Monday, September 12, 2011

PHẢN ĐỘNG hay NÔ LỆ TINH THẦN ? (Việt Hoàng)



Việt Hoàng
Thứ hai, 12 Tháng 9 2011 11:59

Tại Việt Nam, danh từ “phản động” thường được dùng để chỉ những nhân vật bất đồng chính kiến, những người đấu tranh cho dân chủ hoặc những trang mạng ở trong cũng như ngoài nước có nội dung phản đối chính quyền Việt Nam. Phản động theo nghĩa phổ biến của chính quyền Việt Nam ngày nay thì có nghĩa là: có tư tưởng chống đối và có thái độ thù địch với nhà cầm quyền, hay có hành động gây tác hại, làm cản trở sự phát triển của quốc gia hoặc gây bất ổn cho xã hội ?!

Từ phản động hiện nay được dùng phổ biến đến nỗi những ai có ý kiến khác biệt với đảng cộng sản Việt Nam, bất chấp ý kiến đúng hay sai, đều có thể bị gán cho cụm từ “phản động”. Và cũng chưa bao giờ động từ “phản động” này lại được dùng nhiều như thời gian qua, nhất là sau các cuộc biểu tình của người dân Việt Nam chống lại âm mưu xâm chiếm lãnh thổ của Trung Quốc.

Từ phản động mà chính quyền Việt Nam, thông qua cơ quan báo chí, truyền thông và truyền hình, dùng để chụp mũ những người Việt Nam yêu nước tham gia các cuộc biểu tình tại Hà Nội đã gây ra một làn sóng phản đối dữ dội chưa từng có trong tầng lớp trí thức. Lý do cũng dễ hiểu: Trong những người trí thức yêu nước bị chụp cho cái mũ phản động có những tên tuổi lớn, những trí thức hàng đầu của Việt Nam.

Tôi chỉ xin đơn cử một trường hợp: Nhà văn Nguyên Ngọc, tác giả của những tác phẩm nổi tiếng như “Đất nước đứng lên”, “Rừng xà nu”, “Rẻo cao”… Ông là người đã trải qua những năm tháng ác liệt nhất của cuộc kháng chiến “chống Mỹ cứu nước”. Nhà văn Nguyên Ngọc, năm nay đã 80 tuổi và được biết đến như là một người thẳng thắn, khẳng khái và… nghèo. Các tác phẩm của ông đều dựa trên những nhân vật và sự kiện có thật, như anh hùng Núp ở Tây Nguyên. Ông ca ngợi chủ nghĩa anh hùng cách mạng và các tấm gương người tốt, việc tốt. Nhiều tác phẩm của ông được đưa vào sách giáo khoa để giảng dạy trong trường học tại Việt Nam. Một con người có nhân cách lớn như ông, mặc dù đã lớn tuổi và bận rộn công việc, vẫn cố gắng tham gia biểu tình cùng người dân, hòa mình vào những khát vọng và lo lắng chính đáng của người dân là một biểu tượng đáng quý. Đáng lẽ ra chính quyền Việt Nam phải mời ông đến để nói chuyện và lắng nghe thì ngược lại họ đã đưa hình ảnh của ông lên truyền hình Hà Nội để bêu riếu những người tham gia biểu tình, họ còn trắng trợn vu cho ông bị các thế lực thù địch lôi kéo, xúi giục, lợi dụng và giật dây..?!

Nhà văn Nguyên Ngọc và các trí thức Việt Nam bị chụp mũ phản động đã phản đối bằng cách viết kiến nghị yêu cầu báo đài cải chính và xin lỗi, nhưng đáp lại chỉ là sự im lặng, hoặc ù xọe cho qua chuyện. Đây là một sự xúc phạm nặng nề đến tấm lòng yêu nước của tầng lớp trí thức Việt Nam. Hơn 60 năm qua, chính quyền Việt Nam đã biến danh từ phản động thành phản đảng, phản cách mạng, nói chung có nghĩa là phản bội nhân dân, phản bội tổ quốc. Những ai bị chính quyền ghép cho tội phản động đều bị xem là thành phần nguy hiểm, xấu xa và đáng bị người dân xa lánh hoặc lên án.

Trong một bài viết cũ trên BBC, độc giả Trương Hùng (từ Hà Nội) đã viết rằng “Anh có thể kết tội tôi phản đảng. Tội ấy tôi xin nhận. Nhưng đừng suy diễn rằng phản đảng là phản quốc và kết tội tôi chống lại đất nước. Đó là sự xúc phạm ghê gớm nhất đối với mỗi con người Việt Nam còn giữ trong mình lòng tự hào và sự khắc khoải chờ mong về tương lai dân tộc”.

Thế nhưng, thế nào là phản động thì mỗi người lại hiểu một cách khác nhau. Với chính quyền cộng sản Việt Nam thì cứ ai đụng đến đảng, chỉ trích đảng, hay đơn giản là không đồng tình với đường lối của đảng thì đều bị coi là phản động. Nực cười hơn nữa là chỉ có đảng cộng sản Việt Nam có quyền phán ai là phản động và khi đảng đã bảo ai đó là phản động thì đương nhiên người đó là phản động. Những gì do đảng cộng sản Việt Nam phán ra đều là chân lý !

Cũng chỉ có đảng cộng sản Việt Nam mới có quyền thay đổi cách phán xét một người nào đó từ phản động thành anh hùng, hay ngược lại. Một ví dụ sinh động là trường hợp bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc: ông Kim Ngọc, một anh hùng trong công cuộc đổi mới của đảng (tác giả của “Khoán 10”), đã từng bị đảng xem là một kẻ phản động vì dám chống lại chính sách và đường lối của đảng trong việc đưa các hợp tác xã tiến lên xã hội chủ nghĩa. Bộ phim “Bí thư tỉnh ủy” lấy ông Kim Ngọc làm nguyên mẫu đang được chiếu trên VTV4. Ai muốn biết thêm về sự lãnh đạo tài tình và sáng suốt của “đảng ta” thì nên chịu khó xem phim này.

Theo cách hiểu của tôi thì phản động là sự chống lại các trào lưu tiến bộ của xã hội”. Như vậy, “tất cả các hành vi, lời nói mà tác dụng của nó là chống lại những hành động, những tư tưởng tiến bộ, văn minh của con người đều là phản động”.

Nếu bạn đồng ý với nhiều suy nghĩa của tôi như trên thì những người trí thức Việt Nam đã không quản nguy nan để đồng hành cùng với người dân trong các cuộc biểu tình, hay những người cất cao tiếng nói đòi tự do dân chủ cho Việt Nam đều là những anh hùng của dân tộc. Họ không bao giờ là phản động cho dù chính quyền cộng sản Việt Nam cố gắng diễn giải cách nào đi nữa để gán ghép cụm từ phản động này cho họ. Bởi vì một lẽ đơn giản: tiêu chuẩn để đánh giá một người nào đó, hay một học thuyết nào đó là phản động hay tiến bộ phải là thực tế khách quan. Thực tế là thước đo cho sự đúng đắn của mọi chủ thuyết và hành động.

Trong một xã hội bưng bít và không có tự do như Việt Nam hiện nay thì vẫn còn hiện tượng vàng thau lẫn lộn. Những người yêu nước và tiên phong trong việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền tổ quốc và đòi tự do dân chủ cho nhân dân thì bị chụp mũ là phản động, còn những kẻ ăn trên ngồi trốc, thờ ơ, vô cảm, vô trách nhiệm với vận mệnh của đất nước, của muôn dân thì lại ngạo ngược cho mình là chân lý, là đỉnh cao trí tuệ, là có chính nghĩa sáng ngời…

Những người tiên phong và đi trước thời đại, đi trước số đông luôn là những người cô đơn, chịu nhiều thiệt thòi nhất cho mình và cho gia đình, nhưng việc làm của họ sẽ được nhân dân và tổ quốc sau này ghi nhận. Giai đoạn hiện nay là giai đoạn mà vận mệnh đất nước đang lâm nguy vì thù trong, giặc ngoài, nhưng đồng thời đây cũng là cơ hội bằng vàng để những nhà trí thức, những người còn nặng lòng với non sông đất nước dấn thân, cất cao tiếng nói đòi tự do, dân chủ. Ai phản động? Ai yêu nước? Có lẽ cũng không khó để nhận ra!

Qua sự kiện chính quyền Việt Nam vu cáo và chụp mũ các nhà trí thức yêu nước là phản động, chúng ta còn thấy thêm một điều đáng buồn nữa đó là sự “nô lệ về tinh thần” của một số bộ phận người dân. Càng thất vọng hơn, trong đó có một số trí thức tên tuổi. Kịch bản đấu tố trí thức, bóng ma của quá khứ đấu tố địa chủ đang được chính quyền sử dụng trên các phương tiện truyền thông “lề phải”. Qua cách phát biểu của một số người vô danh tiểu tốt (được báo đài khuyến khích) trên truyền hình, kết tội người này là phản động, kẻ kia là phản quốc, mọi người đều biết là họ đã bị chính quyền cộng sản lôi kéo, kích động để đề nghị chính quyền nên có biện pháp mạnh với những người biểu tình v.v.

Những người này là ai ? Đa số là những công dân bình thường không ai biết đến. Và tôi tin rằng họ phát biểu và lên án những người xuống đường biểu tình là hoàn toàn tự nguyện chứ không bị ép buộc, sau khi được mớm lời. Họ là những người “nô lệ” hoàn toàn về tinh thần, chỉ biết ăn theo, nói leo những gì mà nhà nước nói, tivi nói. Họ không có khả năng, hoặc không muốn động não để nhận biết và tìm hiểu xem bản chất thật sự của một sự việc hay một con người nào đó. Họ vô tư và thản nhiên kết tội những người trí thức hàng đầu tại Việt Nam, trong đó có nhiều nhà văn, nhà giáo, giáo sư, tiến sĩ… Họ vừa lộng ngôn vừa phạm pháp, những người bị họ lên án có thể khởi kiện họ ra tòa về tội vu khống và xúc phạm người khác. Tất nhiên, bây giờ chưa có tòa án nào tại Việt Nam xét xử những vụ như vậy nhưng trong tương lai chắc chắn sẽ xảy ra, và hiện nay đang xảy ra.

Tin mới nhất vừa nhận được cho biết những nhà trí thức bị vu khống và chụp mũ phản động đã chính thức khởi kiện đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội. Đây là một việc làm cần thiết và là một tiền lệ để người dân bảo vệ mình trước sự vu cáo và bôi nhọ của báo chí nhà nước hoặc của những nô lệ về tinh thần.

Một số trí thức như phó giáo sư, tiến sĩ Vũ Duy Thông (báo Hà Nội Mới), hay đại úy Nguyễn Văn Minh (báo Quân Đội Nhân Dân)… (còn nhiều người nữa như Quí Thanh hay Hoàng Thu Vân nhưng tôi không muốn nhắc đến vì họ giấu mặt) cũng rơi vào tình trạng “nô lệ về tinh thần”. Họ nói và viết bất chấp sự thật, bất chấp thực tế trước mắt, họ chỉ biết nói đi nói lại những điều mà báo đảng đã nói suốt 60 năm nay.

Vì sao có tình trạng “nô lệ về tinh thần” này? Việt Nam có cần một cuộc Khai Sáng hay không? Thế nào là Khai Sáng? Triết gia lỗi lạc người Đức Immanuel Kant (1724-1804), người đặt nền móng cho kỷ nguyên Khai Sáng ở Châu Âu thế kỷ 18, trong bài “Khai Sáng là gì?” viết :

“Khai sáng là sự vùng thoát của con người khỏi tình trạng lệ thuộc mà anh ta đã tự cột mình vào. Tình trạng lệ thuộc là khi người ta không có khả năng sử dụng được trí tuệ của mình nếu không có sự giám hộ của kẻ khác. Tình trạng lệ thuộc là khi người ta có trí tuệ nhưng không đủ quyết tâm và dũng khí để sử dụng nó nếu không có sự giám hộ của kẻ khác. Vì vậy khẩu hiệu của khai sáng chính là: Tri thức là sức mạnh ! Hãy dũng cảm sử dụng trí tuệ của chính mình !
Lười biếng và hèn nhát là nguyên nhân khiến cho nhiều người, ngay cả khi tự nhiên đã giải phóng họ khỏi giai đoạn cầm tay chỉ việc đáng ghét, vẫn lấy làm sung sướng được làm trẻ con suốt đời. Cũng vì lí do đó mà nhiều kẻ mới trở thành người bảo hộ một cách dễ dàng đến thế. Đóng vai con trẻ mới dễ chịu làm sao!”.

Nên chú ý rằng bài viết này tác giả viết từ năm 1783! Tức là đã cách đây 228 năm.

Trí thức nói riêng và con người nói chung phải có tính độc lập: Độc lập trong suy nghĩ, độc lập trong hành động và độc lập trong cuộc sống. Nếu không được như thế, người đó chỉ là một con cừu để người khác dắt mũi, một đứa trẻ mang hình hài của người lớn. Ai cũng biết là dưới những chế độ độc tài thì tự do và độc lập là những thứ cấm kỵ, nhưng không vì thế mà con người đành chấp nhận làm trẻ con mãi. Đứng trước một sự kiện hay thông tin mới chúng ta phải tìm hiểu xem đâu là sự thật bằng cách là đối chiếu sự kiện đó với cuộc sống thực tế trước mắt.

Quyền lợi của nhà nước (kẻ cai trị) luôn trái nghịch với lợi ích của đa số người dân (những người bị trị), nhất là trong một nhà nước độc tài. Đây là một sự thật rất hiển nhiên, tiếc thay không phải ai cũng hiểu. Tôi có một người bạn thân và một ông chú là trung tá bộ đội về hưu, rất quí nhau nhưng có một điểm mà tôi không bao giờ đồng ý với họ, đó là lúc nào họ cũng cho rằng chính quyền Việt Nam luôn luôn đúng! Còn tôi thì cho rằng người dân là luôn đúng, luôn luôn có lý! Họ chỉ là thường dân nhưng lúc nào cũng tưởng mình là quan chức của nhà nước để rồi từ đó ra sức biện minh cho mọi chính sách của nhà nước. Nếu một số đông những kẻ bị cai trị lại tưởng mình là kẻ cai trị thì rõ ràng là có một cái gì đó không bình thường. Tai họa chắc chắn sẽ đến với người bị trị, và kẻ cai trị sẽ được thể tha hồ làm mưa làm gió trong khi những kẻ bị trị ngày càng khốn khổ bởi sự bóc lột, lòng tham vô đáy và sự tàn nhẫn của những kẻ cai trị.

Mọi sự lầm lẫn đều phải trả giá nhưng lầm lẫn về giá trị của con người sẽ là lầm lẫn lớn nhất và phải trả giá cao nhất. Vì phản động, do không chịu hiểu qui luật của cuộc sống, không hiểu được bước tiến của bánh xe lịch sử, không hiểu được tâm tư nguyện vọng của người dân mà các nhà độc tài như Ali, Mubarak, Gaddafi và Ceaucescu trước đó đã phải gánh chịu một kết cục bi thảm cho bản thân và cho gia đình.

Thế giới đổi thay nhanh chóng, với sự hỗ trợ của internet, mọi bức màn bí mật và giả dối lần lần đều bị rơi rụng. Người dân ngày càng khôn ngoan và hiểu biết hơn. Đã đến một giai đoạn mà các chính quyền không thể muốn làm gì thì làm. Cái gì phải đến sẽ đến. Để thay đổi số phận của một dân tộc, một cuộc cách mạng thôi sẽ không đủ. Trước hết dân tộc đó phải được Khai Sáng.

Và “để có thể khai sáng một cộng đồng, điều cần thiết duy nhất là tự do. Quyền tự do chất vấn là hình thức tự do vô hại nhất để một người trình bày công khai lí trí của mình về mọi lĩnh vực” (I. Kant).
Để kết luận, tôi sẽ rất tự hào nếu được chính quyền Việt Nam xếp cùng với những người trí thức như nhà văn Nguyên Ngọc là thành phần phản động.

Việt Hoàng

.
.
.

No comments: