Phạm
Đỗ Chí [1]
21/07/2017
Tuần rồi (06-08/tháng 7) lướt Internet thấy không
khí hội họp định kỳ của 20 nước kinh tế đứng đầu thế giới, G-20, rộn rịp ở
Hambourg do nước Đức tổ chức.
Có điều lạ là Chính phủ Việt Nam cũng được mời tham
dự với tư cách quan sát viên. Lý do vì Việt Nam là nước chủ nhà đứng ra tổ chức
kỳ họp 21 quốc gia của Tổ chức Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương, APEC
(Asia-Pacific Economic Cooperation) vào tháng 11 ở Đà Nẵng. Các nền kinh tế lớn
Hoa Kỳ, Canada, Nga, Nhật và Trung Quốc đều là thành viên của tổ chức kinh tế
quan trọng này.
Tuy G-20 không có lịch trình định hướng minh bạch
cho mỗi lần họp nhưng kỳ họp hàng năm của họ thường là dịp để các nhà lãnh đạo
bàn về những vấn đề chính trị và kinh tế quan trọng của thế giới đang chi phối
mỗi nước.
Nhưng cũng tại kỳ họp
này, những quốc gia nhỏ khách mời cũng tìm cách “tự quảng cáo” cho chính sách
và thành tích phát triển của mình để tìm đầu tư quốc tế.
Đây là trường hợp của Việt Nam tại hội nghị G-20 năm
nay. Phái đoàn Việt Nam do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cầm đầu còn bao gồm nhiều
lãnh đạo của các doanh nghiệp lớn trong nước. Tuy sự có mặt của Việt Nam lạ
nhưng không ngạc nhiên, sau khi các hội nghị kinh tế trong nước từ đầu năm đã
báo động Việt Nam có nguy cơ bị phá sản tài chính.
Từ đầu năm 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chính
thức cảnh cáo về nguy cơ nợ công của Việt Nam đã vượt mức giới hạn là 65% của
GDP (Gross Domestic Product, mức sản xuất nội địa). Sự thẳng thắn nhìn nhận của
ông Phúc đã làm cho nhiều chuyên gia tài chính ngạc nhiên vì trước đó, các giới
chức hữu trách thường tránh đề cập đến mức gia tăng nợ công chỉ cốt giữ “màu hồng”
cho nền kinh tế để thu hút đầu tư ngoại quốc FDI (Foreign Direct Investment) .
Với mức nợ công này, tính ra đồng dollar là trên 95
tỷ. Nếu chia cho trên 90 triệu dân thì mỗi đầu người Việt Nam phải gánh chịu
khoảng 1.384 USD, tương đương trên 30 triệu đồng.
Như vậy, mối nguy nợ công của Việt Nam sẽ tạo sức ép
“vỡ trận” nhanh hơn vào nền tài chính quốc gia như tác giả bài viết này đã một
lần cảnh giác tại cuộc hội thảo kinh tế ở Sài Gòn năm 2016.
Như vậy thì phải chăng sự có mặt của TT Phúc ở
Hambourg là cơ hội cho phái đoàn Việt Nam tìm cách làm quen với các “thượng
hoàng” kinh tế thế giới để mưu cầu trợ giúp trong tương lai?
Viễn
ảnh kinh tế của Việt Nam
Nhưng đâu là bối cảnh của những mối lo về kinh tế của
Việt Nam trong năm nay 2017 và sự sụp đổ có thể tới năm 2018 về ngân sách quốc
gia nói riêng và nền tài chính gồm cả ngân hàng nói chung? Và tại sao Kinh tế
Việt Nam cần Đổi mới lần nữa thay vì làm một Chương Trình Tái Cơ Cấu Tốn Kém?
Theo tin tức từ Bộ Kế hoạch Đầu tư dịp cuối năm
2016, chương trình đầu tư được gọi là Tái cơ cấu (TCC) đòi hỏi một số “vốn” khổng
lồ là mười triệu tỷ VNĐ hay 480 tỷ USD cho thời gian 5 năm 2016-2020. Nhưng
không nêu rõ là tiền này sẽ lấy từ đâu ra, từ ngân sách hay vay mượn nước
ngoài?
Một chuyên gia trong nước nói những ai hy vọng kế hoạch
TCC sẽ có thể có tài trợ từ Quỹ Phát triển Hạ tầng do Trung Hoa bảo trợ, là mơ
hồ và thiếu trách nhiệm, trong bối cảnh sự chống đối lệ thuộc quá nhiều vào
Trung Quốc đang lên cao trong nhiều thành phần trong xã hội.
Theo ước tính từ trong nước thì Việt Nam sẽ cần gần
100 tỷ đô la đầu tư TCC cho mỗi năm trong 4 năm từ 2017 đến 2020, tức một nửa của
GDP năm 2015 (199 tỷ) và gấp đôi tiền tích lũy (tiết kiệm) của cả nước hàng năm
khoảng 50 tỷ. Đó là một con số không tưởng. Và không rõ tái cơ cấu gồm những đề
mục hay các dự án nào mà tốn kém như thế, và hiệu quả ra sao với chỉ số ICOR
(7-8) đã rất lớn của Việt Nam do hiệu quả đầu tư vốn rất kém.
Thật sự, theo
một số chuyên gia trong và ngoài nước dám nói lên sự thực, Việt Nam hiện không
có tiền và không cần tiền để đầu tư lớn và tốn kém như vậy. Thực trạng ngân sách 2016 và dự báo 2017 là tiền thu ngân sách chỉ vừa đủ
để trả nợ trong và ngoài nước và chi thường xuyên. Đầu tư Chính phủ gần như
hoàn toàn dựa vào tiền đi vay thì lấy đâu ra để đầu tư tái cơ cấu như đề ra như
trên?
Chương trình Đổi Mới trong nền kinh tế Việt Nam gần
sụp đổ vào các năm 1986-1990 đã dựa vào cải cách cơ chế và tạo thành công kinh
tế đáng kể trong hai thập niên 1986-2006, mà không cần đầu tư nhiều, là thí dụ
về hiệu quả cao của thay đổi cơ chế sản xuất, nhất là cho giá gạo trong nước được
ấn định tự do theo thị trường. Nhưng cả thập niên sau đó 2007-2015 đã đánh dấu
sự thụt lùi gần như trong 10 năm của Đổi mới với các chính sách kinh tế sai lầm
bị chi phối và chỉ hưởng lợi bởi các “nhóm lợi ích”, hay bè phái.
Thí dụ quan trọng nhất cho việc tái cơ cấu hiện nay
mà cần ít vốn, là phát triển khu vực công nghệ với sự phối nhập giữa các hãng
công nghệ trong nước với các hãng FDI để học hỏi và áp dụng công nghệ hiệu quả
từ bên ngoài, như bài học từ kinh nghiệm Trung Hoa, Đài Loan và Hàn Quốc đã
thành công trong việc thu hút FDI và áp dụng công nghệ Âu Mỹ trong tiến trình
phát triển.
Chỉ làm vậy mới giải quyết được vấn đề hấp thụ khối
chuyên viên trung cấp mới tốt nghiệp và nhân công thất nghiệp, lên tới 50,000
người qua báo chí trong nước.
Tin trong nước từng nói đến một số tiền lớn nhiều
ngàn tỷ đồng đã được dành ra để “xuất khẩu” các chuyên viên này ra nước ngoài
tìm việc là nỗi buồn tủi và sỉ nhục cho đất nước và nền giáo dục quốc gia, khi
nhiều nước khác trong vùng đang luôn cố tìm cách chống lại nạn “brain drain”
(chảy máu chất xám) bằng cách tạo công việc cho họ ở trong nước.
Việt
Nam đã làm ngược lại!
Như vậy phải chăng các nỗ lực “Đánh thức Con Rồng Ngủ
Quên” Việt Nam[2] đã
thất bại và thay vào đó là thực trạng “Con Rồng Ngủ Luôn”, khi Việt Nam trở
thành một nền kinh tế chuyên gia công trong khu vực FDI và chuyên xuất cảng
nhân công rẻ ra nước ngoài làm công để gửi tiền về nhà giúp xây dựng một mức sống
vật chất cao hơn?
Như thế thì còn đâu là giấc mơ “Công nghiệp hóa - Hiện
đại hóa vào năm 2020” như khẩu hiệu của các chính sách phát triển kinh tế của
Nhà nước đưa ra trong ba thập niên qua?
Nhưng quan trọng nhất, Đổi mới II lần nữa bây giờ,
theo ý kiến chung từ trong hay ngoài nước, phải bắt đầu từ một cải cách thể chế
cơ bản, là: Nền Kinh Tế Tự Do Hơn cho Khu Vực Tư Nhân, phát triển bằng cách Cởi
Trói Doanh Nghiệp và phải giải thể nhanh khu vực công, nhất là các doanh nghiệp
nhà nước đang làm ăn thua lỗ mà vẫn khống chế toàn nền kinh tế.
Chính sách tái cơ cấu kinh tế mới này có ý nghĩa và
thích hợp cho vai trò một chính phủ muốn mang danh “kiến tạo” như TT Phúc từng
tuyên bố nhiều lần. Là không nhằm điều khiển hay tạo dựng tất cả thay đổi về
chính sách và điều kiện thực hiện, mà chỉ nhằm vai trò hướng dẫn xúc tác, kích
thích các sáng tạo từ thị trường, và nhất là từ khu vực kinh tế tư nhân, để
phát triển kinh tế cả nước, chỉ theo cơ chế thị trường mà bỏ hẳn cái đuôi “định
hướng xã hội”.
Trở lại với đầu đề chính về đe dọa cho nền kinh tế
Việt Nam trong năm 2017, song hành với nợ công thật sự (kể cả Nợ công Chính phủ
và nợ của các xí nghiệp quốc doanh) được ước tính đã lên tới trên 200% GDP, còn
phải kể đến “cục máu đông” là món nợ xấu ngân hàng vượt trên 12% theo ước tính
mới được thừa nhận của Chính phủ (chứ không phải con số “đẹp” chính thức công bố
là 3%-4% cách đây 1-2 năm từ Ngân hàng Nhà nước), đây là hai lý do quan trọng
đã đưa đến thế vỡ trận tài chính cho năm nay và năm tới, trừ phi các giải pháp
cấp thiết có thể kịp tìm ra và được áp dụng.
Nhưng lý do chính yếu cho kinh tế Việt Nam còn phát
triển tạm khá chung quanh mức tăng 6% của GDP nhờ vào lượng đầu tư dồi dào FDI
trên 10 tỷ USD mỗi năm trong các năm vừa qua, và tỷ giá của Đồng VN cũng theo
đó đứng vững. Nếu gạt ra phần lợi tức quốc gia dính đến FDI, phần lợi tức quốc
gia của riêng các yếu tố trong nước (Gross Domestic Income) chưa chắc đã có mức
tăng trưởng trên 3% trong vài năm qua.
Điều này giải thích rõ tại sao hiện có 2 hình ảnh
tương phản của nước Việt Nam trong vài thành phố lớn như Sài Gòn và tình cảnh
chung còn lại của cả nước, nhất là trong các vùng nông thôn. Khi người viết có
dịp đặt chân trở lại Sài gòn trong tháng 5 vừa qua, lòng không thể không rộn
ràng với những sinh hoạt làm ăn tấp nập của thành phố, với các phố xá khang
trang thêm nhiều nhờ các khu chung cư và những thương xá lớn phồn hoa do đầu tư
ngoại quốc (của Nhật, Trung Hoa, Hong Kong và Singapore) để đáp ứng nhu cầu
tiêu pha của giới đầu tư và giới trung lưu mới trong nước với mức lương càng
ngày càng cải thiện.
Nhưng tình hình chung cả nước xấu đi với độ tăng trưởng
GDP chững lại, và khu vực ngoài FDI thì xuống thấp với nhiều doanh nghiệp tư giải
thể và khu vực nông thôn đi vào lầm than từ 2 năm nay do giá các nông sản tiếp
tục thay phiên hạ thấp “cần giải cứu”. Cộng thêm bức tranh phá sản tài chính do
tình trạng ngân sách bội chi và nợ xấu ngân hàng tồn đọng nói trên, thì khó nói
nền kinh tế cả nước nói chung đang “tăng trưởng bền vững”?!
Từ ngày 20/01/2017 vừa qua, Chính phủ Trump đã tuyên
bố Hoa Kỳ rút khỏi TPP. Với thực tế đó, FDI liệu còn đóng nổi vai trò trụ cột
cho kinh tế Việt Nam bao năm nữa? Và tỷ giá của ĐVN sẽ ra sao nếu đồng Nhân Dân
Tệ của Trung Hoa sẽ xuống dốc không phanh với các biện pháp chế tài thương mại
mới được chờ đợi bởi Hoa Kỳ trong vòng 1-2 năm tới, và tiếp đó là khủng hoảng
lòng tin của dân Tàu với đồng tiền của nước họ?
Khi phó hội kỳ họp G-20 vừa rồi, chắc đoàn Việt Nam
đã rõ hơn ai hết là Hoa Kỳ và ngay cả Nhật Bản hay vài cường quốc khác có mặt
không lưu tâm lắm về TPP hay các hiệp ước thương mại khác. Mối ưu tư chính quốc tế là các vấn
đề chính trị và quân sự nóng bỏng hơn như Bắc Triều Tiên, Syria… Chuyện kinh tế
thương mại vẫn là nước nào lo chuyện nước ấy! Không ai giúp cho người khác cả!
Khi viết lời kết cho bài này, tất nhiên điều mơ ước
của người viết cho quê hương cũ của mình là một đất nước tự do dân chủ và phát
triển. Những nhà lãnh đạo hiện thời có vẻ bắt đầu tỉnh ngủ về thực trạng kinh tế.
Nhưng liệu họ có sớm tỉnh ngủ cả về chính trị[3] để
thực hiện cho Việt Nam những cải tổ về chính trị như giới lãnh đạo Myanmar đã
làm cho đất nước họ trong vài năm gần đây?
Sự tỉnh ngủ chính trị sẽ kéo theo cả phép lạ kinh tế
mà Việt Nam đã mơ ước trong dài lâu.
__________
Chú
thích:
[1] Bài viết phản ánh ý kiến riêng và dựa một phần trên bài nói chuyện
của tác giả trong một cuộc hội thảo kinh tế tại Sài Gòn cuối tháng 11/2016, về
vấn đề phát triển thành phố Sài Gòn và nền kinh tế Việt Nam nói chung, với sự
tham dự của khoảng 500 người Việt từ hải ngoại. Bài viết cũng mới được cập nhật
hóa với các dữ kiện thống kê và trong bối cảnh cuộc họp của nhóm G-20 do nước Đức
mới tổ chức ở Hambourg (6-8 tháng 7, 2017, có sự tham dự của Thủ tướng Việt Nam
như quan sát viên với tư cách nước chủ nhà sẽ tổ chức kỳ họp APEC vào tháng
11/17 sắp tới ở Đà Nẵng).
[2] Tài liệu tham khảo: “Đánh Thức Con Rồng Ngủ Quên”, Phạm Đỗ Chí và
Trần Nam Bình chủ biên, Nhà xuất bản Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn, 2001.
[3] Trong vai trò đó, cần có một chương trình cải cách thể chế chính trị
SONG HÀNH với chính sách cải cách kinh tế một cách toàn diện, nhằm “cởi trói”
cho doanh nghiệp tư nhân, tạo cú hích để tăng tốc phát triển nền kinh tế.
Chương trình đó có thể bắt đầu với Sài Gòn là thí điểm, sau đó có thể lan rộng
ra các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ,…
Bài gửi BVN qua email.
Được đăng bởi bauxitevn vào lúc 07:02
No comments:
Post a Comment