Saturday, March 31, 2012

TRANH CỬ Ở MYANMAR : "SỢ HÃI TAN BIẾN VÌ BÀ ẤY ĐẾN" (Ruth Fend tường thuật từ Yangon và Mandalay)



Ruth Fend tường thuật từ Yangon và Mandalay

Phan Ba dịch
Tháng Ba 27, 2012

Ở những nơi bà ấy xuất hiện, con người phản ứng với sự tôn kính và niềm hân hoan: nữ lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi đi khắp đất nước của mình mà không biết mệt, tuyên truyền cho tự do và dân chủ – nhưng phải đến cuộc bầu cử vào ngày 1 tháng 4 mới biết được liệu chính phủ có thật sự muốn biến đổi hòa bình hay không.

Bà ấy đến! Thế là hàng nghìn người đứng lên ngay. Những người giữ trật tự vừa mới dùng loa thuyết phục họ ngồi xuống mặt đất bụi bặm đầy đá. Nhưng lại là một báo động nhầm. Họ đã chờ nhiều tiếng đồng hồ trên sân vận động ở rìa thành phố Mandalay. 100.000, có lẽ là 200.000, người ta cho là như thế. Không có nhà vệ sinh, không có thức ăn. Trẻ em và người già, nhà sư và thanh niên, tất cả họ đều vẫy những lá cờ nhỏ màu đỏ và hình ảnh của người nữ anh hùng của họ, nhảy múa, bắt nhịp để đồng loạt hô to. Ngay cả cơn mưa đang bắt đầu dường như cũng không làm cho họ cảm thấy phiền hà gì cả. “Ngay cả thời tiết cũng ủng hộ chúng tôi”, một người nói – nếu không thì thành phố lớn thứ nhì của Myanmar sẽ nóng như trong lò nướng.

Chen chúc nhau trong Mandalay. Hàng nghìn người đổ về sân vận động ở Mandalay để chờ người nữ lãnh tụ đối lập xuất hiện. Ảnh: Ruth Fend

Đoàn xe của Aung San Suu Kyi cần đến gần bốn giờ đồng hồ cho đoạn đường ngắn từ cảng hàng không đấn sân vận động. Nó bị kẹt trong đám đông người. Dường như cả Mandalay đã đổ ra đường. Người ta chen nhau ở lề đường để nhìn thấy bà ấy, để chạm được bà, để đưa cho bà một đóa hoa. Hay họ đi bằng xe đạp, trên những xe tải nhỏ không mui và xe gắn máy đến sân vận động. Ai có một cái còi đều dùng đến nó.
Thế rồi bất thình lình bà ấy thật sự đứng trên khán đài: Aung San Suu Kyi, con gái của người chiến đấu giành độc lập huyền thoại Aung San. “Lady”, nhưng những người ủng hộ bà gọi một cách đơn giản. 15 năm quản thúc tại gia dường như đã qua đi mà không để lại một dấu vết nào trên gương mặt thanh nhã của người đàn bà 66 tuổi đấy với dáng điệu hãnh diện của một công chúa. Khi bà ấy mỉm cười, đôi gò má cao của bà càng cao thêm. Bà cười rạng rỡ xuống đám đông người kéo dài cho tới tận ngoài xa phía sau của sân vận động. “Từ năm 1988 tôi không còn nói trước nhiều người như thế này!”, bà ấy nói to vào micrô.

Aung San Suu Kyi trong sân vận động đầy người. Ảnh: Ruth Fend

“Khi chúng tôi nhìn thấy bà ấy, chúng tôi nổi cả gai ốc”
Dường như người nhận Giải Nobel Hòa bình này vẫn còn chưa thể tin được rằng mình lại có thể xuất hiện công khai. Rằng bà ấy còn được phép tổ chức tranh cử nữa. Trước đây hai năm, những người mà bây giờ đang mang áo thun với hình và và vẫy cờ đảng NLD của Suu Kyi sẽ vào tù chỉ vì sở hữu một tấm ảnh của bà. Không một ai dám bàn về chính trị trên đường phố, gián điệp rình rập khắp mọi nơi. “Sự sợ hãi tan biến, vì bà ấy đến”, một người dân Mandalay giải thích sự hân hoan được phô bày không kìm chế trước lần xuất hiện của bà. “Khi chúng tôi nhìn thấy bà ấy, chúng tôi nổi cả gai ốc.”
50 năm ròng, trước hết là chỉ có những câu chuyện kinh hồn thoát ra khỏi nước Myanmar bị cô lập. Về những nhà sư bị bắn chết trong các cuộc biểu tình. Về những vị tướng lĩnh cay độc đã ngăn chận sự giúp đỡ nhân đạo khi cơn bão Nargi cướp đi sinh mạng của ít nhất là 138.000 người. Bây giờ có một sự biến đổi hòa bình giống như trong truyện cổ tích đi về hướng dân chủ, cái mà lúc ban đầu không một ai có thể tin được.
Cuối năm 2010, chính phủ trả tự do cho Aung San Suu Kyi khỏi sự quản thúc tại gia mà không có áp lực từ đường phố. Rồi tướng Thein Sein cởi bỏ bộ quân phục và tự xưng mình là tổng thống của một chính phủ dân sự – và bắt đầu thương lượng với người từng là kẻ thù của quốc gia trong mùa hè vừa qua. Vào ngày 1 tháng 4, 48 ghế trong Quốc Hội sẽ được bầu bổ sung – và cuối cùng thì nữ lãnh tụ đối lập Aung San Suu kyi cũng được phép bước ra tranh cử. Từ đầu năm, bà ấy đi xuyên qua đất nước này và huy động những người ủng hộ bà.

Văn phòng của đảng NLD. Ảnh: Ruth Fend

Trong Yangon, thành phố lớn nhất của Myanmar, những cánh cửa văn phòng chính của NLD lại được mở tung ra. Lá cờ đảng màu đỏ với ngôi sao và con công đang tấn công – con thú biểu tượng của Myanmar – lại tự hào tung bay trên mái nhà. Trước đây lúc nào cũng có xe cảnh sát đỗ trước tòa nhà hai tầng này, trong quán bán trà đối diện lúc nào cũng có công an chìm ngồi và chụp hình mỗi một người bước chân vào đấy.

“Ánh sáng chập chờn của dân chủ”
Ngày nay, người ta giành nhau những món hàng lưu niệm bà ấy. Trong tầng trệt, tình nguyện viên của NLD sắp xếp hình dán, áp phích, áo thun và đủ mọi đồ vật với hình ảnh của Aung San Suu Kyi. Trong một phòng làm việc nhỏ trên tầng một có một người đàn ông già gầy gò ngồi với chiếc áo longyi, một loại váy quấn. U Tin Oo, 83 tuổi, đã cùng Aung Suu Kyi và một cựu tướng lĩnh khác thành lập NLD năm 1988. Ông cũng đã ngồi tù nhiều năm. Bây giờ ông là người thứ nhì sau bà ấy.

U Thin Oo, nhân vật thứ nhì của đảng NLD. Ảnh: Ruth Fend

Cũng như nhiều người già ở Myanmar, Tim Oo nói tiếng Anh với giọng địa phương, nhưng trôi chảy – một di sản của thời thuộc địa Anh. Nhân dân còn chưa chiến thắng đâu, Tin Oo nói, nhưng ông nhìn thấy “ánh sáng chập chờn của dân chủ”. Khi Tổng thống mới Thein Sein bước đến với đảng NLD, có một cái gì đó mở đã diễn ra: “Lần này, thật là kỳ diệu, chúng tôi có thực chất trong những cuộc thương lượng”, Tin Oo nói. Nghe có vẻ vẫn còn ngạc nhiên chút ít.
Bà ấy đã nắm lấy bàn tay chìa ra của Thein Sein và đã công khai tuyên bố sự tin tưởng của mình vào người tổng thống. Rằng ông ấy là một người đại diện cho hệ thống cũ, điều đấy không có ý nghĩa gì đối với Tin Oo cả. Cuối cùng thì chính Tin Oo cũng đã từng là người tổng chỉ huy quân đội của đất nước này. Cho tới khi ông từ chối đập tan một cuộc nổi dậy vào những năm bảy mươi. “Ngày nay, khi những người lính trông thấy tôi, họ vẫn còn đứng nghiêm theo bản năng”, người đàn ông 83 tuồi đấy nói với một nụ cười hơi mỉa mai. Ông cũng còn nhớ ông tổng thống của ngày hôm nay từ thời mình còn là tư lệnh Hải quân. Thein Sein là đại úy trong phòng của ông, một chàng trai trẻ từ nông thôn mà thỉnh thoảng ông chơi bài với anh ta. “Một người đàn ông tốt, có tinh thần tự do, làm việc siêng năng”, Tim Oo nói.
Khi nghe Tin Oo nói, sự biến đổi kỳ diệu trong chính quyền nghe có vẻ gần như lôgic. “Đến một ngày nào đó thì phải có đối thoại thật sự”, người đàn ông già nua nói. “Ý dân quá mạnh.” Thật ra chính phủ đã tuyên bố từ năm 2008 rằng sẽ từ giã chế độ độc tài từng bước một với “Roadmap to Democracy” của họ. Khi thế giới Ả Rập nổi dậy và đòi hỏi dân chủ trong năm vừa qua, các tướng lĩnh của Myanmar đã theo dõi rất sát sao việc máy bay ném bom của NATO đã bay trên Libya như thế nào. Về kinh tế, Myanmar đang đứng trước vực thẳm, nước này thuộc trong số những nước nghèo nhất thế giới. Vì bị phong tỏa ở Phương Tây nên thương mại chỉ được tiến hành qua những lỗ hổng cũng như với các đồng minh châu Á như Trung Quốc và Thái Lan. Sự phụ thuộc vào Trung Quốc khiến chính phủ ngày càng cảm thấy khó chịu.
(Còn tiếp)

Ruth Fend

Phan Ba dịch từ Spiegel Online

-----------------------------------------

Ruth Fend tường thuật từ Yangon và Mandalay

Phan Ba dịch
Tháng Ba 28, 2012

Cả bộ máy nhà nước cũng căm ghét chính phủ quân đội
Trong tháng 10, chính phủ bất ngờ đá vào cẳng chân của láng giềng Trung Quốc hùng mạnh: chẳng hề cảnh báo trước, họ ngừng xây đập nước Myitsone khổng lồ, vì lo ngại cho môi trường. Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đã tham gia công trình xây dựng này, điện dự định phần lớn sẽ được tải về Trung Quốc. Đồng minh to lớn bực tức – và vì vậy mà sự tiếp cận với Phương Tây đã tăng thêm tầm quan trọng đối với Myanmar. “Qua đó, những người ôn hòa trong chính phủ đã đạt được một ưu thế”, Tim Oo nói. Và những người ôn hòa muốn có sự biến đổi. Rồi thì họ sẽ không còn là những người bị ruồng bỏ của thế giới này nữa.

Nhà sư Panda Vam Sa vừa mới được trả tự do trước đây vài tháng - năm 2007 ông thuộc trong số những nhà hoạt động trong cuộc nổi dậy của các sư chống chính phủ quân đội. Ảnh: Ruth Fend

Ngay đến bộ máy nhà nước cũng căm ghét chính phủ quân đội, một quan sát viên Mynamar lâu năm nói. Thêm vào đó, đứng đối diện với đạo quân 450.000 người này là một thể chế dân sự cũng có từng ấy người nhưng lại có nhiều uy quyền hơn nhiều: cộng đồng các nhà sư. “Lãnh đạo chính trị bao giờ cũng đã lo sợ các nhà sư rồi”, Panda Vam Sa nói. “Ngay cả khi không có quyền đi bầu, chúng tôi cũng đã mạnh hơn những người khác. Vì người dân làm những gì mà chúng tôi bảo họ.”Người đứng đầu tu viện 55 tuổi này là một trong hàng trăm tù nhân chính trị bất thình lình được trả tự do trong tháng 1. Trước đây năm năm, vào một buổi tối lúc chín giờ rưỡi, mười xe tải chở đầy lính bao xung quanh năm tu viện nằm liền kề nhau và đẩy 125 cư dân của chúng ra ngoài trời. Họ mang theo hơi cay và ảnh của bảy nhà sư tích cực hoạt động. Họ tìm những người đấy, trong số đó là Panda Vam Sa.

Nhiều người vẫn còn không tin vào sự biến đổi còn mong manh
Năm năm sau đấy, khi ông trở về tu viện khiêm tốn của mình ở phía sau một nhà ga tồi tàn, các cánh cửa của nó đều đóng kín. Bây giờ thì ông đã tu sửa nó lại, mặc dù từ sau những cuộc phản đối, người ta chỉ cho phép năm nhà sư sống chung với nhau trong các tu viện ở Yangon. Ông đã dán ảnh Aung Suu Kyi lên các bức tường của phòng khách.
Trong quá khứ, chính phủ đã nhiều lần hứa hẹn dân chủ và rồi tuy vậy vẫn gian lận trong các cuộc bầu cử. Nhưng lần này thì cả Panda Vam Sa cũng lạc quan. “Các nhóm lưu vong rất tích cực, sự quan tâm của quốc tế cao”, nhà sư nói. Nhưng ông luôn luôn cảnh báo nhà ngoại giao và nhà báo hãy cẩn thận: họ đừng hủy bỏ tất cả cấm vận cùng một lúc. Ít nhất là họ cần phải chờ kết quả của cuộc bầu cử vào ngày 1 tháng 4. Một chiến thắng lớn cho đảng NLD tuy cũng không thể thay đổi cấu trúc quyền lực, chỉ 48 của tròn 600 ghế là được bầu mới. Thế nhưng lần bỏ phiếu này được xem như là một thử nghiệm quan trọng mang tính biểu tượng.
Nhiều người vẫn còn không tin vào sự biến đổi mong manh này. Đặc biệt là các dân tộc thiểu số có nhiều trong đất nước này. Từ khi độc lập, giới quân đội đã chiến đấu chống nhiều nhóm thiểu số có trang bị vũ khí. 135 nhóm dân tộc sống trong Myanmar. Một vài nhóm trong số đó có quân đội riêng, cho tới 25.000 người. Họ yêu cầu nhiều quyền tự trị hơn nữa – và không còn muốn vẫn trắng tay khi chính phủ bán đổ bán tháo gỗ quý, khí đốt và đá quý từ những vùng đất của họ.

Một người bán hình ảnh của Suu Kyi trên đường phố. Ảnh: Ruth Fend

“Con đường trước mặt chúng tôi còn dài và khó khăn”
Trong những tháng vừa qua, chính phủ mới đã thương lượng ngưng chiến thành công với các nhóm thiểu số. “Dân chủ chỉ là bước đầu tiên cho hòa bình”, Aye Tha Aung nói. Người đàn ông có giọng nói khàn khàn đấy vừa mới thành lập đảng “Arakan League for Democracy” trước đây vài ngày – quá muộn để có thể tham dự cuộc bầu cử Quốc Hội trong tháng 4. Nhưng ông ấy cũng chẳng muốn điều đó: “Chúng tôi chưa thật sự tin tưởng chính phủ.” Những người lãnh đạo nó thường đấu đá lẫn nhau hay bị mua chuộc. “Tức là chúng tôi phải chuẩn bị khác đi.” Ở bên ngoài của Quốc Hội, nơi mà theo Hiến Pháp 25% ghế vẫn còn được dành cho giới quân đội.
Họ chuẩn bị như thế nào và cho những gì, người đàn ông độ 55 tuổi này không hé lộ. Nhưng Aung San Suu Kyi cũng sẽ đồng ý với chiến lược của họ. Không có người phụ nữ mang sức thu hút đấy như là một nhân vật nhận dạng, dường như là thế, thì khó mà giữ đất nước này lại với nhau được. Bà ấy cũng biết điều đó. Bà đã nhắc đến từ thống nhất nhiều lần trong Mandalay. “Con đường ở phía trước chúng ta còn dài và khó khăn”, bà cảnh báo những người ủng hộ. “Khó đến được với dân chủ và khó giữ được dân chủ. Tất cả chúng ta phải nỗ lực hành động.”

Một người ủng hộ Aung San Suu Kyi ở Mandalay. Ảnh: Ruth Fend

Người nhận Giải Nobel Hòa bình cũng đòi hỏi bản thân mình rất nhiều với chuyến đi khắp nơi để vận động bầu cử này – thỉnh thoảng còn nhiều hơn là cơ thể của bà ấy cho phép. Chỉ sau năm phút diễn thuyết, bà ấy đã phải rời micrô vài phút. Sau đấy, bác sỹ của bà sẽ nói với báo chí rằng Suu Kyi đã nôn mửa nhiều lần sau khán đài. Lần xuất hiện được nôn nóng chờ đợi cả một thời gian dài chỉ diễn ra trong hơn mười lăm phút.
Nhưng người ta không nhận thấy người Mandalay thất vọng hay lo lắng. Hạnh phúc bấm vang còi xe và vẫy cờ, họ lao trên những chiếc xe gắn máy của họ trở về trung tâm thành phố, trên những gương mặt là một nụ cười hạnh phúc. Như thế đất nước của họ vừa đoạt Giải Vô địch Bóng đá Thế giới.

Ruth Fend

Phan Ba dịch từ Spiegel Online
.
.
.



No comments: