Wednesday, November 26, 2008

TẠ ƠN

Tạ Ơn
Ngô Nhân Dụng
Tuesday, November 25, 2008
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=87296&z=7
Tuần này, trong khi người Mỹ cử hành lễ Tạ Ơn khắp nước, một người ngoại quốc cũng sẽ tạ ơn Thượng Ðế với tấm lòng chân thành nhất, đó là Salim Ahmed Hamdan. Anh ta sẽ cầu nguyện Thượng Ðế với một danh hiệu khác và qua một ngôn ngữ khác với đa số người Mỹ. Vì anh ta là người Yemen, nói tiếng Á Rập và theo Hồi Giáo.

Ngày Thứ Hai, chính phủ Mỹ đã quyết định sẽ trả Salim Hamdan về Yemen vào cuối tuần này. Như vậy, chắc anh ta sẽ trải qua một lễ Tạ Ơn ở đây trước khi về xứ ngồi tù tiếp, nhưng đến Tháng Giêng năm 2009 anh sẽ mãn hạn tù, hy vọng người đàn ông 38 tuổi này sẽ được tự do về sống với vợ con.

Salim Hamdan bị bắt ở Afghanistan vào Tháng Mười Một năm 2001, sau khi quân Mỹ lật đổ chế độ Taliban và truy kích tàn quân của tổ chức al Qaeda. Lúc bị bắt trong người anh có súng và máy truyền tin. Anh được giao cho quân đội Mỹ thẩm vấn lấy tin tức, và anh đã cộng tác. Anh thú nhận là vẫn lái xe cho Osama bin Laden, thủ lãnh phong trào al Qaeda, người đã chủ mưu vụ khủng bố 11 tháng 9 năm 2001. Salim Hamdan bị đưa về giam ở căn cứ Guantanamo, nhượng địa của Mỹ trên đất Cuba cùng với hàng trăm tù nhân khác, được xếp loại là “chiến binh thù nghịch” bất hợp pháp.

Tháng Bảy năm 2004 Salim Hamdan là tù nhân đầu tiên được chính thức đưa ra Ủy Ban Quân Sự, một loại tòa án quân sự do sắc lệnh của tổng thống Mỹ thành lập năm 2001 với mục đích chống khủng bố. Anh ta được các luật sư do quân đội Mỹ cử ra biện hộ, và họ đã thành công đưa vụ xử của anh ra trước một tòa án dân sự ở vùng thủ đô Washington D.C. để xét lại. Tòa án này bác bỏ việc xét xử anh Hamdan trước tòa án quân sự vì không phù hợp với Công Ước Genève về tù binh, và không đúng luật pháp Mỹ. Chính phủ Mỹ kháng án. Năm 2005, một tòa phúc thẩm ở vùng Washington đã xóa bỏ kết luận của tòa án dưới. Các luật sư của Salim Hamdan, họ là những sĩ quan trong quân đội Mỹ, lại kiện lên tới Tối Cao Pháp Viện. Giữa năm 2006, Tối Cao Pháp Viện Mỹ đã nghị án và đồng ý với tòa án dân sự đầu tiên: Việc xét xử Salim Hamdan ở tòa án binh trong căn cứ Guantanamo không hợp pháp.

Không thể cãi lại với Tối Cao Pháp Viện, chính phủ Mỹ đã được quốc hội thông qua một đạo luật cho phép ông tổng thống thiết lập Ủy ban Quân sự để đóng vai trò xét xử những “chiến binh thù nghịch” không được coi là tù binh.

Giữa năm 2007, Salim Hamdan lại bị đưa ra tòa để xử theo đạo luật mới, nhưng các vị thẩm phán, là sĩ quan cấp tá trong lục quân và hải quân Mỹ, đã tuyên bố tòa không có thẩm quyền vì tội danh của Hamdan không đúng như đạo luật quy định. Cuối năm, một phiên tòa khác xác định lại tội danh của Hamdan. Và đến Tháng Bảy năm 2008, Salim Hamdan được đưa ra xử trước một phiên tòa quân sự với bổi thẩm đoàn.
Bồi thẩm đoàn gồm 5 người nam, một phụ nữ; có hai đại tá, ba trung tá thuộc không quân, bộ binh, và thủy quân lục chiến, do một đại úy hải quân đóng vai điều hợp. Hai bên luật sư và công tố đã thỏa thuận chọn 6 người đó, trong danh sách 13 người mà bộ quốc phòng Mỹ đề nghị. Tòa có thể kết án chung thân, và bên công tố viện xin tòa cho Hamdan ít nhất 30 năm tù về 7 tội trạng khác nhau, quan trọng nhất là âm mưu với tổ chức khủng bố al Qaeda tấn công nước Mỹ và người Mỹ.

Sau khi nghị án, bồi thẩm đoàn đã tuyên bố họ tin Salim Hamdan chỉ là một người làm công cấp thấp của Osama bin Laden, lãnh lương bằng 200 đô la một tháng; chứ anh không tích cực tham dự vào các âm mưu khủng bố của tổ chức al Qaeda. Anh chỉ bị kết tội đã “giúp đỡ quân khủng bố” và bị tuyên án 66 tháng tù. Lúc đó thì Hamdan đã bị giam được 5 năm rồi, cho nên anh chỉ phải ngồi tù thêm 5 tháng nữa, sẽ được tự do vào Tháng Giêng năm 2009, khi Tổng Thống George W. Bush cũng rời Tòa Bạch Ốc.

Khi ra tòa, Salim Hamdan đã mặc bộ quốc phục của người Yemen, bên ngoài khoác thêm áo kiểu Tây Phương. Trước khi bồi thẩm đoàn vào họp riêng, anh đã được phép nói, và anh đã ngỏ lời xin lỗi tất cả những ai đã bị hại vì những công việc anh làm; tuy nhiên anh vẫn tự coi là mình là người chỉ đi làm tài xế lấy đồng lương nuôi vợ và 2 con.

Có hàng trăm người Yemen như Hamdan tham dự vào các hoạt động của tổ chức al Qaeda ở Afghanistan. Vì gia đình Osama bin Laden vốn gốc ở Yemen, đời cha mới sang lập nghiệp ở vương quốc Á Rập Sau Ði và trở thành tỉ phú.

Sau khi bồi thẩm đoàn tuyên bố kết luận của họ, Salim Hamdan đứng lên, lại ngỏ lời xin lỗi tất cả những người đã bị hại vì các hành động khủng bố; rồi anh cảm ơn quan tòa cùng với bồi thẩm đoàn. Nhiều người trong bồi thẩm đoàn ngạc nhiên về thái độ và lời nói lễ phép của anh.

Theo luật chống khủng bố thì chính phủ Mỹ vẫn có quyền giam giữ Salim Hamdan thêm, không có giới hạn. Nhưng bây giờ, gần hai tháng trước khi mãn hạn tù, Salim Hamdan được chính phủ Mỹ trả về Yemen để thụ hình nốt thời gian còn lại. Và sau đó anh ta có được tự do hay không là do chính phủ Yemen quyết định. Nhưng ít nhất, anh ta cũng được gặp mặt vợ và các con. Lần cuối cùng anh gặp họ là năm 2001 khi anh đưa vợ con sang Pakistan tị nạn sau khi Taliban và al Qaeda thua trận.

Sau 7 năm sống trong trại giam của quân đội Mỹ, không biết Hamdan đã quen thuộc với phong tục làm Lễ Tạ Ơn hay chưa. Các luật sư của anh ta có thể chỉ cho anh phong tục này, và chắc anh không những tạ ơn Thượng Ðế mà còn phải biết ơn hệ thống tư pháp của nước Mỹ.

Nếu nước Mỹ không có một chế độ tự do dân chủ, tôn trọng nhân quyền, với các thủ tục tư pháp công minh dựa trên những nguyên tắc công lý mà nhân loại đã dựng lên từ hàng ngàn năm trước, thì số phận của Salim Hamdan sẽ không được như thế.

Salim Hamdan đã bị bắt ở mặt trận, đã tự nhận mình là đồng hương, là tài xế và người hộ vệ của Osama bin Laden, kẻ thù số một của nước Mỹ. Nhưng anh vẫn được đi qua tất cả những thủ tục pháp lý mà dân Mỹ đã thiết lập từ 200 năm nay. Chính phủ Mỹ vẫn có bổn phận cử các luật sư của quân đội lo bào chữa cho anh. Tên của anh được ghi vào một án lệ của Tối Cao Pháp Viện, trong vụ xử “Hamdan kiện Rumsfeld,” ông Rumsfeld là bộ trưởng quốc phòng Mỹ trước đây.

Cho nên Salim Hamdan có thể tạ ơn chế độ tự do dân chủ của dân tộc Mỹ. Có thể tạ ơn những người sáng lập nước Mỹ với những nguyên tắc pháp trị. Và tạ ơn tất cả những nhà tư tưởng trong nhân loại đã đặt nền móng cho một thể chế dân chủ tự do, trong đó các quyền hành pháp, lập pháp và tư pháp được phân biệt rành rẽ và giữ vị thế độc lập với nhau. Ðó là di sản trong nền văn minh chung của nhân loại, giúp loài người thoát ra khỏi lối sống man rợ trong các chế độ chuyên chế, độc tài.

Nhưng Salim Hamdan cũng có thể tự hào rằng tôn giáo của anh, Hồi Giáo, cũng đóng góp vào di sản văn minh chung đó. Trong cuốn sách mới xuất bản “Sự suy sụp và vươn lên của nhà nước Hồi Giáo” (The Fall and Rise of the Islamic State), giáo sư Noah Feldman thuộc Ðại Học Havard đã công nhận rằng trong lịch sử loài người thì luật Hồi Giáo (Shariah) là một tư tưởng cách mạng. Vì trong nhiều thế kỷ, khi ở Âu Châu người ta vẫn theo truyền thống đế quốc La Mã coi các quân vương là đứng trên pháp luật (legibus solutus) thì người theo Hồi Giáo đã chủ trương tất cả mọi người, người cai trị cũng như bị trị, đều phải tuân theo một thứ luật chung, và quy tắc này có tính chất thiêng liêng. Trong các xã hội Hồi Giáo cổ xưa, các vị ca líp chỉ thi hành luật còn việc giải thích luật thuộc quyền các học giả, một hình thức của sự phân quyền. Những người Hồi Giáo có thể sẽ làm cách mạng trong xã hội của họ để phục hồi lại các nguyên tắc cổ truyền đó, và thiết lập các chế độ tự do dân chủ cho chính họ.

Khi chứng kiến cảnh tù nhân Salim Hamdan được trả về xứ trong tuần lễ Tạ Ơn này, người Việt tị nạn ở Mỹ lại ý thức thêm nữa về điều may mắn chúng ta được sống trong một quốc gia tự do dân chủ mà hàng chục thế hệ người Mỹ đã xây dựng từ mấy trăm năm trên mảnh đất này.

Vào Tháng Chín năm 1620, một số người Anh đã lên chiếc tầu Mayflower, vượt đại dương sang đến bờ biển ở Massachussetts bây giờ. Những “thuyền nhân” này cập bến ngày 21 Tháng Mười Một, họ lập ra một thực địa (colony) mang tên Plymouth, giống như tên quê hương của họ ở bên Anh. Họ bắt đầu cuộc sống mới, ngoài tầm kiểm soát ngặt nghèo của vua quan, và guồng máy chính quyền Anh. Nhưng các di dân này thấy họ phải tổ chức cuộc sống tập thể. Trong ngày 21 tháng 11 lịch sử đó, 41 vị gia trưởng trên tầu Mayflower đã ký kết với nhau một bản “Hợp đồng Mayflower.” Ðó là nền tảng của đời sống chính trị trên mảnh đất mới mẻ, với mục đích giúp mọi người sống chung bình đẳng với nhau trong luật pháp. Có thể gọi đó là bản hiến chương của thực địa Plymouth. Cũng như bản hiến pháp sau này, người dân được quyền cử người đại biểu soạn ra bản hợp đồng đó. Chiếc tầu Mayflower năm trước ra đi với 102 thuyền nhân. Sau một năm, nhiều người đã qua đời vì thiếu ăn, vì lạnh, vì bệnh tật, nhưng cũng giống như các thuyền nhân đời sau, họ biết con cháu họ sẽ được sống tự do và no ấm. Một năm sau chỉ còn còn 50 người sống sót, họ mời 90 người “da đỏ” thuộc bộ lạc Wampanoag, giống dân Algonquin, tới dự đến dự lễ Tạ Ơn đầu tiên. Ðó là một truyền thống bây giờ còn giữ.

Chúng ta cùng bầy tỏ lòng biết ơn với những nhà khai phá đất nước này từ ba, bốn thế kỷ trước. Ước mong sẽ có ngày đồng bào chúng ta ở trong nước cũng hưởng niềm vui của cuộc sống tự do. Sẽ thấy đó là những quyền đáng đòi lấy, đáng bảo vệ cho mọi người cùng hưởng.


No comments: