Monday, July 17, 2017

BÀI PHÁT BIỂU VỀ TỰ DO GÂY SỐT CỘNG ĐỒNG MẠNG TIẾNG TRUNG (TRITHUCVN.NET)




TRITHUCVN.NET
Thứ bảy, 08/07/2017 | 06:07 GMT + 7

Ngày 1/7, nhà nghiên cứu kinh tế học Trung Quốc Trương Duy Nghênh đã tham dự lễ tốt nghiệp của Viện nghiên cứu Phát triển Quốc gia thuộc Đại học Bắc Kinh. Trong buổi lễ, ông có bài phát biểu đại diện cho giáo viên với chủ đề “Tự do là một trách nhiệm”, ông nói đẩy mạnh và bảo vệ tự do là trách nhiệm của mỗi người Trung Quốc quan tâm đến vận mệnh của đất nước.

Nhà nghiên cứu kinh tế học Trung Quốc Trương Duy Nghênh

Bài phát biểu này được đăng trên Wechat của Viện, tuy nhiên nó đã bị xóa trong chưa đầy 12 giờ sau khi đăng tải. Toàn văn bài phát biểu sau khi được đăng trên trang sohu.com, cũng đã bị gỡ xuống trong 24 giờ.

Những lời nói xúc động của ông Trương Duy Nghênh đã trở thành bài viết được sinh viên trường Đại học Bắc Kinh cũng như cư dân mạng muốn đọc nhất, bên cạnh đó cũng có nhiều tranh luận của cư dân mạng xoay quanh bài phát biểu này.

Viện nghiên cứu Phát triển Trung Quốc thuộc Đại học Bắc Kinh là một một viện học thuật có tính chỉ định, ngoài cựu Phó tổng giám đốc Ngân hàng thế giới Lâm Nghị Phu được nhậm chức Viện trưởng danh dự ra, thành viên hội đồng của viện bao gồm Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Vương Kỳ Sơn, Giám đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc Chu Tiểu Xuyên, và giáo sư, Nhà kinh tế học nổi tiếng Chu Kỳ Nhân, Trương Duy Nghênh, v.v.

Dưới đây là nội dung bài phát biểu của ông Trương Duy Nghênh được lưu truyền trên internet.

---------------

Chào các em sinh viên! Đầu tiên xin chúc mừng các em đã tốt nghiệp!

“Người Bắc Đại” là một vầng sáng, kèm theo đó là trách nhiệm, đặc biệt là trách nhiệm đối với dân tộc chịu bao khổ nạn chịu bao chà đạp của chúng ta.

Văn minh Trung Hoa là một trong những nền văn minh cổ xưa trên thế giới, đồng thời cũng là nền văn minh cổ xưa duy nhất được duy trì cho đến ngày nay. Trung Quốc thời cổ đại có sự phát minh sáng tạo đầy huy hoàng, có đóng góp quan trọng cho sự tiến bộ của nhân loại. Nhưng 500 năm qua, về phương diện phát minh sáng tạo thì Trung Quốc không có gì nổi trội để khen. Chúng ta hãy dùng con số để nói rõ hơn. Theo thống kê của học giả Jack Challoner thuộc Bảo tàng Khoa học Anh, trong khoảng thời gian từ thời kỳ đồ đá (2,5 triệu năm trước) đến năm 2008, đã có 1001 phát minh lớn làm thay đổi cả thế giới, trong đó, Trung Quốc có 30 phát minh, chiếm 3%.

30 phát minh này đều là xuất hiện từ trước năm 1500, chiếm 18,4% trong 163 phát minh lớn trên toàn thế giới trước năm 1500. Trong đó, phát minh cuối cùng là bàn chải đánh răng được phát minh năm 1498, đây cũng là phát minh to lớn duy nhất trong triều đại nhà Minh. Từ sau năm 1500, hơn 500 năm toàn thế giới có 838 phát minh, trong số đó không có phát minh nào đến từ Trung Quốc.

Kinh tế tăng trưởng nhờ những sản phẩm mới, công nghệ mới, ngành nghề mới không ngừng xuất hiện. Trong xã hội truyền thống chỉ có vài ngành nghề như nông nghiệp, luyện kim, làm đồ gốm, thủ công mỹ nghệ. Trong đó nông nghiệp chiếm vị trí chủ đạo. Hiện giờ chúng ta có bao nhiêu ngành nghề? Theo sự tiêu chuẩn phân loại đa tầng quốc tế, chỉ riêng sản phẩm xuất khẩu, số ngành có mã 2 chữ có 97 ngành, 4 chữ là 1222 ngành, 6 chữ là 5053 ngành, và vẫn không ngừng tăng thêm. Những ngành mới này đều những ngành ra đời từ cách đây 300 năm, mỗi một sản phẩm mới đều có thể tra được nguồn gốc phát triển của nó.

Từ sau năm 1500 tất cả những phát minh lớn đều không đến từ Trung Quốc
Trong số các ngành mới, lấy ngành sản xuất ô tô làm ví dụ. Ngành ô tô được những người Đức như Karl Benz, Daimler và Maybach sáng lập vào khoảng giữa những năm 1880, sau đó trải qua hàng loạt cải tiến về công nghệ, chỉ từ năm 1900 đến 1981, đã có hơn 600 mẫu đổi mới quan trọng (theo AlbernathyClark and kantrow, 1984).

Trung Quốc hiện nay là nước sản xuất ô tô lớn nhất thế giới, nếu như bạn viết một bộ lịch sử về sự tiến bộ của ngành ô tô, trên danh sách sẽ có hàng vạn nhà phát minh có tên tuổi, trong đó có người Đức, người Pháp, người Anh, người Italy, người Mỹ, người Bỉ, người Thụy Điển, người Nhật, nhưng sẽ không có người Trung Quốc.

Dù là những ngành nghề truyền thống mà Trung Quốc từng dẫn đầu từ trước thế kỷ 17 như luyện kim, làm gốm, dệt may, những phát minh lớn cách đây 300 năm, không có phát minh nào là của người Trung Quốc.

Tôi muốn nhấn mạnh sự khác nhau trước và sau năm 1500. Trước năm 1500, thế giới phân chia thành những khu vực khác nhau, mỗi khu vực về cơ bản đều trong trạng thái đóng cửa, một kỹ thuật mới xuất hiện ở một nơi, thì sức ảnh hưởng của nó tới nơi khác là rất nhỏ, và cống hiến của nó đối với nhân loại cũng rất hạn chế.

Ví dụ như, năm 105, ông Thái Luân thời Đông Hán đã phát minh ra kỹ thuật sản xuất giấy, nhưng đến năm sau 751, kỹ thuật sản xuất giấy mới được truyền tới nước Hồi giáo, trải qua 300 – 400 năm mới truyền tới Tây Âu.

Nhưng sau năm 1500, toàn cầu đã bắt đầu nhất thể hóa, không những tốc độ phát minh kỹ thuật mới được tăng nhanh, mà sự phổ biến của kỹ thuật cũng gia tăng, một công nghệ mới xuất hiện ở nơi này, nó sẽ nhanh chóng được mang tới nơi khác, và sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến nhân loại.

Ví dụ, năm 1886, người Đức phát minh ra ô tô, 15 năm sau, nước Pháp trở thành nước đứng đầu sản xuất ô tô, qua 15 năm nữa, nước Mỹ thay thế Pháp trở thành cường quốc về sản xuất ô tô. Đến năm 1930, tỷ lệ phổ biến của ô tô Mỹ lên đến 60%.

Do đó, sau năm 1500, sáng tạo mới đã thực sự có tính so sánh giữa các nước, chất lượng ai tốt ai không tốt chỉ nhìn là biết! Trong 500 năm trở lại đây, Trung Quốc không có một phát minh mới nào đáng ghi trong sử sách, điều đó có nghĩa là chúng ta chưa làm được gì để cống hiến cho sự tiến bộ của nhân loại! So với tổ tiên thì chúng ta kém xa!

Tôi còn muốn nhấn mạnh vấn đề về dân số, dân số có nước nhiều nước ít, so sánh đơn giản giữa các nước về phát minh sáng tạo của ai nhiều sẽ không chính xác.

Sự sáng tạo mới phải tỷ lệ thuận với dân số, tại sao Trung Quốc không thế?
Về lý luận mà nói, trong một điều kiện khác, một nước có dân số đông, thì sự sáng tạo sẽ nhiều, tiến bộ về kỹ thuật sẽ nhanh. Hơn nữa, tỷ lệ sáng tạo và tỷ lệ dân số là mối quan hệ chỉ số, không phải đơn giản là mối quan hệ tỷ lệ tương ứng. Có 2 nguyên nhân: thứ nhất, tri thức ở phương diện sản xuất có tính kinh tế và hiệu ứng lan tỏa quan trọng; thứ 2, tri thức ở phương diện sử dụng sản phẩm không có tính ngăn cản người khác sử dụng nó.

Những phát minh cống hiến cho nhân loại của người Trung Quốc không tương xứng với tỷ lệ dân số của Trung Quốc. Dân số Trung Quốc gấp 4 lần dân số Mỹ, gấp 10 lần Nhật, gấp 20 lần Anh, gấp 165 lần Thụy Sĩ. 

Nhưng thực tế, trong 500 năm, về phương diện phát minh sáng tạo, sự cống hiến của Trung Quốc gần như con số 0, chưa cần so sánh với nước Mỹ, nước Anh, ngay cả con số lẻ của Thụy Sĩ cũng chưa đạt đến. Người Thụy Sĩ phát minh ra kìm phẫu thuật, máy trợ thính điện tử, dây an toàn, công nghệ chỉnh hình, màn hình LCD, v.v.
Công nghệ mực chống giả được Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc dùng để in tiền là công nghệ của Thụy Sĩ, bột mỳ Trung Quốc sản xuất có 60%-70% máy móc gia công của công ty Bühler của Thụy Sĩ.

Nguyên nhân do đâu? Lẽ nào là do gen của người Trung Quốc? Hiển nhiên là không phải! Nếu không, chúng ta không có cách nào giải thích được sự huy hoàng của Trung Quốc cổ đại.

Hiển nhiên là do thể chế và chế độ của chúng ta. Sức sáng tạo là dựa vào sự tự do! Sự tự do về tư tưởng và tự do về hành vi. Đặc điểm cơ bản của thể chế của Trung Quốc đã hạn chế sự tự do của người dân, nó đã bóp nghẹt tính sáng tạo, giết chết tinh thần của các nhà khởi nghiệp. Người Trung Quốc có sức sáng tạo nhất đó là vào thời Xuân Thu và thời Tống, đây không phải là ngẫu nhiên. Hai thời đại này cũng là thời đại người Trung Quốc tự do nhất.
Trước năm 1500, phương Tây không sáng sủa, phương Đông thì mờ mịt, sau năm 1500, một số nước phương Tây trải qua cải cách tôn giáo và vận động phổ cập kiến thức mới, họ đã dần dần hướng tới tự do và pháp trị, còn chúng ta lại đi ngược đường với họ.

Thể chế Trung Quốc đã hạn chế sự tự do của người dân, cũng hạn chế luôn cả sức sáng tạo
Tôi cần phải nhấn mạnh, tự do là một chỉnh thể không thể tách rời, khi tâm hồn không tự do, thì hành động cũng không được tự do; khi không có tự do ngôn luận, thì tư tưởng không thể tự do được. Chỉ có tự do, thì mới có sự sáng tạo.

Lấy một ví dụ để nói rõ về điểm này. Ngày nay, rửa tay trước khi ăn cơm và sau khi đi vệ sinh đã trở thành thói quen. Nhưng năm 1847, khi bác sĩ nội khoa người Hungari Ignaz Semmelweis đề xuất bác sĩ và y tá phải rửa tay trước khi tiếp xúc với sản phụ, ông đã xúc phạm đến đồng nghiệp, vì thế mà bị mất việc, và chết trong một bệnh viện tâm thần lúc 47 tuổi.

Quan điểm của Ignaz Semmelweis dựa trên sự theo dõi về sốt hậu sản, khi đó tại bệnh viện của ông có 2 phòng sinh, một phòng để phục vụ người giàu, do các bác sĩ và y tá giỏi chăm sóc, những bác sĩ này luôn đổi công việc giữa đỡ đẻ và giải phẫu; một phòng khác là để phục vụ người nghèo, do bà mụ đỡ đẻ. Ông phát hiện, tỷ lệ người giàu bị sốt hậu sản nhiều gấp 3 lần người nghèo. Ông cho rằng nguyên nhân là do bác sĩ không rửa tay. Nhưng cách nhìn nhận vấn đề của ông lại mâu thuẫn với lý luận khoa học thời đó, ông cũng không thể đưa ra những luận chứng khoa học để thuyết minh cho phát hiện của mình.

Thói quen vệ sinh của nhân loại thay đổi thế nào? Việc này có liên quan tới phát minh máy in
Những năm 1440, Johannes Gutenberg đã phát minh ra phương pháp in dấu. Loại máy in sử dụng phương pháp in này đã khiến cho sách vở bắt đầu phổ biến, nhiều người bỗng phát hiện, thì ra họ bị “viễn thị”, thế là nhu cầu về kính lại tăng cao. 100 năm sau khi máy in được phát minh, châu Âu xuất hiện hàng ngàn nhà sản xuất kính mắt, đồng thời cũng làm dấy lên cuộc cách mạng về công nghệ quang học.

Năm 1590, công ty sản xuất kính mắt Janssen Hà Lan đã lắp vài chiếc kính trong một cái ống tròn, và họ phát hiện những sinh vật quan sát qua những chiếc kính này được phóng to lên, từ đó họ phát minh ra kính hiển vi. Nhà khoa học người Anh Robert Hook đã sử dụng kính hiển vi để phát hiện ra tế bào, từ đó tạo nên cuộc cách mạng khoa học và y học.

Nhưng kính hiển vi thời đầu không cho hiệu suất cao, cho đến những năm 1870, công ty Carl Zeiss của Đức đã sản xuất ra loại kính hiển vi mới, nó được chế tạo dựa trên công thức toán học chính xác. Nhờ vào loại kính hiển vi này, bác sĩ người Đức Robert Koch đã phát hiện ra vi khuẩn mà mắt người không nhìn thấy, và cũng chứng minh cho quan điểm của bác sĩ người Hungari Ignaz Semmelweis, từ đó lý luận về vi sinh vật và vi khuẩn học ra đời. Nhờ sự ra đời về vi khuẩn học này mà con người đã dần dần thay đổi thói quen, và tuổi thọ của con người cũng được kéo dài.

Chúng ta thử nghĩ: nếu lúc đầu máy in bị cấm sử dụng, hoặc là chỉ cho phép in ấn những gì đã được kiểm duyệt, vậy sách báo sẽ không được phổ cập, nhu cầu về kính mắt cũng sẽ không lớn, kính hiển vi và kính viễn vọng cũng sẽ không được phát minh nữa, ngành vi sinh vật học cũng không được ra đời, tuổi thọ dự tính của con người cũng sẽ không tăng từ 30 lên 70, càng không thể nào mơ tới thám hiểm không gian vũ trụ.

Không bảo vệ tự do thì không xứng với danh hiệu “người Bắc Đại”
Newton mất 30 năm để phát hiện ra lực vạn vật hấp dẫn, tôi mất 3 tháng để làm rõ định luật vạn vật hấp dẫn này, nếu tôi nói mình dùng thời gian 3 tháng để đi hết con đường của Newton, mọi người có thể cảm thấy buồn cười. Ngược lại, nếu tôi quay sang cười Newton, vậy thì chỉ có thể nói tôi quá vô tri!

Chúng ta thường nói, Trung Quốc dùng 7% diện tích đất có thể trồng trọt để nuôi sống 20% người dân thế giới, nhưng chúng ta cần hỏi lại: Trung Quốc liệu có thể làm được việc đó không? Nói đơn giản, chính là sử dụng lượng lớn phân hóa học. Nếu không sử dụng phân hóa học, e là một nửa người Trung Quốc sẽ chết đói.

Công nghệ sản xuất phân đạm đến từ đâu? Hơn 100 năm trước, nhà khoa học người Đức Fritz Habe và kỹ sư Carl Bosch của công ty BASF đã phát minh ra, chứ không phải Trung Quốc phát minh ra. Năm 1972, sau chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Nixon, Trung Quốc và Mỹ đã có thương vụ làm hợp tác đầu tiên, chính là mua 13 giàn thiết bị sản xuất Ure quy mô lớn nhất, hiện đại nhất thế giới lúc bấy giờ, trong đó có 8 giàn máy là của công ty Kellogg.

Trải qua 50 năm, 100 năm nữa khi viết lại lịch sử phát minh trên thế giới, liệu Trung Quốc có thể có tên trong đó. Chỉ có tự do, thì mới làm tinh thần và sức sáng tạo của doanh nghiệp của người Trung Quốc mới phát huy hết khả năng, biến Trung Quốc trở thành điển hình về sáng tạo cái mới.

Do đó, đẩy mạnh và bảo vệ tự do là trách nhiệm của mỗi người Trung Quốc quan tâm tới vận mệnh của đất nước, và là sứ mệnh của người của trường Đại học Bắc Kinh! Không bảo vệ tự do, thì không xứng với xưng hiệu “người Bắc Đại”!

Trí Đạt (biên dịch)





No comments: