Friday, September 30, 2011

LUẬN BINH PHÁP TÔN TỬ TRONG NAM TIẾN [1] (Nguyễn Duy Thành)




Lời tác giả: Sự nghiệp chính trị của Tổng thống Việt Nam Cộng Hoà Nguyễn Văn Thiệu tuy có ít nhiều tranh luận nhưng chắc chắn, lịch sử sẽ lưu hậu đại công bảo quốc của ông trong sự kiện Hoàng Sa. Bài viết này đã 17 tháng, nhưng các dòng chính luận dưới đây vẫn sát thực với hiện tình chính trị Việt Nam trước chiến lược Hán xâm. Nhân Huý nhật thứ 10 của cố Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, tác giả xin phép đăng tải lại như trọng kính gọi mời lòng ái quốc của con dân xứ Việt. Trân trọng cám ơn toà soạn và giới thiệu cùng bạn đọc.

Lịch sử viết về cố Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Văn Thiệu thật nhiều, nếu đem xếp lại thì cao to như Dinh Độc Lập. Nhưng khó tìm ra tấm ảnh nào thấy tay ông đang cầm khẩu súng, mặc dù vị lãnh đạo này cũng từng xuất thân từ giới chiến binh!
Vậy, nay quốc gia mà ông từng có công xây dựng đang bị Hán hóa thì ông đã về thiên quốc. Nhưng tại sao phải cần tiếng súng Nguyễn Văn Thiệu trong tình hình chính trị Việt Nam hiện nay?

Những dòng chính luận quốc sự dưới đây bắt nguồn từ trình tự quan sát mối quan hệ Việt-Trung trong vòng 2 năm trở lại trên các mặt chính yếu, thì có nhiều điểm khả hữu được đưa ra để nhận định rằng: Nếu giới đương quyền Việt Nam cứng rắn với Trung Cộng, và kịp thời Đổi Ngược chiến lược trong 2 mặt ngoại giao và quân sự, thì cục diện quốc gia sẽ tạm thời khả quan hơn, trước khi đi tìm một giải pháp chính trị lâu dài và chắc chắn. Nếu không, Việt Nam sẽ rất sớm mất chủ quyền!
Để thấy rõ điểm quan trọng nói trên, xin luận để tường:

ĐẠI CƯƠNG TÓM LƯỢC

BẮC KINH VÀ TÔN TỬ KẾ TRONG CHIẾN LƯỢC HÁN HÓA VIỆT NAM
Ngày nay, nhân loại cùng nhau đưa cao khẩu hiệu: Thế giới là một mái nhà, nhờ vậy, một số quốc gia yếu nhỏ chuyên lệ thuộc đã nhận được sự tôn trọng và hòa ái bằng những hiệp ước bất tương xâm ra đời.
Nhưng sự may mắn này đã ngoại lệ với Việt Nam. Bởi Trung Hoa không từ bỏ tham vọng mở rộng không gian địa lý về hướng Nam, do đó, sự âu lo hiểm họa ngoại xâm đối với dân Việt được ghi nhớ bằng hai chữ: Muôn Đời.
Tuy nhiên, mục đích xâm chiếm nước Việt thời xưa và nay đều giống nhau, nhưng hình thức thì khác xa. Thay vì năm xưa, Bắc triều phải hao tổn cho đội quân binh hùng tướng mạnh, còn ngày nay con cháu người Trung Hoa thông minh và mưu lược hơn, biết vận dụng tiền tài thặng dư để thực hiện những cơ kế mờ ám nhằm đạt được những mục tiêu bí mật, mà chính lãnh đạo của các quốc gia bị xâm chiếm không lường ra được hậu quả nên đã tiếp tay với kẻ thù, và tự mình phải công khai văn bản chiến thắng của đối thủ. Với chiến thuật xâm lăng bằng trí óc này sẽ tạo nên một sức công phá lâu dài và ghê gớm, có thể hủy diệt một dân tộc!
Hiện trạng Trung Cộng đang ngấm ngầm xâm chiếm Việt Nam cũng là như vậy!
Nhưng để đạt được mức độ xét đoán cao về các chiến thuật và chiến lược của Trung Cộng, thì việc khái luận mọi vấn đề xin dựa vào Binh Pháp Tôn Tử, một binh học truyền thống của tổ tiên người Trung Hoa từng tự hào, và ngày nay con cháu họ vẫn sử dụng để hoạch định quốc sách, và sở dĩ, phải dựa theo tập toàn thư binh pháp này, nghĩa là nói đến căn cơ mưu lược chính trị được đặt lên hàng đầu nhằm hỗ trợ cho động lực quân sự, để xét đoán cùng chứng mình rằng: Giới đương quyền Việt Nam không có khả năng lãnh đạo, không biết nhận định chiến lược của đối phương nên đã “mắc mưu” rồi sợ hãi, trong khi, có chỉ số rất cao để khả tin là vũ lực sẽ không thể xảy ra trong đại cuộc Hán hóa Việt Nam của họ.
Mà tất cả, kế hoạch Nam tiến của Trung Cộng đều bắt đầu từ Kế thứ 15 là: Ám Độ Trần Sương, tức tạm hiểu là (đi con đường không ai để ý), hiểu giản dị là xâm lăng không bằng súng đạn, vì sách lược này vô cùng phù hợp với xu thế hòa bình – toàn cầu hóa hiện nay; thứ là, ít bị phát hiện và kháng cự từ một dân tộc có truyền thống chống ngoại xâm quật cường như Việt Nam
Cũng từ việc lấy Kế thứ 15 làm chủ đạo, phía Trung Cộng đã triển khai bước xâm lăng đầu tiên bằng Kế thứ 8, là: Vô Trung Sinh Hữu, tức (không có mà làm thành có), nghĩa là Kế này họ chiếm được Hoàng Sa. Từ việc Hà Nội im lặng chịu thua đã nói lên Trung Cộng thắng một mưu mẹo nhỏ là “ném đá dò lòng cuội”, nhưng “cuội” đã cúi đầu, thì họ tiến tiếp vào vụ Bauxite Tây Nguyên.
Nay, thêm vụ cho thuê rừng trong 10 tỉnh xen kẽ theo chiều dài địa lý Việt Nam, về sự kiện này, tuy có nhiều phân tích và bình luận gia đề cập, nhưng đã không đào sâu vào quyền của các quốc gia được thuê và ý đồ chiến lược. Trên bề mặt của vấn đề thì cho rằng, có 3 quốc gia là Trung Cộng – Đài Loan và Hồng Kông, nhưng thực ra chỉ là độc chiêu của Trung Cộng.

Tại Sao?

Vì rằng, hợp đồng cho thuê là 50 năm. Nhưng riêng Hồng Kông đối với Trung Cộng chỉ xếp loại đơn vị gọi là: Đặc Khu, sau khi Anh Quốc trả lại độc lập vào ngày cuối cùng của tháng 12 năm 1997, nhưng được hưởng theo quy chế tự do trong vòng 50 năm, tính từ đó đến nay đã được 13 năm, sau đó phải hồi quy cố quốc, như thế, chiếu theo thời hạn 50 năm cho đến lúc hết hạn hợp đồng, quyền hạn thuê rừng sẽ thuộc về ai?
Riêng Đài Loan, ai xác định sau 50 năm không ngã về quốc mẫu Trung Hoa??? Hoặc, ai khẳng định Trung Cộng không núp dưới tên của các công ty Đài Loan?
Không cần phân tích thêm thì cũng ước tính ra được trong vòng 5-10 năm sau. Việt Nam sẽ biến thành vùng “xôi Việt, đậu Tàu”. Vì tính theo chiến thuật, thì 10 tỉnh cho thuê rừng không theo lối co cụm, mà rải rác phân bố 1 kềm 5 tỉnh lỵ của Việt Nam thì mọi biến động về quân sự và chính trị, đặc biệt là kinh tế đều có thể nằm trong sự khống chế của đối phương.
Như vậy, về lâu dài, Trung Cộng sẽ thắng thêm Kế thứ 16, Kế này cũng là mục đích trọng yếu của chiến lược bắt buộc họ phải thành công cho bằng được! Nhưng nếu Trung Cộng đạt được Kế này thì một tai họa khủng khiếp sẽ đến với Việt Nam, và rất có thể nó sẽ xảy ra! Kế đó là: Phản Khách Vi Chủ, tức (biến chủ nhà thành khách), khi người Tàu từ từ di dân qua đất Việt rồi sinh nở và phát triển, chui sâu leo cao vào cơ cấu lãnh đạo từ hạ tầng lên thượng tầng cơ sở, khi đó quốc hiệu Việt Nam chỉ là cái vỏ.
Tuy nhiên, các điểm vừa nêu chỉ mới trình bày được dã tâm cùng thế lợi đã đạt được của phía Trung Cộng trong lộ trình Nam Tiến hiện nay, nhưng tại sao Bắc Kinh đã không gặp một trở ngại nào?
Loại trừ đi, yếu tố tiêu cực là lãnh đạo Việt Nam bị Trung Cộng “sập bẫy” bằng Mỹ Nhân Kế, hay tham nhũng mua chuộc (vì ngoài sự quan sát của Tác giả) mà chỉ xét đến hướng tích cực (nếu có), thì bảng so sánh cụ thể khách quan dưới đây, diễn tả rất đầy đủ các phương diện trọng yếu của cả 2 quốc gia đang đồng thực hiện trong chiến thuật và chiến lược của mình:

SO SÁNH – PHÂN TÍCH CHUNG CHIẾN THUẬT VIỆT – TRUNG

Truyền Thông:
Khi đã thắng được một số Kế trong các chiến thuật căn bản, để làm chủ vài nơi trọng yếu như biển-đảo, bauxite Tây Nguyên, thuê đất..vv..vv.. thì lãnh vực truyền thông đang được Bắc Kinh đặt lên hàng đầu. Nhưng Hà Nội đã không quan tâm.
Đó là, kể cả các trang Mạng internet (bán và không chính thức) đều được Trung Cộng sử dụng; trong khi đó, ai cũng biết quốc gia này quản lý gắt gao về kiểm duyệt. Một số bài viết mang tính hiếu chiến của các Blogger, cũng như nội dung của nhiều bài báo được viết bởi một số cấp Tá và Tướng về hưu muốn kiến nghị, tham mưu, đòi hỏi mở cuộc chiến tranh để chiếm Biển Đông và thanh toán Việt Nam trước khi âm mưu với Đông Nam Á.
Nếu bảo là hữu nghị thì tại sao nhà nước Trung Cộng vẫn cố tình cho phép lưu hành lâu dài các nội dung nói trên?
Nhưng điểm cần chú ý là các vụ “tàu lạ” đâm thuyền ngư dân Việt được sắp xếp không theo trình tự liên tục, mà rải rác tháng nào cũng có một hay hai vụ, và thường xảy ra vào ban đêm. Xét theo quan niệm hải hành, dù là một thương thuyền to lớn đến đâu; có khi ngay cả, trong binh chủng Hải quân thì quan niệm về sức mạnh của thần linh thần biển bao giờ cũng tạo cho người ta ý niệm cầu may trên hải trình, huống hồ gì, ý niệm thiêng liêng này sao lại không có trong bản thể vốn nặng tính truyền thống của người dân chài lưới Trung Hoa, để mà có ác tâm gây sự hải hùng với đồng ngư nước Việt!
Nhưng sở dĩ, Trung Cộng phải dàn dựng ra cái kế: Sát Kê Hách Hầu, tức (giết gà cho khỉ sợ), bởi nhiều mục đích. Nhưng cao chiêu nhất của họ là muốn hướng dư luận, nhất là sự chú ý của giới lãnh đạo và thành phần trí thức Việt Nam phải tập trung vào phía Biển Đảo, nhằm làm giãn mỏng sự quan tâm, phản kháng tại Đất liền – nơi chủ yếu là chiến lược lâu dài mà họ cần đến! Vì thực tế, phần Biển Đảo thì Trung Cộng cậy sức mạnh đã cưỡng đoạt rồi!
Trong khi đó, về phía cầm quyền Việt Nam thì bị “mắc bẫy” vì Dương Đông Kích Tây, và cúi đầu thua vì kế: Hư Trương Thanh Thế của Bắc Kinh. Nói khác đi, các nhà lãnh đạo đương thời Việt Nam đã sợ “võ miệng” của Trung Cộng.

Quân Sự:
Trung Cộng hiểu rõ yếu tố tâm lý lo sợ chiến tranh của lãnh đạo Việt Nam, nên cố tình khoe khoang đặc tính hùng mạnh về quốc phòng qua nhiều lễ hội, hay tập trận trên biển, nhằm hù dọa và khơi gợi sự chạy đua vũ trang, và kết quả đã có, lãnh đạo Hà Nội cấp tốc ký đơn đặt hàng vũ khí từ Nga, Ấn độ và Pháp. Nhưng Trung Cộng Minh Tri Cố Muội (giả vờ không biết), vì nắm rõ CSVN không đủ ngân sách quốc gia cho cuộc chạy đua bất cân xứng này, dù 5 hay 10 năm sau, mức độ hiện đại hóa quân đội Việt Nam vẫn ở chỉ số bách phân so với đại cường số của Trung Cộng.
Đây là môn võ cũ của Mỹ nhưng chiêu mới của Tàu, được rút ra từ bài học “chiến tranh các vì sao” (Star War) và “Chiến lược phòng thủ lá chắn” (Strategic Defense Innitiative), mà Hoa Kỳ làm ngã quỵ Liên Xô trên võ đài chính trị. Nay Trung Cộng “học lóm” để nhốt kỹ đồng chí đàn em trong cái bẫy sập của mình, và thế cờ đã gài đặt như vậy, thì không cho phép các nhà lãnh đạo Việt Nam dừng cuộc chơi tại đây, mà phải tiếp tục … trong tiếng vỗ tay “trúng kế” của bộ chính trị Bắc Kinh.

Kinh Tế:
Vì càng chạy đua vũ trang với Trung Cộng bằng các mặt hàng nặng vốn như Máy bay, Xe tăng, Tàu ngầm, Hỏa lực, thì Việt Nam càng mau kiệt quệ, trong khi tiền thặng dư cũng như ngân sách quốc gia quá ít ỏi. Vậy, khi Việt Nam bị kinh tế suy thoái, lạm phát mậu dịch, và khủng hoảng tài chánh hay chi phí quốc gia bị khiếm khuyết, thì chỗ dựa dễ vay mượn nhất chính là Trung Cộng, vì muốn mượn bao nhiêu cũng được! Nhưng Việt Nam lấy cái gì để thế chấp? Có phải là tài nguyên, đất đai, lãnh hải và khu du lịch..? Sự vay mượn này cũng là điều kiện tốt nhất để Trung Cộng tuồn đổ toàn bộ hàng hóa giả-độc, biến Việt Nam thành cái hố rác khổng lồ, làm lụn bại tê liệt ngành tiểu thủ công nghệ vốn là kế sinh nhai cho 50% dân số của quốc gia.
Điểm chết để sinh biến ra mọi vấn đề là ở đây… Nhưng các nhà lãnh đạo Việt Nam và ban tham mưu đã cạn trí… không nhìn thấy!

Ngoại Giao:
Trung Cộng rất uyên thâm để xác định rằng, chỉ có mối quan hệ Việt-Mỹ mới làm họ lo ngại! Sự kiện ngày 30-3-2010, Đại sứ Hoa Kỳ ông Micheal Michalak đã cùng ký kết biên bản Hợp Tác Năng Lượng Hạt Nhân với Việt Nam; tuy biên bản chỉ mang tính Ghi Nhớ, nhưng điểm đáng chú ý là việc ký kết này được thu nhỏ tại Hà Nội, và chỉ 12 ngày trước khi Nguyễn Tấn Dũng đến Mỹ để tham dự vấn đề hạt nhân, nghĩa là cả 2 quốc gia không muốn làm “rùm beng”. Đó là dấu hiệu khá khôn khéo và quan trọng trong bước tiến quan hệ Việt-Mỹ, nếu xét theo chiến lược cho các bước kế tiếp lâu dài!
Nhưng dường như, các nhà hoạch định chính sách của Trung Cộng cũng đã “đánh hơi” được bài toán “nước đôi” của lãnh đạo Việt Nam, nên Trung Cộng nắm chặt con bài vũ khí hạt nhân Bắc Hàn, dù rằng, họ có một phần đồng tình cô lập Iran để lấy lòng Hoa Kỳ và thế giới, qua việc Hồ Cẩm Đào phút cuối quyết định tham dự vào ngày 12-13 tháng 4 năm 2010. Vì chế độ Bắc Hàn tồn tại hay không thì đang còn phụ thuộc quá lớn vào sự viện trợ của Trung Cộng. Cho nên hơn ai hết, nếu người Việt Nam am hiểu về lịch sử cận đại thì có thể suy luận hay hình dung rằng, nếu lãnh đạo Trung Cộng “nói nhỏ một câu” với Hoa Kỳ là:
-“Vấn đề Biển Đông, chúng ta cùng bắt tay để kiếm ăn, còn vấn đề Bắc Hàn thì hãy để chúng tôi lo liệu. Nhưng Hoa Kỳ đừng đi sâu vào chuyện “làm ăn” của chúng tôi tại Việt Nam”!
Vậy, vì vấn đề an ninh nước Mỹ và an ninh Việt Nam, thì Quốc Hội và Tổng Thống Hoa Kỳ chọn gì?
Sự trả lời cho câu hỏi trên đã làm mất đi tác dụng của kế: Tá Thi Hoàn Hồn (mượn xác để hoàn hồn), mà các nhà lãnh đạo Việt Nam đang mượn sức Hoa Kỳ để cân bằng với Trung Cộng, sẽ không như ý hay hy vọng nhiều và sớm như mong đợi! Mà trái lại, nếu không cẩn thận với kế mượn xác này, thì coi chừng “bộ đội cụ Hồ” phải đi lượm xác “đồng chí”, vì Trung Cộng dạy cho bài học thứ 2.
Hay hiểu khác rằng, tăng cường quan hệ mật thiết với Hoa Kỳ là đúng! Nhưng ngay vào lúc này, nếu lãnh đạo Việt Nam đặt hết hy vọng vào họ, thì khác nào chú Bờm nằm mơ chiếc kẹo trong bàn tay của Phú ông đầy tính toán!
Còn lại, những nỗ lực ngoại giao ở khối Asia sẽ hoài công vô ích! Vì điểm quan trọng mà bộ chính trị Hà Nội không nghĩ đến, là chính họ đã tạo ra sự mâu thuẫn trầm trọng, khiến các nhà hoạch định chính sách của các quốc gia trong khu vực theo dõi và nhận ra. Mâu thuẫn đó là, giới cầm quyền Việt Nam ngấm ngầm tạo liên minh chống đỡ Trung Cộng, kêu gọi quốc tế hóa Biển Đông. Nhưng đồng thời, cũng là chính họ thỏa thuận ký kết những hiệp ước-hợp đồng, để cho Trung Cộng trá hình bành trướng trên Đất Liền qua các vụ Bauxite Tây Nguyên, hay cho thuê rừng đầu nguồn vv…vv…

TỔNG KẾT NHẬN ĐỊNH
Căn cứ vào thực tế mà phân tích tỷ mỷ như đã nêu, thì tạm thời kết luận là: Kế hoạch lấn chiếm Việt Nam được Trung Cộng tiến hành theo mô thuật “mưu ma quỷ kế”, và trình tự từng giai đoạn của các chiến thuật này như một Liên Hoàn Kế được ghép lại rồi cấu trúc thành: Chiến lược lâu dài.
Hay có thể hiểu rằng, dùng mưu kế để chiếm đoạt thì dễ dàng hơn, ít binh phí hơn, nhưng sở hữu lâu dài và chắc chắn hơn! Bằng chứng, dù chế độ cộng sản Việt Nam sụp đổ, thay thế bởi thể chế dân chủ thì các văn kiện khế ước hợp đồng vẫn còn hữu lực, và chiến lược vẫn còn thực hiện. Nhưng nếu, chiếm đoạt Việt Nam bằng chiến tranh thì không hữu lý, nếu có, chỉ thỏa đạt trong giai đoạn nhất thời.
Cao thâm của viễn mưu chính là chỗ này!
Trong khi đó, ngay từ ban đầu, giới đương quyền Việt Nam đã không xác định được chiến lược mang tính mưu lược của đối phương, nên không tìm ra phương hướng, khi bị dư luận lên án thì cuống cuồng phản ứng mang tính khôn nhà dại chợ, và càng hấp tấp thì càng vướng vào “lưới bẫy” của Trung Cộng.
Hay luận cách khác để thấy rõ hơn, là bộ máy cầm quyền của CSVN không có triết phu nào tiên kiến được viễn mưu của Trung Cộng, nên dẫn đến phạm phải sai lầm trầm trọng trong nguyên tắc chính trị và quân sự, bởi: Khi chiến thuật sai cùng chiến lược sai thì bao giờ cũng tạo cho đối phương mau thắng lợi, và đưa quốc gia vào vòng đại họa trường tồn dưới đây:

ẢNH HƯỞNG VÀ HẬU QUẢ
Cũng từ sai lầm trên, cho thấy tình hình Việt Nam hiện nay đã rất khác so với 1-2 năm trước, là chỉ có vấn đề Biển Đông. Nhưng nay, các nhà lãnh đạo Việt Nam tự đặt chính mình cùng tổ quốc và dân tộc trước 2 mặt trận, nếu cùng xét theo hai phương diện quân sự và chính trị, tức là:
1) Mặt trận Biển-Đảo.
2) Mặt trận Đất Liền.
Vậy, trong 2 mặt trận vừa nêu, thì đã hình dung ra mặt trận nào nên quan tâm và củng cố hơn, trước, ưu tiên?
Nói về sự kiện Biển Đảo, thì việc thiết lập và đệ trình hồ sơ lãnh hải lên Liên Hiệp Quốc là đúng, nên làm, và đã làm rồi! Nhưng nếu xét, mặt nào là có tầm mức quan trọng và khẩn thiết cần bảo vệ nhất hiện nay, thì sự vụ Biển Đảo không nên đặt nặng quá vấn đề, vì nó thuộc về quốc tế!
Hoặc thậm chí là, giới lãnh đạo Hà Nội nên thông minh hiểu rằng, cái Lưỡi Bò mà Trung Cộng tự ý vẽ ra chỉ là tham vọng, chứ bất thể thành hiện thực như cái ao nhà của họ, kể cả trên chiến lược hay pháp lý!

Vì sao?

Bởi rằng, đây là hải lộ “huyết mạch” của quốc tế, nhất là Hoa Kỳ và các nước đồng minh của siêu cường này, cũng như thế giới, Và ngay cả, xét theo vị trí địa lý bị bịt kín của Trung Cộng, thì 75% lượng dầu thô khí đốt hết sức cần thiết, cùng 70% hàng xuất- nhập cảng của họ đều nhất lộ phải di chuyển qua hải tuyến này. Cho nên, hôm nay hay dài lâu, thì Trung Cộng cũng không muốn sự tranh chấp bằng hải chiến tại vùng “nhạy cảm” đó.
Dẫu bằng, họ muốn độc quyền thì Hoa Kỳ và quốc tế chịu sao?
Hoặc, nếu Việt Nam thắng kiện thì liệu Trung Cộng có làm lễ bàn giao Hoàng Sa-Trường Sa không???
Nói như thế, nhằm nhấn mạnh bằng một lý luận giản dị rằng, Đất Liền – mặt trận thứ 2, tức là căn nhà Việt Nam hình chữ S cũng đang bị người Tàu đe dọa từng ngày. Nhưng các nhà lãnh đạo Việt Nam vẫn tiếp tục tham nhũng qua việc thuê-bán nội địa, và không ưu tiên tìm biện pháp bảo vệ mà lại đi lo cái hồ nước sau hè nhà…!
Vậy, vài năm sau, khi dân Tàu tràn ngập xuống chiếm căn nhà quý báu kia, thì 90 triệu người có thể làm “thuyền nhân” bơi ra tỵ nạn ở 2 cái cồn nước sau hè nhà… được sao?
Hiện thực đen tối của quốc gia Việt Nam là như thế đó, ắt rằng, sẽ có nhiều người đặt ra câu hỏi là:

Nếu giả định, ngay bây giờ các nhà lãnh đạo Việt Nam có hướng tích cựu nhằm ngăn chặn sự bành trướng của Trung Cộng, thì liệu có biện pháp tạm thời nào để chống đỡ, ít ra, là để bảo vệ cho ngư dân được an toàn tính mạng trên lãnh hải Việt Nam???

Câu hỏi này khó như lên Trời mà ngay cả sư phụ của Tôn Tử thần tiên sống lại, cũng không tìm được trong 36 Kế do đệ tử viết ra thì có kế nào hay mà vận dụng!
Nhưng có lẽ, đây cũng chính là dấu hỏi mà các nhà lãnh đạo Việt Nam đang loay hoay không tìm ra câu trả trả lời! Vì hơn ai hết, họ sẽ tự nhận ra tham vọng cá nhân đã biến chính mình thành những “con chốt thí” trên bàn cờ chiến lược, mà ngõ sinh lộ để ra hay cửa tử đi vào đều do Trung Cộng nắm chìa khóa!
Cho nên, nhằm giải quyết toàn bộ mọi vấn đề để quốc gia tránh được thảm nạn Hán hóa của Trung Cộng, thì liệu rằng, các nhà lãnh đạo CSVN có đủ bản lĩnh chính trị như cố Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, để “chế tạo” ra cái Kế thứ 37, mà tạm gọi là kế: Tự Biên Tự Diễn..???
Hay nói thẳng ra là: Nổ súng trước, như Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu từng hạ lệnh cho Hải quân VNCH trong trận hải chiến Hoàng Sa 1974.

Nhưng!

Nổ súng trong hoàn cảnh nào? Nổ súng trên đất liền hay biển đảo thì có lợi? Và, nếu Việt Nam vì TIÊN PHÁT CHẾ NHÂN mà khai hỏa, thì cuộc chiến Việt-Trung có bùng nổ không?
Đặt một loại câu hỏi như vẽ cảnh màn trời chiếu đất sắp hiện ra đối với ai lo sợ chiến tranh, nhất là mấy “ngài” trong bộ chính trị CSVN nghe qua cũng phải toát mồ hôi hột…!
Nhưng không! Rất nhẹ nhàng và êm ái mà có thể bảo quốc an dân! Chính những tiếng súng này sẽ làm thay đổi cho cục diện chính trị Việt Nam.

Vì sao giả định trên như một khẳng định?

(Còn tiếp)
.
.
.

No comments: