Sunday, May 31, 2009

Ở VIỆT NAM BÂY GIỜ SƯỚNG LẮM !

Chuyện vỉa hè: “Ở Việt Nam bây giờ sướng lắm!”
Tư Ngộ/Người Việt
Saturday, May 30, 2009
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=95762&z=1
Thỉnh thoảng ngồi quán cafê hay đi tiệc tùng, Tư tui gặp mấy người quen hoặc bà con mới về thăm quê nhà sang thường nói câu này “Ở Việt nam bây giờ sướng lắm!” Nếu tỏ ý lịch sự chăm chú lắng nghe một chút, người kia sẽ được thể “xổ” luôn một loạt những cái “sướng”, mà nếu không kịp ngắt lời, bạn sẽ phát hoảng hay ít ra cũng thèm đến “thổn thức”: Ôi chao sao mà sướng thế!
Nếu bạn không quan tâm lắm về Việt Nam thì chẳng nói làm gì, nhưng nếu quan tâm chắc cũng “hoang mang” giống như một người bạn của Tư tui. Anh này qua Mỹ khi gần 15 tuổi, nay tuổi đã hơn 40. Không phải nghe các Việt kiều về quê kể lại mà anh đọc bài viết của một sinh viên, từng đi du học ở Âu Châu, so sánh cuộc sống của người dân trong nước với người Việt ở nước ngoài. Đọc xong, anh thực sự băn khoăn vì “không biết là nó nói thật hay nói xỏ mình…” nên đã email cho nhiều bạn bè trong đó có Tư tui.

Bức thư của một người tên là Mai Vy, gởi cho “Ban Thế Giới” của tờ báo mạng VNexpress ở trong nước, có tựa đề: “Cuộc sống ở nước ngoài thua xa ở Việt Nam!”
Mai Vy giới thiệu về mình như sau: “Tôi từng du học ở châu Âu, đã đi qua nhiều nước, chứng kiến cuộc sống của người mình bên đó. Và tôi đi đến kết luận: cuộc sống của người mình ở nước ngoài nói chung thua xa cuộc sống trong nước, cả về vật chất lẫn tinh thần.”
Mai Vy nêu vấn đề cụ thể: “Về vật chất, thì đúng là Việt Nam còn rất nghèo so với các nước Âu Mỹ, nhưng không có nghĩa là người sống ở Việt Nam được hưởng thụ kém hơn. Trái lại là đằng khác. Đó là nhờ mọi thứ hàng hóa, dịch vụ ở Việt Nam đều rất rẻ.”
Và tác giả dẫn chứng rất hùng hồn: “ Một người đi làm bình thường ở Việt Nam với lương 3 triệu (gần 200 usd)/tháng, thì lúc nào cũng có thể mời bạn bè đi ăn nhà hàng, xem phim, mát-xa, tắm trắng, làm móng tay, gội đầu mà không cần đắn đo. Hứng lên thì cuối tuần đi biển chơi. Cần gì chỉ gọi một tiếng là có người mang đến tận nhà, phục vụ đâu ra đấy. Sống ở nước ngoài làm sao có được những cái đó! Nhà cửa ở Việt Nam cũng không chật chội hơn, vật dụng chẳng thua kém: thì cũng chỉ tivi, tủ lạnh, máy giặt, điện thoại thôi chứ gì!”
Mai Vy kể về đời sống của người dân ở đô thị Việt Nam: “Tôi hay quan sát cuộc sống của người dân thành phố và thấy ít người có vẻ lo âu, căng thẳng với cuộc sống. Họ cũng không thực sự vất vả nếu so với cuộc sống của người sống ở nước ngoài. Này nhé, bà bán cháo huyết đầu hẻm chỉ bán độ hai tiếng buổi sáng, sau đó là đi chơi, hay ngả người đọc báo Phụ nữ trong khi cô bé làm móng chân phục vụ bà. Cô bé làm móng chân đó cũng chẳng có vẻ gì lo âu, mỗi ngày cô phục vụ vài người là đủ tiền ăn, tiền nhà, tiền đi làm đầu, shopping đồ sida. Anh thợ cắt tóc bên kia đường vừa cắt tóc cho ông xe ôm vừa bình luận về trận đấu giữa AC Milan và Lyon ở cúp C1, cả hai đều nhất trí là Pipo Inzaghi đá không thua gì Văn Quyến. Anh ngoắc tay một cái, 2 phút sau cô bé ở quán cà phê bên cạnh mang tới cho anh ly cà phê đúng điệu ... xóm Gà! Mọi người cứ loanh quanh phục vụ lẫn nhau, với giá rất rẻ, và tất cả đều đủ sống một cách lương thiện, chẳng mấy lo lắng về khả năng mất việc làm, phải sống nhờ trợ cấp xã hội, hay là bị cảnh sát bắt trục xuất về nước.
Với những người có thu nhập cao, độ 5 triệu đồng/tháng trở lên, chưa nói những người thu nhập mười mấy, mấy chục triệu, thì cuộc sống còn sung túc hơn nữa, mà ngay cả những người có công ăn việc làm đàng hoàng bên Âu, Mỹ, lương cả chục ngàn đô la, cũng chưa chắc bằng. Ví dụ đơn giản nhất: có bao nhiêu gia đình Việt kiều có được người giúp việc?”
Tác giả Mai Vy bàn tiếp sang lĩnh vực văn hóa, chính trị: “Về vật chất đã thế, về tinh thần lại càng khác biệt. Người Việt ở nước ngoài luôn là công dân hạng 2, 3, 4 gì đó, và chỉ biết hùng hục kiếm sống, ngoài ra chẳng còn mối quan tâm gì lớn về chính trị, văn hóa, xã hội. Những người sống bất hợp pháp thì lại càng khổ.
Trong khi đó ở Việt Nam kể cả người dân bình thường nhất cũng có quyền lên tiếng trên báo chí về vấn đề này vấn đề khác của cuộc sống, của chính quyền, coi như một cách tham gia điều hành xã hội.
Thỉnh thoảng chán đời vì cãi cọ với người yêu tôi lại mò tới tiệm gội đầu, gọi thêm cô bé làm móng chân đến, coi như một kiểu thư giãn không tốn kém lắm, và trong câu chuyện giữa đám phụ nữ với nhau tôi khuyến khích họ gửi ý kiến cho báo chí, về chuyện gì cũng được. Nhờ làm trong ngành PR nên tôi giúp họ đăng các ý kiến đó, và mỗi lần như thế khu phố tôi ở như có một Big Bang thực sự! Các bạn có hình dung được nỗi vui sướng của những người phụ nữ nhỏ bé đó khi thấy tên mình trên báo không? Họ như trẻ lại đến mười tuổi, và cảm thấy yêu đời hơn bao giờ hết khi thấy mình không phải là loại vớ vẩn đâu nhé, báo đưa tin cơ mà!
Thử hỏi người Việt ở nước ngoài có thể làm được điều đó không? Ở bên kia ai thèm nghe họ nói, và họ biết gì mà nói, mà đòi góp ý với chính quyền sở tại? Bất quá họ chỉ có thể lên những tờ báo điện tử như VnExpress để tham gia ý kiến về những vấn đề ở... Việt Nam mà thôi!”
Nhắc đến người thành thị xong, Mai Vy “lấn sân” sang cả người nông thôn: “Tóm lại, tuy nhiều người ở Việt Nam vẫn còn khá cực khổ, thu nhập thấp, nhất là ở vùng nông thôn, nhưng vẫn có cuộc sống phong phú, ý nghĩa hơn nhiều so với cuộc sống của đại đa số người mình ở nước ngoài, nhất là ở những nước Đông Âu. Với đà phát triển của đất nước thì sự khác biệt đó sẽ càng lớn hơn nữa.”
Cuối cùng, Mai Vy “phán” một câu “xanh rờn”: “Có lẽ những người đang vất vả mưu sinh ở nước ngoài nên nghĩ đến việc hồi hương đi là vừa!”

Tư Ngộ tui vốn xuất thân “từ nông dân mà ra” vốn không rành về cuộc sống của người thành thị Việt Nam như tác giả Mai Vy, nhưng nghe nhắc đến người nông dân bằng cái câu “… có cuộc sống phong phú, ý nghĩa hơn nhiều so với cuộc sống của đại đa số người mình ở nước ngoài, nhất là ở những nước Đông Âu” thì mang lòng cảm kích, nên có đôi lời bàn luận.
Ông bà mình hay lấy câu “mò cua bắt ốc” để diễn tả cái nghèo. Vài năm sau 1975, khi đảng cộng sản Việt Nam cho “cả nước ăn bo bo” thì Tư tui cũng 9-10 tuổi đầu. Nhà nghèo lắm, nên thỉnh thoảng mấy anh em Tư cũng “mò cua bắt ốc” để “cải thiện” bữa ăn. Ấy vậy mà cứ tưởng sau 30 năm trôi qua, trải qua “ánh sáng của các kỳ Đại Hội Đảng” hay mới đây khi Thủ tướng Dũng hô: “Cả dân tộc ra biển lớn!” thì cái “nghề” ấy tưởng đã triệt tiên lâu rồi, ai ngờ nó vẫn tồn tại. Mà không chỉ tồn tại, nó còn tồn tại một cách bi thảm, khi cướp mất mạng sống của của rất nhiều em nhỏ đang ở độ tuổi đến trường.

Xin đơn cử ra đây vài ví dụ được trích từ các báo trong nước, trong khoảng 1 năm trở lại đây:
“8 giờ sáng ngày 23/2/2008, em Lưu Gia Huy, học sinh lớp 3, Trường tiểu học Trần Quốc Toản và em Bùi Quang Phúc, học sinh trường Tương Lai (Thành phố Cần Thơ) rủ nhau ra sông mò cua bắt hến, bị nước sông cuốn trôi... Được biết gia cảnh em Phúc rất nghèo khó, gia đình chỉ có một mình em nhưng em cũng không có điều kiện được học hành như bạn bè cùng trang lứa. Không có nhà, gia đình em phải sống lênh đênh trong một chiếc nghe nhỏ, kiếm sống bằng nghề thổi bong bóng. Còn Lưu Gia Huy từ lâu phải sống cảnh gia đình không đoàn tụ, cha mẹ em ly thân. Mẹ bỏ lên TPHCM sống, cha đi nhổ lông vịt thuê; mới học lớp 3 nhưng em đã phải lăn lội kiếm tiền.” (Trích báo Dân Trí, ngày 26 tháng 2/2008)

“Ngôi nhà” của gia đình em Bùi Quang Phúc, học sinh trường Tương Lai ở Cần Thơ bị chết đuối khi mò cua bắt hến. Hình: Báo Dân Trí.
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/articlefiles/95762-medium_VN-BatOc-02.jpg

“Ngày 27 tháng 5/2008, 3 em học sinh Lý Thị Kiều Duyên (9 tuổi), Huỳnh Thái An (10 tuổi) và Ngô Hoàng Ngân (8 tuổi) bị chết đuối dưới một tuyến kênh thủy lợi ở khu vực gần UBND phường 5, TP Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng. Ngay sau khi tai nạn xảy ra, em gái của Kiều Duyên đứng trên bờ đã chạy về nhà gọi người thân đưa 3 em vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sóc Trăng cấp cứu nhưng đã quá muộn. Được biết, do gia đình quá nghèo nên các em phải đi mò cua, bắt ốc để bán kiếm tiền mua gạo. (Trích: “Mò cua bắt ốc, 3 học sinh tiểu học chết đuối”, Báo Tuổi Trẻ ngày 28 tháng 5/2008).

Và gần đây nhất: “ Khoảng 19 giờ 30 phút tối 30 tháng 4/2009, bốn học sinh ở thôn Lệ Kỳ III, xã Vĩnh Ninh (huyện Quảng Ninh, Quảng Bình) rủ nhau đi mò ốc, bắt nhái ở khu vực Trạm bơm đấu úng Thác Nại. Đến 21 giờ cùng ngày, do sơ suất, tất cả đều bị rơi xuống hố nước sâu. Do không biết bơi, 2 học sinh đã chết đuối, 2 em còn lại thoát chết trong gang tấc. Danh tính hai học sinh bị chết đuối được xác định là Phan Thị Ánh Tuyết, sinh năm 1996, học sinh lớp 7, Trường THCS Vĩnh Ninh và Mai Thị Anh Tú, sinh năm 1999, là học sinh lớp 4, Trường Tiểu học Vĩnh Ninh. Hai em Mai Bá Cường, 14 tuổi và Phan Thị Đào, học sinh lớp 8, đều học tại Trường THCS Vĩnh Ninh đã thoát chết. (Trích: Quảng Bình: 2 học sinh chết đuối khi đi mò ốc, bắt nhái. Vietnamnet, ngày 02/05/2009).

Hà Tây, bây giờ đã sát nhập vào thủ đô Hà Nội, vẫn còn nhiều người sống bằng nghề mò cua bắt ốc. Hình: Hoang Dinh Nam/Getty Images.
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/articlefiles/95762-medium_VN-BatOc-01.jpg

Như vậy, chỉ tính riêng “công việc” mò cua bắt ốc không thôi, từ Quảng Bình vào đến Cần Thơ, trong vòng 1 năm đã có 7 em nhỏ chết oan vì gia cảnh nghèo khó. Không biết cha mẹ các em và những người thân có được “cuộc sống phong phú, ý nghĩa” như lời Mai Vy hay không?
Người ta cũng không biết, từ “Mũi Cà Mau đến địa đầu Móng Cái” sẽ còn bao nhiêu em nhỏ khác tiếp tục chết oan vì cái “nghề” này.
Và cũng không biết, sau khi đọc được bài viết của Mai Vy và nghe lời phán: “Có lẽ những người đang vất vả mưu sinh ở nước ngoài nên nghĩ đến việc hồi hương đi là vừa!” thì có bao nhiêu người Việt ở hải ngoại quyết định trở về “Việt Nam bây giờ sướng lắm!”

Kết thúc bài viết này, Tư tui lại bắt chước Đạo diễn Trần Văn Thủy trong phim “Chuyện Tử Tế”, trích lời của Karl Marx, ông tổ của những người cộng sản, để gởi tới Mai Vy và những người giống như Mai Vy: “Chỉ có loài thú mới quay lưng lại với đồng loại để chăm lo cho bộ da của mình”.


No comments: