Sunday, May 31, 2009

ĐẠI HỌC MỞ LIÊN HIỆP QUỐC

Đại Học Mở Liên Hiệp Quốc
TRẦN KHẢI
Việt Báo Chủ Nhật, 5/31/2009, 12:00:00 AM
http://www.vietbao.com/?ppid=45&pid=2&nid=145166
Mô hình đaị học nào có thể giúp Việt Nam tăng tốc đaò tạo chuyên gia? Mô hình nào thích nghi mà phẩm chất vẫn tốt? Hay là kết hợp giữa đaị học mạng và đaị học truyền thống? Hay chỉ đơn giản là đưa sinh viên du học? Đó là những câu hỏi cần được các nhà quyết định chính sách tại VN nghiên cứu.

Có một mô hình vừa xuất hiện toàn cầu trong tháng này: Liên Hiệp Quốc loan báo tổ chức một đại học trực tuyến, miễn phí. Bản tin nhan đề "UN Announces Launch of World's First Tuition-Free, Online University" là một bản thông cáo báo chí do cơ quan LHQ phổ biến. Bản tin đề ngày 19-5-2009, và đăng trên báo Tân Tây Lan
www.scoop.co.nz ngày Thứ Năm 21-5-2009. Tin naỳ cũng đăng ở UPI, ABC News, và nhiều thông tấn khác. Đây có thể là một mô hình giaó dục rẻ tiền, mà các nhà quyết định chính sách tại VN cần nghiên cứu để bắt chước, mô phỏng, hoặc áp dụng một phần, hoặc kết hợp với mô hình giaó dục đaị học truyền thống, hoặc có thể xin sử dụng các học trình và tài liệu giáo dục đã có sẵn của các đaị học LHQ và tương tự. Bởi vì, không thể để kéo dài tình trạng sinh viên VN bỏ học ngang chỉ vì kẹt tiền học phí, và rồi như hiện nay, giaó dục đaị học đã trở thành một đặc quyền của giai cấp cán bộ vì con em được hưởng chính sách ưu đãi giáo dục, hay của người có tiền vì gánh chịu nổi tiền học phí đaị học, hay người ở các thành phố lớn vì con em đi học nhưng không phảỉ trả tiền phòng, tiền ăn… như các em vùng xa lên tỉnh học.

Tình hình cải tổ hệ giaó dục còn khẩn cấp hơn, vì học phí tại VN vẫn tăng liên tục. Bản tin VietnamNet ngày 21-5-2009, cho biết học phí ĐH tăng lên 255.000 đồng/tháng trong năm 2009 - có nghĩa là cao hơn một chút 1/3 tiền lương tháng của một công nhân lương tối thiểu, và nếu cộng thêm tiền phòng, tiền ăn, tiền xăng, tiền mua sách giaó khoa thì kể như là thê thảm. Thế là, sẽ hoang phí biết bao nhiêu bộ óc của tuổi trẻ Việt Nam, khi các em phải nửa đường bỏ học.

Bản tin LHQ cho biết, cơ quan UN Global Alliance for Information and Communication Technology and Development (GAID, Liên Minh Toàn Cầu LHQ vì Phát Triển và Kỹ Thuật Viễn Thông và Thông Tin) đã thiết lập ngôi trường tân lập có tên University of the People (Đại Học Nhân Dân) để cung cấp học vấn đaị học cho quần chúng.

Lễ công bố thành lập đaị học này thực hiện trong buổi họp báo tại bản doanh LHQ ở New York. Shai Reshef, người sáng lập đaị học này nói rằng đaị học mở cửa cho hàng trăm triệu người có thể ngồi nhà tự học với chi phí tối thiểu, vì chỉ cần nối mạng Internet, còn sách giaó khoa thì cũng đưa lên mạng miễn phí, phương pháp dạy thực hiện là qua mạng, và hỗ trợ giaó dục bằng cách bạn học giúp nhau (peer-to-peer teaching).

Reshef nói là chỉ mới mở ra có 2 tuần lễ, mà không có quảng cáo ầm ĩ gì hết, Đaị Học naỳ của LHQ đã có khoảng 200 sinh viên từ 52 quốc gia ghi danh học - điều kiện căn bản ghi danh là phải có bằng trung học và trình độ Anh Ngữ vừa đủ. Địa chỉ đại học này là:
http://www.uopeople.org/.

Bản tin cho biết, sinh viên sẽ được đưa vào mỗi lớp 20 người, sau đó sinh viên có vào xem các bải giảng hàng tuần, thảo luận chủ đề học với các bạn cùng lớp, và làm bài thi đều qua mạng Internet.

Đaị học mạng LHQ hiện có các giaó sư thiện nguyện, các sinh viên bậc hậu đaị học và các sinh viên từ các lớp khác có thể giúp sinh viên giaỉ đáp thắc mắc, với cố vấn và tham khảo.

Lệ phí duy nhất tính tiền với sinh viên là tiền ghi danh 15 tới 50 Mỹ Kim, tùy theo nơi sinh viên cư ngụ, và lệ phí thực hiện cho mỗi kỳ thi là từ 10 tới 100 Mỹ Kim.

LHQ cho biết, để Đại Học này có thể tự tồn tại, sẽ cần tới 15,000 sinh viên và 6 triệu Mỹ Kim, trong đó ông Reshef hiến tặng 1 triệu đô từ tiền túi của ông.

Thực ra, chuyện học qua mạng không có gì mới lạ, vì hiện đã có 200 đaị học Mỹ lên mạng, trong đó khoảng 100 trường vào chung mạng
www.YouTube.com, một mạng mà bạn có thể vào tự học gần như đủ thứ, từ chuyện sửa chữa nhà cửa, cho tới học hát, học vẽ, học ảo thuật, và vân vân. Tuy nhiên, Đaị Học LHQ với chương trình nghiêm túc như thế hẳn nhiên là sau những cuộc nghiên cứu, và được hỗ trợ từ nhiều học giả toàn cầu. Văn bằng của trường này, tất nhiên có giá trị ở những nơi cơ quan này có mặt hoặc có hoạt động. Như thế, đây cũng là mô hình mà VN cần nghiên cứu.

Có một suy nghĩ nữa, trong trường hợp Bộ Giáo Dục và Đào Tạo VN từ chối mở đaị học mạng, vì sợ không kiểm soát nổi lý lịch những người muốn học cao, hay vì bất kỳ lý do gì khác, thiết tưởng các vị trí thức ở quê nhà nên mở ra một đaị học Internet tư thục.

Hiện nay, Giaó sư Nguyễn Huệ Chi và hàng trăm trí thức đã ký tên vào bản Kiến Nghị xin ngăn cản dự án bauxite Tây Nguyên bây giờ có thể thấy rằng hoàn toàn không có thể nào ngăn nổi dự án này. Có ký thêm 10 bản kiến nghị nữa cũng vô ích. Chính ở giây phút này, các vị trí thức nên chọn kế hoạch đầu tư lâu dài, một hướng đi của cụ Phan Chu Trinh: lấy giaó dục làm phương tiện cứu nguy đất nước.

Mở trường đaị học kiểu truyền thống thì chắc chắn là Đảng CSVN sẽ cấm, vì họ không muốn ai cạnh tranh cả. Thế nên, giải pháp Đaị Học Internet không chỉ thích nghi cho Bộ Giaó Dục đang muốn tiết kiệm, mà còn thích hợp cho các vị trí thức muốn tìm một phương tiện chuyển biến hòa bình cho đất nước.Đaị học Internet của LHQ là một mô hình nghiêm túc, rất cần được nghiên cứu để áp dụng theo hoàn cảnh thích nghi ở VN.

No comments: