Quân Nhân VNCH để các hội viên cùng bảo vệ cho nhau.
Khi sang Mỹ, ông cũng là một trong những thành viên sáng lập ra Phong Trào Hưng
Ca; Hội Cựu Tù Nhân Chánh Trị, ông là hội trưởng, và ông đã thành công trong
lãnh vực thương trường tại Hoa Kỳ.
“Cho nên đối với tôi, Huỳnh Công Ánh là một nhân vật
phi thường,” ông Huy Phương khẳng định.
Ông Phạm Thế Phiệt, cư dân Garden Grove, bạn tù cải
tạo với tác giả Huỳnh Công Ánh, kể: “Tôi nghĩ rằng, anh Ánh đã kể lại rất nhiều
trong quyển sách này về quá trình lúc anh ở trong tù Cộng Sản cũng như sự đấu
tranh của anh suốt hơn 40 năm tại hải ngoại, nhưng có phần anh không viết, mà
tôi nghĩ là tôi có thể nói được tại đây. Đó là, 1975, tôi với anh vào tù Cộng Sản
ở Long Giao đầu tiên. Sau đó, tại trại tù Hoàng Liên Sơn thì chúng tôi cũng bị ở
tù chung. Nhưng sau này, tôi với anh không còn ở chung tù nữa, một thời gian
sau, thì tôi có nghe tin là anh đã vượt trốn ra khỏi tù.”
“Cái chuyện viết nhạc thì ai cũng biết rồi, nhưng
cái chuyện lúc anh Ánh đang chiến đấu chống Cộng, mà chỉ có mười mấy tháng từ
lúc mới mang lon trung úy thì anh được lên đại úy. Điều này, chứng tỏ rằng
trong thời chiến, chiến công của anh rất nhiều thì mới được lên lon nhanh như vậy.
Song song đó, anh cũng là người rất giỏi về võ thuật, bởi vì anh là người Bình
Định. Đó là điều mà tôi có thể nói, ai muốn biết thêm về anh thì phải đọc trong
quyển sách này,” ông Phiệt “tiết lộ” thêm.
Nhiều đồng hương đến ủng hộ tác phẩm “Vượt Tù Vượt
Biển” của nhạc sĩ Huỳnh Công Ánh. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)
Ông Lê Quang Mỹ, cư dân Westminster, cựu sĩ quan
trong SĐ 22BB QLVNCH, là quân nhân phục vụ từ cấp tiểu đoàn, trung đoàn rồi đến
cấp sư đoàn. Thành thử ông có dịp đi tiếp xúc với rất nhiều đơn vị của sư đoàn
này.
Ông cho biết: “Tôi biết anh Huỳnh Công Ánh từ lúc
anh là một sĩ quan của Trung Đoàn 40/SĐ 22 BB. Anh là một sĩ quan chỉ huy đánh
giặc rất giỏi, vì thế anh được nhiều huy chương về tác chiến. Thứ hai nữa là
lúc anh ở tù Cộng Sản thì tôi có nghe tin anh đã trốn ra khỏi tù, rồi vượt biên
được đến bến bờ tự do. Ngoài ra, tôi cũng biết anh cũng là một nhạc sĩ đã sáng
tác rất nhiều bài nhạc đấu tranh. Nhất là vấn đề kinh tế thì anh cũng đã thành
công tại Nam California cũng như ở những tiểu bang khác. Nói chung, anh là một
người rất có nghị lực phấn đấu trong mọi hoàn cảnh, từ lúc còn là một chiến sĩ
trong QLVNCH cho đến lúc ở trong tù cộng sản, kể cả lúc anh được sang hải ngoại.”
Ông Lê Cẩm khoán, Hội Ái Hữu Tây Sơn Bình Định, bạn
tù của tác giả bày tỏ cảm tưởng của mình đối với nhạc sĩ Huỳnh Công Ánh.
Ban tổ chức cho biết, tất cả số tiền bán sách hôm
nay sẽ được sung vào quỹ xây dựng Tượng Đài Vua Quang Trung tại Little Saigon,
Nam California.
Trong buổi ra mắt sách có phần phụ diễn văn nghệ với
tiếng hát cùng những tác phẩm của tác giả và ban Tù Ca Xuân Điềm.
----------------------------
LIÊN
QUAN
Hồi
ký 'Vượt tù, Vượt biển' - VOA 2/5/2017
No comments:
Post a Comment