Trần Sông Hồng
14/07/2017
Tóm
tắt vụ án
Ông Trịnh Vĩnh Bình sinh 1947, vượt biên tới Hòa Lan
năm 1976. Ông bán chả giò, và món ăn Việt rất thành công nên có biệt danh
"Vua Chả Giò".
Năm 1986, Đại hội ĐCS VN lần VI, mở cửa kêu gọi Việt
kiều về làm giàu cho quê hương. Năm 1987, ông Bình đem bốn triệu Mỹ kim về Việt
Nam đầu tư. Ông mua đất để xây dựng nhà xưởng. Ở thời điểm này, Việt Nam chưa
cho phép Việt kiều đứng tên nhà đất. Ông phải nhờ người thân ở Việt Nam đứng
tên giúp.
Ông Bình mua 284 ha đất, mở hai cơ sở sản xuất, 11
căn nhà ở Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai và Sài Gòn nâng tổng số tài sản lên gấp gần
8 lần số vốn ban đầu. Ông Bình sở hữu khoảng trên 30 triệu Mỹ Kim tại Việt Nam.
Thấy tài sản của ông quá lớn, Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu
cho công an bắt ông Bình, khởi tố hai tội: "Vi phạm các quy định về quản
lý và bảo vệ đất đai"; và "Đưa hối lộ".
Năm 1998, Tòa án tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu xử sơ thẩm và
tuyên phạt ông Bình 13 năm tù. Ông kháng án lên Tòa Phúc thẩm. Tòa Tối cao tại
Sài Gòn xử giảm xuống 11 năm tù.
Ông Bình cùng các luật sư cãi về tội “Vi phạm các
quy định quản lý và bảo vệ đất đai”: Không có quy định, hay điều luật nào cấm
“nhờ người thân đứng tên giúp”. Tội thứ hai “Đưa hối lộ”: Cả Tòa tỉnh và cả Tòa
Tối cao đều không đưa ra được bằng chứng ai là người nhận hối lộ.
Tuy vậy, ông Bình vẫn bị bị tống vào tù. Toàn bộ tài
sản, bất động sản của ông tịch thu.
Ông Bình ra khỏi nhà tù sớm hơn hạn định và quyết định
vượt biên lần hai bằng đường bộ, xuyên rừng Campuchia về lại Hòa Lan.
Ông Trịnh Vĩnh Bình.
Cam
kết Singapore
Tại Hòa Lan năm 2003, ông Bình đâm đơn kiện Công hòa
Xã hội Chủ nghĩa Việt nam tại Trung tâm Trọng tài Quốc tế Stockholm, Thụy điển,
đòi bồi thường 100 triệu USD vào năm 2005.
Ông Bình viện dẫn các quy định của Hiệp định “Khuyến
khích và Bảo hộ Đầu tư” mà Việt Nam và Hòa Lan đã ký kết vào năm 1994. Phiên
tòa Quốc tế ấn định vào tháng 12/2006 tại Stockholm , Thụy Điển.
Chính quyền Việt Nam ngửi thấy mùi thất bại nên chọn
phương pháp dàn xếp ngoài tòa. Việt Nam thương lượng với ông Bình để ký một
“Cam kết” tại Singapore vào tháng 9/2006.
Nội
dung Cam kết Singapore
Về phía Nhà nước Việt Nam cam kết: 1) Bồi thường cho
ông Trịnh Vĩnh Bình 15 triệu Mỹ kim. 2) Việt Nam trả lại ông Bình toàn bộ tài sản
đã tịch thu, việc trao trả này phải hoàn tất chậm nhất vào cuối năm 2012. 3)
Phía Việt Nam cho ông Trịnh Vĩnh Bình ra vào Việt Nam tự do, và xóa án cho ông.
Về phía ông Trịnh Vĩnh Bình phải: 1) Rút đơn kiện khỏi
Tòa Quốc tế ở Stockholm, Thụy Điển. 2) Không được tiết lộ nội dung Cam kết
Singapore với truyền thông.
Bản Cam kết này có sự chứng kiến của Trung tâm Trọng tài Thương mại Stockholm, Văn phòng Thừa phát, cùng luật sư của cả hai bên.
Hậu
Cam kết Singapore
Phía ông Bình đã giữ im lặng; không tiết lộ nội dung
“Cam kết” để giữ uy tín, thể diện cho chính quyền Việt Nam.
Phía Chính phủ Việt Nam đã trả 15 triệu Mỹ kim cho
ông Bình, nhưng rất chậm, mãi đến năm 2014 mới xong. Ông Bình không đòi tiền lời
từ năm 2005 đến 2014. Việt Nam xóa hình phạt tù của ông Bình và cho ông được trở
lại Việt Nam. Tuy vậy,
toàn bộ tài sản, bất động sản gồm: hai xưởng sản xuất với diện tích gần 40.000
m2; chín căn nhà và đất; đoàn xe vận tải 12 chiếc; căn nhà 86 m2 măt tiền trên
diện tích đất hơn 2.000 m2 ở đường Trần Phú, Vũng Tàu cùng nhiều bất động sản ở
các tỉnh thành khác thì chưa hoàn trả.
Lại
đâm đơn kiện CHXHCN Việt Nam
Ông Bình xét thấy “Cam kết Singapore” bị phản bội.
Ông Bình quyết định đâm đơn kiện Nhà nước Việt Nam ra Tòa Trọng tài Quốc tế The
Hague tại Hòa Lan.
Ông Bình nộp đơn kiện vào tháng 1/2015. Đến ngày
30/4/2015, Tòa Quốc Tế đã chính thức thông báo đến Nhà nước Việt Nam về nội
dung vụ kiện.
Bên nguyên đơn, ông Bình, quốc tịch Hòa Lan, đã mướn
Tổ hợp luật Covington & Burling của Mỹ.
Bị đơn là Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam đã thuê
hãng luật nổi tiếng của Pháp. Tin đồn rằng những luật sư trong hãng này đều là
bạn học với Cù Huy Hà Vũ.
Mọi chuyện đã vỡ lở. Việt Nam đã ký kết rất nhiều Hiệp
ước Thương mại và Đầu tư với Âu châu và Hòa Lan. Việt Nam không thể giấu giếm
hay ém nhẹm.
Phiên xét xử
dự kiến kéo dài mười ngày, bắt đầu từ 21 tháng 8 năm 2017. Ai thắng ai, hậu kỳ án và thi hành án sẽ là những là những đề tài vô tận
cho các nhà bình loạn khai thác.
Báo Quân Đội Nhân Dân, Nhân Dân, cùng giàn báo chí
quốc doanh chưa thấy lên tiếng tố cáo các “thế lực thù địch”, “bọn phản động”
tiếp tay... phá hoại CHXHCN Việt Nam.
Thứ Năm ngày 13 tháng Bảy năm 2017
Trần Sông Hồng
Trần Sông Hồng
No comments:
Post a Comment