Monday, September 12, 2011

Làm thế nào để giải trừ HIỂM HỌA BẮC THUỘC ? (GS. Vũ Quốc Thúc)


GS. Vũ Quốc Thúc
Lundi 12 Septembre 2011 18h27

Lời dẫn : Bài nghi luân này tôi viêt tu dâu nam 2002 . Không ngo nay lai tro nên " thoi su nong hôi " ! Chinh tôi cung quên mât là phô biên o bao nào : co le là trong tap chi Khai Thac Thi Truong sô Têt Nhâm Ngo .

------------------------------

Trong một bài xã luận viết hồi đầu tháng 4 vừa qua , nhan đề "Hiểm họa Bắc thuộc" , chúng tôi đã lưu ý quốc dân là nếu việc lên tiếng mạnh mẽ để phản đối nhóm cộng sản cầm quyền ở Hà Nội về vụ "cắt đất dâng biển" cho Trung Quốc là một việc cần phải làm thì đồng bào ta đừng quên một nguy cơ khác quan trọng hàng vạn, hàng triệu lần hơn nữa : đó là hiểm họa Bắc thuộc. Dựa trên một khẩu hiệu được Giang Trạch Dân dùng làm phương châm trong chính sách bang giao với Việt Nam ( "láng giềng hũu nghị , hợp tác toàn diện , ổn định lâu dài , hướng tới tương lai" ) chúng tôi đã nói lên ưu tư của chúng tôi khi tìm hiểu ẩn ý của chính quyền Bắc Kinh, đặc biệt về chủ trương hợp tác toàn diện nói ở khẩu hiệu. Phải chăng Bắc Kinh đang tìm cách thực hiện cái mộng nghìn xưa của Trung Hoa là thiết lập một đế quốc Ðại Hán trong đó Việt Nam sẽ là một tỉnh nhỏ, hoặc nhiều lắm là một tiểu bang được tự trị phần nào về mặt hành chính ?

Những việc xẩy ra trong mấy tháng vừa qua như : quyết nghị thành lập khu mậu dịch tự do giữa Trung Quốc và các nước ASEAN , việc Bắc Kinh dự trù xây hàng chục cái đập trên thượng nguồn sông Cửu Long và dùng những dự án ấy để uy hiếp các nước ở hạ lưu sông này, việc Hà Nội xử tù một cách cực kỳ phi lý luật gia Lê Chí Quang chỉ vì nhân vật này đã cả gan công khai nêu vấn đề "cảnh giác Thiên Triều" và gần đây nhất là việc bắt giữ rồi khám xét tư gia của cựu đại tá Phạm Quế Dương cùng học giả Trần Khuê ( cả hai nhân vật này đều từng lên tiếng phản đối các hiệp định Việt Trung về biên giới và lãnh hải trong vịnh Bắc Bộ )... cho thấy mối lo ngại của chúng tôi là chính đáng. Cổ nhân có câu : "Quốc gia hưng vong thất phu hữu trách" . Một khi biết rõ nguy cơ đang đe dọa dân tộc mà không tìm cách đối phó, quả thực là bất trung nếu không phải là bất trí. Chính vì thế mà chúng tôi đưa ra một vài ý kiến thô thiển dưới đây với niềm hy vọng là có thể giúp ích phần nào cho những ai có khả năng và điều kiện thuận lợi hơn mình để hành động kịp thời.

* * *

Trước hết, cần xét lại sách lược mà tổ tiên chúng ta đã áp dụng trong quá khứ để bảo vệ chủ quyền thực sự của dân tộc cũng như sự toàn vẹn của lãnh thổ quốc gia.

Sau khi đã lật đổ chế độ nội thuộc - một chế độ trong đó nước ta bị coi là một quận của Trung Hoa, trực tiếp do Triều đình Trung Hoa cai trị qua một vị thái thú (dĩ nhiên là người Trung Hoa do hoàng đế Trung Hoa bổ nhiệm) - để được yên ổn trị quốc, các vua ta đành chấp nhận đế quyền của hoàng đế Trung Hoa, coi vua Tầu là Con Trời (Thiên Tử) còn mình thì chỉ là một quốc vương được Thiên Tử phong chức. Sự phục tòng được cụ thể hóa bằng chiếc ấn vàng do vua Tầu ban cho cùng với sắc phong vương : đối lại, cứ bốn năm một lần ta phải cử một sứ bộ mang lễ vật gồm vàng bạc và sản phẩm quý báu để cống hiến Thiên Tử Tầu . Dưới nhỡn quan của pháp lý Tây phương thì mối liên hệ này có tính cách thân trạng (personnelle ) nghĩa là có giá trị giữa "con người" của vua ta với "con người" của vua Tầu . Cơ sở của mối liên hệ là chủ thuyết phong kiến, theo đó chỉ có một Con Trời là Hoàng đế Trung Hoa còn vua nước ta - giống như vua các nước nằm trong quỹ đạo của Trung Hoa - đều do Hoàng đế Trung Hoa phong chức. Chính vì vậy mà mỗi khi có sự thay đổi triều đại ở nước ta, chẳng hạn chuyển từ nhà Trần sang nhà Hậu Lê, cần đươc sự chấp thuận, hay đúng hơn: sự thừa nhận của Hoàng Ðế Trung Hoa. Sự phục tòng này có tính cách nguyên tắc và nghi lễ nhiều hơn là thực tế vì trong thực tế các vua nước ta tự quyết mọi việc , kể cả trong lảnh vực quân sự và lãnh vực ngoại giao (dĩ nhiên trừ trường hợp ta chấp nhận sự đô hộ hay bảo hộ của một nước khác ngoài Trung Hoa). Ta đừng trách tổ tiên quá nhượng bộ Trung Hoa: trong hoàn cảnh lịch sử chung của toàn thế giới và đặc biệt của Á Ðông trước thế kỷ XIX, một nước nhỏ yếu như nước ta mà giữ vững được bản sắc dân tộc cũng như chủ quyền và lãnh thổ quốc gia, trước khuynh hướng bành trướng tất yếu của một láng giềng khổng lồ như Trung Hoa, phải công nhận là một thành công chiến lược. Mỗi lần Trung Hoa mưu toan dùng võ lực thôn tính nước ta để tái lập nền đô hộ, nhân dân ta đã không ngần ngại hy sinh xương máu chống trả cực kỳ oanh liệt. Nhưng sau khi chiến thắng, các vị lãnh đạo nước ta thời xưa đã có thái độ rất thực tiễn, biết chế ngự xu hướng tự ái, chịu nhượng bộ Triều đình Trung Hoa tới một mức nào coi là không làm thương tổn nền độc lập thực sự của dân tộc ngõ hầu bình thường hóa bang giao giữa hai nước.

Về phía Trung Hoa, khi xét lại quá khứ, chúng tôi nhận thấy họ đã áp dụng chính sách sau đây đối với nước ta, một láng giềng họ coi là "cứng đầu", khó xâm chiếm bằng võ lực. Thay vì áp đặt nền đô hộ một cách công khai và trực tiếp, họ đã duy trì bá quyền xuyên qua hai lãnh vực văn hóa và tổ chức chính trị. Về văn hóa, yêu cầu bất biến của họ là ta phải dùng chữ hán trong mọi công văn, nếu phải dùng chữ nôm thì chỉ để bổ trợ cho chữ hán mà thôi (chẳng hạn khi không thể dịch những từ Việt ra chữ hán) . Ta cần nhớ rằng sự thống nhất quốc gia Trung Hoa, ngoài việc tổ chức lãnh thổ thành tỉnh, huyện đặt dưới sự cai trị của Triều đình, từ xưa đến nay dựa hoàn toàn trên chữ Hán: Mỗi vùng tuy có tiếng nói riêng của mình, nhưng nhờ chữ Hán nên vẫn có thể liên lạc với triều đình và các vùng khác. Một khi An Nam (tên cũ của nước ta) vẫn dùng chữ Hán, thì triều đình Trung Hoa coi ta chẳng khác chi các tỉnh Quảng Ðông, Quảng Tây, Vân Nam ...! Chính vì để thỏa mãn yêu cầu của Triều đình Trung Hoa mà cho tới lúc Pháp thuộc, nước ta vẫn dùng chữ Hán làm chữ chính thức, mặc dù chữ Nôm đã được sáng chế từ thời Nhà Trần (thế kỷ XIII) và chữ quốc ngữ từ thời Trịnh - Nguyễn (thề kỷ XVII) . Dĩ nhiên, cùng với việc phổ bién hán tự nước ta đã dựa trên Nho Giáo của Trung Hoa để tổ chức nền quốc học: với chế độ khảo thí phỏng theo kiểu mẫu Trung Hoa, tầng lớp Nho sĩ rõ ràng đã giữ độc quyền trị nước từ thế hệ này qua thế hệ khác. Khỏi cần nói là các nhà nho thành thực tin rằng ngoài Trung Hoa, mọi dân tộc khác đều chưa văn minh: dù chẳng có áp lực nào, các cụ vẫn chấp nhận không chút dè dặt chủ trương Nho giáo độc tôn và Nho sĩ chuyên chính của Trung Hoa ! Ðiều này cho ta hiểu tại sao từ sau đời Gia Long, triều đình Huế đã thẳng tay đàn áp những gì coi là "bàng môn tả đạo" ...

Dĩ nhiên các vua ta đã theo đúng kiểu mẫu quân chủ Trung Hoa trong sự tổ chức chính trị: đó là một cách để trấn an giới chức quyền Trung Hoa. Một khi thấy An Nam tổ chức giống hệt Thiên Triều, do đó có thể sáp nhập dễ dàng vào hệ thống đế quyền Trung Hoa, thì các giới chức này tin rằng chỉ cần "nắm" vị lãnh đạo tối cao của An Nam qua việc sắc phong vị này làm An Nam Quốc Vương, là có thể nắm được toàn nước An Nam ! Thật là giản dị ! Thật là kín đáo ! Mà lại không bị hao binh tổn tướng ! Sự phân tích vừa rồi cho hiểu tại sao Triều đình Trung Hoa hồi thế kỷ XIX luôn luôn chủ trương An Nam là một nước chư hầu của mình trong khi, dưới mắt của mọi người Việt, nước ta đã phục hồi độc lập từ thời Ngô Quyền (thế kỷ thứ X) . Tiền nhân đã chấp nhận bá quyền của Trung Quốc trong lãnh vực văn hóa vì cho rằng sự lệ thuộc tinh thần này không có hại cho dân tộc. Lịch sử chứng minh là các cụ đã tính lầm: vì nước ta đã bỏ lỡ cơ hội canh tân theo gương Âu Tây như Nhật Bản đã làm dưới triều Minh Trị Thiên Hoàng. Và rút cục, ta đã bị Pháp Quốc thôn tính trong hậu bán thế kỷ XIX.

Tóm lại, lịch sử đã cho ta một bài học đắt giá: chủ trương độc tôn về văn hóa và chế độ độc quyền lãnh đạo của một tầng lớp xã hội có thể kềm hãm sự tiến bộ của dân tộc và đưa tới nạn mất nước.

* * *

Ngày nay, quốc dân đang đứng trước một ngã ba lịch sử: hoặc là tiếp tục theo định hướng xã hội chủ nghĩa kiểu Trung Hoa như nhóm cầm quyền ở Hà Nội đang làm, hoặc là chọn kiểu mẫu dân chủ tự do Tây phương như nhiều người đề nghị. Trong sự quyết định, không những chúng ta phải phỏng theo xu hướng tiến hóa chung của thế giới mà phải luôn luôn lấy quyền lợi tối thượng của dân tộc làm tiêu chuẩn.

Dĩ nhiên, từ ngày chữ quốc ngữ được phổ biến trong toàn dân, ta không còn lệ thuộc hán tự như xưa nữa và ta cũng không cần phải qua trung gian hán văn để tìm hiểu khoa học cũng như kỹ thuật hiện đại. Như vậy, trên nguyên tắc, Trung Hoa không thể dùng hán tự và hán văn để chi phối người Việt. Khốn nỗi, nhóm cầm quyền ở Hà Nội đã tự ý đem giây buộc cổ mình: họ đã chọn chủ thuyết Mác Lê-nin làm triết lý độc tôn và chế độ vô sản chuyên chính (hay đúng hơn Cộng sản đảng chuyên chính) làm cơ sở chính trị. Do đó đảng Cộng sản Trung Hoa có thể lợi dụng "giây thòng lọng văn hóa" này để biến nước xã hội chủ nghĩa đàn em Việt Nam thành một chư hầu kiểu mới của nước xã hội chủ nghĩa đàn anh Trung Hoa. Ai cũng biết là sau khi khối cộng sản Liên Xô tan rã, không còn nước cộng sản nào khác có đủ khả năng đóng vai đối trọng so với Trung Hoa: Bắc Kinh đương nhiên trở thành trung tâm quyền lực chi phối những phần đất còn lại của thế giới cộng sản cũ. Không thiếu gì cán bộ cộng sản Trung Hoa đang nhớ lại ước mơ "đế quốc Ðại Hán" của tổ tiên họ thời xưa: tại sao lại không dùng chủ thuyết Mác-Lê nin làm một lợi khí văn hóa, thay cho Nho giáo, để xây dựng bá quyền ?

Vẫn biết, ngày nay không ai có thể làm sống lại các nghi lễ "phong sắc" và "triều cống" của thời phong kiến nhưng việc Hồ Cẩm Ðào đích thân cầm đầu một phái đoàn hùng hậu tới dự Ðại Hội IX của đảng Cộng Sản Việt Nam để "chứng kiến" việc bầu tân Tổng Bí Thư Nông Ðức Mạnh có khác gì một hình thức thừa nhận ? Cuộc xuất ngoại chính thức đầu tiên của Tân Tổng Bí Thư họ Nông là dẫn một phái đoàn không kém hùng hậu sang Bắc Kinh để viếng thăm "hữu nghị" các lãnh đạo cộng sản Trung Hoa. Nếu những cuộc viếng thăm hữu nghị giữa hai chính đảng đồng mầu sắc ở hai nước khác nhau là chuyện thông thường thì những cuộc viếng thăm chính thức này có một tầm quan trọng đặc biệt khi hiến pháp dành cho đảng Cộng sản, ở nước ta cũng như ở Trung Hoa, độc quyền lãnh đạo đất nước !

Ta cũng nên biết rằng, trong điều kiện của thế giới hiện đại, bá quyền của Trung Hoa có thể vượt khỏi lãnh vực văn hóa để lan tràn sang nhiều lãnh vực khác, do đó nó có thể gây rất nhiều tai hại. Về mặt kinh tế chẳng hạn, làm sao Việt Nam có thể ngăn chặn hàng hóa Trung Hoa vừa rẻ vừa tốt tràn ngập thị trường quốc nội, bóp nghẹt những kỹ nghệ non yếu của ta ? Làm sao Việt Nam có thể cạnh tranh với những khu vực kinh tế đặc biệt ở Trung Hoa như Thượng Hải, Quảng Châu, Thẩm Quyến ... để thu hút vốn đầu tư ngoại lai ? Việc thiết lập "Vùng mậu dịch tự do Á Châu" dù chỉ hoàn thành trong 10 năm nữa nhưng cũng vẫn khiến cho tư bản Âu Mỹ ngay từ bây giờ ưa chuộng lục địa Trung Hoa hơn là các nước Ðông Dương ... Về mặt quốc phòng, khỏi cần nói là Trung Hoa đang kiểm soát thượng nguồn Cửu Long Giang và khi hữu sự có thể uy hiếp các nước ở hạ lưu sông này như: Thái Lan, Lào Quốc, Kampuchia và Việt Nam. Ðó là chưa nói tới việc hải quân Trung Hoa có thể phong tỏa Việt Nam một khi tầu chiến của họ làm chủ Ðông Hải, suốt từ Vịnh Bắc Bộ tới vùng quần đảo Trường Sa ...

Kẻ viết bài này không có tinh thần bài ngoại, đặc biệt đối với Trung Hoa là một nước lớn có nhiều sắc thái. Tuy nhiên cái lô gích của sự chênh lệch giữa các quốc gia trên trường quốc tế, khiến cho những nước nhỏ, nghèo, yếu kém phải luôn luôn đề phòng. Ðừng nên để cho sự chênh lệch đưa tới tình trạng lệ thuộc khiến cho ta mất dần chủ quyền rồi tới bản sắc dân tộc, cơ hồ bị đại cường láng giềng hoàn toàn đồng hóa. Sự phân tích kể trên đưa chúng tôi tới kết luận: Muốn giải trừ hiểm họa Bắc Thuộc việc đầu tiên phải làm là chấm dứt tình trạng chủ nghĩa Mác-Lê nin giữ địa vị độc tôn về tư tưởng và Ðảng Cộng Sản Việt Nam giữ độc quyền về chính trị. Nói khác phải có tự do tư tưởng, tự do thông tin, tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do giáo dục con em ... Lại phải tôn trọng mọi quyền tự do của người công dân như ở những nước thực sự dân chủ.

Chúng tôi tin rằng một khi người dân Việt được tự do như vậy, thì qua các cuộc tuyển cử và đầu phiếu trung thực, nhân dân sẽ có những quyết định hợp lý, hợp tình để đối phó với mọi nguy cơ ngoại thuộc. Lúc đó những người yêu nước sẽ không còn lo ngại là vận mệnh của dân tộc hoàn toàn tùy thuộc vào sự quyết định thầm kín của một nhóm người bị ngoại bang chi phối ./.

Paris, tháng Chạp năm Nhâm Ngọ
Vũ Quốc Thúc

.
.
.

No comments: