Wednesday, September 28, 2011

TRIỂN LÃM "BIỂN ĐÔNG & VÒNG ĐỜI NGHIỆT NGÃ" (Ngọc Lan/Người Việt)


Ngọc Lan/Người Việt
Wednesday, September 28, 2011 3:48:55 PM

WESTMINSTER (NV) - “Biển Ðông và Vòng Ðời Nghiệt Ngã” là tên gọi cuộc triển lãm tranh của hai họa sĩ Ann Phong và Nguyễn Việt Hùng vào hai ngày Thứ Bảy và Chủ Nhật, 8 và 9 Tháng Mười, tại phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt, 14771 Moran St., Westminster, CA 92683.

Một trong những bức tranh trong series “Vòng Ðời Nghiệt Ngã” của họa sĩ Nguyễn Việt Hùng. (Hình: Nguyễn Việt Hùng)

Ann Phong và “Biển Ðông”
“Tranh của Ann Phong hình như lúc nào cũng đem lại cho người xem một cảm giác dữ dội của biển.” Ðó là nhận xét của nhiều người khi đối diện với tranh của nữ họa sĩ Ann Phong, hiện là giảng viên hội họa của Ðại Học Cal Poly Pomona.
Như chính Ann Phong thừa nhận: “Nước biển làm điểm tựa tạo cảm xúc cho các tác phẩm của tôi. Cứ mỗi lần thấy biển là tôi lại nhớ mình là ai.”
Không biết do ám ảnh của chuyến vượt biển năm xưa vào mùa giông bão, đối diện giữa sự sống và cái chết trên biển đen hãi hùng, hay do chính cá tính làm nên nét vẽ mạnh mẽ của nữ họa sĩ thuyền nhân này, mà tranh của Ann Phong luôn thể hiện những nét vẽ mạnh mẽ, với nhiều đường cong hơn đường thẳng - những đường cong làm nên trận cuồng phong trên đại dương.

“Nhìn tranh Ann Phong, tôi có cảm giác người họa sĩ vẽ sau khi mới trở về từ một chuyến đi biển, thân mình còn ướt át mùi biển, gió, lửa và... đâu đó cả máu nữa. Dữ dội quá.” Họa sĩ Huỳnh Thủy Châu, tốt nghiệp cao học mỹ thuật đại học UC Davis, nhận xét.

Họa sĩ Ann Phong dùng rất nhiều sơn dầu đắp lên trên vải. Thậm chí chất sơn dầu mạnh mẽ được đắp ra ngoài sự giới hạn của tấm vải. Nên tranh của người họa sĩ này không còn là một bức tranh vải phẳng dẹp mà thành một bức tượng với một độ sâu, xoáy vào mắt người xem. Chất liệu sơn dầu không nằm im, mà tự nó gào thét tràn ra khỏi giới hạn của một bức tranh, khiến người ta thực sự có thể ngửi được, như họa sĩ Huỳnh Thủy Châu nói: “Tôi có thể ngửi được mùi sơn dầu trên tranh của Ann Phong.”

Nhìn tranh của Ann Phong, độ sâu thăm thẳm (của biển), có thể khiến người ta chóng mặt, khiến người ta phải nhớ tới nhiều điều mà biết bao người không muốn nhắc tới. Và chính điều này khiến người xem có thể buồn, rất buồn và không an lòng khi bước đi.

Nhận xét về tranh của Ann Phong, họa sĩ Nguyên Khai, nói: “Tranh của Ann Phong rất sôi động, lúc nào cũng có nỗi ám ảnh sợ hãi của người từng vượt biên.”
Không chỉ vậy, theo họa sĩ Nguyên Khai, “đời sống của người đàn bà phải đa đoan nhiều nỗi lo toan cũng đi vào tranh với đầy ắp nỗi vất vả.”

Họa sĩ Ann Phong ra đời tại Sài Gòn, vượt biên năm 1981, định cư tại miền Nam California năm 1982.
Năm 1995, cô tốt nghiệp cao học mỹ thuật (MFA) tại đại học Cal State Fullerton. Họa sĩ này đã tham dự hơn 60 cuộc triển lãm cá nhân và nhóm ở nhiều phòng tranh và viện bảo tàng. Một số tranh của Ann Phong được những nhà sưu tầm tranh tư nhân và những nơi công cộng lưu trữ như The Queen Gallery, Bangkok, Thái Lan, Ðại Học Cal Poly Pomona và Ðại Học Cal State Fullerton.

Nói về chủ đề “biển” cho đợt triển lãm sắp tới, họa sĩ Ann phong chia sẻ: “Nước biển, nhất là biển Thái Bình Dương, nó bao la và lớn đến nỗi tôi đứng bên bờ từ California mà không bao giờ nhìn được bờ bên kia ở Việt Nam. Nhưng những tin tức bên bờ ấy cứ ào ào đổ qua như sóng thần ập vào mọi nhà người Việt Nam xa xứ bên bờ nầy!”
Những tác phẩm của Ann Phong, có bức rất riêng tư, như thể cô vẽ tựa đang viết nhật ký cho chính mình, có bức cô vẽ như “muốn đi tìm sự đồng cảm từ những thế hệ sau mà tôi sẽ ra đi trước khi được gặp họ.” Lại cũng có tác phẩm người họa sĩ muốn chia sẻ với mọi người đang sống trong khoảng thời gian, không gian với mình.
Nổi bật nhất trong lần triển lãm này là tác phẩm mang tên “Tát Cạn Biển Ðông.”

“Tát Cạn Biển Ðông” của họa sĩ Ann Phong. (Hình: Ann Phong)
Theo họa sĩ Ann Phong, đây là “tác phẩm mà hình thể, diện tích, bố cục, đường nét có thể thay đổi tùy theo người thưởng ngoạn tham gia vào.”
“Tát Cạn Biển Ðông” được tạo thành bởi nhiều mảnh, màu sắc của những mảnh nầy tượng trưng cho nước biển, trong khi đó, lối sắp xếp những mảnh màu lại giống như những quyển sách tượng trưng cho sự hiểu biết.
Người thưởng ngoạn được mời xê dịch những mảng màu, để tạo cảm giác “động” của nước biển. Người thưởng ngoạn cũng được mời lấy một mảnh nước biển đem về nhà để làm kỷ niệm. Và người thưởng ngoạn cũng được mời viết xuống vài dòng cảm xúc của họ về Biển Ðông.
“Khi những mảnh nước biển được lấy đi hết, thì khoảng trống còn lại sẽ hiện ra một tác phẩm khác.” Họa sĩ Ann Phong giải thích.

Nguyễn Việt Hùng cùng “Vòng Ðời Nghiệt Ngã”
“Không tốt nghiệp trường mỹ thuật, bằng cách tự học và chịu khó nghiên cứu rất nhiều, Nguyễn Việt Hùng đã thể hiện được tài năng của mình qua tranh vẽ theo thể loại trừu tượng, và qua những sắp xếp trông lạ mắt.” Họa sĩ Nguyên Khai nhận xét về người bạn của mình như vậy.

Sinh ra ở Sài Gòn, tốt nghiệp ngành Sinh học tại Ðại Học Khoa Học Sài Gòn, nhưng từ khi đến Mỹ năm 1982, Nguyễn Việt Hùng lại thành công và nổi tiếng trong lãnh vực hội họa. Tranh của anh được chọn triển lãm tại nhiều phòng tranh, trung tâm nghệ thuật và viện bảo tàng, trải dài từ California đến New York.
Tranh Nguyễn Việt Hùng được nhiều người yêu thích ở chỗ anh sử dụng màu rất đẹp, những loại màu rực rỡ đứng cạnh nhau rất sinh động, rất hài hòa vì độ phấn (pastel) của màu.

Phong thái trong tranh của họa sĩ Nguyễn Việt Hùng là một yếu tố khiến người ta để ý, như họa sĩ Huỳnh Thủy Châu cảm nhận: “Có những phong thái mang tính cách trang trí, nhưng cũng có những phong thái để diễn tả cảm xúc của người nghệ sĩ. Nên thiệt là người ta không chỉ muốn xem, mà thiệt ra muốn đụng vào, hay muốn ngửi, sờ xem coi nó là cái gì.”
“Nhiều phong thái có thể gợi người xem nhớ tới tranh của Gustav Klimt, một họa sĩ theo trường phái tượng trưng người Áo và là một trong những thành viên xuất chúng nhất của phong trào Art Nouveau Wien (Ly Khai Wien) hồi cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20,” họa sĩ Thủy Châu nói tiếp.

Nguyễn Việt Hùng, người họa sĩ mà nét vẽ đã lên tới “hàng chuyên nghiệp của những người chuyên nghiệp,” nói một cách hài hước: “Ðôi khi nhìn tác phẩm của họa sĩ, người xem cứ cảm thấy họ điên điên khùng khùng sao đó, bởi họ thấy có điều gì đó thật vô lý.”
“Nhưng thực ra nó không có vô lý chút nào hết,” anh nói tiếp.

Những điều xem như vô lý nhưng thực ra lại rất có lý này được thể hiện qua loạt tranh “Vòng Ðời Nghiệt Ngã” mà họa sĩ Nguyễn Việt Hùng sắp triển lãm tới đây.
Theo người họa sĩ này, giữa những màu sắc tươi vui và cảnh trí tươi đẹp từ thiên nhiên, vẫn có những xung đột dữ dội cho sự sống còn. Cuộc đời luôn có hai mặt đối nghịch, tưởng như là mâu thuẫn, nhưng vẫn theo những trật tự để diễn tiến, và kỳ diệu thay, đó là sự cân bằng theo nhịp điệu của đời sống.
Họa sĩ chia sẻ: “Tôi nhìn thấy và diễn tả những nghiệt ngã với sự yêu mến cuộc đời, như một điều tự nhiên mà cá nhân tôi không thể làm gì hơn.”
Anh cho rằng: “Hình như công việc của tôi, một nghệ sĩ sáng tác, chỉ diễn tả những điều mình quan sát và cảm nhận được trong cuộc sống một cách trung thực nhất, thông qua chất liệu tạo hình để tạo nên những hình ảnh và màu sắc. Tôi không thể áp đặt những định kiến của mình vào tác phẩm, và đó là điều tôi mong muốn: tác phẩm của tôi tự nó có đời sống riêng, độc lập, trưởng thành.”
“Vòng Ðời Nghiệt Ngã” là đợt tranh mới sáng tác của họa sĩ Nguyễn Việt Hùng, với chất liệu sơn dầu và dát vàng trên gỗ (oil and 23K gold leaf on wood).
Dùng vàng dát lên răng của những con cá sấu trong tranh, theo họa sĩ, là nhằm làm bức tranh trở có “tính chất khôi hài một chút.”
Chất khôi hài đó sẽ khiến “người lớn xem được, con nít xem cũng được.” Bởi, “Hội họa của tôi tiến gần đến với quần chúng, nhưng trong quần chúng đó lại có nhiều tầng lớp để mọi người hiểu theo cách của mình chứ không phải bị giới hạn trong một giới cao cấp hay bình dân nào hết.” Anh nói.
“Vòng Ðời Nghiệt Ngã” giống như một câu chuyện tranh, như thể người họa sĩ đang làm một quyển sách cho trẻ con, dễ hiểu cùng màu sắc phù hợp với trẻ con, hình ảnh cũng vậy. “Nhưng đúng là triết lý đời thì để dành cho người lớn hiểu,” họa sĩ Huỳnh Thủy Châu nhận xét.
Chính vì điều này mà tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Việt Hùng nhìn vào vừa thấy vui vui nhưng đồng thời cũng có chút gì sợ hãi là vậy. (NL)

------------------------------------

Triển lãm hội họa “Biển Ðông và Vòng Ðời Nghiệt Ngã” của họa sĩ Ann Phong và Nguyễn Việt Hùng
Thời gian: Thứ Bảy và Chủ Nhật, 8 và 9 Tháng Mười
Thứ Bảy, 8 Tháng Mười
Tiếp tân: 3 PM
Trò chuyện với họa sĩ: 5 PM
Ðịa điểm: Phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt, 14771 Moran St., Westminster, CA 92683

––––-

Liên lạc tác giả: NgocLan@nguoi-viet.com
.
.
.

No comments: