Saturday, October 16, 2010

RESORT - KHU NGHỈ DƯỠNG : CON ĐƯỜNG BẦN CÙNG HÓA NHÂN DÂN

Yên Ninh
15/10/2010 15:51:14

Dọc bãi biển từ Đà Nẵng đến Cửa Đại (Hội An) những resort, khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp tràn ngập, để lại đằng sau nhiều thân phận đang trên con đường bần cùng hoá.

Lênh đênh từ biển về sông
Bà Lê Thị Tình năm nay đã 72 tuổi - cái tuổi an nhàn vui vầy cùng con cháu - nhưng hàng ngày từ sáng sớm đến tối mịt vẫn phải gồng mình chèo thuyền đưa khách du ngoạn trên sông Hoài (TP Hội An).
Cách đây hơn 10 năm, nhà bà Tình ở ngay cửa biển. Cả gia đình sinh sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt ven bờ. Thời ấy, tuy không khá giả nhưng biển cũng hào phóng cho đủ cái ăn. Đùng một cái, chính quyền đến bảo di dân: “Xóm này nhà nước triển khai dự án du lịch”, rồi họ hứa sẽ nhận hai thằng con trai bà vào làm ở khách sạn, lương cao.
 
Xóm thuyền gầm cầu trên sông Hoài. Đây là nơi trú mưa, nắng cho hơn 10 thân già côi cút hành nghề chở khách du lịch trên sông.

Bà Tình khấp khởi mừng, những tưởng con cái sẽ có nghề nghiệp ổn định, không phải lênh đênh mạo hiểm đi biển nữa. Đợi mãi, số tiền được đền bù rồi cũng tiêu hết và lời hứa kia cũng bặt vô âm tín.
Không chờ đợi được, hai thằng con trai bà năm kia tìm đường vào Nam làm thuê. Và bà, lại mang con thuyền cũ ngược sông Hoài vào TP Hội An chở khách du lịch kiếm ăn qua ngày.
Đợt Tết vừa rồi, hai thằng con về bảo bà vào trong Nam giúp việc, lương tháng cũng được 2 triệu. Bà nhất quyết không đi: “Một phần vì mồ mả ông nhà tôi ở ngoài này lấy ai hương khói, phần vì cuối đời rồi, sống được bao nhiêu nữa mà phải tha hương cầu thực hả chú?”
“Cái nghề ni cực lắm chú ơi, chỉ làm được trong mấy tháng hè thôi. Đến tháng 10, tháng 11 lũ về, nước sông to, chả có khách nào mạo hiểm dám du ngoạn trên con thuyền mong manh này đâu”.
Nói rồi, bà chỉ về những con tàu du lịch hiện đại nằm san sát bên sông: “Khách họ thích đi con tàu kia hơn, vừa an toàn lại có phục vụ đồ ăn uống”.
Mỗi ngày, bà Tình chở được 3-5 lượt khách, mỗi lượt khách chỉ được 5-10 nghìn đồng. Khách của bà chủ yếu là các cô cậu học trò ít tiền, thích đi du lịch Hội An.

Nhặt nhạnh tiền lẻ
Gọi “xóm thuyền gầm cầu” bởi dưới gầm cầu nối hai dãy phố ở hai bờ sông Hoài là nơi tập hợp của hơn 10 thân phận như bà Tình. Các “đồng nghiệp” của bà Tình: Bà Hoa, bà Hạo, bà Chính, bà Liên… năm ngay cũng đều trên 70 tuổi cả. Bà Hạo đã 78 tuổi nên là chị cả của xóm.
Bà Tình bảo: “Bà Hạo khổ lắm, không chồng, không con. Từ cái thời nhà bà ấy còn ở cửa biển, chồng con đi đánh bắt xa bờ, gặp bão rồi không trở về nữa…”.

Bà chị cả của xóm thuyền gầm cầu quanh năm suốt tháng làm bạn với lọ dầu gió bởi chỉ cần thay đổi thời tiết là bà ốm.

Bà Hạo nay đã mắt mờ, lưng còng, chân run nên thi thoảng mới có vị khách mạo hiểm lên thuyền của bà. Các bà trong xóm thường san sẻ khách cho bà Hạo để bà có thể kiếm cơm qua ngày.
Trong đợt lũ lịch sử năm ngoái ở Hội An, bà Hạo mò mẫm chèo thuyền giữa phố, va phải cọc đèn đường khiến con thuyền cũ nát bị thủng một lỗ to, không có cách gì vá lại được. Thế là bà Hạo mất đi phương tiên mưu sinh duy nhất.
Sau đợt lũ lịch sử đó, các bà trong “xóm thuyền gầm cầu” cũng gắng sức gom góp, người vài chục, người đôi trăm để bà Hạo mua lại con thuyền khác. Bà Tình cũng ủng hộ bà Hạo 150 nghìn. Bà Tình cười xoà: “Chị Hạo có còn nhớ gì nữa đâu, bắt đầu lẩm cẩm rồi. Cùng khổ như nhau cả, nợ nần làm chi, có chị, có em là vui rồi”.
Có lần, bà Liên chở được hai ông khách nước ngoài đi du ngoạn. Sau khi khám phá hết ven bờ sông Hoài, ông khách đưa cho bà một đồng xanh xanh. Chả biết là tiền gì, bà cứ cầm. Khi mang về xóm thuyền, mọi người cứ rủ rỉ hỏi nhau: Tiền ni là tiền nước mô, có mua bán được không?

Chị em ở xóm thuyền này luôn san sẻ giúp đỡ nhau

Rồi các bà cầm lên cho ông Bình - xe ôm - ở đầu phố để hỏi. Ông Bình mang đồng tiền đó đi một hồi rồi đổi được 20 nghìn. Từ đó, chị em ở “xóm gầm cầu” cứ kháo nhau: Nếu khách đưa tiền lạ cứ cầm nhé, đổi được nhiều tiền lắm đó!
Chỉ cách cái “xóm thuyền gầm cầu” ấy chừng 5-10m là đường Bạch Đằng - một trong những tuyến đường du lịch chính của phố cổ Hội An, những đồng tiền xanh đó, người ta giao dịch hàng ngày. Thậm chí, các biển báo giá đều bằng USD nhưng với người dân xóm gầm cầu thì thật xa lạ.
Họ không hề biết rằng, họ đã mất đất, mất nghề, khiến càng ngày, cuộc sống càng eo hẹp và cơ cực là để đưa những đồng tiền xanh xanh ấy về với Hội An.

Bao giờ họ gọi con tui?
Bà Liên có 3 người con, thằng cả đi làm xe ôm trên phố, đã lập gia đình nên tạm coi như yên phận. Hai đứa còn lại thì theo vào Sài Gòn làm thuê. Bà Liên cũng ôm lời hứa từ chính quyền như bà Tình “…sẽ nhận con bà vào làm cho khách sạn, nhà hàng, lương cao…” qua hơn 10 năm để rồi thất vọng.
Thành ra, thanh niên của các xóm chài ven biển Hội An đều tha phương cầu thực, để lại những thân già lam lũ, bòn nhặt từng đồng tiền lẻ ở khu đô thị nổi tiếng, sầm uất bậc nhất miền Trung.

Tranh thủ lúc chờ khách, vớt củi về đun.

“Đời tôi coi như bỏ đi rồi chú ạ, còn chúng nó (các con bà) muốn về quê sinh sống cũng không có đường về. Về đây thì làm chi kiếm cái ăn bây giờ?”. Bà Liên trút tiếng thở dài não lòng.
Với bà Tình, bà Liên, bà Hạo, có lẽ giấc mơ của họ chỉ đơn giản là: bao giờ cho đến ngày xưa - cái ngày cách đây hơn 10 năm về trước, khi chưa có dự án này, kế hoạch nọ thì gia đình các bà tuy không dư giả nhưng gia đình không phải tan đàn xẻ nghé như bây giờ.
Với những cư dân ở “xóm thuyền gầm cầu” này, ngoài những lúc chở khách thì chỉ biết nằm dài trên thuyền nghe loa phát thanh công cộng ở đầu phố. Tuổi cao, tai nghễnh ngãng, nghe câu được câu chăng, thế mà vừa rồi có cái hội thảo tìm kiếm nhân sự cho các resort, khách sạn ở Hội An - Đà Nẵng, loa phát thanh có thông báo: “…cần tuyển 7000 nhân viên phục vụ cho các resort, khách sạn trong vòng 2 năm tới…”. Bà Tình thở dài rồi quay sang hỏi: “Thiếu nhiều người thế không biết họ có gọi con tôi đi làm không chú?”.
Yên Ninh
.
.
.

No comments: