Thursday, May 28, 2009

TƯƠNG LAI CỦA TỰ DO (Phần II)

TƯƠNG LAI CỦA TỰ DO
Fareed Zakaria
Bums, X-cafe chuyển ngữ
http://www.x-cafevn.org/node/1664

Chương II: CON ĐƯỜNG QUANH CO

Trong buổi giao thời giữa thế kỷ 19 và thế kỷ 20 Wien trở nên một thủ đô tầm cỡ thế giới mang tính tiên phong, cởi mở về chính trị. Ở đây Richard Strauss và Gustav Mahler đã soạn nhạc, Gustav Klimt và Egon Schiele sáng tác tranh. Robert Musil viết sách, Arthur Schnitzler soạn kịch, Theodor Herzl viết tiểu phẩm. Sigmund Freud phân tích tâm hồn con người, và Leo Trotzki hớp hồn thính giả trong các tiệm cà phê thính phòng, tại những địa điểm huyền thoại của thành Wien, nơi mà giới trí thức châu Âu tụ họp đàm luận những vấn đề thuộc về trí tuệ cao siêu trong cảm giác lâng lâng của của cà phê, khói thuốc lá và thức uống không kém phần đậm đà. Tại một trong những quán cà phê đó, hình như là Landtmann thì phải, vào một sớm mùa xuân năm 1895 Sigmund Freud đã châm một điếu xì gà với một dáng dấp thỏa mãn. Song Sigmund nếu không phải là Freud (Freud gần đồng âm với nghĩa thú vị, khoái cảm-ND), thì cái sự hút thuốc đó sẽ chẳng mang một ý nghĩa nào sâu sắc. Đó chẳng phải là một thú tiêu khiển tầm thường, mà một dấu hiệu của tự do-chống lại nền dân chủ.
Tháng ba thành Wien đã bầu chọn phần tử dân tộc cực đoan Karl Lueger vào chức vụ thị trưởng thành phố, một kẻ mị dân và cơ hội, đã lợi dụng được không khí bài Do Thái thời đó để trục lợi về chính trị. Do bởi ngay cả vua Franz Joseph cũng coi ông này là một mối nguy hiểm đối với vấn đề dân quyền, cho nên ngài đã từ chối không chấp thuận việc bổ nhiệm chính thức ông ta vào chức vụ đó. Một tiền lệ trong lịch sử của quốc vương vùng sông Đa nuýp. Trong sự vụ này nhà thờ công giáo, tổ chức thứ hai của đế chế vỗn xưa nay vẫn được tôn kính, đã ủng hộ nhà vua-đó là điều đã làm cho giới trí thức thành Wien về nguyên tắc là đối thủ của thánh giá và vương miện đã trở nên bối rối khi phải phá lệ để vào phe ủng hộ bề trên chống lại nhân dân. Với điếu xì gà của mình người cha của phân tích tâm lý đã châm lên ngọn lửa vui mừng nho nhỏ, để công khai chúc mừng quyết định của nhà vua.
Mặc dù Lueger hoàn toàn khác hẳn những gì của một người dân chủ điển hình, thế nhưng con đường công danh của ông ta lại có được nhờ vào quá trình dân chủ hóa ngày càng tăng của xã hội Áo. Cho đến những năm sáu mươi của thế kỷ 19 vẫn chỉ có những người giàu, tầng lớp trung lưu có học mới được tham gia bầu cử, điều quan tâm chính của họ là tự do ngôn luận, chủ nghĩa hợp hiến và chủ nghĩa tự do kinh tế; sự thu hút mang tính tiến bộ và có tầm cỡ thế giới mà Wien có được là nhờ vào việc giới hạn quyền bầu cử này. Theo yêu cầu của những người theo chủ nghĩa tự do trong những năm tám mươi và chín mươi ngày càng có nhiều công dân được kêu gọi tham gia bầu cử, và cái ngược đời của nó là đã đưa đến một sự đảo ngược, chống lại tự do: những người công nhân và nông dân giờ đây khi có được quyền bầu cử, họ hoàn toàn chẳng còn quan tâm gì đến những cố gắng cải cách của giới tư sản, ngược lại ngày càng lên tiếng ủng hộ mạnh mẽ hơn những lời hô hào của những người xã hội chủ nghĩa và của những người dân tộc cực đoan.
Luegner đã rao bán một cách khéo léo dưới cái mác “xã hội-thiên chúa giáo" một đề cương chính trị từ những nội dung sáo rỗng của chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa dân tộc. Adolf Hitler, thời kỳ ở Wien cũng đã được chứng kiến giai đoạn cầm quyền của Luegner, trong quyển “Đời chiến đấu của tôi“ (Mein Kampf) đã có nhắc đến và sau đó khen ngợi sự kiện này; tuy nhiên sự sóng đôi giữa chủ nghĩa Xã hội Chủ nghĩa quốc gia và chủ nghĩa Xã hội Chủ nghĩa Thiên chúa giáo không thể bác bỏ được. Hitler cũng đã thủ lợi được từ chính cái động lực dân chủ đã từng chắp cánh cho sự nghiệp của Luegler này. Đôi khi người ta cũng có nghe thấy, rằng những người Xã hội chủ nghĩa quốc gia (Nazi) thực ra là đã gặp may trong bầu cử hoặc việc giành được quyền lực của họ chính ra là một cuộc đảo chính được che đậy một cách khéo léo. Song sự thực là đảng Công nhân Xã hội chủ nghĩa quốc gia Đức (còn gọi là Đảng Quốc xã) ngay từ năm 1930, tức là chỉ 11 năm sau khi được thành lập, trong một khung cảnh đảng phái rõ ràng tương đối nhỏ đã đạt được 18% số phiếu bầu đồng thời là vị trí thứ hai trong bảng xếp hạng. Trong cả hai cuộc bầu cử quốc hội của năm 1932 đảng màu Nâu (màu tượng trưng cho Nazi) đã đạt được 37% và 33% số phiếu, cả hai lần đều là cánh mạnh nhất trong quốc hội, trong khi đó đảng Dân chủ xã hội đứng vị trí thứ hai chỉ đạt được có 21% cũng như 20%. Và trong cuộc bầu cử nổi tiếng năm 1933 đảng của những người Xã hội chủ nghĩa quốc gia đã chiếm được đến 44% số phiếu bầu, nhiều tương đương với tổng số phiếu của ba đảng phái ở hạng tiếp theo cộng lại, kết quả này đã dẫn đến việc Hitler được ủy quyền thành lập chính phủ.
Được thành lập sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất, nền cộng hòa Weimar nổi bật bởi một hệ thống nghị viện phức tạp, bởi chế độ tự do báo chí cũng như bầu cử phổ thông đầu phiếu và bình đẳng. Đảng Công nhân Xã hội chủ nghĩa quốc gia Đức đã sử dụng hệ thống này để tập hợp nhau lại và cũng để tiến hành thâm nhập vào các thành phố nhỏ. Các cơ quan nhà nước của nước Đức bị khủng hoảng xô đẩy trong những năm 20 và 30 rõ ràng đã mất đi nhiều quyền thế; một thực tế xã hội ngày càng trở nên thất vọng hơn dường như là hình phạt cho sự lừa dối của những lời hứa hẹn từ chủ nghĩa Tự do và chủ nghĩa Hợp hiến. Lao đao vì siêu lạm phát và khủng hoảng kinh tế, đám đông và ngay cả tầng lớp trung lưu chỉ còn biết bám vào hình tượng một lãnh tụ mạnh mẽ và cương quyết mà hiện thân của nó là Hitler, người có thể giúp vực dậy được đất nước. Chàng họa sĩ tật nguyền càng kích động mạnh mẽ thì lại càng trở nên được lòng dân. Về việc này nhà chính trị học người Mỹ Jack Snyder trong công trình nghiên cứu điều tra tỉ mỉ của mình về quá trình hình thành nền dân chủ đã kết luận như sau: “Ở gịai đoạn cuối của nền cộng hòa Weimar chủ nghĩa dân tộc toàn trị và kỳ thị chủng tộc đã ca khúc khải hoàn không những như bất chấp, mà chính còn do sự dân chủ hóa.“
Mâu thuẫn giữa Tự do và Dân chủ nảy sinh không chỉ ở mỗi Wien và Weimar. Khắp mọi nơi tại châu Âu cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 Chủ nghĩa dân túy chính trị đã tấn công khuấy đảo Chủ nghĩa tự do, và trong phần lớn các trường hợp nó đã đánh bại chủ nghĩa này. Vì thế, chính bản thân vua Franz Joseph, người suốt hai năm kịch liệt chống lại sự bổ nhiệm Lueger vào chức vụ thị trưởng thành phố, nhưng rồi cuối cùng đến lần thắng cử thứ tư của những kẻ mị dân ông ta cũng đành phải thay đổi ý kiến. Ở Pháp từ năm 1871 Chủ nghĩa cộng hòa tự do-chống quân chủ, cực kỳ sôi động đã bị các lực lượng Cánh tả xã hội chủ nghĩa lẫn các phần tử trung thành với nhà vua, cũng như giới quý tộc và nhà thờ đồng thời tấn công mạnh mẽ. Chỉ ít thập kỷ sau đó ngay chính ở nước Anh, cái nôi và thành trì của Chủ nghĩa tự do hiện đại, đảng Tự do một thời có tầm cỡ cũng đã bị đảng Lao động (Labour party) cực đoan và các thế lực bảo thủ lấn át về mặt chính trị. Do hậu quả của quá trình dân chủ hóa về chính trị, cương lĩnh ôn hòa của những người theo Chủ nghĩa tự do với trọng tâm nhằm vào các quyền cơ bản, kinh tế thị trường và chủ nghĩa hợp hiến, hơn nữa lại đứng bên cạnh sự tuyên truyền màu mè đầy kích động của những nhóm cộng sản, tôn giáo và theo chủ nghĩa dân tộc, cho nên hầu như chẳng được mấy ai để ý đến.
Những người Xã hội chủ nghĩa và Dân tộc cực đoan lúc đó không phải là những người duy nhất đã kích động sự nổi giận của dân chúng. Nhân dịp thành lập mới đế chế Đức thủ tướng đầu tiên của đế chế, Otto von Bismarck, năm 1871 đã mở rộng quyền bầu cử cho tất cả đàn ông Đức, bởi vì theo quan điểm của ông ta sự giới hạn thành phần có quyền bầu cử cho đến lúc đó đã làm tăng khả năng trúng cử của các ứng cử viên theo Chủ nghĩa tự do xuất thân từ giới tư sản thành thị. Quần chúng, theo như tính toán của Bismarck, qua đây sẽ bỏ phiếu cho những thành phần bảo thủ trung thành với nhà vua. Với những lập luận tương tự như thế người đồng nhiệm với ông ta ở Anh, Benjamin Disraeli, đã giành được sự ủng hộ của cánh bảo thủ tại hạ viện đối với vấn đề cải cách luật bầu cử năm 1867, cho phép đa số đàn ông đến độ tuổi đi bầu được tham gia bầu cử.
Song để có thể chắc chắn có được số phiếu bầu của giới công nhân và nông dân, tầng lớp thượng lưu bảo thủ phải làm sao ve vãn được số cử tri mới có thêm này. Chính vì thế mà Bismarck và những người kế nhiệm, trong cuộc vận động tranh cử nào cũng khước từ việc sử dụng những lời kêu gọi sống sượng nhằm vào tình cảm dân tộc cũng như khước từ việc sử dụng ồ ạt những biểu tượng kích động. Sự tính toán đã đem lại kết quả, cánh bảo thủ ngây ngất từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, không những thế lại còn làm chia rẽ tầng lớp trung lưu thành nhóm nghe theo những lời hô hào về tổ quốc của cánh tả và nhóm ở lại trung thành với niềm tin vào Chủ nghĩa tự do. Để tỏ ra thân thiện với tầng lớp cử tri mới tầng lớp ưu tú trong cánh bảo thủ đã sử dụng ngày càng nhiều các biện pháp gây sợ hãi và phân hóa. Những người thiên chúa giáo, xã hội chủ nghĩa và các nhóm xã hội khác bị chụp mũ là “kẻ thù quốc gia“ và bị coi là những kẻ chống đối bên trong và bên ngoài, được xếp là đối tượng bắt buộc của chiến lược chính trị cần đàn áp. Để lấy lòng các loại Lobby có thế lực ví dụ như Hiệp hội hải quân, giới chính trị tập dượt chính sách bên miệng hố chiến tranh, chuẩn bị chiến tranh xâm lược và ủng hộ quan điểm tấn công, bành trướng vì quyền lợi quốc gia. Thái độ này đạt đến đỉnh cao thể hiện qua hàng loạt các chính sách được hoan nghênh nhiệt liệt ở trong nước nhưng về mặt đối ngoại lại là những nước cờ cực kỳ sai lầm đã góp phần quyết định gây nên cuộc chiến tranh năm 1914.

Tại sao nước Đức không phải là nước Anh

Như vậy Dân chủ ban đầu đã hoàn toàn không làm cho nước Đức trở nên tự do hơn. Chỉ sau khi có những đảo lộn mãnh liệt (thua trận trong thế chiến thứ 2, bị chiếm đóng, bị chia cắt, bị bên ngoài cưỡng bức phải đổi mới trật tự chính trị) nước Đức hay chí ít là ở miền Tây nước này hệ thống xã hội tự do dân chủ mới được định hình. Tuy nhiên ngay từ thời Bismarck và vua Wilhelm, cũng giống như ở hầu khắp mọi nơi tại châu Âu, trên đất nước của các nhà thơ và nhà tư tưởng này đã có một trào lưu tự do tiến bộ mạnh mẽ. Hai truyền thống vật lộn với nhau giành địa vị thống trị tại châu lục: một bên là chủ nghĩa tự do và một bên là tôn sùng quyền lực mang tính mị dân theo kiểu Luegner và Hitler. Nếu như những người theo chủ nghĩa tự do nửa đầu thế kỷ 20 chỉ biết đến thua thiệt thì ở nửa sau thế kỷ này chủ nghĩa toàn trị đã bị lột mặt nạ và bị bắt buộc phải về vườn. Cuộc tranh giành này giải thích vì sao có nhiều nước chỉ chọn những con đường quanh co cách trở để đi đến dân chủ tự do và trong quá trình đó có những lúc lầm lạc sa vào cách mạng xã hội, chủ nghĩa phát xít hoặc chiến tranh. Mặc dù ở một vài nước (Bỉ, Hà lan, các nước vùng Sacandinavia) quá trình cũng đã xảy ra tương tự như ở Anh, nguyên nhân được giải nghĩa là do vì có cùng các điều kiện gần như nhau, chẳng hạn sớm có xu hướng chuyển sang chủ nghĩa tư bản. Thế nhưng ngược lại, lịch sử của các siêu cường châu Âu, mà trước hết là các nước Đức, Áo-Hung, và Pháp cho thấy trong đó liên tục có những đổ vỡ. Nghiên cứu chúng có thể làm cho việc hiểu biết về các vấn đề của dân chủ hóa hiện nay trở nên dễ dàng hơn-đặc biệt là ngày nay khi không có một vùng nào hội đủ các điều kiện giúp cho trật dân chủ tự do trưởng thành lớn mạnh như đã từng có ở Anh và Mỹ. Rất nhiều nơi ở châu Á, châu Mỹ Latinh và châu Phi đang nằm trong tình trạng pha trộn phức tạp tương tự như ở châu Âu khi xưa. Chính vì lẽ đó mà trong các nền dân chủ non trẻ phần nào đã được cảnh báo về chính những cơn lốc trước đây đã từng quét qua Wien và Berlin vào lúc chuyển giao của hai thế kỷ vừa qua.
Việc nghiên cứu về sự phát triển không đồng đều ở châu Âu lục đia và ở nước Anh của nhà xã hội học người Anh gốc Đức được tiến hành dựa trên một câu hỏi đơn giản: tại sao nước Đức thời đó đã không giống nước Anh. Câu trả lời dĩ nhiên sẽ phức tạp hơn nhiều. Một trong những yếu tố quyết định đó là nước Đức thiếu một đặc tính chủ chốt của mô hình Anh: một tầng lớp tư sản độc lập về kinh tế và chính trị. Giới tư sản Anh sinh ra trong cuộc cách mạng công nghiệp, dựa trên cơ sở tự do kinh doanh và chế độ tự hữu đã chiến thắng chế độ phong kiến, cải tạo lại đất nước theo hình ảnh của họ và biến nó thành một quốc gia thương mại năng động, thông thoáng về xã hội và thân thiện với kinh doanh. Dưới ảnh hưởng của tầng lớp thương gia mới dân Anh đã trở thành một “dân tộc buôn vặt“, Napoleon đã từng diễu cợt như vậy. Tương phản với nó là quá trình công nghiệp hóa ở nước Đức, được chỉ đạo từ các cơ quan nhà nước, được xúc tiến bởi chính sách bao cấp, các điều luật bảo hộ và chính sách thuế xuất nhập khẩu. Giới tư sản Đức không mạnh lên, không thống nhất, thuần phục một cách trung thành nhà nước và tầng lớp quý tộc phong kiến. Chính vì vậy mà Karl Marx đã tỏ ra khinh bỉ giai cấp tư sản Phổ là “tầng lớp chuyên môn vô nghề nghiệp trong lịch sử thế giới".
Nhưng mặt khác nước Đức lại có một hệ thống công quyền hoạt động rất hiệu quả, điều bản thân nó có thể tự hào; dù sao đi nữa các cơ quan nhà nước của nó trong quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa cũng đã giải quyết các vấn đề nảy sinh (y tế, giao thông, hưu trí) đặc biệt tiến bộ hơn và hiệu quả hơn bất kỳ một nước châu Âu nào khác. Hậu quả dĩ nhiên là giới kinh doanh Đức, đáng lý phải giữ khoảng cách thì họ lại hăng hái nhiệt tình ve vãn để lấy lòng nhà cầm quyền. Cảm nhận vinh hạnh lớn nhất của một thương gia đó là khi được tấn phong danh hiệu người có công đóng góp cho cộng đồng, bởi đối với người Đức một chức danh nhà nước còn quý hóa hơn nhiều lần so với các danh tước quý tộc và tài sản đất đai. Vai trò trái ngược giữa báo chí Anh và báo chí Đức cũng là một nét đặc biệt: Trong khi các nhà báo Anh sử dụng tất cả nanh vuốt để bảo vệ sự độc lập của mình, thì các tờ báo đầu tiên của nước Phổ lại được vua Friedrich đại đế đích thân sáng lập-là cơ quan tuyên truyền chính thống thuộc nhà nước. Hầu như suốt toàn bộ thế kỷ 19 kinh tế Đức không hề có đòi hỏi chẳng hạn như phải được tự do hóa, mà chỉ tìm cách thỏa hiệp với giới quý tộc vẫn đang còn rất nhiều quyền lực. Bởi vậy đất nước này đã tồn tại đồng thời những yếu tố của một xã hội tư sản hiện đại cũng như những tàn dư của một trật tự phong kiến tiền công nghiệp. Như một người đương thời đã nhận định, “đó là một dân tộc công nghiệp trong bộ trang phục chính trị của một nhà nước nông dân, một nhà máy hiện đại, đựợc lắp đặt trong những chuồng trại và nhà kho chứa cỏ cũ kỹ, với những máy móc mới tinh nằm chất đống cao tới tận những thanh xà mục ruỗng được bao quanh bởi những bức tường đất mà trên đó họ đục bắt những thanh đỡ bằng sắt.
Đội ngũ cũ vẫn nắm chắc dây cương trong tay. Vào năm 1891 có 62% công chức của nhà nước Phổ xuất thân từ giới quý tộc. Con số phục vụ trọng ngành ngoại giao còn cao hơn; nhân sự của bộ ngoại giao năm 1914 có 8 hoàng tử, 29 bá tước, 20 nam tước, 54 quý tộc cấp thấp, nhưng chỉ có 11 nhà tư sản. Nước Pháp đặc trưng bởi một nhà nước mạnh và một xã hội dân sự yếu ớt cũng chỉ đạt đến chủ nghĩa tự do sau khi đã đi qua một con đường vòng tương tự. Những lực lượng xã hội, ở Anh đã giúp cho đất nước đứng vững và phát triển, thì ở Đại Pháp cùng với giới quý tộc phụ thuộc nhà vua và với giới thương gia chúng chỉ tồn tại như một cái bóng. “Cambrige Economic History of Europe" đã liệt kê những đặc điểm cơ bản của một hình thức chính phủ tư sản đại diện của thế kỷ 18, trong đó, ngoài các tính chất khác, gồm có nhà nước pháp quyền, bình đẳng trước luật pháp, quyền tư hữu, quyền tự do kinh doanh và các quyền cơ bản; ở Pháp, theo như các tác giả, trước cách mạng hoàn toàn không có những điều này. Như vậy có nghĩa là người Pháp đã vươn đến dân chủ mà không hề bắt nguồn từ một truyền thống hiến pháp tự do. Sự tự do được tuyên cáo vẫn chỉ là lý thuyết, bởi vì trong thực tế người ta không bảo vệ nó: Quyền lực nhà nước đã không được phân chia mà cũng chẳng bị giám sát bởi các tổ chức tư doanh, các hội đoàn hoặc các nhà thờ độc lập. Những nhà cách mạng Pháp cho rằng những yêu cầu của Montesquieu về việc giới hạn và cân bằng quyền lực là không thích hợp. Thay vì như vậy, quyền lực tuyệt đối của nhà vua nay được chuyển toàn bộ không giới hạn qua cho quốc hội mới thành lập, và ngay lập tức quốc hội đã tiến hành cho phép bắt giữ và hành quyết hàng nghìn công dân của nó, tịch thu tài sản hoặc trừng phạt vì tội có những niềm tin riêng. Tất cả đều nhân danh nhân dân. Không phải tự nhiên mà người ta cũng còn gọi chế độ của những người Jacobin là một “nền dân chủ toàn trị"; nó là thí dụ đầu tiên của thời hiện đại về một hình thức nhà nước dân chủ không có tự do.
Người Pháp đã đặt nhà nước lên trên xã hội, nền dân chủ lên trên hiến pháp, sự bình đẳng lên trên sự tự do. Và vì vậy, nước Pháp suốt những giai đoạn dài của thế kỷ 19 tuy rằng dân chủ, bởi ai cũng được tham gia bầu cử, nhưng không lấy gì làm tự do; ở Anh hoặc ở Mỹ rõ ràng tự do cá nhân được coi trọng hơn nhiều. Hệ thống Pháp là hiện thân của Charles Louis Napoleon Bonaparte, người từ 1848 đến 1852 giữ cương vị tổng thống và tiếp theo đó trị vì nước Pháp với danh hiệu hoàng đế Napoleon III. Một mặt ông ta có được sự đồng tình của nhân dân trong việc tiến hành bầu cử và trưng cầu dân ý; mặt khác ông ta lại sử dụng các công cụ của một nhà nước mật vụ để đàn áp tự do tư tưởng, tự do ngôn luận và tự do hành động. Nền cộng hòa thứ ba được khai sinh sau khi ông ta bị lật đổ, giống như nhiều cuộc thử nghiệm về tự do khác ở châu Âu già cỗi, đó chỉ là một màn đệm. Chỉ sau khi thế chiến thứ hai kết thúc, nghĩa là hơn 150 năm sau cách mạng hoặc sau hai vua, hai hoàng đế, hoặc sau bốn nền cộng hòa và một nền chuyên chế tiền phát xít nước Pháp mới đến được bến bờ của tự do cũng như dân chủ. Mãi đến tận hôm nay nước Pháp vẫn giữ một hình thức nhà nước mà người sáng lập ra nó Charles de Gaulle đã đặc trưng hóa là một “nền quân chủ có bầu cử mang tính dân chủ". Ông ta nghĩ một cách thực tâm đấy là một chứng chỉ chất lượng.

Gần thành dân chủ

Châu Âu lục địa cũng còn có những khuôn mặt khác, sớm ánh lên tiềm năng dân chủ-tự do. Mặt dù liên tục bị lấn át ra ngoài nhưng trường phái tự do lúc nào cũng hiện diện, ngay cả, vâng trên hết là ở nước Đức. Vào năm 1900, theo đánh giá của các chuyên gia, đó là một đất nước tiến bộ bậc nhất thế giới. Nó sở hữu một hiến pháp được hệ thống hóa, hợp thời đại, một bộ máy hành chính phân cấp rõ ràng cũng như một hệ thống bảo hiểm xã hội đầu tiên trên thế giới. Văn hóa chính trị của nó mang tính tự do, cảm nhận thẩm mỹ ở các thành phố lớn và ở thủ đô Berlin hầu như mang tính tiền phong. Năm 1887 Woodrow Wilson, khi ấy đang còn là giáo sư tại Princeton và là tác giả chuyên ngành có uy tín về học thuyết nhà nước đối chiếu đã xác nhận nước Phổ là một hệ thống mẫu mực, được suy xét chín chắn, và “gần như hoàn hảo", hệ thống đó đã gò một chế độ quan liêu ích kỷ, tùy tiện thành một công cụ hướng tới phục vụ lợi ích cộng đồng của một nền hành chính công bằng“. Việc chính lại là Wilson, người về sau này trên cương vị tổng thống đã lãnh đạo cuộc chiến tranh đánh lại những người Đức đáng khâm phục, âu cũng là một ghi nhận mỉa mai của lịch sử. Dù sao chăng nữa đế chế này, theo đánh giá của các nhà khoa học chính trị đương thời, có xu hướng phát triển tốt hơn những người láng giềng anglo-sacson của nó. Nhà nước Anh, bị cho là quá tập trung, đã để cho hạ viện có quá nhiều quyền hành, đã cùng với thượng viện, nơi tập trung của các quý tộc bệnh hoạn, tạo nên một sự lỗi thời về chính trị, chẳng hề có lấy một hiến pháp thành văn và cố bám chặt lấy những tập tục khó hiểu đi ngược lại tất cả mọi cố gắng hiện đại hóa.
Nước Đức tại thời điểm chuyển giao thế kỷ rõ ràng đang trên đường tiến tới dân chủ. Thế nhưng sau đó chiến tranh thế giới thứ nhất ập đến và đã lấy đi riêng của nước Đức hai triệu sinh mạng, đẩy cả dân tộc vào tình trạng cùng khổ đói nghèo và cuối cùng trừng phạt bởi hiệp ước Versaill nhục nhã. Trong những năm tiếp theo sau đó dòng người nhập cư đông đảo có gốc Balan, gốc Đức ở Nga cùng với những người di cư Đông Âu khác đã đẩy đất nước này tới giới hạn của sức chịu đựng. Siêu lạm phát và khủng hoảng kinh tế thế giới cũng đã góp thêm một phần vào đó. Các lực lượng tự do của xã hội Đức đã bị các thế lực khác hùng mạnh hơn đè bẹp; trật tự công tan vỡ. Lạm phát phi mã được nhà sử học Niall Ferguson đánh giá một cách chính xác là “Cuộc cách mạng chống lại giới tư sản", đã nuốt chửng mọi tài sản tiết kiệm của giới trung lưu và làm cho giới này trở nên xa lạ với nền cộng hòa. Trong một bầu không khí như vậy những thế giới quan cực đoan và những kẻ cực đoan chính trị dễ dàng tìm thấy người nghe theo. Người nào đọc ngược sách sử từ cuối lại sẽ thiên về cho rằng con đường sai lạc của nước Đức dưới thời Hitler là số phận riêng biệt của một dân tộc. Nhưng nước Anh và nước Mỹ cũng có những trang u ám tương tự như vậy. Ở đó cũng có những kẻ mị dân không từ bất kể thứ gì và trong giai đoạn trì trệ trầm trọng cũng đã vui mừng vì có vố số người tìm đến. Nếu như những nước này bản thân chúng sau một cuộc chiến thất bại cũng phải hai mươi năm trời nếm mùi tủi nhục, loạn lạc, kinh tế suy thoái có lẽ chính chúng cuối cùng rất có thể cũng không còn được những người như Roosevelt hoặc Churchill lãnh đạo mà biết đâu lại bị hạ gục bởi một kẻ kích động cỡ như Huey Long hoặc Oswald Mosley.
Thế chiến thứ nhất đã vạch một đường kết thúc chế độ quân chủ ở nhiều nước châu Âu, đồng thời nó cũng gây nên cảnh tàn phá khốc liệt đến nỗi sau này cả lục địa đã trở thành lò ấp của chủ nghĩa phát xít và những kẻ chuyên quyền. Trong những năm 30 Chủ nghĩa tự do bị lấn át đồng thời từ cả hai phía hữu và tả; các đối thủ cộng sản và phát xít của nó đã học được cách sử dụng nền dân chủ để tấn công lại nó. Chỉ cho đến sau một cuộc chiến nữa giữa các dân tộc cuối cùng những kẻ mị dân mới bị vô hiệu hóa hoàn toàn. Nhờ sự giúp đỡ hào phóng của nước Mỹ tại châu Âu từ năm 1945 một trật tự chính trị mới đã hình thành. Năm mươi năm sau nó đã đạt được nhiều hơn những gì mà các dân tộc của nó từng mơ ước. Sự chống đối nền dân chủ tự do từ phía cánh hữu vốn dĩ có nguồn gốc phong kiến sau trở thành phát xít đã hầu như đã bị đẩy lui hoàn toàn cùng với sự kết thúc của cuộc chiến; chỉ còn một trường hợp ngoại lệ đó là vùng bán đảo Iberia. Song cả nhà độc tài Tây Ban Nha Franco lẫn kẻ đồng nhiệm với ông ta là Antonio Salazar ở Bồ Đào Nha đều không tỏ ra cho thấy có tham vọng xuất khẩu hình thức cai trị của mình. Nếu như nền dân chủ sau 1945 bị đe dọa, thì phần lớn đều bởi các đảng cộng sản trung thành với Moscou. Tuy vậy liên minh phương Tây cũng đã thành công ngay cả trong việc xua tan cái bóng ma kinh khủng đó. Những gì tiếp theo sau đó hiếm khi được phản ánh, mặc dù thực ra nó rất ngoạn mục: Cũng vẫn mảnh đất Tây Âu này, nơi mà Chủ nghĩa tự do đã phải vật lộn với các hệ tư tưởng cánh tả và cánh hữu hàng hai trăm năm ròng, đã chuyển hóa cứ như là một điều dĩ nhiên thành một nền chính trị ôn hòa, trung thành với hiến pháp. Mark Lilla thuộc đại học Chigago trong mối liên quan với vấn đề này đã nói về “một cuộc cách mạng nhung thứ hai":
Nền hòa bình được nước Mỹ giám sát, sự giàu có làm nên được trong ba thập kỷ phát triển chưa từng thấy, và sự hoàn thiện của nhà nước phúc lợi là cái giá các đảng phái cánh Tả phải trả bằng việc mất đi sự ủng hộ truyền thống từ phía giai cấp công nhân. […] Ở tất cả các nước Tây Âu quyền lực nhà nước ngày nay gắn liền với một bản hiến pháp, có các tòa án độc lập, có các đảng phái cạnh tranh với nhau, phổ thông đầu phiếu, một chỉ huy tối cao thuộc về dân sự đối với lực lượng an ninh và quốc phòng, tự do hội họp, tự do tín ngưỡng, một tầng lớp trung lưu rộng khắp cũng như một nền kinh tế hướng tới nhu cầu. Cho dù các đảng phái mới tầm cỡ địa phương và quốc gia tập hợp nhau lại, cho dù thỉnh thoảng cũng xảy ra những xung đột có nguồn gốc sắc tộc và các cuộc luận chiến về vấn đề nhập cư thì đến nay chưa hề có một nơi nào ở châu Âu tính chính đáng của một chính phủ tự do bị cáo buộc với cách thức tương tự như đã từng xảy ra vào những năm hai mươi.
Trong những năm bảy mươi Hy Lạp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha là những nước Tây Âu cuối cùng bước lên sân khấu tham gia vào màn kịch dân chủ tự do của lục địa. Hồi kết thúc của màn kịch này đã gióng lên tiếng chuông báo hiệu những đổi thay vào năm 1989. Về mặt lịch sử họ gắn liền với Phương Tây, nhiều dân tộc Đông Âu năm 1945 không may đã được Hồng Quân “giải phóng“ và bị kìm kẹp trong vòng ảnh hưởng của nhà nước Xô Viết. Tương tự như nước Mỹ, ở Đông Âu cũng có những lực lượng xã hội nỗ lực tham gia chống lại quyền lực ngoại bang, đã đóng góp vào công cuộc tự do hóa cho chính cộng đồng của mình-đó là Nhà thờ và Công đoàn ở Ba Lan, xã hội dân sự ở Tiệp Khắc, một tầng lớp ưu tú quyết chí cải cách ở Hungary, một tầng lớp trung lưu số lượng nhỏ trong cả ba nước. Sau khi tự giải phóng khỏi nanh vuốt của Liên Xô họ đã nhanh chóng xây dựng các cơ cấu dân chủ tự do, cho đến nay những cơ cấu này đã thể hiện một sự bền vững đáng kể. Ngay cả khi những nước cộng sản trước đây như Rumania và Bulgaria vẫn còn phải rất khó nhọc trong việc cải tạo xã hội thì châu Âu sau gần 15 năm sụp đổ của đế chế Xô Viết cũng đã gần như “bình an và tự do", như cựu tổng thống George Bush (Bush cha) đã từng mơ mộng.

Từ sự giàu có của các quốc gia

Một quốc gia không thể rũ bỏ được lịch sử của mình, nhưng chắc chắn rằng nó có thể kiến tạo được tương lai và có thể định hướng để tiến tới một nền dân chủ tự do. Không chỉ ở những nước thế giới thứ ba mà còn cả ở những nước ngưỡng thuộc châu Mỹ La tinh việc đạt tới những quan hệ dân chủ bền vững là nhiệm vụ vừa quan trọng vừa khó khăn. Những ai muốn đánh giá khả năng thắng lợi của những vùng này, phải hiểu biết lịch sử và phải nghiên cứu xem những yếu tố nào sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sự đột phá của Tự do và của Chủ nghĩa hợp hiến.
Đơn giản nhất là để cho sức chống chọi về mặt chính trị của một nền dân chủ non trẻ tự chứng minh qua thành tích kinh tế của nó, chính xác hơn là: qua thu nhập bình quân đầu người. Nhà xã hội học người Mỹ Seymour Martin Lipset năm 1959 đã diễn đạt mối quan hệ qua lại này bằng một công thức đơn giản như sau: “một đất nước càng giàu có, ở đó nền dân chủ sẽ càng nhiều khả năng đứng vững." Theo Lipset sự gia tăng năng lực kinh tế của một xã hội sẽ kéo theo sự gia tăng khả năng giữ vững trật tự dân chủ tự do của nó. Luận điểm của ông ta đã kích thích những người ủng hộ lẫn những người phản đối, tùy theo hoàn cảnh, đã lên kế hoạch thu thập số liệu rộng khắp, tiến hành những phân tích hồi quy và mổ xẻ các giả thiết. Cho dù sau 40 năm nghiên cứu vẫn tồn tại những hạn chế này nọ và những bảo lưu đối với luận điểm của Lipset, điều đó cũng không hề làm thay đổi chút nào giá trị của nó về mặt nguyên tắc.
Chắc chắn rằng cũng có nước nghèo này hoặc nước nghèo kia may mắn đạt được bước nhảy vọt tới dân chủ; song rất hiếm khi nền dân chủ đó đứng vững được (một ngoại lệ đó là Ấn độ, tôi sẽ nói về trường hợp này sau). Trong một nghiên cứu toàn diện nhất cho đến nay về vấn đề này các nhà chính trị học Prezeworski và Limongi đã tiến hành phân tích thống kê sự tiến triển về kinh tế và chính trị của tất cả các quốc gia suốt thời gian từ 1959 đến 1990. Ở đây cho thấy nền dân chủ tại các nước có thu nhập đầu người hàng năm (per-capita) ít hơn 1500USD theo giá trị tiền tệ hiện nay sẽ có được tuổi thọ trung bình gần 8 năm. Với năng suất lao động trong khoảng từ 1500 đến 3000USD, tính trung bình nó có thể tồn tại đến 18 năm. Trên 6000USD nền dân chủ có vẻ như tồn tại vĩnh viễn; xác suất cho nguy cơ thay đổi chính quyền bởi một chính thể chống dân chủ lúc này chỉ còn cỡ 1/500. 32 nhà nước dân chủ với thu nhập bình quân đầu người trên 9000USD đã có tổng cộng trên lưng mình tất cả 736 năm tồn tại và cho đến nay chúng vẫn tiếp tục tồn tại. Trong số 69 nền dân chủ có thu nhập ít hơn, chỉ còn sống sót lại 30 quốc gia-tương ứng với tỷ lệ rơi rụng là 56%.

Kết luận: Việc thiết lập một hình thức nhà nước dân chủ chắc chắn sẽ thành công, chừng nào tổng thu nhập quốc dân (BIP) tính theo đầu người ít nhất cũng phải cỡ 3000USD. Con số này sẽ vẫn còn đúng ngay cả khi vận dụng nó vào các trường hợp của quá khứ. Như ở châu Âu chẳng hạn, năm 1820, khi hầu như tất cả các nước lần đầu tiên thực hiện xong công cuộc cải cách luật bầu cử, lúc đó thu nhập quốc dân đầu người tương đương với giá trị tiền bây giờ là 1700USD, đến năm 1870 tăng dần lên 2700USD và sát đến lúc xảy ra thế chiến thứ nhất ở vào khoảng 4800USD. Cho dù người ta chỉ có thể ước lượng môt cách tương đối chính xác tổng thu nhập quốc dân trên đầu người cho những thời đại trước đây, các giá trị tính toán thu được vẫn đạt tới cận dưới của dải, theo như lập luận ban đầu sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi tới dân chủ. Hoàn toàn phù hợp với điều này, các quan hệ dân chủ tự do bền vững ở phần lớn các nước châu Âu chỉ đến tận sau năm 1945 mới hình thành, khi mà thu nhập bình quân đầu người hàng năm đạt tới 6000USD. Nếu quan sát các kết quả thắng lợi của việc dân chủ hóa trong ba mươi năm cuối, bắt đầu từ Tây Ban Nha, Hy Lạp, và Bồ Đào Nha, người ta sẽ thấy, tất cả các nước này tại thời điểm chuyển đổi đều nằm ở cận trên của dải thu nhập quốc dân theo đầu người hàng năm (BIP). Sau năm 1989 những nền dân chủ trẻ Đông Âu nào có khả năng kiện toàn nền dân chủ nhanh nhất chính là những quốc gia có thu nhập quốc dân nằm trong xu hướng tiến tới những giá trị cao nhất trong giải từ 3000 đến 6000USD: Ba Lan, Tiệp Khắc, Hungary. Ngược lại Rumania và Albania nằm ở cận dưới nên cần có một thời gian lâu hơn hẳn. Luận điểm về tác động qua lại giữa sự giàu có và nền dân chủ như vậy có lẽ không những chỉ đúng cho châu Âu mà còn được xác nhận là đúng cho cả quá khứ. Chắc chắn lịch sử của tự do không thể giải thích được đơn thuần từ một nguyên nhân; Do con số lớn các nước được khảo cứu, hơn nữa chúng nằm trải rộng trên nhiều lục đia, có văn hóa rất khác biệt và được nghiên cứu ở nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau, tuy nhiên vẫn đáng ngạc nhiên ở chỗ người ta đã đi được xa như thế nào chỉ với một hình mẫu suy luận duy nhất và đơn giản.
Việc khẳng định tính xác đáng về mặt chính trị của BIP hoàn toàn không làm giảm đi ý nghĩa đối với những thành tích đi trước mở đường của các cá nhân riêng lẻ trong cuộc đấu tranh cho dân chủ. Hoàn toàn ngược lại: không có những cái đầu dẫn đường và không có những phong trào cách mạng, xả thân vì tự do sẽ không bao giờ có sự thay đổi chính quyền. Ở đây gợi lại những cái tên như Vaclav Havel, Nelson Mandela, Lech Walesa hoặc Kim Dae Jung. Đối với các nhà phân tích điều quan tâm trước hết là các điều kiện dẫn đến thành công của những người này-ngay cả khi nếu như mối quan tâm đó không phải lúc nào cũng có được sự thông cảm. Trong trường hợp Nam Hàn một nhà bình luận đã bực bội cho rằng, không phải thu nhập bình quân đầu người đã tạo điều kiện cho nền dân chủ mà là “một ý nguyện cất thành tiếng“. Hẳn là thế. Ở Uganda, Bạch Nga và Ai Cập dĩ nhiên cũng có những con người không kém phần cương quyết và chuộng công lý nhưng mặc dù vậy họ chưa bao giờ tạo nổi việc dân chủ hóa quê hương họ. Ngay cả những thành viên tích cực của phong trào dân chủ Nam Hàn vào những năm sáu mươi, bảy mươi, và tám mươi cũng đã phải chịu nếm mùi thất bại;Kim Dae Jung, từ một người bất đồng chính kiến trở thành tổng thống, suốt gần như tất cả quãng thời gian này nằm trong nhà tù. Tại sao ông ta vào những năm 70 không đạt tới những gì và cuối cùng cũng đã thành công vào những năm chín mươi? Có phải nguyên nhân ở sự đột nhiên bừng tỉnh “ý nguyện cất thành tiếng“ của ông ta? Để tiến hành cải cách chính trị ở Đài Loan, chính trị gia có sức cuốn hút và là chủ xuất bản của tạp chí “Tự do cho Trung quốc", ông Lei Chen, vào năm 1960 đã tiến hành thành lập Đảng dân chủ Trung quốc. Lei cũng đầy nhiệt huyết giống như thành viên tích cực của phong trào đòi nhân quyền ở Đài Loan, ông Chen Schuibian, người năm 2000 đã trúng cử tổng thống. Tại sao cũng là người đấu tranh cho nhân quyền một người đạt đến thắng lợi còn người kia thì không?
Ngay cả nhà sử học cho dù thông thái nhất cũng không thể nào tiên đoán đựợc bao giờ một nước sẽ trở thành dân chủ. Quá phức tạp, quá đặc thù đó là mối tương quan của các yếu tố tác động. Tại sao Tây Ban Nha mãi đến năm 1977 mới kết nối được vào hàng ngũ dân chủ? Bởi vì nhà độc tài tự cho mình quyền cai trị suốt đời của nó đã đưa đất nước đến bên bờ vực thẳm vào năm 1975. Tại sao Hungary mãi đến năm 1989? Vì trước đấy nếu tiến hành dân chủ hóa họ sẽ bị đe dọa can thiệp bởi Hồng quân. Thế tại sao Ấn độ ngay từ năm 1947 đã đạt đến dân chủ? Bởi vì người Anh khi đó đã phải nhả ra cái phần này của đế chế thực dân của họ. Việc liệt kê có thể tiếp tục tiếp diễn. Nhưng thú vị hơn cả vẫn là, cái gì đã giúp cho một hệ thống dân chủ tiếp tục tồn tại. Một sự thay đổi chính quyền có thể có nhiều nguyên nhân rất khác nhau: Chiến tranh, khủng hoảng kinh tế, sự qua đời của nhà cầm quyền. Thế nhưng một nền dân chủ được nhân dân dựng nên từ đống đổ nát của một thể chế độc tài thì sự tồn tại lâu dài của nó phụ thuộc vào đâu? Câu trả lời mạch lạc nhất có tính lịch sử cho câu hỏi này đã và vẫn sẽ là mức độ giàu có của một dân tộc.
Tại sạo sự giàu có lại khuyến khích tự do? Chúng ta hãy nghĩ đến châu Âu. Sự tăng trưởng kinh tế đã tạo nên hai tiền đề quan trọng nhất của một quá trình tự do hóa và dân chủ hóa bền vững: Thứ nhất nó đảm bảo cho các nhóm xã hội then chốt, cụ thể là nhóm các nhà kinh doanh và các nhà tư sản, có một tầm ảnh hưởng không phụ thuộc vào quyền lực nhà nước. Thứ hai, nhà nước trong các cuộc thương lượng với các nhóm này sẽ học kiềm chế lòng tham và tính khí bất thường của mình, học tôn trọng luật chơi và nếu như không chiều theo toàn bộ ý nguyện của xã hội thì ít nhất cũng phải chiều theo nguyện vọng của tầng lớp ưu tú nào đó. Kết quả-thường không chủ ý-là sự gia tăng tự do. Như vậy sẽ chẳng có gì phải ngạc nhiên, khi sự miêu tả những biến đổi xã hội tại Đài Loan trong những năm tám mươi và chín mươi Minxin Pei đã nhắc đến quá trình chuyển đổi của Châu Âu:
Sự tăng trưởng chóng mặt đã giải phóng một lực đẩy tự do hóa với cường độ lớn đến mức bản thân chính quyền cũng không nghĩ đến . Khi nền kinh tế Đài loan bắt đầu vào guồng, các hiên tượng đặc trưng đi kèm của một xã hội tư bản cũng bắt đầu thể hiện: Tỷ lệ thoát nạn mù chữ, việc sử dụng các phương tiện truyền thông đại chúng và thu nhập bình quân đầu người tăng lên; tầng lớp thị dân phân hóa thành các thành phần công nhân, thành phần trung lưu có nghề nghiệp và các nhà kinh doanh. Thành phần cuối đã giữ được sự độc lập một cách đáng ngạc nhiên. Mặc dù nhỏ bé và tổ chức lỏng lẻo nhưng nó đã thoát khỏi ảnh hưởng của đảng Thống nhất.

Hình mẫu này, có sửa đổi đôi chút, được lặp lại khắp mọi nơi tại châu Á. Giống như ở châu Âu, ở đây tự do hóa trong kinh tế trước hết đã dẫn đến sự hình thành một xã hội dân sự, những thập kỷ tiếp theo sau đó là sự hình thành một trật tự dân chủ chưa hoàn chỉnh. Và cũng giống như chế độ chuyên quyền ở châu Âu, chế độ chuyên quyền châu Á hầu như không ý thức được về quá trình dân chủ hóa đang ngấm ngầm xảy ra. Qua việc tập trung mạnh mẽ vào tăng trưởng và hiện đại hóa, họ đã khởi động một phản ứng dây chuyền:
Ngay cả bản thân kẻ độc tài cũng mong muốn có tăng trưởng, song họ sẽ bị cuốn trôi nếu như họ cho phép điều đó xảy ra! Tăng trưởng kinh tế sẽ làm thúc đẩy sự hình thành tầng lớp trung lưu có học, một hạ tầng cơ sở đa nguyên cũng như một xã hội dân sự phân nhánh rộng khắp ngày càng khó giám sát. [… ] Có thể đến điểm đó nhà nước chuyên quyền sẽ đi đến quyết định nới lỏng tay nắm vững chắc-một sai lầm tai hại, bởi vì trong không gian được cho phép tự do như vậy sự bất mãn bấy lâu bị dồn nén sẽ bùng phát và lớn mạnh lên, thành sự đối lập công khai một khi liên kết được với nhau,
Diễn tả của nhà sử học Phillip Nord liên quan đến quá trình dân chủ hóa của nước Pháp ở giai đoạn Fin de siecle (1890 bis 1914), cũng phù hợp một cách tương tự cho các sự kiện ở châu Á một trăm năm sau đó.

May mắn thay cho những ai nghèo khó

Dĩ nhiên sự giàu có chỉ đem lại tự do cho các dân tộc bản thân họ đã tự mình làm nên sự giàu có đó. Có những quốc gia đã đạt đến sự giàu có trong vòng nửa thế kỷ mới đây mặc dù vậy họ vẫn là những quốc gia độc tài-trong số đó có Nigeria, Venezuela cũng như các vương quốc vùng Vịnh. Ở đó nguồn thu nhập từ khai thác dầu mỏ đã không tạo nên được sự tiến bộ về chính trị bởi vì các nước này về mặt kinh tế đều rất lạc hậu so với châu Âu và châu Á. Họ không trải qua những bước phát triển theo hình mẫu tư bản, đi từ xã hội nông nghiệp sang xã hội công nghiệp đến xã hội dịch vụ, mà chỉ với những lợi nhuận có được từ việc khai thác những tài nguyên có vẻ như vô tận của mình để đặt mua từ nước ngoài những thứ tượng trưng cho tính chất hiện đại-đó là những công trình xây dựng hoành tráng, những bệnh viện, biệt thự, ô tô. Người dân về cơ bản không có gì thay đổi, họ vẫn vậy như từ xưa tới nay: thô lỗ và chẳng được học hành đến nơi đến chốn. Trật tự xã hội cổ xưa vẫn tiếp tục tồn tại. Để có thể vận hành các cơ sở y tế, trường học và đài phát sóng, các cơ quan công quyền bên cạnh kiến thức họ còn phải nhập khẩu cả nhân viên chuyên ngành từ nước ngoài. Thế giới làm ăn nội địa phụ thuộc hoàn toàn vào bầu sữa nhà nước.
Một vài con số chứng minh: Mặc dù thu nhập đầu người cao nhưng chỉ có 62% người trưởng thành ở Ả rập Saudi biết đọc và viết, tính riêng nữ còn ít hơn nữa, chỉ có một nửa biết đọc biết viết; ở Kuwait, Katar và Cộng hòa Ả rập thống nhất Emirat con số này tuy nhiên cũng đã lên được tới ¾ tổng số người trưởng thành. Ngược lại, Philippin và Thái lan, những nước đóng góp phần lực lực lượng lao động không nghề nghiệp quan trọng cho các nước vùng Vịnh, cũng có tới 95% người trưởng thành biết đọc, biết viết-mặc dù chúng là những nước đứng gần như cuối bảng về mặt này ở vùng Đông Á. Nếu như sự khai sáng hay ít nhất là sự thông thạo chữ nghĩa của một dân tộc quả thực là điều kiện cần có cho dân chủ và cho việc tham gia vào quá trình quyết định, như vậy có nghĩa là các nước khai thác dầu mỏ thuộc thế giới Ả rập sau hàng chục năm dư thừa của cải vẫn còn có một số vấn đề cần phải khắc phục.
Tăng trưởng kinh tế tư bản chủ nghĩa có tác động tốt nhất đến xã hội dân chủ tự do. Với sự khẳng định, hình thức nhà nước thích hợp nhất của chủ nghĩa tư bản là nền dân chủ tư sản, Karl Marx thuộc vào một trong những người đầu tiên nhận ra mối quan hệ này (điều hoàn toàn không làm ông ta thích thú). Theo quan điểm của Marx, chủ nghĩa tư bản sản sinh ra một tầng lớp tư sản tháo vát năng động, nó nhất thiết sẽ gạt bỏ chủ nghĩa phong kiến và thay thế bằng một trật tự trong đó tài sản, các giao kèo hợp đồng, các quy định bắt buộc và các quyền lợi pháp chế khác sẽ được hưởng sự bảo vệ đặc biệt. Nếu giới tư sản thiếu đi khát vọng này, sẽ không có các cuộc cải cách xã hội. Ví dụ như ở châu Mỹ Latinh sự tăng trưởng kinh tế trong thế kỷ 20 chủ yếu do các biện pháp mang tính tư bản nhà nước khởi động, hỗ trợ. Để bảo vệ bổng lộc của mình, các quan chức địa phương liên minh với giới quân sự và tầng lớp quan liêu tạo nên một mớ nhằng nhịt, rối rắm gồm các quy định và điều khoản thuế khóa, những thứ đã đem lại cho giai cấp thống trị những khoản thu béo bở-từ tổn thất của sự phát triển kinh tế có tổ chức về chính trị và kinh tế. Giới kinh doanh trung lưu sống một cuộc đời vô vị dưới lưỡi gươm của nhà nước. Cho đến gần đây tình trạng chính trị ở châu Mỹ Latinh vẫn làm người ta liên tưởng tới tình cảnh nước Đức ở thế kỷ 19. Bởi vậy chắc chắn không phải là điều tình cờ; nếu Chi lê, nước từ bỏ trước tiên và một cách cương quyết nhất truyền thống này đã mở cửa cho kinh tế thị trường cũng như tự do buôn bán, ngày nay xét về mặt tài chính là tốt nhất và về mặt xã hội là ổn định nhất.
Tài nguyên giàu có là điều cản trở cả tiến bộ chính trị lẫn tiến bộ kinh tế. Sau khi phân tích số liệu của 97 quốc gia thuộc thế giới thứ ba trong khoảng thời gian từ 1971 đến 1989 các kinh tế gia thuộc đại học Harvard, Sachs và Warner, đã đi đến kết luận, trữ lượng tài nguyên dồi dào và thất bại chính trị kinh tế luôn đi song hành với nhau. Một đất nước càng có nhiều nguồn tài nguyên về khoáng sản, nông nghiệp và nguyên liệu thì nhịp độ phát triển kinh tế trung bình của nó càng chậm. Các nước như Ả rập Saudi và Nigeria là những thí dụ điển hình cho trường hợp này. Những vùng nghèo tài nguyên như Đông Á phát triển với nhịp độ nhanh nhất. Những vùng trữ lượng tài nguyên ở mức trung bình, trong đó có châu Âu, nhịp độ phát triển nằm ở mức đâu đó giữa hai vùng trên. Tuy nhiên cũng có một số trường hơp ngoại lệ: Chile, Malaysia và USA mặc dù có lượng tài nguyên thiên nhiên dồi dào nhưng đồng thời cũng là những nước phát triển nhanh về kinh tế và chính trị. Mặc dù vậy độ tin cậy của quy tắc đơn giản trên cũng rất đáng ngạc nhiên.
Tại sao sự giàu có không xuất phát từ nỗ lực của con người lại trở thành vấn đề? Bởi vì nó kìm hãm sự hình thành các thiết chế chính trị, chế độ luật pháp hiện đại cũng như một bộ máy hành chính có năng lực. Quan sát một cách tỉnh táo cho thấy mỗi một chính thể đều tìm cách mở rộng một cách cực đại quyền lực và phạm vi hoạt động tài chính của nó. Chính vì thế mà ở những đất nước có nguồn tài nguyên nghèo nàn nó không có cách nào khác là mở đường cho xã hội tự tiến tới sự phồn vinh và bòn rút một phần từ đó qua thuế khóa. Với cái nhìn như vậy, quả nhiên sự nghèo nàn đã đem lại may mắn cho châu Á, bởi chính vì thế mà các giới lãnh đạo chuyên chế của nó phải kiên quyết trong chính sách trật tự xã hội nhằm tăng thu nhập quốc dân và như vậy mới có cái để lấp đầy ngân khố nhà nước. Những chính thể sống bằng tài nguyên thiên nhiên, một điều quá dễ, chỉ là những kẻ được ủy thác trông coi tài sản quốc gia. Họ kiếm được tiền từ sự phong phú về khoáng sản và dầu mỏ mà không hề phải đặt ra cho mình nhiệm vụ lớn lao nào, không phải tạo ra môt khung luật pháp và thiết chế để trong đó kinh tế có thể phát triển mạnh mẽ (hãy nhìn Negeria, Venezuela, Ả rập Saudi). Ngay từ thế kỷ 13 nhà thơ người Thổ Nhĩ Kỳ Jussuf đã viết nên điều nhận biết này trong những vần thơ mộc mạc sau:
Một lãnh chúa, muốn tự khẳng định mình,
Cần phải có vô vàn kỵ sĩ, lính chiến.
Để nuôi một đội quân, rất tốn kém!
Nhiều như vậy chỉ một dân tộc giàu mới có.
Giàu có chỉ có được, nếu quyền lực chính đáng.
Song chỉ cần thiếu duy nhất điều đó,
Thì tất cả những cái khác cũng chẳng để làm gì,
Và như vậy giang sơn của lãnh chúa sẽ tiêu tan.


Từ đó đưa đến kết luận ngược lại: Nếu bộ tài chính nằm quá gần nguồn tiền, chẳng hạn, bởi vì nó thu được tiền từ việc cho sử dụng một trục đường giao thông huyết mạch (trường hợp Ai Cập) hoặc như nhiều nước châu Phi-được trợ cấp từ bên ngoài qua các khoản viện trợ phát triển, như vậy cộng đồng sẽ cứ lạc hậu mãi về mặt chính trị. Một nhà nước, khi nguồn tài chính riêng của nó càng lớn, thì nó càng có thể dễ dàng từ bỏ việc thu thuế. Song chính bản thân việc nộp thuế này lại là cơ sở để người dân đòi hỏi phải có những hành động đáp lại từ phía công quyền thể hiện ở việc kiểm toán tài chính, ở luật pháp và trật tự xã hội cho đến tự do cá nhân và quyền được tham gia quyết định. Từ sự đổi chác tiền thuế lấy quyền được cùng quyết đinh, nhà nước hiện đại có được tính chính đáng của nó. Một chính phủ chi tiêu không có sự đóng góp tài chính của công dân sẽ không phải là nhà nước mà là một quốc vương và những ai mưu lợi với nó kẻ đó là nhà cung cấp của triều đình, không phải là doanh nhân. Triều đình Ả rập Saudi hành xử với quần thần của nó theo tinh thần: “về kinh tế chúng tôi đòi hỏi ở các người ít như thế nào, thì về chính trị các người cũng phải trông chờ ở chúng tôi ít như vậy.” Đòi hỏi nổi tiếng của cách mạng Mỹ (no taxation without representation-không có sự đóng thuế mà không có đại diện của mình ở nghị viện) qua đó đã bị đảo ngược: Không phải đóng thuế, nhưng cũng không được tham gia quyết định.
Tất cả những cái đó không có nghĩa, nghèo nàn về tài nguyên là niềm hy vọng duy nhất đối với sự tiến bộ. Sự nghèo đói không làm nên dân chủ mà cũng chẳng làm nên tư bản; các thiết chế chính trị vững chắc, trình độ lãnh đạo và một chút may mắn cũng là những thứ cần có để tiến bộ. Thỉnh thoảng những nước đựợc thiên nhiên ưu đãi cũng phát triển rất phồn thịnh-hệt như những đứa trẻ con nhà giàu có không phải vì thế mà tự động trở thành những kẻ thất bại trong trường đời. Ở phần lớn các nước phương Tây việc dân chủ hóa được khởi đầu ở giai đoạn, khi đó tình hình kinh tế các nước này tốt hơn những nước khác còn lại trên thế giới. Tuy nhiên mặc dù vậy ta vẫn cần phải chú ý tới những ưu thế đặc biệt của người châu Âu: Cuộc tranh giành không hồi kết giữa nhà nước và nhà thờ, giữa Công giáo và Tin lành, giữa quý tộc và triều đình đã làm nảy sinh các thiết chế tự do và đã giới hạn được quyền lực của nhà nước. Những mâu thuẫn tương tự đã và vẫn đang có bên ngoài châu Âu; vì vậy sự không đồng nhất về mặt chính trị của Ấn độ với nhiều vùng, tôn giáo và ngôn ngữ khác biệt cho phép đảm bảo tương lai của đất nước là một nền dân chủ hơn là làm nguy hại. Ở Ba Lan một nhà thờ độc lập và vững mạnh đã có công trong việc làm nên nền dân chủ. Cuối cùng điều nhận thức còn lại là: Cho dù có những tiền đề lịch sử nhất định về chính trị, về thiết chế tạo điều kiện thuận lợi cho nền dân chủ, thì sự tăng trưởng của kinh tế tư bản vẫn là phương thức hiệu quả nhất để loại trừ chế độ phong kiến cũng như để xây dựng một nhà nước hiến định và hoạt động có hiệu quả.

Lời khen cho nhà nước


Nhiều người bênh vực thị trường tự do theo phản xạ đã đặt chủ nghĩa tư bản vào vị trí đối lập với nhà nước-đặc biệt, khi đề cập đến vấn đề mang tính bức xúc như thuế má chẳng hạn. Nhưng trái lại nếu quan sát một cách vô tư sẽ cho thấy một hình ảnh khác hơn. Quả thực ở thế kỷ 20 có nhiều nơi một bộ máy nhà nước giàu có đã bóp nghẹt nền kinh tế; tuy nhiên, từ cái nhìn lịch sử, chỉ một tập thể chính đáng, có khả năng hành động mới ban bố được luật chơi và pháp luật, những thứ tư bản phải lệ thuộc vào. Chắc một điều: không có quyền lực công bảo vệ tài sản tư, quyền con người, báo chí và người tiêu dùng, trừng phạt vi phạm hợp đồng và ngăn chặn độc quyền sẽ không có nhà nước pháp quyền mà chỉ có luật rừng. Ai muốn biết, cuộc sống thiếu sự có mặt của quyền lực nhà nước sẽ như thế nào, hãy nhìn vào châu Phi. Đích thị đó không phải là thiên đường của kinh tế thị trường.
Ở những nước phát triển thường nhà nước phải giúp sức để tạo sức bật cho tư bản. Trong việc này họ lại cũng đã học theo gương châu Âu, nơi hệ thống tư bản bắt đầu bằng việc để quyền lực trung ương tước đoạt đất canh tác của chủ nô trên diện rộng nhằm đưa vào sử dụng sao cho gần gũi với thị trường. Qua đó sự kháng cự của các đại địa chủ, là tầng lớp xã hội phản động nhất về mặt chính trị, đã bị bẻ gãy. Đồng thời hàng trăm ngàn hecta đất hoang hóa được tách khỏi hệ thống phong kiến và đưa vào kinh tế thị trường. Chủ sở hữu mới, thường là những chư hầu trước đây, họ hoặc tiếp tục canh tác trên đất đó và thu hoạch được nhiều hơn do có sự khích lệ từ quyền sở hữu đất đai, hoặc họ bán cũng như cho ai đó thuê để canh tác. Tóm lại, không có sự phân phối lại một cách ồ ạt chắc có lẽ sẽ không bao giờ có chủ nghĩa tư bản.
Việc hiện đại hóa nông nghiệp ở châu Âu đã kéo dài hàng thế kỷ. Bất kỳ nơi đâu thuộc thế giới thứ ba trong vòng năm mươi năm trở lại đây người ta có thể đấu tranh để tiến hành cải cách ruộng đất, thì ở đó đều có những kết quả tương tự: đất đai của địa chủ phong kiến bị tước đoạt và quyền sở hữu chúng được trao cho những tá điền hàng bao thế hệ nay đã sống và làm việc trên đó. Ngoài chuyện điều này phù hợp với sự công bằng, hơn thế nữa qua đó đất hoang hóa-ở trong các cộng đồng tiền công nghiệp thường là nguồn có giá trị lớn nhất-đã được đưa vào sử dụng và trở nên thành phần của thị trường. Không chỉ ở châu Á, cụ thể là Nhật bản, Đài Loan, và Nam Hàn, mà còn cả ở châu Mỹ Latinh (Costa Rica, Mexico, Chile) các biện pháp này đã đóng góp một phần quyết định váo quá trình phát triển kinh tế và chính trị.
Trong thời kỳ chiến tranh lạnh cải cách ruộng đất đã bị tầng lớp bảo thủ ở Tây Âu lên án, bởi chỉ riêng cái ý tưởng đó thôi đã thấy bay mùi chủ nghĩa Marx và hơn nữa nó lại còn được phía cánh tả ủng hộ. Trong thực tế cải cách ruộng đất đã khuyến khích chủ nghĩa tư bản và như vậy gián tiếp đến dân chủ. Chúng là bước quyết định trên con đường thoát khỏi xã hội nông nghiệp tiến vào thế giới hiện đại dân chủ-tư bản. Những nước thuộc thế giới thứ ba, ở đó việc phân chia lại đất đai thất bại (Pakistant, một phần của Trung và Nam Mỹ, Simbabwe và các nước châu Phi khác), vẫn tiếp tục bị vướng mắc trong nền kinh tế tự cung tự cấp, họ vẫn bị tầng lớp ưu tú kiểu gần như phong kiến chèn ép và có một mối quan hệ căng thẳng tương ứng đối với nền dân chủ. Ngay cả với Ấn độ đúng là: Nền dân chủ hoạt động tồi tệ nhất ở những nơi, tại đó cải cách ruộng đất bị thất bại-chẳng hạn ở các bang miền Bắc Uttar Pradesch và Bihar. Ở USA từ lâu đã tồn tại sự nhất trí rộng khắp về mối quan hệ giữa tư nhân sở hữu ruộng đất và tự do. Điều này được thể hiện rõ ràng nhất trong cái gọi là “luật nhà cửa vườn tược” (homestead act) ban hành sau cuộc chiến tranh ly khai, thừa nhận công dân có quyền đòi hỏi được chia đất mà không phải trả tiền. Hernado de Soto, người Peru, một trí thức chuyển sang hoạt động phong trào, cho rằng việc phần đông nhà nước thuộc các nước thế giới thứ ba đã không chấp thuận trao quyền sở hữu đất đai cho các công dân vô sản là cản trở chính đối với sự tiến bộ về mặt kinh tế (tôi thêm vào: và chính trị).

Làn sóng mới

Ở nơi nào trong tương lai chúng ta sẽ thấy nền dân chủ nảy nở? Quả thực khó đoán trước được địa điểm chính xác tại đó cuộc thử nghiệm dân chủ sắp tới sẽ xảy ra, bởi vì điều này phụ thuộc vào quá nhiều yếu tố. Nhưng mặc dù vậy người ta cũng được phép mạnh dạn dự đoán xem, trong những môi trường sinh thái nào cái cây đó sẽ có thể đâm rễ. Ứng cử viên có nhiều triển vọng nhất đó là Mexico, sở dĩ như vậy, vì nhìn chung nó đã đi theo con đường châu Á, mà thực chất là một thể hiện khác của con đường trên đó châu Âu đã trải qua: đi từ cải cách kinh tế tiến đến cải cách chính trị.
Kể từ ngày lập hiến vào năm 1926 nhà nước hiện đại Mexico nằm chắc trong tay của Đảng Cách mạng Hợp hiến (Partio Revolucionario Institutional, PRI), cho dù nó cho phép có một hình thức bầu cử gần hoàn thiện và một viện dân biểu. Song sau cuộc khủng hoảng vay nợ hồi đầu những năm tám mươi cuối cùng đảng độc quyền cũng đã chuyển hướng sang con đường cải cách kinh tế đầy tham vọng, mở cửa đất nước cho giao thương quốc tế và hạn chế việc can thiệp vào thị trường nội địa. Đúng như mong đợi, các cải cách thị trường đã kéo theo quá trình hiện đại hóa hệ thống luật pháp cũng như giảm bớt căng thẳng rộng khắp trong chính sách đối nội. Đường lối này đã nhận được xung lực mạnh mẽ nhất của mình từ hiệp ước tự do mậu dịch Bắc Mỹ NAFTA (north American Free Trade Agreement), với hiệp ước này việc mở cửa và chuyển hướng tư bản của Mexico đã được củng cố vững chắc. Khoảng cuối những năm chín mươi đảng PRI sau đó cũng đã bắt đầu bắt tay vào việc hiện đại hóa xã hội. Mùa hè năm 2000 nhờ có viễn kiến và lòng dũng cảm của tổng thống Ernesto Zedillo đất nước này đã tiến hành cuộc bầu cử tự do đầu tiên trong lịch sử của mình, và người thắng cử là lãnh tụ đối lập Vicente Fox.
Mexico không chỉ chuyển đổi theo những dấu chân của đông Á mà còn tiếp nhận, ít ra là ở miền Tây, cũng một nền báo chí tồi tệ tương tự. Ngoại trừ những cải cách sâu rộng về luật pháp và kinh tế đảng PRI vẫn là một đảng cứng nhắc và chuyên quyền. Mặc dù Mexico có thể chứng minh rằng mình đã liên tục tiến hành quá trình tự do hóa trong suốt hai thập kỷ liền từ những năm chín mươi, nhưng đất nước này thường xuyên vẫn bị coi là một đất nước thiếu tự do. Tại thời điểm chuyển đổi dân chủ thu nhập bình quân đầu người của Mexico nằm vào khoảng trên 9000USD, điều này theo như con số lý thuyết trình bày ở trên đã minh chứng cho một sự đổi hướng bền vững.
Nếu chúng ta tiến hành tìm kiếm những nước có năng suất lao động nằm trong khoảng từ 5000USD đến 6000USD, bắt đầu từ ngưỡng này trở đi xác xuất của một sự ổn định chính trị sẽ tăng lên, và nếu ta loại bỏ ra ngoài tất cả những nước sống chủ yếu bằng việc bóc lột tài nguyên thiên của mình lúc đó sẽ chỉ còn lại Rumania, Bạch Nga, Bulgaria, Kroatia, Malaysia, Thổ Nhĩ Kỳ, Marokko, Tunesia, và Iran. Nhiều nước trong số này đã đạt hoặc vượt ngưỡng thu nhập đầu người như đã nêu ra: Rumania (6800USD), Bạch Nga (7550USD), Bulgaria (5530USD), Kroatia (7780USD). Do chúng có thể tìm lại được những kinh nghiệm đối với các thể chế tự do trong lịch sử của mình, cho nên những ứng cử viên này-cũng giống như các nước châu Âu khác trước chúng-sẽ có nhiều khả năng tạo ra được bước nhảy tới dân chủ ngay cả khi với một thu nhập đầu người thấp. Bạch Nga, do vì nước này về kinh tế phụ thuộc đặc biệt mạnh vào Liên bang Nga cho nên đây sẽ là một trường hợp ngoại lệ, nhưng chắc chắn rằng trong một thời gian không xa nó sẽ mở cửa hướng về phương Tây một khi nhà độc quyền bầu cử Alexander Lukaschenko của nó không còn nữa.
Hai nước nửa dân chủ Malaysia và Thổ Nhĩ Kỳ có thu nhập quốc dân đầu người là 8360USD và 7030USD, con số này của chúng đã vượt xa cái giới hạn kỳ ảo kia, cho nên ở đây kết quả được dự đoán cũng sẽ rất tốt. Malaysia đi theo con đường châu Á. Nó tiến hành tự do hóa kinh tế, trong khi tự do chính trị vẫn ở trong tình trạng bị trói chặt (gần đúng theo nghĩa đen của từ này đối với cá nhân chính trị gia hàng đầu đang bị giam giữ Anwar Ibrahim), và chỉ cho phép quá trình dân chủ hóa xảy ra một cách miễn cưỡng. Về phần Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy có vẻ có nhiều triển vọng hơn, nhưng đây cũng là một trường hợp khó khăn. Cho dù rất muốn người ta cũng không thể nào coi nó là hình mẫu của dân chủ được. Người đứng đầu nhà nước qua bầu cử đã từng bị giới quân sự lật đổ ba lần rưỡi. Một nửa lần trong đó xảy ra thời kỳ năm 1998 khi quân đội hạ bệ chính phủ liên hiệp do những người hồi giáo lãnh đạo; nhà báo Cengiz Candar đánh giá sự kiện này là “cuộc đảo chính thời hậu hiện đại”. Lực lượng quân sự Thổ Nhĩ Kỳ tự coi mình là người bảo vệ tính thế tục, điều mà họ đã liên kết với các quan tòa cùng chí hướng bảo vệ một cách rất quyết liệt. Mặc dù những tầng lớp ưu tú này trên thực tế đã có đóng góp vào quá trình hiện đại hóa và ổn định của đất nước, song sự hăng hái thái quá của họ từ lâu đã trở nên lỗi thời. Đặc biệt, hiện nay ở Thổ Nhĩ Kỳ có một động lực đang tác động rộng khắp tới quá trình tự do hóa: đó là việc phấn đấu để được kết nạp vào khối Liên hiệp châu Âu; nó ép buộc đất nước này, phải ngày càng thích ứng với những chuẩn mực của Cộng đồng châu Âu. Thêm vào đó quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 10 năm 2001 đã thay đổi một lúc 43 điều khoản trong hiến pháp-và quá trình cải cách tiếp tục tiến bước. Với một tầm nhìn chiến lược rõ ràng hơn, các thành viên cộng đồng châu Âu có thể tiên đoán, rằng sự gia nhập của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ sớm tạo nên những thuận lợi to lớn cho cả hai phía, và sẽ chỉ ra cho thế giới thấy, một xã hội hồi giáo dân chủ, hiện đại có thể trông cậy vào phương Tây.
Hai ứng cử viên tiếp theo là chế độ độc tài Tunesia (6090USD) và Vương quốc Marokko (3410USD); trước hết về mặt kinh tế hai chính thể này đang dần trên đà phát triển. Tổng thống Tunesia Zine El Abidine Ben Ali đã giữ cương vị này từ gần hai thập kỷ nay, nắm chắc dân chúng trong tay và tiến hành rất ít những biện pháp để mở cửa đất nước về mặt chính trị hoặc để cải tổ hệ thống pháp luật. Mặc dù vậy Tunesia cũng rất vui mừng về sự phát triển kinh tế đầy ấn tượng và đồng đều. Thành phần trung lưu trong dân chúng dưới thời Ben Ali ước đoán đã tăng lên mười lần và hiện nay chiếm khoảng gần nửa dân số. Sự trỗi dậy về kinh tế đến một lúc nào đó sẽ dẫn đến việc luật pháp được đảm bảo nhiều hơn, dẫn đến tự do đi lại, tự do báo chí, song điều đáng tiếc là sự đột phá vẫn cứ để phải mong đợi. Tình hình Marokko cho thấy còn mờ mịt hơn. Tất cả đều không vượt ra khỏi những lời tuyên bố, hứa hẹn long trọng. Quốc vương Mohamed VI thừa hưởng từ người cha một cơ cấu cai trị giống như thời trung cổ. Liên tục lặp lại và hoàn toàn thuyết phục nhà vua trẻ tuổi này đã nhiều lần tuyên bố ủng hộ cải cách kinh tế, thực thi nhà nước pháp quyền, thực thi quyền bình đẳng và tự do cho tất cả mọi quần thần; năm năm trôi qua từ khi ông ta lên ngôi đến nay thực trạng đất nước hầu như chẳng cải thiện được bao nhiêu. Nếu so sánh với phần còn lại của thế giới Ả rập dù sao chăng nữa cả Tunesia lẫn Marokko vẫn là những xã hội mở ở mức vừa phải. Nếu như họ đạt được sự tự do hóa về chính trị và kinh tế, điều đó sẽ là một tín hiệu cho toàn thể nhân loại, rằng về cơ bản bất kỳ nền văn hóa nào, bất kỳ tôn giáo nào và bất kỳ vùng lãnh thổ nào cũng có khả năng trở nên dân chủ.

Không thể kìm hãm được

Liệu luận điểm về mối quan hệ nhân quả giữa chủ nghĩa tư bản và nền dân chủ có đứng vững được hay không, điều đó sẽ được chứng minh trong thập kỉ tới bằng sự phát triển của Trung quốc. Danh tiếng của ban lãnh đạo Trung quốc có lẽ không thể gớm giếc hơn được nữa. Một số các chính khách và các nhà truyền thông cho đến nay vẫn tiếp tục coi họ trước hết là những “tên đồ tể ở Bắc Kinh”. Tiếng xấu này chắc hẳn không có gì là quá đáng. Vụ thảm sát ở quảng trường Thiên An Môn là một hành động man rợ. Mặc dù vậy sự việc xảy ra về phía những kẻ cầm quyền ở đất nước trung tâm thế giới này có lẽ là một sự phản ứng trong lúc hốt hoảng của giới quan chức, luôn luôn phải thận trọng trong công cuộc thử nghiệm hiện đại hóa một đất nước đông dân nhất thế giới mà không được phép để lỏng dây cương. Nếu cuộc thử nghiệm thành công, cuối cùng họ sẽ là những ông chủ xây dựng đáng kính của một siêu cường công nghiệp. Nếu thất bại, có khả năng người ta sẽ ném đá hoặc lưu đày họ đi Mông Cổ.
Điều mạo hiểm của người Trung Quốc nằm ở chỗ, một mặt mở cửa thị trường, mặt khác cố gắng làm sao giữ cho đựợc tình trạng chính trị như trước đây. Kẻ nào thích đùa bằng việc thực hiện ý định sử dụng hệ thống kinh tế tư bản để nâng cao phẩm giá một nhà nước có dạng giống Phát xít, người đó qủa là nhẹ dạ. Bởi vì ở Bắc Kinh người ta thừa biết, rằng việc chuyển sang chủ nghĩa Tư bản đòi hỏi nhiều hơn là việc cải tạo nền kinh tế, cho nên họ đã đồng thời mở đường cho việc cải cách hành chính và cải cách luật pháp. Cuộc tranh luận về con đường tối ưu đi đến tự do hóa được cho là cởi mở và không giáo điều một cách đáng ngạc nhiên đối với hoàn cảnh Trung quốc. Một số làng còn tiến hành cả bầu cử tự do. Lần đầu tiên các doanh nhân được phép gia nhập đảng Cộng sản. Cho dù vậy, chính trị, như trước đây, vẫn tiếp tục phải chịu sự kiểm soát ngặt ngèo; mọi hành động đối lập đều bị đàn áp một cách quyết liệt. Theo quan điểm của tầng lớp lãnh đạo phía trên, một sự dân chủ hóa quá sớm ở một nước đông dân, nghèo đói và nhiều thành phần như Trung quốc nhất định sẽ dẫn đến loạn lạc. Ngoài ra những lý do ít quên mình hơn cũng đóng một vai trò trong đó: Đảng Cộng sản sẽ mất đi sự độc quyền.
Thắng lợi của đường lối cải cách ở Trung Quốc quả là ấn tượng. Trong giai đoạn 1980 đến 2000 thu nhập trung bình đã tăng gần gấp ba từ 1394USD lên đến 3976USD. Xấp xỉ 170 triệu người Trung Quốc đã vượt ra khỏi giới hạn nghèo đói. Lượng xuất khẩu từ vùng công nghiệp ven biển tăng vọt. Lấy ví dụ, nếu như năm 1981 thành phố Shenzhen xuất khẩu lượng hàng trị giá 17 triệu USD, thì chỉ năm năm sau đó con số này đã tăng tới 5,9 tỷ USD; đến nay tổng số giá trị hàng hóa đã đạt đến ngưỡng 30 tỷ USD. Trong khi đầu tư nước ngoài cũng đã tăng lên mạnh mẽ, thì sự chuyển đổi ở các lĩnh vực khác tỏ ra không nhanh bằng. Cụ thể, tỷ lệ các xí nghiệp lớn của nhà nước trong sản xuất công nghiệp năm 1980 là 80% thì đến nay là 50%, một con số vẫn còn quá cao (cho dù thời gian cuối có tốc độ giảm tương đối nhanh). Quá trình cải cách ruộng đất ngược lại đang trong tình trạng bế tắc. Tuy nhiên chừng nào Trung quốc vẫn tiếp tục kiên trì con đường cải cách đã định ra, trong hai thập niên tới đất nước này sẽ vượt lên trở thành một nền kinh tế thị trường thịnh vượng hòa nhập với kinh tế thế giới. Như vậy đất nước này đang đứng trước một sự đột biến cực kỳ dữ dội. Để thỏa mãn những cam kết của mình đối với cơ quan thương mại thế giới (WTO), chính phủ Trung Quốc cần phải chăm lo cho kinh tế nội địa trở nên minh bạch, có báo cáo giải trình và có kỷ luật thị trường. Việc hội nhập của nước này vào WTO tuy xảy ra chậm chạp-nhưng với sức mạnh của một vụ động đất.
Cho dù thừa nhận tất cả những thành tựu một vài nhà quan sát coi công cuộc cải tạo nước Cộng hòa Nhân dân là bằng chứng cho việc, tự do hóa về kinh tế hoàn toàn không đưa đến một trật tự mới về chính trị. Xét cho cùng thì những người cộng sản vẫn ngoan cố bám giữ vào quyền lực. Song người ta không được phép quên, rằng Trung Quốc dù sao đi nữa vẫn là một nước thuộc thế giới thứ ba với một tầng lớp trung lưu tương đối mỏng. Bởi vì nó vẫn tiếp tục bị thống trị một cách thiếu dân chủ, cho nên cũng vì thế mà người ta không nhận ra tất cả những gì đã biến đổi trong chính trị và trong xã hội. Ở thập niên đầu tiên của cải cách kinh tế, từ 1979 đến 1989, một lực lượng chính trị đối lập đã nhanh chóng hình thành. Phong trào “Bức tường dân chủ” khởi đầu tại Bắc Kinh sau đó lan rộng ra trên hai mươi tỉnh thành; ở thời điểm đỉnh cao của nó đã phong trào đã công bố khoảng 40 bài viết chỉ trích chính phủ. Tại đại hội lần thứ 13 đảng cộng sản Trung Quốc Zhao Ziyang, thủ tướng khi ấy, vào tháng 11 đã khởi động việc chính thức hóa đối lập chính trị. Quốc hội, theo Zhao, có nhiệm vụ hàng đầu là thúc đẩy nhanh chóng quá trình cải cách. Mục tiêu của đảng là xây dựng nước Cộng hòa Nhân dân thành một nhà nước “xã hội chủ nghĩa hiện đại, phồn vinh, vững mạnh, dân chủ [!], phong phú về văn hóa.” Sự đa dạng về quyền lợi và tư tưởng phải được chú trọng, phải tạo cho con người cơ hội cũng như những diễn đàn để trao đổi tư tưởng.
Cuối những năm 80 kinh tế Trung Quốc bước vào thời kỳ tăng trưởng mạnh-cùng với nó là sự bất mãn về chính trị. Sai lầm trong hoạt động kinh tế và tham những đã đẩy bật nền kinh tế ra khỏi tiến trình của nó. Chỉ riêng năm 1988 lạm phát bùng phát từ 8% lên đến 18%. Sự chỉ trích chính phủ ngày càng quyết liệt và đã lan rộng ra một phần đáng kể trong công chúng. Ngay cả các doanh nghiệp tư cũng tham gia phản đối. Việc truất chức lãnh tụ đảng có xu hướng tự do và trên thực tế là lãnh tụ phái đối lập Hu Jaobang vào tháng 4 năm 1989 đánh dấu sự khởi đầu của một chuỗi những cuộc tuần hành, biểu tình ngồi, tất cả hai tháng sau đó đã bị chấm dứt bằng một cuộc tắm máu: Quân đội xông vào quảng trường Thiên An Môn, sử dụng xe tăng, đạn thật, và hơi cay tấn công những người biểu tình. Những khoảng không tự do được Hu và Zhao thiết lập đã bị dẹp bỏ, bản thân Zhao cũng bị sa vào vòng lao lý.
Sau một giai đoạn khó khăn cải cách kinh tế lại tiếp diễn. Năm 1990 Shanghai được phép lập thị trường chứng khoán, Shenzhen vào năm kế theo. Hệ số chuyển đổi của đồng Yuan ngày càng dễ bị tác động dưới sức ép của các trung tâm giao dịch thương mại quốc tế. Việc tiếp tục nới lỏng các quy định về đầu tư nước ngoài làm cho dòng chảy tư bản vào Trung quốc ngày một dồi dào. Trong chuyến viếng thăm đặc khu kinh tế thuộc vùng Kanton và Shenzhen năm 1992, Deng Xiaoping, người có quyền lực mạnh nhất trong nhà nước đã tuyên bố tán thành chính sách thị trường. Kể từ đó hầu như lặng hẳn mọi tiếng phản đối. Nước Cộng hòa Nhân dân liên tục hạn chế tác động của quyền lực công vào các vấn đề kinh tế, từng bước hội nhập vào thị trường thế giới, thích nghi với quy định và luật chơi của nó. Về chính trị giai đoạn này ít có chuyển biến hơn, mặc dù giới lãnh đạo Trung Quốc tỏ ra cổ vũ các nhà kinh doanh mới một cách có chủ ý và che chở họ dưới đôi cánh của mình; ngay cả những hiệp ước quốc tế về các quyền xã hội, văn hóa, và chính trị nó cũng đều tham gia. Dĩ nhiên tất cả những kiểu chấp thuận như vậy về cơ bản vẫn chỉ trên giấy tờ. Song cũng giống như hiệp ước Hensinki đã ràng buộc Liên Xô trong trách nhiệm, các hiệp ước mà Bắc Kinh đã ký kết như vậy sẽ đặt ra những giới hạn nhất định đối với sự tùy tiện của giới quan chức trong hệ thống.
Nếu như sự phản kháng về mặt chính trị tại Trung Hoa trong những năm gần đây trở nên lắng xuống, điều đó theo quan điểm của các chuyên gia chỉ có nghĩa là cuộc kháng cự chống lại giai cấp thống trị đã bước sang những con đường mới: con đường của luật dân sự và luật hành chính. Giống như các nước châu Á khác ở đây những nỗ lực hiện đại hóa của chính phủ cũng đã làm nảy sinh những tác động phụ ngoài ý muốn. Trong khuôn khổ các thỏa thuận với WTO Trung Quốc đã tiến hành cải cách trật tự luật pháp của mình và trong đó đặc biệt đã tiến hành củng cố luật buôn bán và quyền công dân. Hậu quả là hàng loạt các vụ kiện tụng nổi lên, trong đó có rất nhiều vụ kiện hành chính. Ngày càng có nhiều người Trung Quốc đưa nhà nước ra trước luật pháp-và đã thắng. Từ con số 0 năm 1984 số lượng các vụ kiện tụng đã tăng vọt lên đến 90557 vào năm 1997. William Alford chuyên gia về luật Trung Quốc tại đại học Harvard và đồng thời là nhà quan sát hoài nghi về tiến triển chính trị ở nước Cộng hòa Nhân dân đã bình luận về các hiện tượng đi kèm xảy ra trong quá trình cải cách luật pháp:
Với các điều luật mới chính phủ không chỉ đưa vào các từ vựng luật pháp, đạo đức và chính trị, qua đó giúp cho những nhà phê bình có thể diễn đạt một cách rõ ràng hơn, mà còn đồng thời cung cấp luôn cho họ một bục diễn thuyết tại đó họ có thể trình bày tất cả những bức xúc có tác động lớn đến công chúng của mình. Vốn được gò nắn từ những tính toán đậm màu sắc chính trị, việc công cụ hóa luật pháp mang tính hình thức đã được phía đối lập lạm dụng vào việc đấu tranh cho quyền lợi của mình.
Nhận định này cũng đã được nhà chỉ trích chính quyền nổi tiếng Xu Wenli thừa nhận, khi ông ta khuyên những người bạn chiến đấu của mình trong tương lai nên hoạt động “công khai và phù hợp với luật pháp”.
Tình cảnh của các nhà bất đồng chính kiến có thể đưa nhầm đến sự thừa nhận , nhiều dân chủ có nghĩa là tự động có nhiều tự do. Ở đây hiện nay có vẻ như thiên về trường hợp ngược lại. Trong nhiều vấn đề chính trị nhà cầm quyền đã tỏ ra thông thoáng hơn là người dân. Sau khi lực lượng không quân bắt giữ một máy bay do thám của Mỹ vào tháng 3.2001, ở Mỹ người ta phẫn nộ về phong cách đàm phán được cho là cứng rắn của Bắc Kinh. Ngược lại trong khi đó ở Trung Quốc dân chúng cho rằng chính phủ đã nhân nhượng phía Mỹ quá nhiều. Trong hàng loạt các vấn đề từ trật tự công cho đến lập trường đối với Đài Loan, Nhật và Mỹ cho thấy dường như người dân Trung quốc có vẻ bầy đoàn hơn, dân tộc hơn, hung hãn hơn và ít bao dung hơn là tầng lớp lãnh đạo của đảng.
Việc hiểu thấu được ý nghĩ thực sự của người Trung Quốc dĩ nhiên không hề là điều đơn giản; cuối cùng người ta vẫn cứ phải dựa vào những thăm dò thỉnh thoảng được cho phép. Dĩ nhiên điều nổi bật là tất cả những nguồn này đều chỉ cùng về một hướng. Có lẽ Trung Quốc đi theo một khuôn mẫu lịch sử; Đức, Áo-Hung và các nước đi theo sau họ của thời hiện đại cũng vậy, vào buổi giao thời giữa thế kỷ 19 và 20 chúng đều bị nêm chặt giữa một bên là chính phủ ngại tự do hóa và một bên là những phong trào quần chúng mang tính trấn áp, cộng sản, phát xít và dân tộc cực đoan. Giới lãnh đạo Trung Quốc vì vậy có lẽ đã được cố vấn chu đáo, không những không đàn áp phe đối lập mà còn không trì trệ trong việc giải tỏa căng thẳng về mặt chính trị. Chỉ có với các cải cách về luật pháp, xã hội và hành chính mới giúp cho chính phủ làm chủ được tình hình nội chính phức tạp. Điều này phải đươc thực hiện với con mắt bao quát và với những bước đi rõ ràng.
Giống như tất cả những kẻ chuyên quyền có ý nguyện cải cách giới quan chức trong đảng tin tưởng vào biện pháp cân bằng này, họ tin vẫn có thể tiếp tục kiểm soát được hệ thống chính trị mặc cho quá trình tự do hóa thị trường. Tấm gương của họ là nguyên thủ tướng Li Kwan Ju của Singapore, người đã thỏa mãn niềm mơ ước của tất cả những người đàn ông mạnh mẽ, bằng cách ông ta đã hiện đại hóa đất nước của mình về kinh tế và xã hội ngoại trừ chính trị. Những kẻ thống trị độc quyền khi tiến hành tự do hóa một phần luôn luôn lặp đi lặp lại, rằng có thể đạt đến hiện đại mà không cần phải dân chủ hóa. Song, đó là một sự nhầm lẫn.
Hấu như tất cả những quốc gia có tổng thu nhập bình quân đầu người lớn hơn 10000USD đều được cai trị một cách dân chủ. Chỉ có Singapore (26000USD) và các nước xuất khẩu dầu mỏ ở vùng Vịnh đi ngược lại xu hướng này. Quốc gia đô thị nhỏ xíu này so với các nước láng giềng của nó có được sự giàu có nhờ vào tài lãnh đạo khéo léo của giới nắm quyền chính trị. Vị trí đặc biệt của nó, một hòn đảo phồn vinh không dân chủ, chắc chắn sẽ không tồn tại mãi mãi. Ngày nay Singapore cũng đã cho thấy có những đường nét chủ yếu của chủ nghĩa hợp hiến: nền kinh tế thị trường được nêu cao, bảo vệ những quyền cơ bản như tự do tín ngưỡng, và tự do đi lại, thể hiện sự cởi mở với thế giới bên ngoài. Ngay cả những cấm đoán kỳ quặc đối với một vài tờ báo ngoại quốc chẳng bao lâu nữa cũng sẽ thuộc về quá khứ, đặc biệt là việc kết nối internet không hề có bất kỳ một sự giới hạn nào. Người dân Singapore là những người có học, hòa đồng với thế giới và luôn nắm bắt một cách nhanh chóng mọi sự kiện xảy ra bên ngoài biên giới. Diễn đàn kinh tế thế giới và các ủy ban độc lập khác luôn đều đặn đánh giá hòn đảo này nhìn chung là một trong những địa điểm buôn bán và cũng là đất nước công nghiệp tự do nhất, xác nhận nó có một hệ thống hành chính công trong sạch. Mặc dù vậy ở đây vẫn còn tồn tại kiểm duyệt báo chí, phe đối lập chẳng có gì để nói và không hề có bầu cử tự do. Tuy nhiên những ai thỉnh thoảng ghé qua Singapore cũng sẽ nhận thấy những dấu hiệu của sự đổi thay. Thế hệ trẻ không còn cảm thấy đương nhiên phải hài lòng với hệ thống chính trị cứng nhắc, thế hệ già dù sao cũng đã thừa nhận, một sự mở cửa là điều không thể nào tránh khỏi. Nếu những người kế nhiệm Li trong mười lăm năm tới thành công trong việc dân chủ hóa quốc gia đô thị này theo những điều kiện của họ, thì họ có thể cứu vãn được quyền lực và sự hậu thuẫn của xã hội. Nếu không tình thế đến một lúc nào đó sẽ đột ngột thay đổi và sẽ quét băng đi cái đội ngũ già nua. Như vậy kiểu gì đi nữa ta cũng có thể tin rằng trong vòng một thế hệ đảo quốc này sẽ hoàn tất bước chuyển tiếp đến dân chủ tự do.
Ở châu Âu những kẻ chuyên quyền thử tiến hành một công cuộc tự do hóa thường đón nhận một một kết cục tai họa. Nhiều kẻ đã bị tống cổ ra khỏi vị trí quyền lực, thậm chí có kẻ còn bị hành quyết, sau khi họ thua trận trong một cuộc chiến tranh hoặc đã đưa đất nước vào trình trạng bi thảm. Hiệu ứng phụ không mong muốn của những khủng hoảng và tranh chấp kiểu như vậy-sự ra đi của chính thể cũ-là điều tốt duy nhất đi theo với nó, chẳng hạn: Chiến tranh thế giới thứ nhất đã hạ bệ các nền quân chủ châu Âu, chiến tranh thế giới thứ hai loại trừ được chủ nghĩa phát xít. Ở châu Á quá trình xảy ra ít kinh khủng hơn; ở đó khủng hoảng kinh tế là nguyên nhân, thay vì như châu Âu cần thiết phải có những trận giao tranh. Ví dụ như suy thoái kinh tế giữa những năm tám mươi đã giáng một đòn vào chính thể quân phiệt Nam Hàn, làm cho nó không thể nào gượng lại được nữa. Do thất bại trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 1998 tầng lớp chính trị khi ấy ở Thái lan cũng như người cầm đầu nhà nước Indonesia Suharto đã bị loại bỏ. Đảng cộng sản Trung Quốc cũng vậy, trong trường hợp nền kinh tế trựợt dốc quá nhanh, nó sẽ mất đi uy tín trong dân chúng. Những kẻ độc tài cải cách sẽ được thưởng thức điều đó, cũng giống như lời Mose trong Kinh Cựu Ước: Họ có thể lãnh đạo cuộc nổi dậy để đi đến miền đất hứa, nhưng chính bản thân họ sẽ hầu như không có hi vọng đến được nơi đấy.
Những người cộng sản Trung Quốc cần phải thỉnh thoảng giở Marx ra xem lại: Ông ta đã biết rằng: Nếu một đất nước tiến hành hiện đại hóa nền kinh tế của mình, trở nên tư bản chủ nghĩa và qua đó mang tính tư sản, tất cả những điều này cũng sẽ có tác động ngược trở lại vào hệ thống chính trị. Nếu người ta cải cách hạ tầng cơ sở, thì nhất định sẽ dẫn đến sự thay đổi trong thượng tầng kiến trúc. Không phá hỏng những ý định của những kẻ cầm quyền của mình Trung Quốc đang đứng ở ngã ba đường giữa dân chủ và rối loạn. Cuộc hành trình sẽ kết thúc ở đâu, hoàn toàn phụ thuộc vào quyết định của đảng ở Bắc Kinh. Liệu nó có đi theo những tấm gương của những kẻ chuyên quyền châu Á khác, nghĩa là nó bước đi cùng thời đại và trong sự lôi cuốn của quá trình tự do hóa kinh tế nó cũng cho phép tiến hành cải cách chính trị? Hoặc nó sẽ chiến đấu đến hơi thở cuối cùng nhằm giữ vững quyền lực? Cơ hội của một nền hòa bình và tự do ở châu Á-nếu không phải là của toàn thế giới-sẽ phụ thuộc vào quyết định này.

(XEM TIẾP PHẦN III)

No comments: