19/07/2017
Trung Hoa (dường như) chưa từng thoát khỏi đêm trường
trung cổ.
Gần hai mươi năm trước, tôi hân hạnh được Đại
Tá Phạm Văn Liễu gửi cho mấy tập hồi ký (Trả Ta Sông Núi)
cùng lời yêu cầu viết một bài giới thiệu về tác phẩm của ông. Tôi
thưa lại rằng mình rất vinh dự khi được nhờ cậy. Tuy nhiên, theo công
tâm, tôi sẽ góp đôi lời về những trang sách mà tác giả đề cập đến
những nhân vật quá cố (Ngô Đình Diệm & Hoàng Cơ Minh) với quá
nhiều hằn học.
Ông không đồng ý như thế nên chút duyên nợ, về
chữ nghĩa, giữa chúng tôi đã không có cơ thành tựu. Từ đó đến nay –
thỉnh thoảng – tôi vẫn được đọc thêm những cuốn hồi ký khác, của
nhiều nhân vật khác.
Phần lớn những người Việt Nam đi làm cách
mạng, hồi đầu thế kỷ trước, đều có lúc phải sang Trung Hoa lánh
nạn. Họ thường đi qua ngả Vân Nam vì địa danh này giáp giới với miền
Bắc nước mình.
Phạm Văn Liễu cũng thế. Là một đảng viên
Việt Quốc ông đã phải lưu lạc đến Côn Minh (thủ phủ của Vân Nam) khi còn
là một thanh niên, ở tuổi đôi mươi. Ông kể lại rằng khi đang bơ vơ nơi
đất lạ quê người thì may mắn được một phú gia người Hoa cho tá túc.
Không những thế (và có lẽ vì cảm cái khí phách và nhân cách của
chàng trai nước Việt) ông còn được vị ái nữ xinh đẹp, cùng cả gia
đình, của vị đại gia này đem lòng thương mến.
Thiệt là quá đã!
Nếu tôi mà rơi vào hoàn cảnh tương tự thì
cuộc đời cách mạng, tới đây, là ... kể như rồi. Bôn ba làm chi, cho
má nó khi. Làm rể người giầu – bất kể Tây/Tầu – là cơ hội hiếm, và
(rất) không nên bỏ lỡ.
Quan điểm nhân sinh (nhỏ hẹp) của tôi, tất
nhiên, cũng không được Phạm Văn Liễu đồng tình. Vì nghĩa lớn nên ông
từ chối một cuộc sống ấm êm – bên cạnh mỹ nhân – và lại khoác
áo lên đường, để lại biết bao là luyến thương (cùng sầu muộn) trong
lòng người ở lại.
Tôi vốn hay thương vay khóc mướn nên cứ áy náy
hoài về mối tình (dang dở) của vị tiểu thư Trung Hoa, và có
cảm tình mãi với vùng đất mà cô sinh trưởng. Vì vậy nên ngay sau khi
khi cầm được cái visa sang Tầu là tôi mua vé bay ngay
đến Côn Minh.
Phi cơ hạ cánh giữa mưa. Nhìn núi đồi nhấp
nhô và mờ nhạt xa xa khiến tôi cứ ngỡ như mình vừa đáp xuống phi
trường Liên Khương, vào một chiều mưa nào đó (tưởng chừng) như vẫn
chưa xa xôi lắm.
Cũng như Đà Lạt, Côn Minh ở độ cao hai ngàn
mét nên khí hậu rất dịu dàng. Cây cỏ xanh tươi, đất trời mát rượi.
Xa lộ dẫn vào thành phố khá tân kỳ. Đường rộng thênh thang. Hoa lá
được chăm sóc kỹ càng, tử tế.
Tôi đã đặt phòng với giá rẻ nhất, chưa tới
mười Mỹ Kim, bao luôn ăn sáng. Phòng ngủ chung nhưng nhà trọ vắng
khách nên chỉ có mình tôi tui với mấy cái giường đôi, ngó trống trải
thấy mà ái ngại.
Sau một giấc ngủ dài, tôi đeo máy ảnh đi loanh
quanh khi trời chiều còn sáng. Đường phố rộng rãi, được phân
làn rõ ràng và trật tự. Côn Minh không thiếu ô tô, và có nét đặc
thù là rất nhiều xe hai bánh điện (e-bike) cùng không ít xe đạp.
Tranh cổ động dán ở khắp nơi. Dù không đọc
được tiếng Hoa nhưng tôi cũng đoán được nội dung rất “lành mạnh” qua
sắc mầu tươi vui, và những nét vẽ đơn sơ mộc mạc: giữ vệ sinh
chung, nhường nhịn người già, chăm sóc cây cảnh ...
Tranh cổ động ở Côn Minh. Ảnh chụp tháng 7/2017
Điều đáng nói là Côn Minh không chỉ làm đẹp
bằng tranh cổ động. Du khách còn có thể thấy được “thiện chí” của
thành phố này qua những con phố không bụi rác, và những nhà vệ sinh
công cộng sạch sẽ (miễn phí) dù không dễ tìm.
Tuy nhiên, chỉ cần rời bỏ đại lộ với những
cao ốc chọc trời và rẽ ngang vào bất cứ một con đường ngang nào
khác là sẽ có ngay một Côn Minh khác. Nhà cửa cũ kỹ, mái ngói rêu
phong, cái nghèo có thể nhìn thấy được qua những cánh cửa mở toang
(giường tủ, bàn ghế bừa bộn, tuyềnh toàng) và qua những khuôn mặt
buồn phiền, cam chịu.
Tua tủa hai bên những con đường nhỏ là những
ngõ hẻm sâu, vừa chỉ vừa lọt một chiếc xe đạp hay hai người đi bộ
trái chiều. Cái gì chứ cảnh nghèo ở Á Châu thì tôi nhìn thấy hoài
mà (ở Miên, ở Miến, ở Lào đều như vậy tuốt) nên không có hứng thú
tiếp tục lần dò tiếp vào những ngõ ngách khai khai, tôi tối, và âm
ẩm của Côn Minh.
Côn Minh. Ảnh chụp tháng 7/2017
Trở ra đường lớn thì không thiếu hàng quán
tấp nập nhưng tôi không có thói quen ăn tiệm mình ên nên mua một phần
cơm chỉ hai món (đậu đũa xào và thịt heo kho trứng) hết mười lăm nhân
dân tệ, cỡ hai MK, và một chai rượu nhỏ cùng giá. Về lại nhà trọ,
tôi ngồi nhai trệu trạo vì bụng không thấy đói và rượu thì quá dở:
đã nhạt phèo mà lại còn có vị hơi ngòn ngọt nữa. Thiệt là vô duyên
hết biết luôn!
Tôi không vào được gmail, face
book, hay youtube. Mấy trang mạng quen thuộc cũng không
luôn nên nghĩ rằng có lẽ vì mình thuê chỗ ở quá rẻ tiền nên wifi
yếu. Thôi thì đành mua rượu uống nữa, dù là rượu dở, rồi lăn ra ngủ
tiếp.
Sáng hôm sau tôi chạy ngay đi nơi khác, vào
khách sạn có sao tử tế (Spring
City Star Hotel) trên một con lộ lớn: No.636 Beijing Road, Panlong
District 650051 China / Yunnan / Kunming.
Pass word của wifi ghi
sẵn luôn trong thang máy. Thiệt là văn minh chưa từng thấy. Nhận phòng
xong là tôi mở labtop liền.
Tưởng sao?
Cũng y như hôm qua thôi. No Gmail, no face
book, no youtube ... , dù những hình ảnh quảng cáo khách sạn
hay vé máy bay (Agoda, Travelgenio, Jetcost, Expedia, Cheapoair …) vẫn xuất
hiện đều đều, và thử bấm chơi thì đều chạy vo vo.
Tới lúc đó tôi mới chợt nhớ ra rằng (thôi
chết mẹ rồi) mình đang ở trong đất Tầu. Côn Minh đâu phải là
Vientiane, Phnom Penh, Yangon, hay Bangkok. Đây là thủ phủ của một tỉnh
thuộc Trung Hoa Lục Địa, và bưng bít thông tin vốn là “chủ trương xuyên
suốt” của mọi đảng CS mà. Thảo nào mà những người trẻ, ở nơi này,
chả thấy mấy ai chăm chăm cầm cái smart phone như nhiều
nơi khác!
“Internet là món quà Chúa ban cho Trung Quốc”
Tự nhiên lại chợt nhớ đến Lưu
Hiểu Ba, và câu nói lạc quan của ông khi còn tại thế: “Internet là món quà Chúa ban cho Trung Quốc.
Nó là công cụ tốt nhất cho nhân dân Trung Quốc đang mơ ước vất đi sự nô lệ và đạt
đến tự do.” Có lẽ vì món quà này qúi báu quá nên Đảng CS Trung
Hoa phải nhất định “dằng lại” bằng mọi giá, kể cả cái giá là sự
ngu dân để Nhà Nước dễ bề cai trị.
Thôi thì tạm quên Lưu Hiểu Ba, quên internet,
và lại tiếp tục đi lòng vòng phố xá cho rộng tầm con mắt. Mắt tôi
đụng toàn chữ Hán, đủ kích cỡ khác nhau nhưng đều đỏ rực như nhau –
ngoại trừ tên mấy cái ngân hàng và khách sạn: China Construction Bank,
Fudian Bank, Holiday Inn City Centre, Howard Johnson City of Flower
Hotel ...
Chinese - English. Ảnh chụp tháng 7/2017
Đi gần muốn rã cẳng luôn tôi mới chợt thấy
một cái bảng hiệu tiếng Anh (Travel Agency) mà mừng muốn rơi
nước mắt. Ôi Trời, tha hương ngộ cố tri!
Tôi cần một hướng dẫn viên, cần thuê một cái
xe hơi, hay ít ra thì cũng phải mướn được một cái e-bike (cùng
với bản đồ thành phố) để thăm thú Côn Minh cho biết sự tình. Chớ cứ
lết bộ hoài, và xung quanh thì toàn là chữ Tầu không (chả hiểu cái
con bà gì ráo trọi) thì chịu đời sao thấu?
Tôi hăm hở mở cửa bước vào văn phòng du lịch,
với nụ cười tươi tắn, và một câu tiếng Anh thông dụng. Người đối
diện đáp lại bằng tiếng Tầu. Tôi quay sang cô nhân viên ngồi kế, lập
lại câu nói vừa rồi. Cô này cũng trả lời bằng tiếng Hoa, nghe từa
tựa y như cô trước.
Coi như là hết thuốc!
Bây giờ thì tôi hiểu thế nào là một nhà tù
lớn. Tuy không có chấn xong nhưng kẻ ở bên trong cũng hoàn toàn bị
cắt đứt mọi liên lạc với thế giới bên ngoài. No English, no
face book, no youtube, no Gmail ... mà tôi thì chỉ có gmail và
không dùng điện thoại – bất kể loại nào.
Theo dự tính thì sau Côn Minh là sẽ đến Bắc
Kinh (vài bữa, hoặc mươi ngày) nhưng tôi đổi ý. Tôi sẽ trở lại Phnom
Penh hay Bangkok vào chuyến bay sớm nhất – khuya nay – với bất cứ giá
nào. Côn Minh hay Bắc Kinh thì có khác gì nhau. Cả xứ sở này chỉ là
một cái ngục tù bao la, có tên gọi là Trung Hoa Vỹ Đại!
No comments:
Post a Comment