Sunday, May 17, 2009

ĐỪNG HỎI ĐẤT NƯỚC CÓ THỂ LÀM GÌ CHO BẠN

Ðừng hỏi đất nước có thể làm gì cho bạn
Kahlil Gibran
Nguyễn Ước dịch
17/05/2009 1:47 sáng
http://www.talawas.org/?p=4418
Lời người dịch: Trên vách nhà của nhiều người Mỹ có treo tấm lắc ghi câu cố Tổng thống John F. Kennedy kêu gọi đồng bào Hoa Kỳ của ông và các công dân thế giới, trong diễn văn nhậm chức ngày 20.1.1961:
“Ask not what your country can do for you, but ask what you can do for your country.”
(Ðừng hỏi đất nước có thể làm gì cho bạn, mà hãy hỏi bạn có thể làm gì cho đất nước.)

Lời phát biểu bất hủ ấy lần đầu tiên xuất hiện trong một bài thơ xuôi của Kahlil Gibran, viết bằng tiếng Arập, khoảng thập niên 1920, mà nhan đề của nó, theo Joseph Sheban, có thể dịch sang tiếng Anh là The New Deal (Đối xử mới) hoặc The New Frontier (Biên cương mới).

Kahlil Gibran (1883-1931) là thi sĩ và họa sĩ người Mỹ gốc Liban. Cùng gia đình di dân sang New York năm 1895, tới năm 15 tuổi ông quay về học ở quê hương và trở lại Mỹ năm 1902. Ba mươi năm sau, thi hài của ông được đem về an táng tại thị trấn chôn nhau cắt rốn.
Gibran để lại hàng trăm bức họa và khoảng 30 tác phẩm viết bằng tiếng Arập hoặc tiếng Anh. Với cung giọng ngôn sứ đầy chất thơ, tác phẩm của Kahil Gibran như một dòng chảy tổng hợp các suối nguồn Do thái giáo, Kitô giáo và Hồi giáo. Các bài trường đoản cú hay các bài thơ xuôi của ông cao nhã, ngôn từ trang trọng, với hình ảnh con người hướng thượng, chiêm nghiệm, và dấn thân, kèm theo những cái nhìn thấu suốt vào các chủ đề của cuộc sống, được diễn tả bằng thuật ngữ tâm linh.
Tuyệt phẩm The Prophet (Ngôn sứ) của Gibran xuất bản lần đầu năm 1923, được dịch ra hơn 20 thứ tiếng và là một trong các sách bán chạy nhất tại Mỹ trong thế kỷ 20. The Prophet gồm 26 tiểu luận bằng thơ xuôi, ứng xử chuyên biệt với các chủ đề trong cuộc sống. Nó đặc biệt nổi bật trong thập niên 1960 với hai trào lưu Thời đại Mới (New Age) và Phản Văn hóa (Counter-culture), đồng thời tinh thần Biên cương mới góp phần tạo cảm hứng cho các phong trào thiện nguyện viên quốc tế, các tổ chức bất vụ lợi (NGO) hoạt động văn hóa, xã hội, y tế… trên khắp thế giới.
Với Kahil Gibran, “Lịch sử chỉ lặp lại chính nó trong tâm trí những kẻ không biết lịch sử” (History does not repeat itself except in the minds of those who do not know history), và “Một nửa những gì tôi viết là vô nghĩa, nhưng tôi nói nửa ấy ra để nửa kia có thể với tới bạn” (Half of what I say is meaningless, but I say it so that the other half may reach you).
Một số câu truyện và bài viết của Gibran bảy tám chục năm trước đã thuộc về lịch sử, nhưng một số khác vẫn mang tính đương đại, vượt thời gian và thích hợp với hoàn cảnh chính trị và văn hóa thời nay, trong đó có thể kể luôn cả Việt Nam. Có lẽ nhờ thế từ sau khi Gibran qua đời, ảnh hưởng của ông ngày càng lan rộng từ lãnh vực hội họa, triết học, văn học cho tới môi sinh, tại các đại học Hoa Kỳ và Trung Ðông, Unesco, các giải thưởng quốc tế mang tên ông…

Tại Nam Việt trước năm 1975, có ít nhất năm tác phẩm của Kahil Gibran được dịch ra tiếng Việt và xuất bản. Cuốn The Prophet có hai bản dịch: Kẻ tiên tri và Mật khải.

Bài thơ xuôi dưới đây dịch từ bản tiếng Anh của Joseph Sheban, trích từ cuốn A Third Treasury of Kahlil Gibran (Một kho tàng thứ ba của Kahlil Gibran) do Andrew Dib Sherfan biên tập và giới thiệu, Nxb The Citadel Press, Secaucus, New Jersey, HK, tái bản lần thứ ba năm 1975, tt. 52-57.
______________

Biên cương mới
Kahlil Gibran

Ở Trung Ðông ngày nay có hai ý tưởng cũ và mới đang thách thức nhau.
Những ý tưởng cũ rồi sẽ biến mất vì chúng yếu ớt và kiệt quệ.
Ở Trung Ðông đang có cơn bừng tỉnh xem thường những giấc ngủ say. Cơn bừng tỉnh này sẽ lướt thắng vì mặt trời là thủ lãnh và bình minh là đạo binh của nó.
Trên các cánh đồng Trung Ðông, nơi bao la đất nghĩa trang, đứng lên tuổi trẻ của mùa Xuân, cất lời kêu gọi những ai cư ngụ trong mộ đá hãy trỗi dậy và tiến về những biên cương mới.
Khi mùa Xuân ngân lên nhịp điệu của nó cũng là lúc thần chết vươn vai, trải tấm vải liệm và cất bước chân đi.
Nơi chân trời Trung Ðông cơn bừng tỉnh mới đang dâng cao và trải rộng, chạm tới và bao phủ mọi linh hồn mẫn tuệ và nhạy cảm, thấm sâu và thu phục thiện cảm của những con tim cao nhã.
Trung Ðông ngày nay có hai chủ nhân. Một là người quyết định, ra lệnh và được vâng lời; nhưng kẻ đó đang lâm vào thời điểm tử vong.
Còn chủ nhân kia dù im tiếng tuân giữ luật lệ và trật tự, trầm lặng trông chờ công lý; nhưng là người khổng lồ đầy quyền năng, biết rõ sức mạnh của mình, tự tin vào sự hiện hữu của mình và tin tưởng định mệnh của mình.
Ở Trung Ðông ngày nay, có hai loại người: một của quá khứ và một của tương lai. Bạn là con người nào trong hai loại đó? Hãy tới sát bên tôi để tôi nhìn bạn, và hãy cho tôi được bảo đảm, bằng diện mạo và hạnh kiểm của bạn, rằng bạn là người cất bước tiến về nơi ánh sáng hay là kẻ đang đi vào chốn tối tăm.

Hãy tới kề bên tôi, nói cho tôi biết bạn là ai và bạn làm gì.
Có phải là bạn là kẻ làm chính trị đang hỏi đất nước có thể làm gì cho bạn, hay bạn là người nhiệt tình đang hỏi bạn có thể làm gì cho đất nước?
Nếu là kẻ thứ nhất, thế thì bạn là ký sinh trùng; nếu là người thứ hai, thế thì bạn đang là ốc đảo trong sa mạc.

Có phải bạn là một thương buôn đang sử dụng những cần thiết của xã hội cho các nhu cầu của cuộc sống mình, cho lợi nhuận độc quyền và phi lý, hay bạn là người siêng năng giản dị, cần cù lao động, sẵn lòng cho sự đổi chác giữa thợ dệt và nông dân, và có phải bạn đang đòi lợi nhuận hợp lý như một người trung gian giữa hai phía cung cầu?
Nếu là kẻ thứ nhất, thế thì bạn là phạm nhân dù đang sống trong lâu đài biệt thự hay chốn lao tù. Nếu là người thứ hai, thế thì bạn là người từ tâm cho dẫu bạn được dân chúng cảm tạ hoặc bị họ đấu tố.

Có phải bạn là nhà lãnh đạo tôn giáo đang đan dệt cho hình hài mình chiếc áo chùng tu sĩ xuất từ sự vô minh của dân chúng, đang nặn đúc chiếc mũ miện cho mình xuất từ sự chất phác của tâm hồn dân chúng, và đang giả vờ ghét cái ác chỉ vì muốn sống dựa vào lợi tức của mình?
Hay có phải bạn là người ngoan đạo và tận hiến, đang tìm thấy trong lòng mộ đạo của cá nhân mỗi người nền tảng cho một đất nước tiến bộ, và có thể thấy xuyên qua cuộc tìm kiếm sâu xa trong thăm thẳm linh hồn mình chiếc thang dẫn lên linh hồn vĩnh cửu, cái định hướng cho thế giới?
Nếu là kẻ thứ nhất, thế thì bạn là tên dị giáo, không tin vào Thượng đế dù đang ăn chay ban ngày và cầu nguyện ban đêm.
Nếu là người thứ hai, thế thì bạn là cây hoa tím trong vườn chân lý cho dẫu mùi thơm thất lạc trên cánh mũi của loài người, hoặc cho dẫu hương thơm tỏa vào không khí hiếm hoi ở đó mùi hương của các đóa hoa được giữ gìn.

Có phải bạn là người làm báo, đang bán ý tưởng và nguyên tắc của mình trong ngôi chợ nô lệ, và sống trên sự khốn khó của dân chúng, như kên kên chỉ sà cánh xuống các thây ma động vật thối rữa?
Hay có phải bạn là nhà giáo trên bục giảng của đô thị, đang thu thập kinh nghiệm từ cuộc sống và trình bày cho dân chúng theo những bài giảng bạn từng học được?
Nếu là kẻ thứ nhất, thế thì bạn là vết thương và mụt nhọt. Nếu là người thứ hai, thế thì bạn là thuốc xoa dịu chỗ đau và là dược phẩm.

Có phải bạn là người cai trị đang tự hạ trước kẻ bổ nhiệm mình, xem thường những ai bị mình cai trị, và chưa hề nhấc bàn tay trừ phi để với tới các chiếc túi, cũng như không bao giờ cất chân bước tới trừ phi để nghênh đón cấp trên?
Hay có phải bạn là người đầy tớ trung thành chỉ phục vụ cho phúc lợi của dân chúng?
Nếu là kẻ thứ nhất, thế thì bạn như bao bì khấu trừ trong sân đập lúa của quốc gia; và nếu là người thứ hai, thế thì bạn là phúc lành trên các kho lẫm.

Có phải bạn là người đang cho mình được làm điều mình không cho phép vợ làm, bỏ nàng sống quạnh hiu với chiếc chìa khóa bạn nhét kỹ trong chiếc ủng của mình, và đang tham lam ăn nhậu, nhồi nhét các thức ăn mình ưa chuộng trong khi nàng ngồi đó với chiếc đĩa trống không?
Hay có phải bạn là người bạn đời chỉ hành động khi sóng đôi tay trong tay hoặc không làm điều gì nếu nàng chưa đưa ý nghĩ và ý kiến của riêng nàng, và cùng chia sẻ với nàng hạnh phúc và thành công của bạn?
Nếu là kẻ thứ nhất, thế thì bạn là một tàn dư của bộ lạc, đang khoác lớp da của loài sinh vật đã biến mất rất lâu trước ngày rời hang động; và nếu bạn là người thứ hai, thế thì bạn là lãnh đạo của một đất nước đang chuyển động trong rạng đông tới ánh sáng của công lý và minh triết.

Có phải bạn là một nhà văn đang chỉ tìm kiếm trong sự tự ngưỡng mộ, giữ cho mình ở mãi trong thung lũng quá khứ bụi bặm, nơi các thời đại vứt lại tàn dư y trang và các ý tưởng vô dụng?
Hay bạn là người suy tư sáng sủa, đang xem xét điều tốt lành và hữu ích cho xã hội, và trang trải đời mình trong cuộc xây dựng những gì mang lại lợi ích và hủy diệt những gì gây tổn hại?
Nếu là kẻ thứ nhất, thế thì bạn nhu nhược và rồ dại; và nếu là người thứ hai, thế thì bạn là cơm cho những ai đang đói và nước cho những ai đang khát.

Có phải bạn là một nhà thơ đang rung lục lạc nơi cửa nhà các tiểu vương gia hay tung hoa trong lễ cưới, và là kẻ bước đi trong đám tang với chiếc khăn thấm đẫm nước ấm trên cửa miệng, rồi được vắt bằng lưỡi cùng môi mình ngay lúc vừa đặt chân tới nghĩa trang?
Hay có phải bạn là tặng phẩm Thượng đế đặt trong đôi bàn tay bạn, nơi dạo lên những khúc nhạc tuyệt trần, nâng tâm hồn chúng tôi tới những tuyệt vời trong cuộc sống?
Nếu là kẻ thứ nhất, thế thì bạn là gã làm trò tung hứng, đang gợi lên trong lòng chúng tôi điều ngược lại những gì bạn dự tính.
Nếu là người thứ hai, thế thì bạn là tình yêu trong con tim của chúng tôi và là khải thị trong tâm trí của chúng tôi.

Ở Trung Ðông đang có hai đám rước: một của dân chúng già nua bước đi với những chiếc lưng cong, được nâng đỡ bởi những chiếc gậy cong; họ phì phò thở dù đang trên đường bước xuống đồi.
Hai là đám rước của những người trẻ trung, chạy như bằng đôi chân có cánh và hân hoan như trong thanh quản có sợi tơ đàn; họ vượt qua các chướng ngại như thể đang có nam châm hút họ lên sườn núi và đang có ma thuật mê hoặc trái tim họ.
Bạn thì sao, bạn muốn mình chuyển động trong đám rước nào?
Bạn hãy tự hỏi và lắng mình suy tưởng khi vẫn còn đêm, hãy thấy cho ra mình là nô lệ của hôm qua hay giải thoát cho ngày mai.
Tôi nói với bạn rằng con cái của các năm qua đang bước đi trong đám ma của một kỷ nguyên do chúng tạo ra cho chính chúng. Chúng đang níu kéo sợi thừng mục nhão hẳn sẽ sớm đứt và khiến chúng rơi xuống vực thẳm lãng quên. Tôi nói cho biết rằng chúng đang sống trong những ngôi nhà nền móng suy sụp - nhà của chúng sẽ đổ ập xuống đầu chúng, và như thế sẽ trở thành huyệt mộ của chúng. Tôi nói cho biết rằng hết thảy các ý nghĩ của chúng, các lời nói của chúng, các tranh cãi của chúng, các sáng tác phẩm của chúng, các cuốn sách của chúng và toàn bộ công trình của chúng đều chỉ là những dây xích quá yếu ớt chúng lê theo, không đủ sức kéo khối nặng của chính chúng.
Nhưng con cái của ngày mai là những người được cuộc đời kêu gọi. Họ đi theo nó với đầu ngẩng cao và bằng bước chân chắc nịch. Họ là rạng động của những biên cương mới, không khói sương nào che phủ được họ, không tiếng loảng xoảng của xiềng xích nào nhấn chìm nổi tiếng nói của họ. Họ ít ỏi về số lượng nhưng khác với đống cỏ khô, họ là hạt lúa giống. Chẳng ai biết họ nhưng họ biết nhau. Họ giống những đỉnh núi có thể thấy nhau và nghe nhau, không như những cái hang chẳng bao giờ có thể nghe và thấy.
Là hạt giống gieo bởi bàn tay Thượng đế trên cánh đồng, họ sẽ xuyên thủng vỏ và đong đưa chiếc lá tươi non trước vầng thái dương. Rồi sẽ lớn thành cây mạnh mẽ với rễ cắm sâu trong lòng đất và cành vươn lên giữa trời cao.

© 2009 Nguyễn Ước
© 2009 talawas blog

No comments: